Về Quê - Nhà là nơi để về

https://veque.com.vn


Bỏ phố về rừng: Chuyện đất đai (bài 3)

Trong hai bài viết trước đây, chị Vũ Hoàng Quỳnh Trâm đã bàn về hai vấn đề khi bỏ phố về rừng: Sự đồng thuận của gia đìnhchuyện con cái. Ở bài viết này chị chia sẻ kinh nghiệm về chuyện đất đai - một vấn đề được rất nhiều bạn đọc quan tâm.

Tất cả bài viết này trong cuốn sách xuất bản online của chị Quỳnh Trâm, nếu bạn đọc thấy hữu ích có thể hoan hỷ tùy tâm ủng hộ sách qua số tài khoản ở cuối bài viết này. Trân trọng!

bo pho ve rung phan 3
Sống ở rừng. Ảnh: Nguyen Huynh Giao

 

1. Câu chuyện "cò đất"


Thực ra tôi không thích từ “cò”, nghe có vẻ gì đó hơi… xem thường. Từ “môi giới nhà đất” nghe có vẻ tôn trọng và chuyên nghiệp hơn. Tôi nghĩ công việc nào cũng có giá trị riêng của nó, miễn sao người ta làm ăn lương thiện là được rồi.

Nhưng thực tình, vàng thau lẫn lộn. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa may mắn gặp được một “ông mai bà mối” nào mát tay cả, nếu không muốn nói là… đều rất hãm, và hãm theo các kiểu rất khác nhau.

 

a.  Kiểu thứ nhất, cũng là kiểu đơn giản nhất - Chỉ bán thứ tôi có, còn thứ khách hàng cần thì… hên xui.


Ban đầu hai vợ chồng nghĩ đơn giản, mình cứ đưa ra yêu cầu, rồi người ta sẽ dẫn mình đến những mảnh đất, phù hợp với những yêu cầu đó để xem xét. Nhưng hình như, tư duy ngành nghề của họ có vẻ hơi khác với suy nghĩ của chúng tôi một chút xíu. Dù cả hai đã 5 lần 7 lượt liệt kê hết sức chi tiết những điều kiện của mình, và cũng 5 lần 7 lượt được nghe câu: “Em có miếng đất này hợp ý anh chị lắm!” Nhưng đến khi tức tốc chạy tới nơi thì toàn là … trớt quớt.

Cũng có người “chấn chỉnh” cả khách hàng. Ví như chồng tôi bảo cần đất cạnh suối, thì có một chị dẫn đến suối cạnh miếng đất đang giới thiệu và bảo:

-    Đấy, anh thấy chưa, suối chảy ào ào luôn! Chồng tôi bèn hỏi:

-    Giờ đang mùa mưa thì suối chảy ào ào đúng rồi. Thế còn mùa khô thì sao chị?

-    Mùa khô thì suối phải cạn khô chứ anh!

-    Nhưng tôi cần mùa khô, suối vẫn có một lượng nước nhất định để cho tôi còn bơm tưới nữa.

-    Làm gì có suối nào mùa khô mà còn nước hả anh! Anh đòi hỏi quá đáng!

Bị mắng thế, kể cũng thấy mình quá đáng thật, nên thôi, không dám làm phiền chị ấy nữa.

Còn có những người rất… ngây thơ, bán đất nông nghiệp nhưng kiến thức về cây trồng thì không được mấy. Như có em dẫn chúng tôi đến một vườn bưởi. Tôi bèn hỏi:

-    Bưởi này có hạt không em? Chị không thích trồng những thứ không hạt. Câu trả lời, à không, chính xác là câu hỏi ngược lại của em khiến tôi phải đứng hình mất vài giây:

-    Ủa, bưởi mà cũng có hạt hả chị?

Kể cũng không phải lỗi của em ấy. Đó là vì trái cây không hạt và hạt lép đã trở nên quá phổ biến, khiến nhiều người bị lầm tưởng. Trái cây có hạt là thuận tự nhiên.
 
Nhưng ngày nay trái cây không hạt và hạt lép tràn lan, khiến người ta quên mất cái tự nhiên. Ví như ngày xưa ai cũng sinh 9, 10 người con, đó cũng là tự nhiên. Nhưng ngày nay, những cặp đôi bị vô sinh hiếm muộn có vẻ còn nhiều hơn số cặp đôi có nhiều con. Hạt là cơ quan sinh sản của quả, chứa đựng mầm sống mới. Tôi sợ rằng, người ăn “quả không hạt” nhiều quá, chắc cũng sẽ trở thành “người không con” mất thôi.

Rồi có lúc, mình đưa ra yêu cầu là vườn có đa dạng cây ăn trái, thì lại có anh đưa mình tới khu vườn có đúng … 1 cây ớt, còn lại là tiêu và cà phê hết. Nghĩ cũng phải, ớt, tiêu và cà phê đều là trái cây mà. Chỉ có điều trái cây này … không thể ăn nhiều được thôi. Mình là người, chứ nào phải chim chóc đâu. Chim thì ưng ăn quả ớt, ăn quả cà phê, còn mình thì ưng mấy thứ khác hơn. Nên đành phải ngậm ngùi cáo biệt anh ấy.

Ban đầu cứ nghĩ, nhờ tới ông mai bà mối cho đỡ tốn thời gian. Mà cuối cùng đi lang thang mãi, mất quá nhiều thời gian, vẫn không tìm được mảnh đất nào ưng ý, hai vợ chồng đành tự đi dò hỏi và tìm trên mạng cho lành, đỡ phải bị mắng là quá đáng, đỡ phải nghe những câu hỏi mang tính chất gây sốc, và đỡ bị hiểu lầm là chim.

 

b.    Kiểu thứ hai, kiểu này gây ra nhiều tình huống khó xử hơn, nhưng giúp mình nhìn rõ cái giá của hai từ “Miễn phí”, và ý nghĩa thực sự của “Tình thương”.


Anh em ta cùng chung chí hướng, Hãy cùng nhau lập xóm lập làng.

Vào cái thưở cách đây 5, 6 năm, bỏ phố về rừng là chuyện hiếm hoi. Chúng tôi tự thấy mình là lính mới tò te, không có một chút kinh nghiệm nào, nên lúc ấy, rất mong được sống gần với những người đi trước cùng chung chí hướng. Cộng thêm việc khi đó, chưa biết gì về Thiền, chưa hiểu được bản chất của hạnh phúc, nên cứ sợ con mình không có bạn bè sẽ buồn. Thế là cứ nghe đến ai bỏ phố về rừng, nghe đến ai homeschool, unschool cho con, là hai đứa sẽ lập tức bay đến làm quen, học hỏi. Những mong sẽ tìm được một cộng đồng những người cùng chung chí hướng, để nương tựa nhau cùng phát triển.
 
Giấc mơ về một ngôi làng đầm ấm, bình yên, với những con người yêu thiên nhiên cây cỏ, sống tỉnh thức, ôn hòa, và tiếng trẻ con ríu rít nô đùa, cứ hiện lên trong trí óc của chúng tôi. Nhưng rồi, “đời không như là mơ”, lọt xuống cái hố “cùng chung chí hướng” mấy lần, lại phải lồm cồm trèo lên. Coi như vừa lĩnh hội được một bài học đắt giá. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Càng tiếp xúc nhiều, càng sáng tỏ ra nhiều thứ. “Cùng chung chí hướng”, thật cũng có dăm bảy đường.

-     Đường thứ nhất – Biến nhược điểm thành ưu điểm:

Tôi nhớ có một thành viên của làng nọ đã giới thiệu với chúng tôi rằng: “Làng mình khí hậu rất tốt, phù hợp với cuộc sống thuận tự nhiên. Một năm 365 ngày, thì đã có đến 360 ngày nắng ấm.” Nghe thôi cũng đã thấy… ấm lắm rồi.

Nhưng về đến nhà, hai vợ chồng ngẫm lại: “Ủa, có 360 ngày nắng, vậy là chỉ có … 5 ngày mưa thôi hả. Rồi làm sao trồng cây, trồng rau? Muốn trồng thì phải gắn hệ thống tưới, nhưng mình đang muốn dùng nước mưa để tiết kiệm chi phí mà.” Thế là đành thôi: Anh rất tốt, nhưng em rất tiếc. Vì ví tiền của em bắt chia tay.

Bài học mà hai vợ chồng rút ra là: Cái gì cũng có hai mặt. Tư duy phản biện luôn rất cần thiết! Thuốc đắng bọc đường là có thật. Phải nhận ra được cái vị “đắng” của nó, và xem sức mình có chịu nổi không.

-     Đường thứ hai – Cộng đồng Homeschool – Unschool.

Đối với nhiều phụ huynh, Homeschool nghĩa là mang cả cái trường về nhà, còn Unschool nghĩa là không phải làm gì cả:

Chúng tôi đã được gặp những phụ huynh hết sức mô phạm. Các anh chị mua chương trình homeschool về cho con học, và ngồi cạnh bên kềm cặp rất sít sao. Cũng có thời khóa biểu nghiêm ngặt và học đầy đủ các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa … như trường bình thường vậy. Đúng y như câu: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo” mà ta thường nghe khi đi ngang qua các trường mẫu giáo. Đến cả việc dạy con làm việc nhà, các anh chị cũng hết sức nghiêm túc, có ngày giờ riêng để cho con “học” rửa chén, lau nhà luôn. Còn những ngày khác giờ khác thì vẫn là… ba mẹ làm hết.

Trái ngược hoàn toàn với những phụ huynh mô phạm, là những phụ huynh để cho con hoàn toàn tự do, muốn làm gì thì làm. Các bạn nhỏ được tự do tìm hiểu về bản thân thông qua việc … lướt Tiktok, chơi game, và xem idol.
 
Có phụ huynh thích cho con vận động thì cho con đi ra suối, rồi để con … tự tìm cách học bơi, và suýt chút nữa thì cậu bé chết đuối. Đến gần 2 năm sau vụ tai nạn, cậu bé vẫn còn ám ảnh đến mức đi biển chỉ dám chơi trên cát, ai bế xuống chỗ có nước là hoảng loạn khóc lớn.

Bài học mà hai vợ chồng rút ra là: Homeschool hay Unschool cũng có rất nhiều cách khác nhau, tùy theo góc nhìn và mong muốn của các bậc cha mẹ. Nhờ gặp gỡ nhiều mà chúng tôi mới được mở mang tầm mắt. Nhận thấy hai cách giáo dục nêu ở phần ví dụ bên trên, đều không phù hợp với định hướng của mình, chúng tôi đành ngậm ngùi tạm biết giấc mơ “cộng đồng homeschool, unschool”, và chọn cách tự thân vận động: làm bạn với con, cùng học, cùng chơi, cùng trưởng thành.

-     Đường thứ ba – Vì sự nghiệp trăm năm trồng người:

Lò dò đến một làng khác, biết tôi là giáo viên, chị trưởng làng liền hào hứng mời tôi cùng cộng tác, mở trường dạy tiếng Anh, tương lai có thể mở cả trường Đại học. Còn điều kiện nào tốt hơn nữa chứ: vừa có hàng xóm làm nông nghiệp sạch, lại vừa có trường sát bên nhà để đi dạy, con mình cũng có bạn chơi. Chúng tôi hào hứng gật đầu, nhờ chị tìm cho một mảnh đất gần chỗ chị để làm hàng xóm. Vì theo như chị nói, khi chị mua đất, do tự đi hỏi nên bị cò ăn mất 50 triệu/hec, giờ chúng tôi có chị giúp, nên sẽ không mất đồng nào.

Đến khi mua bán đất xong xuôi, trong một buổi trà dư tửu hậu với anh chủ đất cũ, khi anh ấy ngà ngà say, đã lỡ miệng nói ra chuyện chị trưởng làng bỏ túi hết khoảng 90 triệu/hec khi “giúp” chúng tôi mua mảnh đất này. Bữa đó, thịt heo rừng anh ấy nấu ngon lắm, mà hai vợ chồng … nuốt không trôi. Vẫn chưa dám tin, đi hỏi han thêm vài người xung quanh về giá đất, mới thấy là anh chủ đất cũ nói thật (Chắc khi say rượu người ta không biết nói dối hay sao đó, kể ra rượu bia cũng có ích lợi lắm).

Chúng tôi sợ mất 50 triệu, cuối cùng mất hết 90 triệu. Đành ngậm ngùi xem như học phí. Mà cũng phục tài mua bán đất của chị trưởng làng thật luôn. Giờ thì chị ấy đã thành một tay buôn đất chuyên nghiệp rồi. Mai mốt chắc chị sẽ trở thành hiệu trưởng của ngôi trường mang tên “Đại học Môi giới Nhà đất” quá.

Bài học mà hai vợ chồng rút ra là: ĐỪNG CÓ HAM ĐỒ MIỄN PHÍ!!! Cái câu “Để chị giúp cho, đảm bảo không mất đồng nào”, nghe mới ngọt ngào làm sao. Đúng thật là “mật ngọt chết ruồi”. Hai con ruồi này chưa chết, nhưng cũng có thể xem là … ngáp ngáp, gần cả trăm triệu chứ có ít ỏi gì. Ngẫm ra mới thấy, cái giá của “đồ miễn phí” thật sự lớn lắm.

Ngày trước, khi còn ở TP, cũng vì cái tật ham đồ miễn phí, khuyến mãi mà nhà tôi chất đầy đồ đạc, nhưng đâu có dùng hết. Đến khi chuyển nhà lên Tây Nguyên phải thuê tới 4 chiếc xe tải chở mới hết, tốn kém biết bao nhiêu. Chưa kể mất rất nhiều thời gian để đóng thùng, sắp xếp, tháo dỡ nữa. Nhưng mà lúc đó còn chưa nhận ra đâu. Sau “câu chuyện 90 triệu”, hai đứa mới chịu tỉnh ra. Đúng là “lỗi tại tôi mọi bề”.

Cho nên, khi có mấy anh chị cảm ơn tôi vì đã phát hành sách “miễn phí”, tôi phải vội vàng đính chính ngay, là sách này không phải hàng “miễn phí”, mà là tôi không tính toán chi phí với độc giả. Tức tôi để cho độc giả tự ước lượng mức phí, phù hợp với giá trị mà họ cảm thấy bản thân đã đạt được khi đọc sách. Tôi sợ hai chữ “miễn phí” lắm rồi. Nó giống như cái bẫy ngọt ngào vậy, vướng vào là u mê trong đó luôn, được thì ít, mà mất thì rất là nhiều.

Cái gì cũng có cái giá của nó hết. Nếu ngay từ đầu chúng tôi sòng phẳng đề nghị chia hoa hồng, chắc mọi việc đã khác. Còn nếu mình đề nghị rồi, mà người ta vẫn cứ khăng khăng muốn giúp mình miễn phí, thì tốt nhất là nên từ chối. Vì khi đó, thứ người ta thực sự muốn, chưa chắc mình đã mang lại được. Lúc ấy, tôi mới thấy thấm thía lời dạy của bà nội tôi ngày trước:

Thế gian chuộng của, chuộng công,
Thế gian ai chuộng nguời không bao giờ.


Không muốn bỏ công, bỏ của, mà vẫn muốn nhận được những thứ có giá trị, thì trước sau gì cũng phải nhận quả báo. Và chúng tôi đã phải nhận quả báo của mình.
 
-     Đường thứ tư: Món nợ tình cảm là món nợ khó trả nhất


Trong quá trình đi tìm đất, có không ít người đã tiếp đón chúng tôi vô cùng nồng hậu và nhiệt tình. Họ nói bản thân cũng muốn tìm cho mình những người hàng xóm cùng chung chí hướng. Tất cả đã có những buổi trò chuyện rất vui vẻ, ý hợp tâm đầu. Chúng tôi không ngại chia sẻ những suy tư, trăn trở của mình, và họ cũng chia sẻ không ít kinh nghiệm về vườn với chúng tôi. Cả hai vợ chồng cứ ngỡ như mình đã tìm được những người bạn tâm giao trên hành trình rất chông gai này. Rồi sau đó, vì một số lý do, chúng tôi lại không thể trở thành hàng xóm của nhau, và hai vợ chồng thường cảm thấy áy náy, như thể mình đang nợ họ một món nợ ân tình vậy.

Mãi cho đến sau này, khi bản thân gặp phải biến cố sinh tử, tôi mới dần nhận ra, họ thực sự không phải tâm giao của mình. Sự nhiệt tình và nồng hậu của họ hoàn toàn là do tính toán, ẩn chứa một mục đích ở phía sau, chứ không phải bởi họ thực sự thương quý mình, và muốn đồng hành cùng với mình một cách vô tự lự trên con đường này. Cái bẫy tình cảm, xem ra còn khiến cho con người ta buồn phiền nhiều hơn cả cái bẫy tiền bạc.

Bài học mà hai vợ chồng rút ra là: Có những người thực sự rất giỏi nắm bắt tâm lý của người khác. Nhưng đa phần, họ cố gắng hiểu ta, là để thao túng ta làm theo ý của họ, chứ không phải thấu hiểu, để hỗ trợ ta. Ví như một số người, khi hiểu được rằng vỏ cây là đường dẫn truyền dinh dưỡng của cây, thì thay vì cố gắng giữ gìn cho cây không bị tróc vỏ; họ lại khoanh vỏ cây (tức khoét đi một phần vỏ cây), để cây cảm thấy bị đe dọa đến sự sống, mà ra nhiều trái hơn, phục vụ cho con người. Cây đâu còn sự tự do của nó nữa.

Ở đây cũng tương tự như vậy. Người thực sự hiểu và thương quý mình, sẽ luôn tôn trọng sự tự do của mình. Yêu thương không phải là xiềng xích, càng không nên trở thành công cụ để thao túng, điều khiển người khác. Đây là một trong những nốt trầm lớn nhất trên hành trình của chúng tôi, và cũng đã cho cả hai nhận ra bài học đắt giá nhất: Thương Yêu, là Tôn trọng và Tự Do. Ai nói thương quý mình, nhưng lại luôn muốn mình phải làm theo ý họ, hoặc tôn sùng ngưỡng mộ họ (sự tôn sùng ngưỡng mộ sẽ khiến ta vô thức làm theo ý họ, mà không có một sự cân nhắc, phản biện nào), thì ấy không phải là tình thương thực sự.

Những cá nhân và cộng đồng mà chúng tôi gặp trên hành trình đi tìm đất của mình, đương nhiên không đại diện cho tất cả. Tôi biết, đâu đó ngoài kia, vẫn có những người thật sự cùng chung chí hướng với mình, nhưng có lẽ duyên gặp gỡ chưa đến. Chúng tôi cũng không cảm thấy cần phải cưỡng cầu. Sau rất nhiều lần thất vọng và vỡ mộng, cả hai nhận ra rằng:

Người mình gặp, là người mình cần phải gặp. Việc xảy ra với mình, là việc cần phải xảy ra. Đó đều là những bài học, mà mình cần phải học.

Và chúng tôi cũng đã hiểu, có lẽ sứ mệnh của gia đình mình là phải đơn độc, là phải va vấp, để còn có những bài học mà chia sẻ với mọi người. Nếu vạn sự đều tốt đẹp và suôn sẻ, thì cuốn sách này, có lẽ đã chẳng có cơ hội ra đời. Chấp nhận, và vui vẻ thực hiện sứ mệnh của mình. Đó là con đường mà chúng tôi lựa chọn. Và mọi người hãy cùng dõi theo sứ mệnh của chúng tôi trong những phần tiếp theo nhé!

 

bo pho ve rung lam sao de song
Có lẽ sứ mệnh của gia đình mình là phải đơn độc... Ảnh: Nguyen Huynh Giao

 

2.    Tiêu chí lựa chọn đất


Đây hoàn toàn không phải là những tiêu chí mà chúng tôi đã định sẵn ngay từ đầu. Ngày đó, khi quyết định bước chân trên con đường này, chúng tôi vẫn còn mù mờ và ảo tưởng về nhiều thứ lắm. Đây là những tiêu chí mà chúng tôi đã đúc kết được, sau vô số lần phải đánh đổi mồ hôi, công sức, thời gian và tiền bạc của mình. Thời gian không quay ngược lại, ngốc nghếch cũng đã ngốc nghếch rồi, thất bại cũng đã thất bại rồi, chỉ mong những kinh nghiệm mà chúng tôi đúc rút được, sẽ có thể giúp ích cho ai đó.
 

a.    Tiêu chí đầu tiên: Ngủ cho đẫy mắt!


Mọi người thường đặt ra rất là nhiều tiêu chí khi tìm mua đất: nào là vị trí, địa thế, giá tiền, giá trị cây trồng, quy hoạch lên thổ cư v.v… Sau nhiều năm bôn ba khắp chốn, chúng tôi rút ra được 1 tiêu chí vô cùng quan trọng, nên được ưu tiên hàng đầu, và cũng dễ kiểm chứng nhất, đó là lựa cái chỗ nào mà mình thấy mình … ngủ ngon nhất, để định cư lâu dài ở đó.

Tưởng không liên quan, mà kì thực là liên quan không tưởng. Vì gia đình tôi bỏ phố về rừng là để có sức khỏe tốt hơn, nên giấc ngủ là một tiêu chí cực kỳ quan trọng. Ai cũng mất từ 1⁄4 - 1⁄3 cuộc đời để ngủ cơ mà! Giấc ngủ ngon là một trong những yếu tố quan trọng nhất để có sức khỏe tốt, tinh thần sảng khoái và trí óc minh mẫn. Hai vợ chồng tôi, cứ bữa nào mất ngủ là “nhìn nhau chỉ thấy cơn điên dạt dào”, đụng chuyện gì cũng có thể gây nhau, làm cái gì cũng hư sự, nên những ngày ấy thường sẽ rủ nhau xem phim cho lành. Lắm khi vì chuyện xem phim thôi cũng có thể choảng nhau, vì anh ta thích những phim xoắn não, còn tôi lại thích phim có trai đẹp hơn.

Nói vui vậy, nhưng có thể thấy, chúng ta hay bỏ quên yếu tố quan trọng này lắm. Đương nhiên ngày nay, có không ít máy móc hỗ trợ để điều hòa không khí như máy lạnh, máy sưởi v.v… Nhưng thực tình, chúng tôi vẫn thích những thứ tự nhiên và ít tốn kém hơn. Có một lần, cả nhà kéo nhau lên một thành phố trên cao nguyên, cảnh sắc đẹp và thơ mộng vô cùng. Nhưng mà khi tối đến, cái lạnh xâm chiếm cả gian phòng, dù đã đóng hết các cửa rồi, trùm chăn kín từ đầu đến chân rồi, thiếu điều muốn ngộp thở, nhưng vẫn không tài nào chịu nổi cái lạnh ấy, nên đành phải nói lời tạm biệt. Rồi có khi, ghé xuống một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, dù đã ở trong nhà vườn cây cối um tùm, vẫn không chịu nổi cái nóng ban trưa, nằm nghỉ trưa mà người cứ nóng ran như phát sốt, hít thở thôi cũng thấy khó khăn.
 
Tôi nói ra đây, không phải để chê bai khí hậu của một nơi nào, mà hoàn toàn là câu chuyện về cơ địa. Mình phải hiểu cơ địa của mình là như thế nào, để tìm nơi thích hợp với nó. Như bạn tôi thường kể, bố của chị rất thích lên Đà Lạt. Trong khi chị mặc ba lớp áo len mà vẫn run lập cập, thì bác trai cứ áo ba lỗ - quần cộc đi dạo vô cùng thoải mái. Hay như một người chị họ của chồng tôi, ngày còn trẻ vào trong Đắk Lắk làm nông, nhưng suốt mười mấy năm ròng, chị chẳng có một đêm yên giấc, lúc nào cũng thấy bứt rứt, khó thở. Khi đến tuổi trung niên thì đổ ra bao nhiêu bệnh. May sao từ ngày con cái trưởng thành, xuống TP lập nghiệp, chị chuyển nhà về Di Linh. Có vẻ hợp khí hậu hơn nên chị ăn được, ngủ được, tự nhiên người khỏe ra, bệnh tật cũng theo đó mà thuyên giảm.

Thành thử ra, cứ đi đến đâu mà mình có thể ngủ một giấc tới sáng, không biết trời trăng mây nước là gì, thì nên ghi nhận lại, xem như một “ứng cử viên tiềm năng” cho hành trình bỏ phố về rừng của mình vậy.

 

b.    Tiêu chí thứ hai: Khả năng chấp nhận


i.    Chấp nhận rủi ro

-    Rủi ro mà tôi đề cập đến ở đây là chuyện giấy tờ. Đất đã có sổ đổ thì đương nhiên tính pháp lý sẽ chắc chắn hơn, tuy nhiên mức giá cũng cao hơn. Và cũng tùy thuộc vào mức độ đầu tư cơ sở vật chất nữa. Nếu mình muốn đầu tư nhiều cơ sở vật chất, thì đất có giấy tờ hợp lệ sẽ giúp mình thấy yên tâm hơn.
 
-    Tuy vậy, đất có giấy tờ hợp lệ thì vẫn có thể bị thu hồi để phục vụ cho các mục đích kinh tế như làm khu du lịch, khu công nghiệp, khu nông nghiệp v.v… Khu du lịch thì thường sẽ nằm ở những chỗ có view đẹp. Khu công nghiệp hay nông nghiệp thì sẽ ở những khu vực rộng có địa hình bằng phẳng. Ví như, tôi đã từng đi phiên dịch cho buổi lễ khởi công của một khu nông nghiệp công nghệ cao trên Đắk Lắk, với tổng diện tích gần 200 ha. Mang tiếng là nằm trên Tây Nguyên, nhưng toàn bộ khu vực đó là một thung lũng vô cùng bằng phẳng. Để giảm thiểu rủi ro bị thu hồi, chúng tôi ưu tiên chọn khu đất không có view đẹp (vì mình cũng không có làm du lịch), và không quá bằng phẳng.

ii.    Chấp nhận sự bất tiện và thiếu thốn cơ sở vật chất

Mọi người hay đặt ra 4 hạng mục quan trọng cần xem xét khi chọn mua đất là Điện – Đường – Trường – Trạm. Tôi sẽ lần lượt nêu ra kinh nghiệm của gia đình mình đối với từng hạng mục này như sau:
 
-    Đường: Có lần, chúng tôi tìm đến một thửa đất được giới thiệu là có giá rất rẻ. Khi đến nơi, hỏi chị chủ dẫn mình đi xem đất, thì chị “nhất dương chỉ” một phát ra tận … bên kia đồi. Lại hỏi đường vô đất ở đâu, thì chị bảo chưa có đường. Nhưng chớ có lo, năm sau là Nhà nước làm đường rồi, lúc đó giá sẽ tăng rất cao! Năm sau ư? Hai vợ chồng tôi thì thích sống ở Thì Hiện Tại hơn (Tiếng Anh gọi là Simple Present đấy ạ. Ai học tiếng Anh cũng thuộc làu cái này). Và mình mua đất để ở, chứ không phải để đầu tư, nên cũng không tha thiết lắm với chuyện tăng giá. Ý thức được mình là người, không phải chim, và càng không phải thiên thần (nếu không muốn nói là ác quỷ), chúng tôi đành tạm biệt chị, vì biết rằng chẳng có cách nào cho mình… bay vào được mảnh đất của chị cả.

-    Cũng có lần, chúng tôi đi vào một mảnh đất nằm sâu trong rừng, tươi mát, trong lành, có suối, có thác nhỏ rất là đẹp. Nhưng ngặt nỗi đường vào quá khó khăn. Cưỡi chiếc xe máy vô tới trong đó là người và xe đều như… tắm bùn. Mùa khô thì họa may có xe máy cày mới vô được, xe hơi thì bó tay, còn mùa mưa là “ở đâu ở yên”. Lúc đó chúng tôi vẫn còn công việc phải đi lại nhiều, nên đành ngậm ngùi tiếc nuối mảnh đất xinh tươi ấy.

-    Những nơi khác thì tôi không biết, nhưng trên Tây Nguyên vào mùa mưa, thì đường đất thường sẽ trơn như mỡ, gặp chỗ dốc nữa là… vui luôn. Cái này cũng tùy khả năng chấp nhận của mỗi người. Ai là “tay lái lụa” thì sẽ thấy không có vấn đề gì, xe máy cũng có thể gắn xích vào để tăng độ bám đường. Còn ai không tự tin thì sẽ gây ra không ít sự bất tiện và khó chịu. Nếu không tự tin vào tay lái của mình, mà vẫn muốn mua chỗ gần đường đất, thì có thể cân nhắc chi phí đổ bê tông hay đổ đá cho dễ đi.

-    Trường – Trạm: Vì mục đích ban đầu của chúng tôi là Unschool cho con, và dùng các phương thức chăm sóc sức khỏe thuận tự nhiên, nên “Trường – Trạm” không phải là một tiêu chí lớn cần cân nhắc. Do không có trải nghiệm, nên tôi thực sự không dám có ý kiến gì về lĩnh vực này. Ví như cách chọn trường tốt, đạt chuẩn quốc gia, trường chuyên, giáo viên giỏi cho con v.v…, thì chúng tôi hoàn toàn mù tịt. Nếu anh chị muốn tham khảo thông tin về cách tôi unschool cho con, có thể xem lại phần 2 của cuốn sách này. Còn về cách gia đình tôi chăm sóc sức khỏe theo phương pháp thuận tự nhiên, tôi sẽ trình này trong những phần sau.

-    Điện – Nước: Khi mua mảnh đất đầu tiên, chúng tôi “ảo tưởng sức mạnh” ghê gớm lắm! Lý do là vì sau rất nhiều ngày ngồi nhà xem các kênh Youtube về làm nông, chế tạo công cụ…, thấy người ta làm cái gì cũng dễ dàng nhanh chóng, chúng tôi cứ nghĩ, mọi việc sẽ rất đơn giản. Cộng thêm việc khi đi đến một số vườn để giao lưu học hỏi, thì toàn được nghe những câu chuyện thành công hết sức mỹ mãn, chẳng mấy ai chịu kể những lúc họ phải trả “học phí”, “mất tiền ngu”, nên lại càng tin rằng: Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm! Người ta làm được, thì mình cũng làm được!
 
-    Nhìn vườn người ta sao, thì ao ước vườn của mình cũng phải được như vậy. Nên cuối cùng chúng tôi rước về một mảnh đất đạt tiêu chí … 3 không: Không điện, Không nước, Không cây (thật ra là có một ít cây cao su, nhưng sản phẩm của nó mình đâu có ăn được! Nhà tôi ít ăn kẹo cao su lắm!). Chúng tôi nghĩ, đất trống vừa rẻ tiền, mà mình lại được thỏa thích bài trí, sắp xếp theo ý muốn, lợi cả đôi đường. Nhưng cuối cùng mới thấy, “lợi thì có lợi, nhưng răng không còn.”

-    Nhiệm vụ cao cả đầu tiên là … đi kéo điện. Vì chồng phải ở trên đất để đi lo liệu một số công việc giấy tờ, nên tôi kết hợp việc cá nhân để đi xuống Sài Gòn mua dây điện. Lúc đó, tôi phải lăn cuộn dây điện 3 pha dài hơn 120 m từ chỗ cửa hàng thiết bị điện, về trường mình dạy, rồi từ trường ra Bến Xe Miền Đông. Lúc gọi anh taxi chở ra bến xe, trông anh ấy rất phân vân, nửa muốn chở, nửa không. Ơn trời, cuối cùng anh ấy cũng chịu chở, chắc vì thấy tôi vật lộn với nó đến xù đầu nên người ta mới thương tình giúp cho. Thực là một hành trình vô cùng đáng nhớ. Ra đến bến xe, mọi người xung quanh cứ nhìn mình chằm chằm, chắc họ thấy tôi giống con bọ hung đang lăn phân lắm hay sao đó!
 
-    Có dây điện rồi thì đến tiết mục kéo điện. Khi đó chúng tôi mới mua đất, chưa quen biết nhiều người, nên phải tự thân vận động. Chồng tôi thuê được 2 cậu người dân tộc, tổng cộng có 3 người, cộng với anh thợ điện nữa là 4, mà kéo mãi chưa thấy tới nơi, nhiều khi trông các anh cứ như bị treo trên sợi diện dây luôn vậy. Tôi bèn nhanh trí chạy sang vườn nhà hàng xóm, lúc đó đang có một anh tình nguyện viên người Phần Lan cao gần 2m, để nhờ anh ấy giúp. Thật ra tôi đã “tia” anh ấy từ lúc mới lên làm tình nguyện viên rồi. Người đâu mà đẹp như tượng á! Kể ra tính háo sắc của tôi cũng rất có ích mà. May mắn nữa là anh ấy cũng thuận tình giúp đỡ. Ôi chao, ai mà đẹp người đẹp nết thế không biết! Với sự giúp sức của anh Tây cao to đẹp trai, việc kéo điện diễn ra suôn sẻ hơn, chỉ trong một buổi sáng là hoàn thành. Nhiệm vụ đầu tiên coi như đã hoàn tất. Phần lớn công lao, đương nhiên thuộc về tôi.

-    Tiếp theo là đến đào giếng lấy nước. Thực ra ban đầu, chúng tôi cũng không định đào giếng đâu, vì khi mua đất, chị trưởng làng thân yêu nói rằng chỗ tôi gần một thác nước lớn. Mình đứng nhìn theo hướng chị chỉ, thì đúng là thấy gần thật. Chắc hai vợ chồng tôi ngồi văn phòng, nhìn máy tính quen rồi, tầm nhìn đâm ra thiển cận, nhìn đâu cũng thấy gần. Khổ nỗi mua đất xong, khi đo đạc thử xem phải kéo đường ống dài bao nhiêu, để lấy nước từ thác về, thì mới thấy nó lên đến cả … cây số, mà lại còn đi qua rẫy của người khác. Vui người ta cho đặt ống, buồn người ta bảo dỡ đi, không có gì chắc chắn cả. Lúc ấy, chỉ ước có cầu vồng dẫn nước đi ngang trời cho mình đỡ khổ.

-    Dẫn nước từ thác về không khả thi, nên chúng tôi phải khoan giếng. Khoan ròng rã đến … 180m mới có nước, mà nước cũng không nhiều, chỉ vừa đủ để sinh hoạt, chứ tưới tiêu là bó tay. Lúc đó mới để ý, giếng bên nhà hàng xóm cũng phải khoan gần 200m mới có nước, và nước cũng rất yếu. Chúng tôi cứ ỷ y sẽ dùng được nước từ thác, nên đã không tham khảo thông tin này ngay từ đầu. Thế là lại phải tính đến phương án múc ao, lót bạt…

-    Miếng đất ban đầu tưởng rẻ, sau lại phát sinh thêm trăm thứ chi phí (chưa kể còn biết được câu chuyện 90 triệu nữa), và tốn rất nhiều thời gian để xây dựng, cải tạo. Sỏi đá chưa biến thành cơm, mà hai vợ chồng tôi thì sắp thành… cháo rồi. Để tránh chuyện từ cháo ra thành… bã, chúng tôi đành chấp nhận cắt lỗ, bán lỗ mảnh đất ấy sau khi đã đầu tư đầy đủ nhà cửa, điện 3 pha, khoan giếng, múc ao… vì thấy sức mình không kham nổi. Đợi trồng cây nữa thì chắc đến khi con mình đi lấy chồng, nó mới có trái ổi để ăn. Rút kinh nghiệm xương máu vừa trải qua, chúng tôi quyết tâm đi tìm mảnh đất mới với những tiêu chí như sau:

  • Đường đi thuận tiện

  • Có sẵn điện 3 pha, nước, nhà ở.

  • Có sẵn cây ăn trái đã thu

 
-    Nghe qua thì rất chi là hoành tráng, nhưng nhìn lại mới thấy, mình giống như chú gấu bị sập bẫy một lần, quá hoảng loạn mà thành ra lại… sập vào một cái bẫy khác, do chính mình tạo ra – Cái bẫy Tài chính: Ban đầu bị ảo tưởng sức mạnh, chấp nhận mua đất giá rẻ để cải tạo lại từ đầu. Sau khi tốn quá nhiều thời gian và chi phí mà vẫn không cải tạo nổi, thì chuyển sang mua hàng “cao cấp”, chấp nhận mức giá cao, và đi vay nợ với một niềm tin ảo tưởng khác: Có thể bán sầu riêng organic 100% để trả nợ.

-    Sau này, khi hoàn toàn đi theo con đường nông nghiệp thuận tự nhiên, để cỏ hứng sương và tấp tủ cho đất nên không cần phải tưới, chúng tôi mới thấy việc bỏ ra tiền tỉ để mua mảnh đất có đường điện 3 pha, thực là một sự lãng phí quá lớn, tạo thêm áp lực tài chính không đáng có cho cả gia đình. Cho nên theo tôi thấy, khi quyết định mua đất, mình nên xác định xem bản thân sẽ đi theo con đường nông nghiệp nào. Nếu là nông nghiệp với quy mô công nghiệp, sản xuất và kinh doanh nông sản, thì việc đầu tư cho cơ sở vật chất là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu đã muốn đi theo con đường thuận tự nhiên 100%, không áp lực phải sản xuất và kinh doanh nông sản, thì không cần phải có cơ sở vật chất quá tốn kém như vậy. Nếu nhu cầu bơm tưới không cao, thì một hệ thống điện mặt trời quy mô gia đình là đã đủ dùng rồi, càng không cần phải mua vườn có gắn sẵn hệ thống tưới.

iii.    Chấp nhận “sự cô độc”

-    “Hàng xóm tốt” cũng là một trong những tiêu chí mà mọi người quan tâm khi về vườn. Chúng tôi cũng từng vì ba chữ này mà bôn ba tìm kiếm những cộng đồng
 
cùng chung chí hướng. Sau này mới nhận ra, mình đã có rất nhiều quan điểm sai lầm về khái niệm làng xóm.

-    Văn hóa làng xóm của ông bà ta thời xưa, xuất phát từ văn hóa thị tộc, tức những gia đình sống gần nhau hầu như đều có quan hệ họ hàng với nhau. Chính từ những mối quan hệ thân thiết, và sinh trưởng trong cùng một môi trường ấy, mà người trong làng sẽ có nhiều sự tương đồng trong góc nhìn, cách ứng xử và lối sống. Từ nếp nhà ra đến lệ làng, không phải là một khoảng cách quá xa. Có những quy luật bất thành văn mà ai cũng tự hiểu và tuân theo. Những buổi vần công hay hội hè luôn rộn ràng tiếng cười. Mâu thuẫn nếu có, cũng được giải quyết khá dễ dàng trên tinh thần hợp tác. Vì thật ra, nhìn đâu cũng là bà con của mình.

-    Ngày nay, hầu hết các cộng đồng được thành lập, đều do kêu gọi những người đến từ khắp mọi miền đất nước, hầu như không có mối quan hệ họ hàng nào. Do đó, quan điểm, tư duy và lối sống thường rất khác nhau, dẫn tới nhiều mâu thuẫn có thể phát sinh, bằng mặt không bằng lòng. Hơn nữa, ngày xưa ông bà ta rất gắn bó với làng quê. Mảnh đất đối với họ không chỉ là tài sản, mà còn là linh hồn. Thế nhưng ngày nay, cứ thấy đất có giá là bán, có lời là bán, hiếm khi có chuyện gắn bó lâu dài, nên chuyện lập xóm lập làng và gìn giữ một nếp sống chung thực sự rất khó.

-    Hôm nay anh hàng xóm này làm nông nghiệp sạch, không phun xịt. Ngày mai anh bán lại cho người khác, phun xịt đủ thứ. Chẳng nhẽ lúc đó, chúng tôi lại phải chuyển đi nơi khác. Cuộc sống mà cứ bị phụ thuộc quá nhiều vào người khác như vậy, liệu có ổn không? Hôm nay anh hàng xóm này chịu vần công với mình, ít bữa sau bán đất lại cho anh khác, thì không chịu vần công. Mình đã quen có sự hỗ trợ, bây giờ làm một mình, liệu có làm nổi không? Đó là những nỗi băn khoăn mà chúng tôi đã đặt ra, và cảm thấy chuyện hàng xóm thực sự là chuyện mình không thể nào quản nổi. Vậy thì chi bằng tự quản chuyện của mình, có phải tốt hơn không.

-    Từ đó chúng tôi không còn quá chú trọng đến việc phải tìm hàng xóm cùng chung chí hướng nữa, mà tìm cách tự thu vén công việc để hạn chế phụ thuộc vào đối tượng bên ngoài. Ví dụ để hạn chế phun xịt, chúng tôi trồng cây làm hàng rào sinh học, hạn chế tối đa đốn chặt cây trong vườn để cây lọc sạch không khí cho mình, xây nhà ở nơi cách xa các đường ranh giới đất… Để không quá lệ thuộc vào chuyện vần công, chồng tôi chọn cấu trúc nhà mà anh có thể tự hoàn thành, chỉ cần sự giúp sức ban đầu của một người bạn. Chúng tôi cố gắng thu vén công việc sao cho chỉ các thành viên trong gia đình làm thôi là đủ, suy nghĩ đơn giản, luôn quan sát để cải thiện năng suất làm việc, tiết kiệm công sức, thời gian… Đến bây giờ, vẫn thấy khá ổn với “sự đơn độc” của mình.

-    Chúng tôi không còn xem chuyện tìm được hàng xóm tốt hay cộng đồng phù hợp là điều kiện tiên quyết nữa. Vì ngày nay, mọi thứ đều là biến số, có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Đơn độc hay có cộng đồng, không cái nào tốt hơn cái nào cả. Cái nào cũng có hai mặt của nó. Chúng tôi cứ tùy thuận như dòng nước vậy. Duyên đưa đến điều gì, thì vui vẻ đón nhận và điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp với điều đó, chứ không nhất thiết phải thế nọ hay thế kia.

-    Nhưng quan trọng nhất là, chúng tôi luôn cố gắng tự lập và tự chủ trong cuộc sống của mình, hạn chế lệ thuộc vào người khác, kể cả trong tư tưởng. Ví như, khi đã xác định muốn hỗ trợ ai đó, chúng tôi sẽ luôn tự hỏi mình có đang làm điều này một cách vô tư lự không, hay có động cơ nào khác. Nếu nhận thấy mình đang có động cơ hay mưu cầu gì từ việc đó, chúng tôi thường sẽ xem xét lại. Đó là sự lệ thuộc tư tưởng rồi. Học phải đi đôi với Hành. Mình học Thiền để định Tâm, không dính mắc. Mà trong đời sống hàng ngày, mình nói là muốn giúp, nhưng chỉ mong người ta phải đáp lại, hoặc được trời đất ban phước, kiểu “Cho thật nhiều sẽ Nhận lại thật nhiều”, thì thực sự không ổn. Chúng tôi hoàn toàn không muốn đi theo con đường đó. Một là sòng phẳng ngay từ đầu, Hai là thực sự vô tư. Còn miệng nói là vô tư nhưng trong lòng lại mong được trả sòng phẳng, thì cái đó không thật chút nào.

 

o rung
Chúng tôi luôn cố gắng tự lập và tự chủ trong cuộc sống của mình... Ảnh: Nguyen Huynh Giao

 

3.    Những vấn đề pháp lý


-    Nếu như hàng xóm tốt là cái ai cũng muốn có, thì các vấn đề pháp lý là cái ai cũng muốn tránh. Nhưng cái gì càng tránh càng gặp. Vẻ như hai vợ chồng tôi là những “học sinh ưu tú” hay sao đó, nên Thượng Đế thích gửi cho chúng tôi “bài khó” để làm, nhằm nâng cao “trình độ”. Sau rất nhiều lần tránh né, chúng tôi chọn cách đối đầu, xử lý vấn đề và học hỏi. Xem đó như một cơ hợi để quan sát Thân – Tâm mình, cũng như cải thiện vốn kiến thức về luật pháp.
 
-    Bây giờ, mỗi lần Tòa án Huyện gọi lên làm việc là cả nhà đều vui vẻ, xem như một chuyến đi chơi vậy, lại có thể ghé một quá nem nướng rất ngon gần đó để ăn. Khi mình nhìn mọi thứ theo hướng tích cực, thì tâm mình sẽ không mấy khi muộn phiền hay bất an. Với tôi, đồ ăn vẫn luôn là niềm vui bất tận. Tuy nhiên, nếu anh thẩm phán đẹp trai hơn một chút, thì sẽ còn vui hơn nữa.

-    Chúng tôi không chủ trương đút lót, dùng tiền để dàn xếp mọi việc, mà dành thời gian để tìm hiểu luật pháp. Kiến thức sẽ là một vũ khí vô cùng lợi hại, nếu mình biết sử dụng đúng cách. Các Bộ luật đều được công khai trên mạng, ăn thua mình có chịu dành thời gian để tìm hiểu hay không thôi. Giờ đây, chúng tôi luôn xem những buổi làm việc với Tòa án như một buổi học hỏi và trao đổi về luật pháp, nên cảm giác e sợ hay khó chịu, muốn né tránh, cũng thuyên giảm dần.

-    Sau nhiều rắc rối với chuyện đất đai, bình tâm quan sát lại, chúng tôi rút ra được kinh nghiệm như thế này – Trước khi quyết định mua đất, người mua cần làm 3 việc như sau để kiểm tra và hạn chế tranh chấp:

+ Thứ nhất là lấy bản photocopy sổ đỏ của mảnh đất ấy, đem lên Văn phòng Quản lý Đất đai của Huyện / Thành phố nơi mình mua đất, để yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai. 

+ Khi lên Văn phòng Quản lý Đất đai của Huyện để giải quyết một vụ tranh chấp, tôi mới được hướng dẫn điền vào phiếu này. Đúng ra phải làm ngay từ đầu, nhưng do không biết nên khi vấp phải tranh chấp, tôi mới làm. Ở địa phương của chúng tôi, mức phí cho việc này là vào khoảng 300.000 đồng.

+ Thứ hai, vị trí của thửa đất trên sổ và trên thực địa thường sẽ có sự sai khác, đặc biệt là với đất nông nghiệp, nên dễ gây ra tranh chấp. Nếu thực sự muốn rõ ràng ngay từ đầu, thì trước khi thanh toán đầy đủ tiền mua đất, cần phải yêu cầu chủ đất cũ thuê đơn vị xuống đo đạc, nhằm xác định chính xác vị trí các cột mốc và ranh giới đất theo thông tin trên sổ. Sau đó yêu cầu chủ đất cũ ký Biên bản Bàn giao Dấu mốc Đo đạc. Và mình sẽ giữ đó để làm bằng chứng.

+ Thứ ba, sau khi mua đất xong, ngay lập tức ký giáp ranh với các hộ xung quanh, để tránh những tranh chấp không đáng có với họ sau này. Tin người ta thề thốt, chẳng bằng tin vào chính mình.

Tất cả ba việc trên, chúng tôi đều không làm ngay từ đầu, nên đến khi có tranh chấp, mới lò dò đi tìm hiểu, giống kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” vậy. Lúc trước cũng thấy tức tối lắm, nhưng khi nhìn theo khía cạnh học hỏi thêm được những điều mới, thì cảm thấy không còn buồn bực nữa. Kể ra nhờ vậy, mới có nhiều thứ để chia sẻ với mọi người.

Lựa chọn và xử lý các vấn đề về Đất đai, là một phần rất quan trọng trên hành trình bỏ phố về rừng. Hy vọng những thông tin mà tôi cung cấp, có thể ít nhiều hỗ trợ cho các anh chị trên con đường đi tìm “miền đất hứa” của mình.

(còn tiếp)


Nếu Quý độc giả cảm thấy sách có giá trị, ứng dụng thực tiễn được cho bản thân và gia đình, xin hoan hỷ tùy tâm ủng hộ tiền sách, như một sự công nhận dành cho tâm huyết của tác giả. Xin chân thành cảm ơn Quý độc giả đã quan tâm.

Thông tin tài khoản ngân hàng

Tên tài khoản: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM Số tài khoản: 119.10.000.498.636
Ngân hàng: BIDV (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam) Chi nhánh: Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Tác giả bài viết: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây