Về Quê - Nhà là nơi để về

https://veque.com.vn


3 năm bỏ phố về rừng, em có mệt lắm không? 

Mệt lắm chứ, bởi đến điểm tựa gia đình là vững chắc nhất đã trở thành nỗi áp lực nhất. Thì còn gì không thể đè nặng em đây? Nhưng...

ve rung met lam khong

 

Đã không ít lần em được hỏi những câu hỏi dạng tương tự như vậy. 


Khi không ít lần bạn bè, người thân chứng kiến cảnh đứa con gái chân yếu tay mềm đang quen quần là váy lượt về quê lôi thôi lếch thếch chẳng tha việc gì? Từ trèo rừng lội suối, đến bổ củi khuân củi, đến vác phân trâu thả phân bò... Rồi những ngày dãi giữa những ngày hè 40 độ không một gợn mây. Mồ hôi như tắm chẳng còn chỗ nào để mà lau. Với những đêm gần như trắng vừa lo sao trà, vừa lo làm sao để bán được hàng đây? 

Khởi nghiệp mà, trắng tay… đến khi lục lõi khắp chỉ còn 10 ngàn trong túi mua xăng chạy lên núi rồi về mà lo lơm lớp biết đâu đang leo núi, đang ngang đường thì hết xăng… 

Sẽ có người hỏi em: “Người thân em đâu? sao không vay mượn?” Bạn bè em có không sao không nhờ trợ giúp? 

À! Người thân em thương em lắm chứ, có ai thương yêu con cái bằng Cha Mẹ trên cuộc đời này… Nhưng khi sự trở về của đứa con Bố Mẹ đã phải dùng xương máu cuộc đời nuôi ăn học, mong cho an nhàn ổn định lại lôi trở về nối nghiệp nông bần. Chẳng khác gì bát nước hất vào mặt Bố Mẹ mà đi đến đâu cũng chẳng dám ngẩng cao đầu, về nhà thấy con ngày càng đen xít, ngày càng gầy đi vì lo toan, rồi những lôi thôi bùn đất khi đồi núi trở về… Lòng Mẹ Cha đau quặn. Ôm con chẳng nổi nữa, che chở con nào còn đâu thể? Bởi con đã lớn, có chí của riêng mình đâu còn nghe lời…

Thế rồi, nhân danh tình thương mà làm khổ nhau vậy đó, 1 năm trời chẳng thể kết nối chuyện trò được một câu nào trọn vẹn, chỉ bên nhau trong lặng thinh, lạnh lẽo đến thấu tim… Chẳng cái lạnh mùa đông nào có thể thấu nổi. 

 

Thế rồi vì sao? Vì sao em bước tiếp… 


Vì gần 30 năm lang thang giữa cuộc đời, sống cuộc đời vô định, sống cuộc sống của xã hội, của ham muốn của bản thân… Em nhận ra nếu cứ như thế bao giờ em sống cuộc đời tự do? Một cuộc sống/ một công việc mà không thấy mình ở đây nó thật kinh khủng với em đến dường nào.

Em đã mất gần 1 năm stress, ngày ngày tối tối tự hỏi mình: “Tôi là ai? Tôi đến đây để làm gì? Phải chăng là để sống cuộc đời như thế này chẳng?” rồi những giọt nước mắt bất lực nghẹn ngào khi chứng kiến những mịt mù sương của Thủ Đô, những xôn xao xóm làng về những căn bệnh lạ ngày càng nhiều… với đôi ba lần ngộ độc thực phẩm của bản thân mà chết khiếp… 

Ồ! Vậy cứ bơ đi mà sống em có ổn không? có thanh thản là chính mình. Rồi mai đây cháu em đây, con em nữa… chúng sẽ như thế nào? 

Những ngày đầu trở về, như tâm điểm bàn tán của xóm làng, từ đầu xã đến cuối xã… rồi như sinh vật lạ khi đi đến đâu người ta cũng nhìn với ánh mắt đầy thách thức: “để tao xem mày làm cái trò quái gì? Gây cỏ ư? không phun thuốc không diệt sâu bệnh? không dùng kích thích… Cây lấy gì mà ăn? Có mà chết đói…?”. Ngày ấy nó như một đứa ảo tưởng, điên rồ trong mắt dân làng. 

Và điều quan trọng hơn hết, trong khi chẳng thể nói chuyện được với Cha Mẹ thì ngày nào em cũng nói chuyện với người theo 1 cách khác, em luôn tự nhủ rằng: “Bố Mẹ hãy cho con thời gian, con sẽ chứng minh điều con chọn là đúng, Bố mẹ sẽ tự hào về con, sẽ có cuộc sống bình an hạnh phúc hơn với sự lựa chọn của con”. 

Và sau tất cả, em chỉ đâm đầu vào Làm - Làm - Làm và cố gắng, cố gắng hơn mỗi ngày. Chứng kiến mỗi đêm mất ngủ của Mẹ vì nghĩ về con là tim em đau nhói, là như thứ động lực để em chẳng còn sợ hãi hay thấy vất vả gì trong hành trình này. 

Rồi em cứ đi, năm 1 rồi năm 2 rồi năm 3… Khách hàng nơi xa nhiều hơn, vườn chè tự nhiên canh tác chẳng giống ai của em cũng trở nên tốt tươi, thậm chí tốt hơn tất cả những khu vườn khác rồi dân làng bắt đầu xôn xao, họ rủ nhau đến vườn em xem, họ rủ nhau đến xưởng mới em làm để ngồi thưởng ấm trà mà họ gọi là sạch rồi gật gù khen ngon rồi lại gật gù “ừ, đúng chè chuẩn nguyên vị phải như thế này chứ?”...

Rồi họ lại rủ nhau gây cỏ, bớt diệt cỏ đi như Vân để cho đất mát, đất đỡ cằn cỗi hơn… Rồi họ rủ nhau đến nhà Vân ngỏ ý đồng hành, chuyển đổi canh tác cùng và họ nói cũng không muốn những tầng đất sâu thêm những chất độc hại nữa, mong mai sau con cháu ở nơi đây được hưởng sự trong lành… Và rồi để giờ đây Bố Mẹ em bắt đầu là sự tự hào, là sự tin tưởng ủng hộ… Là sự cảm thông và thấy con đường em đi dù cho vẫn còn nhiều gian nan. 

 

3 năm bỏ phố về rừng, em có mệt không! 


Mệt lắm chứ, bởi đến điểm tựa gia đình là vững chắc nhất đã trở thành nỗi áp lực nhất. Thì còn gì không thể đè nặng em đây? 

Nhưng rồi sao? Em vẫn bước đi… từng bước nhỏ.. dù cho là nhúc nhích thôi. Em tin vào suối nguồn trong sáng em đang nuôi dưỡng mỗi ngày với những mầm non xanh tươi, với những khu vườn An lành, để rồi gìn giữ bảo vệ Đất Mẹ xinh tươi an lành bền vững. 

Bởi em đã biết rằng, em đến từ tự nhiên và em chẳng thể tách rời với tự nhiên từ từng giọt nước mát trong, từng cơn gió lành về trong từng hơi thở của em… Nếu bầu trời này đặc nghịt khói bụi, ô nhiễm để từng hơi thở em chật trội vội vã… Thì để rồi tất cả những tiền tài, những công trình em mong trong cuộc đời này để làm gì đâu em? và em chỉ cần được trở về bên Mẹ Thiên Nhiên, người sẽ dang tay đón và che trở… 

Và cứ vậy em đi, mỗi bước chân thêm an lành, thêm vững chãi đến ngày hôm nay. 

Em chưa từng hối hận về lựa chọn và hành trình của mình. Dù rằng em đã mệt, và sẽ còn nhiều gian nan thử thách nhưng em luôn tin “Mẹ Thiên Nhiên” vốn đã đủ đầy để những đứa con quê trở về nương tựa.

>>> Xem thêm: Nông nghiệp thuận tự nhiên là gì? 

 

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Thúy Vân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây