Bỏ phố về rừng: Chuyện con cái (bài 2)

Thứ năm - 08/09/2022 20:50

Trong phần 1 bài viết Bỏ phố về rừng: Về sự đồng thuận trong gia đình chị Quỳnh Trâm đã chia sẻ kinh nghiệm vượt qua các rào cản khi lựa chọn lối sống mới này. Ở phần bài viết này là chuyện con cái - một vấn đề mà rất nhiều người thắc mắc, ưu tư. Veque xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện của chị.

học o rung
Có nên về quê sống khi có con cái ở độ tuổi đi học? Ảnh: Nhóm Bỏ phố về rừng

 

Ai là người cần phải hạnh phúc trước?


Có nhiều người nói với tôi rằng, họ muốn bỏ phố về rừng để tìm cuộc sống hạnh phúc, an yên. Nhưng nếu như thế thì con họ sẽ không có điều kiện học hành, phát triển như ở thành phố lớn. Nên họ phải hy sinh, phải đi kiếm tiền, chấp nhận sống cuộc sống không như ý để lo cho con đến nơi đến chốn, bằng bạn bằng bè. Đợi con khôn lớn trưởng thành rồi, mới về vườn để an hưởng tuổi già.

Chắc có không ít người biết về câu chuyện giữa Đức Phật và con trai của Người, La Hầu La. Sau 6 năm đi tìm con đường thoát khổ, Đức Phật đã Chứng ngộ và quay trở về hoàng cung để gặp lại người thân của mình. Sau đó, Người đã đưa La Hầu La đi theo cùng Tăng đoàn, sống cuộc đời của một khất sĩ.

Vì sao Đức Phật không để con mình ở lại hoàng cung, sống trong nhung lụa và quyền uy tột bật? Phải chăng, Người không thương con mình?

Mỗi người, sẽ có một định nghĩa khác nhau về con đường hạnh phúc, bình an cho riêng bản thân. Đức Phật đã tìm được con đường của Ngài, và Ngài muốn đưa giọt máu của mình cùng đi trên con đường ấy. Nhiều người trong chúng ta thì không.

Hầu như ai cũng có suy nghĩ: phải hy sinh hạnh phúc của bản thân vì con cái. Hầu như ai cũng tin rằng, hạnh phúc là một đích đến xa xôi lắm, ở tận phía cuối con đường. Chúng ta, và cả con trẻ, phải chấp nhận bước đi trên con đường chông gai khổ ải này, để mong có ngày đến đích. Nhưng đôi khi, lại chẳng bao giờ đến được. Bao nhiêu người có thể ra đi với một nụ cười thanh thản trên môi, vì họ đã sống một cuộc đời thực sự trọn vẹn? Đó cũng là lý do vì sao con người sợ hãi trước CÁI CHẾT: Vì họ chưa từng thực sự SỐNG.

Ai cũng cho rằng, cha mẹ phải hy sinh hạnh phúc của mình vì con trẻ, và con trẻ phải có trách nhiệm báo đáp lại điều đó, tức báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Thế nhưng khi có con, vợ chồng tôi lại bắt đầu có suy nghĩ: Con trẻ không hề cầu xin chúng ta để được ra đời. Đó hoàn toàn là quyết định của chúng ta. Vậy tại sao lại đổ lên con trẻ trách nhiệm phải làm cho chúng ta hạnh phúc?

-    Ba mẹ đi làm cực khổ để nuôi con, nên con phải ngoan, vâng lời, học giỏi cho ba mẹ vui lòng nghe không?
-    Ba mẹ phải đã phải vất vả cả đời, hy sinh biết bao nhiêu thứ vì con, nên con phải biết thương và lo cho ba mẹ nghe không?

Đối tượng không có quyền lựa chọn, phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của đối tượng có quyền được lựa chọn, có phi lý quá không?

Tôi nhớ mình đã đọc được ở đâu đó một câu như thế này: “Hãy có con khi bạn đã tràn đầy hạnh phúc. Hạnh phúc của bạn tràn đầy đến nỗi, bạn khao khát được chia sẻ niềm hạnh phúc ấy với một người. Và sinh linh bé bỏng sẽ là người mà bạn muốn được chia sẻ cùng.”

Phần lớn mọi người không nghĩ như thế. Chúng ta sinh con như một việc PHẢI LÀM, một nghĩa vụ với gia đình và xã hội. Đến tuổi thì phải lập gia đình,
 
phải sinh con, và phải sinh đủ hai đứa, hay thậm chí nhiều hơn. Những lý do điển hình cho việc sinh con có thể kể đến như:

-    giữ gìn hạnh phúc gia đình.
-    về già có người chăm lo, phụng dưỡng.
-    có người nối dõi, báo hiếu cha mẹ.
-    có người kế thừa gia nghiệp…

Nhưng tuyệt chưa từng thấy ai sinh con với lý do bên trên: Sinh con, vì đã quá hạnh phúc với cuộc đời mình.

Đức Phật không phải là ngoại lệ. Khi còn là một Thế tử, Người cũng làm theo lẽ thường, cũng lấy vợ, rồi sinh con. Nhưng khi Người nhận ra, cuộc sống nơi cung vàng điện ngọc không thể mang lại cho mình sự an lạc như mong muốn, Người đã dứt áo ra đi, quyết tâm tìm cho kì được con đường thoát khổ cho chính mình và cho cả chúng sinh.

Khi đã Chứng ngộ rồi, đã tìm được con đường thoát khổ rồi, Ngài mới đưa La Hầu La theo cùng trên con đường an yên ấy.

Vậy thì: Ai là người có được hạnh phúc trước, Đức Phật hay La Hầu La? Là Đức Phật!

Vậy thì: Đức Phật có hy sinh niềm phúc lạc, an yên của mình vì La Hầu La không? Ngài có vì La Hầu La mà quay về cung điện để làm một vị Đế Vương ngày ngày bận trăm công nghìn việc không? Không.
 
Rõ ràng, người cha người mẹ phải hạnh phúc trước, thì con trẻ mới hạnh phúc theo được. Giống như quy định khi đi trên máy bay, nếu trong trường hợp máy bay gặp phải sự cố khẩn cấp, thì người lớn phải đeo mặt nạ khí cho mình trước, rồi mới đeo cho trẻ con.

Vì sao vậy? Quy định gì mà lại không ưu tiên cho trẻ con? Vì người lớn còn sống thì mới có cơ may cứu được trẻ con. Nếu người lớn chết hết, thì lấy ai cứu trẻ con! Nếu cha mẹ không hạnh phúc, không tự “cứu” lấy cuộc đời mình trước, làm sao họ có thể “cứu” lấy cuộc đời của con trẻ đây?

Cha mẹ là những người gần gũi nhất với con trẻ nhất. Khi họ hạnh phúc, họ sẽ thắp lên ánh sáng cho chính tổ ấm của mình. Và ánh sáng ấy sẽ soi rọi cho hành trình trưởng thành của con cái họ. Nhưng nếu như, họ không thể mang lại hạnh phúc cho bản thân, không thể tự thắp lên ánh sáng cho tổ ấm của chính mình, thì cả gia đình sẽ mãi lần mò trong bóng đêm u tối mà thôi.
 
Thế cho nên, chúng tôi chọn cách biến mình thành những con người hạnh phúc trước đã. Và theo suy nghĩ của chúng tôi khi ấy, để trở nên hạnh phúc, điều quan trọng trước nhất là phải có Sức Khỏe. Bởi vì, Thân chính là cái gốc của Tâm. Lý do đầu tiên để chúng tôi quyết định bước đi trên con đường này, là vì Sức khỏe của cả gia đình. Còn chuyện học hành của con trẻ, tôi xin chia sẻ trong phần tiếp sau đây.

 

Chuyện học hành của con trẻ khi về vườn


Lúc trước, trong quá trình mang thai và khoảng 1, 2 năm đầu sau khi sinh con, chúng tôi vẫn nghĩ sẽ cho con đi học bình thường như bao trẻ em khác. Cả hai thậm chí còn lên sẵn một danh sách những trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 và cấp 3 nào tốt, gần nhà để thuận tiện đưa đón con đi học.

Ngày đó, tôi mới bắt đầu công việc giảng dạy tiếng Anh cho một trung tâm lớn, chuyên luyện thi các chứng chỉ du học quan trọng như SAT, TOEFL, IELTS… cho du học sinh. Nên chúng tôi luôn có mơ ước con mình sau này lớn lên cũng sẽ đi du học. Thậm chí là có thể đậu vào nhóm các trường Ivy League, tức 8 trường   Đại    học    danh     giá     nhất     của     Mỹ     bao     gồm: Harvard, Pennsylvania, Princeton, Yale,Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth.

Sau một thời gian giảng dạy và tiếp xúc với học sinh, cũng như quan sát chính con mình, chúng tôi nhận thấy trẻ em chủ yếu tiếp thu qua tiềm thức. Tức có rất nhiều thứ trẻ không chủ động tiếp nhận, nhưng do môi trường xung quanh tác động liên tục, nên đã hấp thụ lúc nào không hay. Trong môi trường giáo dục đại chúng, số lượng trẻ thì đông, mà nhà trường thì không thể nào có đủ nhân lực, tài lực và vật lực để tiếp cận và uốn nắn từng trẻ một. Lúc ấy, nỗi lo sợ con sẽ bị thâm nhiễm những thói hư tật xấu từ chúng bạn, khiến hai vợ chồng tôi dần từ bỏ ý định cho con đến trường.

Sau đó, khi có dịp tiếp xúc với một nhóm các gia đình homeschool cho con, chúng tôi thấy rất thích, và bắt đầu tìm hiểu về các chương trình homeschool bằng tiếng Anh. Vì với khả năng tiếng Anh của mình, tôi tự tin có thể hỗ trợ tốt cho con khi bé theo học những chương trình này. Hơn nữa, khi theo học các chương trình này, con vẫn sẽ có các chứng chỉ để nộp đơn ứng tuyển đại học, hoặc xin học bổng từ các trường nước ngoài. Ước mơ cho con đi du học của chúng tôi khi ấy, vẫn còn cháy bỏng lắm!

Thế rồi, khi bé lên 4 tuổi. Ý định bỏ phố về rừng đã đưa gia đình tôi sang một ngã rẽ hoàn toàn khác.

Ban đầu, hai vợ chồng chưa dám mua đất ngay, mà thuê một mảnh vườn ở Bình Dương để trải nghiệm trước việc làm nông. Loay hoay mới hết 1 năm thì chủ vườn ngưng cho thuê để bán đất, vậy là chúng tôi quyết tâm sẽ đi mua mảnh vườn riêng của mình.

Khi thực sự hòa mình cùng thiên nhiên, cộng với nhân duyên thực hành Thiền, nhân sinh quan của chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi. Và cả hai quyết định chọn con đường unschool cho con – tức không cho bé theo học bất kì một chương trình nào cả, cũng không bắt bé phải theo đuổi ước mơ du học hay thành công gì nữa. Bởi chúng tôi ngộ ra một điều rằng:

Ngôi trường vĩ đại nhất cần phải theo học, chính là Tự Nhiên. Và cuốn sách hay nhất cần phải đọc, là Chính Mình.

Chúng tôi không tìm thấy một vị Giáo sư nào có trí tuệ siêu việt hơn Tự Nhiên. Chúng Tôi cũng không tìm thấy một Giáo trình nào phù hợp với con mình hơn chính Con người bé. Cả hai vợ chồng tôi chỉ cần con tìm hiểu về Tự nhiên, tìm hiểu về Chính mình, như vậy là đã quá đủ rồi. Và để con có thể dành thời gian tập trung cho 2 việc tối quan trọng này, chúng tôi quyết định chọn con đường Unschool cho bé.

 

Những câu hỏi thường gặp


Chúng tôi luôn nhận được rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc Unschool cho con khi về vườn. Có nhiều người thấy Unschool thật lạ lẫm, thậm chí có người thấy là sai trái và ra sức can ngăn chúng tôi. Thật không dễ giãi bày khi mỗi người lại có một góc nhìn khác nhau. Có 2 câu hỏi mà mọi người thường hay quan tâm nhất, đó là:

-    Không đi học thì con sẽ không có bằng cấp, sau này lớn lên làm sao xin việc?
-    Không đi học thì con có buồn không, vì không có bạn bè cùng trang lứa?

Và đây là cách mà chúng tôi giải đáp cho hai câu hỏi này:

 

a.    Không đi học thì con sẽ không có bằng cấp, sau này lớn lên làm sao xin việc?


-    Thứ nhất, chúng ta có thể thấy rõ rằng ngày nay, bằng cấp không còn mang tính quyết định trong công việc nữa. Có những sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng đã có vị trí vững chắc trong các công ty lớn. Cũng có những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân phải giấu bằng cấp để đi học nghề, thậm chí làm … shipper. Vậy thì điều gì tạo nên sự khác biệt ấy: là năng lực làm việc. Bằng cấp không còn đại diện cho năng lực làm việc nữa. Có nhiều người học lý thuyết rất giỏi, nhưng khi ra “thực chiến” thì đành bó tay. Các công ty ngày nay, hiểu rất rõ điều đó.

-    Thứ hai, tại sao mọi người luôn suy nghĩ, phải có bằng cấp để đi làm thuê cho người khác. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, đời sống xã hội và kinh tế, cơ hội cho các bạn trẻ thể hiện năng lực bản thân và tự làm chủ không phải là hiếm. Ngày xưa làm gì có những công việc như Youtuber, Tiktoker, KOL, KOC… Nhưng ngày nay, chúng lại trở thành những công việc được nhiều bạn trẻ theo đuổi, mà không cần một bằng cấp nào để chứng minh, tất cả chỉ hoàn toàn dựa vào năng lực làm việc và nắm bắt thị hiếu.

-    Thứ ba, và cũng là điều quan trọng nhất: Bằng cấp không phải là điều kiện tối quan trọng để có được Cuộc sống Hạnh phúc. Tôi có nhiều học trò cũ, là cựu sinh viên của những trường đại học lớn ở nước ngoài. Nhưng cuộc sống của các em vẫn không hề vui vẻ thoải mái, nếu không nói là quay cuồng trong danh vọng và tiền tài. Nhìn các em, tôi mới ngộ ra một điều: Đôi khi, Kiến thức không đi kèm với Ý thức. Các em có thể có rất nhiều kiến thức trong các lĩnh vực như marketing, kinh doanh, công nghệ thông tin… Nhưng lại hoàn toàn không ý thức được mình đang khổ sở, căng thẳng ra sao, và phải làm thế nào để bản thân thực sự được an yên, hạnh phúc.


 

o rung
Thiên nhiên chính là lợi ích lớn nhất khi về rừng. Ảnh: Nhóm Bỏ phố về rừng

 

b.    Không đi học thì con có buồn không, vì không có bạn bè cùng trang lứa?


-    Chúng tôi nhận thấy, có một nghịch lý rất lớn trong đời sống của các gia đình có con cái. Đó là khi con còn nhỏ, khi con cần cha mẹ ở bên cạnh nhiều nhất để giáo dưỡng và bầu bạn, thì cha mẹ lại đưa con đến trường, vào một môi trường xa lạ, giữa những người xa lạ. Đến khi con khôn lớn, có công ăn việc làm, có nhiều mối quan hệ xã hội, thì cha mẹ lại muốn con dành thời gian bầu bạn với mình. Lúc nhỏ, mình không bầu bạn cùng con, đến khi con lớn, lại đòi hỏi con phải bầu bạn với mình. Nghịch lý rất lớn này là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn trong gia đình. Ví như người lớn tuổi, hay trách móc con cháu sao lâu ngày không gọi điện hỏi han, không về ăn với mình một bữa cơm… Con trẻ cũng không khác là mấy, cũng đang mong mỏi được ngồi ăn cơm cùng cha mẹ, và huyên thuyên kể những câu chuyện vô tư của trẻ con.

-    Theo quan điểm của chúng tôi, nuôi dạy con, cũng giống như xây một căn nhà vậy. “Nền móng” chắc chắn, thì căn nhà sẽ vững vàng giữa bão tố phong ba. Và cha mẹ cần phải là những người xây nên cái “nền móng” ấy, bằng sự kề cận, kết nối và thấu hiểu đối với con trẻ. Trước khi tìm một đối tượng nào đó bên ngoài làm bạn với con mình, thì cha mẹ trước hết, phải làm bạn được với con mình cái đã. Có đứa trẻ nào u buồn khi luôn được cha mẹ quan tâm, thấu hiểu và sẻ chia không?

-    Khi đã có một “nền móng” vững chắc, con trẻ sẽ không gặp khó khăn gì trong việc kết giao với những người có cùng “nền móng” giống như mình, tức có cùng quan điểm đạo đức và tư duy lối sống. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là vậy. Còn khi con trẻ cô đơn, buồn tủi trong chính ngôi nhà
 
mình, không thể kết nối và chia sẻ với chính cha mẹ mình, thì việc con trẻ bị thu hút bởi những bạn bè xấu chỉ là chuyện sớm muộn.

-    Đứa trẻ “no đầy” sự quan tâm và thấu hiểu từ cha mẹ, sẽ không có nhu cầu tìm kiếm điều đó nơi người khác. Đứa trẻ “đói” sự quan tâm và thấu hiểu từ cha mẹ, ắt sẽ luôn tìm kiếm điều đó nơi người khác. Và nếu kẻ xấu nhìn ra được yếu điểm ấy, thì chỉ cần hắn “thả một mồi câu”, chúng ta sẽ mất con mãi mãi.

Như vậy có thể thấy, Unschool hoàn toàn không gây vấn đề gì cho sinh kế của trẻ sau này, cũng như việc trẻ kết giao bè bạn. Thậm chí còn có phần giúp trẻ tự tin và vững vàng hơn trong cuộc sống, nếu thực hành một cách phù hợp và đúng đắn. Vậy thì Unschool thực sự là gì, và có nên áp dụng hay không, xin mời Quý độc giả cùng tôi theo dõi phần tiếp sau đây.

 

4.    Unschool Là Gì – Nên Hay Không?


Tôi sẽ nêu ra dưới đây một đường hướng, để mọi người có thể tiếp cận và hiểu rõ hơn về lĩnh vực giáo dục còn khá mới mẻ này. Sẽ có 3 cột mốc mà chúng ta cần xem xét:

Thứ nhất, Câu Hỏi Đầu Tiên Mà Chúng Ta Nên Đặt, Thứ hai, Unschool Thực Sự Là Gì, Và cuối cùng là Sự Lựa Chọn Của Chúng Ta.

Tôi cũng xin thưa trước rằng, việc giáo dục con cũng có “8 vạn 4 ngàn pháp môn”, y như việc tu tập vậy. Tùy mục đích mà lựa chọn phương pháp cho phù
 
hợp. Tu tập để an lạc, khác với tu tập để có thần thông. Ở đây, mục tiêu của chúng tôi là giúp con trở thành người an yên hạnh phúc, nên cả hai mới lựa chọn con đường Unschool. Còn nếu với mục tiêu là biến con thành người tài năng xuất chúng, thành đạt vang danh, thì sẽ có những phương pháp khác.

 

a.     Câu Hỏi Mà Chúng Ta Nên Đặt


Rất nhiều anh chị đã hỏi rằng có nên Unschool cho con không? Tôi nghĩ đây chưa phải là câu hỏi đầu tiên mà các anh chị cần tìm câu trả lời đâu. Còn cả một chuỗi những câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần trả lời, trước khi hỏi về Unschool. Trong số đó, câu hỏi đầu tiên nhất, quan trọng nhất chính là:

Chúng ta đều muốn con mình hạnh phúc, vậy: Thế Nào Là Một Người Hạnh Phúc?

Như đã trình bày ở Vấn đề thứ 1, đối với chúng tôi, người hạnh phúc là Người Hiểu Được Bản Thân Mình, Cả Thân Và Tâm. Nhiều người sẽ nói: Trời đất, mình còn không hiểu mình thì ai hiểu mình? Thế nhưng đã bao nhiêu lần chúng ta hối hận về một việc mình đã làm, và tự hỏi tại sao mình lại làm như vậy? Bao nhiêu lần bệnh tật của chúng ta trở nặng, vì khi những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện chúng ta chẳng hề nhận ra?

Bởi không hiểu mình, không hiểu cả về Thân lẫn Tâm, nên Thân mới Bệnh và Tâm mới Khổ. Hiểu được Thân, thì có thể điều chỉnh lối sống và môi trường cho phù hợp với thể trạng, từ đó mà Thân ít bệnh. Hiểu được Tâm, thì có thể điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc, hành vi cho phù hợp với tâm tính và hoàn cảnh, từ đó
 
mà Tâm ít Khổ. Thân ít Bệnh, Tâm ít Khổ, Hạnh phúc tự nhiên sẽ hiển bày, chẳng cần tìm kiếm đâu xa.

Vậy Làm Sao Để Hiểu Mình?

Trả lời: Hiểu Mình = Phải Được Là Chính Mình + Biết Quan Sát Chính Mình

Anh chị có thấy quen quen không? Chính là “phép cộng thần thánh” ở phần trước đó ạ.

Sự Biết Quan Sát Chính Mình, trẻ sẽ lĩnh hội được khi chúng ta biết cách đặt những câu hỏi giúp trẻ tìm hiểu bản thân, cộng với việc tạo điều kiện cho trẻ hành Thiền đúng cách. Đây cũng là một chủ đề lớn, nhưng chưa thể trình bày rõ ràng ngay bây giờ. Tôi sẽ đề cập khi có dịp phù hợp. Ở đây, tôi muốn đề cập đến vế đầu tiên của “phép cộng thần thánh”: Phải Được Là Chính Mình.
 
Nói đến đây, nhiều người sẽ vỡ òa ra rằng: À, đúng rồi, chỉ khi Unschool thì con trẻ mới được là chính mình phải không? Được tự do làm tất cả mọi điều mình muốn? Dạ thưa, câu này vừa đúng lại vừa sai. Muốn biết tại sao nó vừa đúng lại vừa sai, thì chúng ta sẽ cùng bàn đến nội dung thứ hai:

 

b.     Unschool Thực Sự Là Gì.


Tôi đã từng là một học sinh, và cũng từng là một giáo viên. Tôi hiểu mô hình giáo dục đại chúng có những ưu nhược điểm gì. Để quản lý hàng trăm, hàng ngàn học sinh, nhà trường không thể nào để cho tất cả được tự do làm điều mình muốn, vì họ không đủ nhân lực, vật lực và tài lực để đáp ứng nhu cầu riêng của ngần ấy trẻ.

Trường học, cũng giống như công viên hay bảo tàng, đều có những quy định chung. Nhưng khác với công viên hay bảo tàng – những nơi mà trẻ có quyền lựa chọn đến hay không đến, người ta thường xem trường học là nơi trẻ buộc phải đến. Sự học là việc suốt đời, có vô số cách để học, và nhà trường, thực chất, cũng chỉ là một trong những sự lựa chọn. Unschool cũng vậy.

Khi còn đi học, tôi nhớ lúc nào trong lớp cũng có những bạn bị liệt vào danh sách “học sinh cá biệt”. Một đứa được gắn mác “ngoan hiền – học giỏi” như tôi sẽ luôn tránh xa những bạn như vậy. Nhưng thực chất, trong lòng tôi vẫn luôn tò mò quan sát và thèm muốn được “quậy” như các bạn: không làm bài tập về nhà, cúp học đi chơi, cãi tay đôi với giáo viên về một bài học nào đó v.v… Và đa số những bạn như thế, khi trưởng thành thường lại rất thành công và có hướng đi rõ ràng.
 
Tôi nhớ có một bạn, mãi đến ngày chia tay năm lớp 12, cả lớp mới được nghe bạn ấy đàn guitar, và bạn đàn rất hay. Sau này, bạn còn mở cả một cửa hàng bán nhạc cụ và xưởng làm đàn guitar. Tôi đã tự đặt câu hỏi: Bạn ấy cũng là một sản phẩm của nền giáo dục đại chúng như tôi, vì sao bạn ấy lại vẫn giữ được chất riêng, đam mê riêng và sự tự do thích gì làm nấy? Trái ngược hẳn với tôi ngày đó - một đứa trẻ rất gương mẫu và “vừa khuôn”, nhưng mãi không biết mình thật sự muốn gì?

Những đứa trẻ như bạn tôi, ngày nay, có thể gọi là những đứa trẻ “tự unschool” chính mình. Tức dù ở trong tập thể, vẫn không bị cuốn theo tập thể. Ý chí và cá tính riêng rất mạnh, không dễ bị đồng hóa, bẻ cong. Bạn tôi cũng có một “lợi thế”, đó là gia đình bạn rất nghèo, cha mẹ bạn luôn bận rộn kiếm sống, nên không có thời gian quan tâm đến việc học của bạn, cũng không có kỳ vọng hay áp lực gì lên bạn ấy cả. Quả đúng là “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. Rõ ràng, trong môi trường giáo dục đại chúng, vẫn có những đứa trẻ tự unschool cho mình như thế. Cho nên, nếu cho rằng chỉ đứa trẻ không đến trường mới được là chính mình, thì là sai.

Nhưng để làm được điều đó, đứa trẻ cần phải có một tố chất cực kỳ mạnh mẽ, vượt lên những nỗi sợ bị chê bai, dè biểu, khinh thường, chỉ trích, vượt lên cả nỗi sợ bị đói nghèo, thất bại, không có công ăn việc làm, chỉ để đi con đường riêng của mình. Tức đứa trẻ đó phải có đủ nội lực để luôn là chính mình trong mọi hoàn cảnh, và không hề bị thâm nhiễm những nỗi sợ, cũng như những tham cầu của xã hội.

Khi mới sinh con ra, tôi đã tự hỏi: “Liệu con tôi, có tố chất này không?” Tôi không biết, thật sự không biết. Và bởi vì không biết, nên tôi không dám cho con đến trường. Tôi sợ ý muốn của đám đông có thể đè bẹp ý chí còn non nớt của con tôi. Tôi thật ra nhát gan lắm ạ.

Unschool có thể tạo ra một môi trường thoải mái hơn, tự do hơn, cho con trẻ được là chính mình. Điều này đúng, nhưng cái gì cũng phải có combo của nó, giống như thịt cầy ăn với mắm tôm, thịt vịt ăn với mắm gừng mới ngon. Không hiểu đúng bản chất của Unschool mà áp dụng, thì nhiều khi lợi bất cập hại. Có hai vấn đề dễ gây hiểu lầm nhất khi Unschool cho con, đó là:
 
1.    Unschool nghĩa là để cho con hoàn toàn tự do, muốn ăn khi nào thì ăn, muốn ngủ khi nào thì ngủ, nói chung, muốn làm gì thì làm, không đặt ra bất cứ quy tắc nào, như thế trẻ mới phát triển tự nhiên được.

2.    Unschool nghĩa là cha mẹ không tham gia vào bất cứ việc gì cùng con, để cho con “tự bơi” hoàn toàn, vì người lớn chả có gì hay ho để mà chỉ dạy trẻ con.

Dựa trên kinh nghiệm thực tế trong việc unschool cho con, quan điểm của tôi về từng vấn đề này như sau:

 

1.    Để cho con hoàn toàn tự do:


Ai cũng nói, muốn cho con mình phát triển tự nhiên. Nhưng tôi xin phép được hỏi một câu như thế này: Môi trường mà đa phần các con đang sống, có phải là môi trường tự nhiên không?

Ví dụ thứ nhất, chúng ta nói để cho con mình muốn ăn gì thì ăn. Với tôi, điều này nghe có vẻ rất ổn với một đứa trẻ lớn lên trong… vườn cây trái. Hôm nay nó hái ổi, ngày mai bẻ xoài, ngày mốt vặt mít, ngày kia mót khoai… Thèm gì ăn nấy, trong một môi trường chỉ toàn đồ lành sạch nhà trồng, thì tội tình gì phải cấm đoán hay ép uổng! Còn khi sống giữa thành phố, bước ra là nước ngọt, kẹo bánh đầy đường hóa học với hương liệu, bước ra là mì gói, bim bim, snack đầy muối công nghiệp với bột ngọt.
 
Vậy việc chúng ta để cho con tự do thích gì ăn nấy, liệu có thực sự ổn không? Khi các con thèm nước ngọt hay mì tôm, thì đó là bởi vì nhu cầu tự nhiên của cơ thể đang thực sự cần dưỡng chất trong những thức ăn thức uống ấy, hay là con chỉ đang bị nghiện những hương vị nhân tạo của chúng?

Ví dụ thứ hai, chúng ta nói để cho con muốn ngủ bao nhiêu thì ngủ. Vậy cho tôi xin phép hỏi một điều, căn phòng ngủ của các con có thật sự kết nối với thiên nhiên chưa? Có tràn nắng và lộng gió không? Hay dù ngày hay đêm thì vẫn cửa đóng then cài, trướng rủ màn che, máy lạnh mở 24/24, một tia nắng hay làn gió trời cũng không thể nào lọt qua nổi? Và khi màn đêm buông xuống, liệu con có tắt đèn đi ngủ không, hay vẫn ngồi mải miết với điện thoại, máy tính, Ipad?

Ánh nắng là tín hiệu đánh thức con người, năng lượng và hơi ấm của ánh nắng sẽ giúp con người thức giấc tỉnh táo, đó là năng lượng dương, năng lượng của sự vận động. Còn màn đêm và sự dịu mát là để đưa con người vào giấc ngủ, đó là năng lượng âm, năng lượng của sự tĩnh tại. Nhịp của mặt trời và mặt trăng, mới là cái nhịp của tự nhiên. Chúng ta có tạo điều kiện cho con theo nhịp này chưa? Hay chúng ta để cho con tự do theo nhịp ngày ngủ - đêm thức, và gọi đó là tự nhiên?

Tôi nêu ra 2 ví dụ như trên để chỉ ra rằng, hai chữ “tự nhiên” ngày nay, thực không dễ quay về chút nào. Bởi vì chúng ta đã sống một cách phi tự nhiên quá lâu rồi. Chúng ta phải tỉnh táo nhìn nhận rõ, hoàn cảnh của mình như thế nào, và năng lực của mình đến đâu.

Với năng lực và tri kiến hạn hẹp của chúng tôi, thì chỉ có thể unschool cho con, nuôi con một cách tự nhiên, trong một môi trường thật sự tự nhiên thôi. Bọn tôi chỉ dám làm việc dễ, nhờ môi trường tự nhiên hỗ trợ cho mình, chứ không dám làm việc khó.

 

2.    Để cho con hoàn toàn “tự bơi”:


Nhiều phụ huynh nói với tôi: “Người lớn có gì hay ho mà đòi dạy trẻ con!”, nên họ quyết định không dạy gì cho con cả, để cho trẻ hoàn toàn “tự bơi”, vì cho rằng việc dạy con là trái tự nhiên. Vậy tôi xin phép đưa ra 2 hình ảnh như thế này.
 
Một là hình ảnh gà mẹ dắt gà con đi kiếm ăn, ban đầu gà mẹ sẽ tự đập vỡ hạt lúa ra để có gạo cho gà con ăn, nhưng sau đó nó sẽ để cho gà con tự đập hạt lúa tiếp theo. Khi gà con chưa làm được, gà mẹ sẽ làm lại cho gà con xem. Cứ tuần tự như thế cho đến khi gà con có thể tự đập vỡ được hạt lúa, thì gà mẹ mới ngưng.

Hai là hình ảnh sư tử mẹ nằm im, dùng cái đuôi quật qua quật lại để cho sư tử con học cách vồ lấy cái đuôi của mình, nhằm rèn giũa kỹ năng săn mồi cho sư tử con.

Như vậy, việc một con gà hay một con sư tử rèn luyện kỹ năng săn mồi, kiếm ăn cho con nó, phải chăng là một việc trái tự nhiên? Tôi xin thưa rằng, việc cha mẹ dạy con hoàn toàn là một việc thuận tự nhiên, thậm chí là thiên chức của tất cả các loài, bao gồm cả con người. Điều quan trọng nhất là: chúng ta dạy cho con những gì, và dạy như thế nào.
 
Mệnh đề thứ nhất – Dạy cái gì: Khi quan sát tự nhiên, các anh chị thấy loài vật dạy cho con cái chúng điều gì? Kỹ năng sinh tồn, bao gồm kiếm ăn (kỹ năng săn mồi, giấu thức ăn…), và chăm sóc bản thân (tự vệ, liếm láp, tắm rửa…). Và đó cũng là tất cả những gì chúng ta cần dạy cho con mình mà thôi, có điều sẽ hơi nhiều hạng mục nhỏ hơn một chút:

-    Chăm sóc bản thân: Vệ sinh thân thể, dọn dẹp sắp xếp môi trường sống (phòng ốc, nhà cửa), đi chợ, nấu ăn (cho bản thân, thậm chí cho cả nhà), biết theo dõi sức khỏe, sử dụng các loại thảo dược để chữa trị những bệnh thông thường, thậm chí nếu được thì dạy cả việc làm nông, trồng trọt, chăn nuôi, tự tạo thức ăn cho bản thân, tập thể dục thể thao, quản lý tiền bạc (chỉ cần biết cộng – trừ - nhân – chia là làm được), quản lý thời gian … Tất cả những kỹ năng sống thiết thực nhất để trẻ tồn tại trong xã hội ngày nay.

-    Kiếm ăn: trong xã hội chúng ta, mọi thứ trở nên phức tạp hơn một chút. Kiếm ăn trở thành kiếm tiền.

+ Vậy dùng cái gì để kiếm tiền? Kiến thức và kỹ năng.

+ Làm sao để dạy con kiến thức và kỹ năng? Làm sao ta biết hết được mọi kiến thức và kỹ năng để mà dạy cho con? Ta không cần dạy con kiến thức và kỹ năng, con sẽ tự đi tìm kiến thức và kỹ năng mà con thích và cần. Thời đại Internet khiến cho con người dễ dàng tiếp cận với tri thức và thông tin hơn trước đây rất nhiều.

+ Làm sao để con tự đi tìm kiến thức và kỹ năng mà con cần? Con chỉ cần duy nhất một công cụ để làm được việc đó.

+ Là công cụ gì? Là ngôn ngữ. Ngoài tiếng mẹ đẻ ra thì ngôn ngữ quan trọng tiếp theo là tiếng Anh, vì hơn 50% nguồn tài liệu trên Internet là bằng tiếng Anh, chưa kể đến sách báo.

Tóm lại, chúng tôi thấy mình chỉ cần dạy trẻ 2 lĩnh vực quan trọng: Những kỹ năng sống cơ bản, và ngôn ngữ Anh – Việt. Tất cả những tri thức chuyên môn còn lại, trẻ sẽ sử dụng những nền tảng cơ bản này mà để tìm kiếm và trau dồi.

Mệnh đề thứ 2: Dạy như thế nào: Dạy bằng cách tham gia cùng con, đó là cách mà chúng tôi đang làm. Với chúng tôi, đây cũng là cách duy nhất giúp cả hai có thể liên tục duy trì sự kết nối, quan sát và hiểu con. Chúng tôi nghĩ, nếu đã không cho con đến trường, mà còn không để con tham gia vào các hoạt động hàng ngày của gia đình nữa, thì lúc đó trẻ chắc chắn sẽ sinh ra buồn chán vì
 
không có việc gì để làm. Kể cả khi trẻ theo học chương trình homeschool, thì sau khi học xong mà không có các hoạt động khác để tham gia, thì sớm muộn gì trẻ cũng sẽ “kết thân” với điện thoại, Ipad, TV... cả ngày mà thôi. Nếu vậy, thà cho con đến trường còn hơn.

Làm việc gì, chúng tôi cũng đều rủ con làm chung. Tôi nấu cơm, con nấu cơm cùng. Ông xã tôi xây nhà, con xây nhà cùng, làm những việc vừa sức con. Rồi cùng nhau gieo hạt, nhổ cỏ, nhặt sầu riêng, hái tiêu… Vừa làm vừa trao đổi với con, chia sẻ kinh nghiệm của mình, và hỏi con có ý tưởng nào khác không. Hầu như hoạt động nào, gia đình cũng thường hay làm cùng nhau: cùng đi tắm ao, cùng tập yoga, cùng chơi cờ, xem phim tài liệu, đọc sách v.v… Cả nhà cùng học, cùng chơi, cùng làm việc, và cùng trưởng thành.

Nhưng theo như chúng tôi quan sát, có rất ít cha mẹ để cho con tham gia vào những công việc và hoạt động hàng ngày của gia đình, vì 2 lý do sau đây:

-    Người lớn luôn cho rằng, đối với trẻ con, chỉ có việc Ăn và Học là quan trọng nhất. Những việc khác lớn lên tự khắc biết làm.
 
-    Người lớn luôn cho rằng, trẻ con rất vô dụng, làm gì cũng sẽ hư hao, đổ bể, chậm chạp, làm thì ít mà phá thì nhiều. Do đó thường không có đủ sự kiên nhẫn để chấp nhận những sai sót của trẻ, và hướng dẫn trẻ cho đến khi thuần thục.

Tôi sẽ trình bày cụ thể suy nghĩ của mình về từng lý do trên như sau:

 

i.    Đối với trẻ con, chỉ có việc Ăn với Học là quan trọng nhất.


Suy nghĩ này hoàn toàn đúng. Ăn và Học là hai hoạt động quan trọng nhất đối với một người, không chỉ lúc còn bé, mà là trong cả cuộc đời.

Đây là hai hoạt động thuộc về Bản năng, thể hiện rõ rệt nhất khi trẻ còn nhỏ. Có em bé nào khát sữa mà không khóc toáng lên để được cho bú? Có em bé nào không học hỏi về thế giới xung quanh, bằng cách đặt ra hàng tá câu hỏi mỗi ngày cho ba mẹ? Thế nhưng vì sao khi lớn lên, hai hoạt động bản năng này lại bị suy giảm nghiêm trọng, khiến rất nhiều trẻ trở nên biếng học và biếng ăn?

Hãy cùng điểm lại những cách mà mọi người thường hay “chữa” tật biếng ăn, biếng học của trẻ từ xưa đến nay.

-    Ăn:

+ Ngày xưa muốn trẻ ăn nhiều thì phải răn đe, thậm chí đánh, mắng. Trẻ hả miệng ra khóc thì cứ đút muỗng cơm vô.

+ Khi việc đánh mắng bị chỉ trích vì gây căng thẳng cho trẻ, khiến trẻ khóc lóc nôn ói, thì đến trào lưu “ăn rong”, tức để trẻ lên xe đẩy, đẩy đi khắp nơi, vừa đi vừa ăn. Thấy cái gì hay hay là chỉ cho trẻ nhìn, rồi nhanh tay đút muỗng cháo / cơm vào miệng.

+ Khi việc “ăn rong” thoái trào do lo ngại về “an toàn vệ sinh thực phẩm” và tốn kém nhiều thời gian, thì lại đến trào lưu vừa ăn vừa xem TV hoặc điện thoại. Trào lưu này đang phát triển mạnh mẽ nhất, đến cả người lớn cũng khó thoát khỏi sức “cám dỗ” của nó.

+ Chúng tôi nhận thấy, giải pháp nào cũng lợi bất cập hại. Ví như vừa ăn vừa xem điện thoại, khiến bao tử không thể tiết ra đủ dịch vị để tiêu hóa. Thức ăn sẽ không được hấp thu triệt để, mà bao tử lại có nguy cơ yếu đi. Còn việc vừa ăn vừa bị đánh thì không có gì đáng để bàn thêm. Trời đánh còn tránh bữa ăn cơ mà.

+ Giải pháp nào cũng không giải quyết được triệt để vấn đề. Mọi người ai cũng buồn rầu lo lắng về việc trẻ biếng ăn, và cố làm sao để cho trẻ ăn nhiều nhất có thể. Nhưng không một ai đặt câu hỏi: trẻ ăn có thấy ngon miệng không, có thấy vui vẻ không. Ai cũng mặc định, trẻ con hầu như đứa nào cũng biếng ăn.

-    Học:
 
+ Ngày xưa, muốn trẻ siêng học thì cũng dùng những biện pháp răn đe, đánh mắng, trừng phạt. Trẻ nào không thuộc bài, không làm bài tập đầy đủ sẽ bị nêu tên trước lớp, chép phạt, bị ba mẹ thầy cô đánh mắng, dọa cho đi bán vé số, hốt rác v.v…

+ Ngày nay, vì sợ trẻ căng thẳng, các phụ huynh bèn chuyển qua biện pháp dùng lời “ngon ngọt”, thậm chí dụ dỗ: Con thương ba mẹ thì ráng học nha con. Con thi đậu đi rồi ba mẹ mua cho cái Iphone mới. Con ráng học để giúp nhà mình thoát nghèo nha con v.v…

+ Cũng giống như việc giải quyết trẻ biếng ăn, giải pháp nào bên trên cũng lợi bất cập hại. Ví như nếu dùng vật chất để dụ dỗ trẻ, thì trẻ sẽ có thể gian dối để đạt điểm số cao, hòng nhận được quà. Việc copy, quay bài, làm bài tập hộ, thi hộ ... tràn lan ngày nay là một minh chứng.

+ Hoặc nếu đặt gánh nặng thoát nghèo, hay làm cho ba mẹ vui lòng lên vai trẻ, trẻ sẽ thấy vô cùng áp lực. Tôi nhớ có những em thậm chí đã quyên sinh chỉ vì không thi đỗ vào đại học. Với các em, đại học là con đường duy nhất để thoát nghèo. Giờ không đỗ, các em thấy bản thân vô cùng tội lỗi vì đã phụ sự trông mong kỳ vọng của cả gia đình. Cảm giác dâng lên đến đỉnh điểm đã khiến cho các em đưa ra những quyết định vô cùng dại dột. Chỉ vì một kỳ thi, mà đánh mất cả cuộc đời. Liệu có đáng không? Những trường hợp nhẹ hơn thì cũng suy sụp, trầm cảm, mất phương hướng trong cuộc sống.

+ Giải pháp nào cũng không giải quyết được triệt để vấn đề. Mọi người ai cũng buồn rầu lo lắng về việc trẻ biếng học, và cố làm sao để cho trẻ chăm học nhất có thể. Nhưng không ai đặt câu hỏi: trẻ học có thấy vui không, có thấy yêu thích những gì mình đang học không. Ai cũng mặc định, trẻ con hầu như đứa nào cũng biếng học.
 

Để giải quyết triệt để, điều tiên quyết là phải hiểu rõ được nguyên nhân của vấn đề, bằng cách nhận ra Tính chất đặc trưng của hai hoạt động này: Ăn và Học là những hoạt động bản năng nhất của con người, giúp nâng cao thể chất và trí tuệ, duy trì sự sống một cách an toàn. Và chúng luôn đòi hỏi phải có sự cân bằng: Phải Có Đầu Vào lẫn Đầu Ra. Điều này được thể hiện rất rõ trong những ngôn từ hết sức thâm sâu và ý nhị của tiếng Việt ta.

Ăn – Chơi: Ăn vào thì phải Chơi. “Chơi” ở đây chính là Vận động. Những trò chơi dân gian của trẻ con ngày xưa đòi hỏi rất nhiều sự vận động: kéo co, đuổi bắt, trốn tìm, đánh đáo, đánh cụm, thả diều v.v… Nạp năng lượng vào, thì phải dùng. Dùng năng lượng từ thức ăn thức uống để vận động, lưu thông máu huyết, phát triển xương khớp, cơ bắp. Năng lượng được tiêu hao thì mới có chỗ trống để tiếp nạp thêm năng lượng mới. Tức trẻ được vận động nhiều, tự khắc sẽ thấy đói bụng, thèm ăn, không cần phải ép uổng.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở phương Tây, có một câu rất hay như thế này: You use it, or you lose it – Tức nếu bạn không “sử dụng” cơ thể của mình, bạn sẽ mất nó. Ăn nhiều mà ko vận động, dinh dưỡng dư thừa không dùng tới sẽ hóa thành chất độc, tạo gánh nặng phải đào thải lên gan thận, tích tụ trong mỡ gây béo phì. Đó cũng là lý do trẻ béo phì thường hay có tiếng thở nặng nề, hay buồn ngủ, không tỉnh táo, vì cơ thể đang phải dành năng lượng để đào thải độc tố từ dinh dưỡng dư thừa, nên không còn năng lượng tinh anh để hoạt động nữa.

Chưa kể năng lượng dư thừa không được giải phóng thông qua vận động, sẽ tích tụ và chuyển hóa thành năng lượng tiêu cực: cáu gắt, hung hăng, ương bướng v.v… Uống sữa, thuốc canxi để tăng chiều cao, nhưng không vận động, ngồi xem điện thoại, TV, máy tính quá lâu, khớp không được co giãn để có không gian phát triển xương nên trẻ mới hay bị gù lưng, vẹo cột sống, chèn ép thần kinh cột sống v.v…, rất nhiều sự nguy hại mà mọi người ít khi nhận thấy.

Học – Hành: Đối với việc Học cũng tương tự như thế, không khác nhau là mấy. Học vào thì phải Hành. Thông qua việc áp dụng kiến thức được học trong công việc hàng ngày, trí não mới có cơ hội hoạt động để phát triển tư duy, trí tuệ. Học mà không Hành thì chỉ là nhồi nhét, học vẹt, gây nhàm chán và ức chế tột cùng.

Với những gì trẻ được học, nếu có cơ hội ứng dụng thường xuyên, sẽ tự động ghi vào trí nhớ mà không cần phải cố công ghi nhớ. Tức khi ấy, kiến thức đã thẩm thấu từ phần Ý thức xuống phần Tiềm thức, trong Phật Giáo gọi là từ Văn tuệ (những kiến thức tiếp thu từ sách vở, từ người khác v.v…), trở thành Tư tuệ (tức những kiến thức đã được bản thân lĩnh hội và ứng dụng, đúc rút ra cho mình những hiểu biết riêng).

Ví dụ, khi mới học nấu ăn thì chúng ta thường phải ghi nhớ công thức, định lượng. Nhưng khi đã có nhiều kinh nghiệm, thì thường sẽ nấu nướng theo cảm nhận, màu sắc, mùi hương… mà không cần cố ghi nhớ công thức hay đong đếm từng li từng tí nữa. Trí não không bị nhồi nhét và buộc phải ghi nhớ quá nhiều thứ, sẽ có sự thư giãn, tỉnh táo cần thiết để tiếp nạp thêm kiến thức mới.

Việc trẻ nghiện thiết bị điện tử, chẳng qua cũng là vì không có bất cứ hoạt động thể chất cũng như trí não nào để cho trẻ tham gia, sinh ra buồn chán nên mới thế. Càng cấm đoán, trẻ sẽ lại càng nghiện và chống đối. Trong khi đó, việc cần làm là lấp đầy thời gian của trẻ bằng những hoạt động hữu ích và thực tiễn.

Trước giờ, hầu như ai cũng chỉ quan tâm đến Đầu Vào, mà không hề chú trọng đến Đầu Ra, khiến cho trẻ trở nên bị “bội thực” cả về đồ ăn lẫn kiến thức. Trẻ ăn cơm xong, có thể cùng gia đình lau dọn bàn, rửa chén bát, vừa vận động, vừa rèn luyện kỹ năng. Trẻ học tính toán cơ bản, có thể giúp mẹ tính tiền chợ, giúp ba đo đạc để đóng một chiếc bàn v.v... Cuộc sống hàng ngày luôn hàm chứa vô số cơ hội cho trẻ vận động và học hỏi. Chỉ cần cho trẻ được tham gia, thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn cho cả gia đình.

 

ii.    Trẻ con rất vô dụng, làm gì cũng sẽ hư hao, đổ bể, chậm chạp, làm thì ít mà phá thì nhiều


Lần đầu chúng ta tập chạy xe, chúng ta có té ngã không, dù lúc đó ta đã là thanh thiếu niên rồi?
Lần đầu chúng ta nấu một món ăn mới, nó có khó ăn hay bị cháy khét không, dù lúc đó ta đã là người lớn?

Dù là trẻ con hay người lớn, khi mới học một kỹ năng nào đó mới mẻ, chẳng phải sẽ luôn có sai sót hay sao? Từ những sai sót ấy mới dần rút kinh nghiệm và học hỏi để tiến bộ dần lên. Đó là chuyện hết sức bình thường. Vậy thì tại sao, chúng ta luôn sẵn sàng chấp nhận sai sót của chính mình, nhưng lại không chấp nhận được sai sót của con trẻ.

-    Kêu nó rửa chén là vỡ hết cả bát đĩa.
-    Kêu nó dọn đồ chơi thì không mất cái này cũng mất cái kia.
-    Kêu nó lau nhà thì chẳng bao giờ sạch được.
-    Ôi kêu nó nấu cơm là mất cả ngày ấy!
 
Cái gì cũng có “học phí” của nó, ban đầu đương nhiên sẽ mất nhiều công sức và thời gian rèn luyện, nhưng khi thành thục rồi thì mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Ví dụ, khi chúng tôi mới tập ăn cho con, mọi việc thật sự rất là “cồng kềnh”. Trình tự thực hiện như sau:

-    Đầu tiên, chúng tôi trải một miếng nilon lớn xuống sàn nhà, ngay cạnh bàn ăn của người lớn.
-    Sau đó đặt ghế tập ăn của con lên miếng nilon, cho con ngồi ngay ngắn vào ghế, cùng ăn với gia đình.
-    Để khay thức ăn lên ghế tập ăn, và cho con thoải mái tự thưởng thức bữa ăn của mình, khám phá thức ăn và tập sử dụng muỗng, đũa.

-    Đương nhiên, sau mỗi bữa ăn như thế. Cả nhà phải phân công nhau dọn dẹp: người đem em bé đi tắm rửa thay đồ, người đem ghế tập ăn đi xịt nước chà rửa, người đem miếng nilon đi giặt và lau sàn nhà. Một ngày 3 bữa như thế.

-    Vất vả quá đúng không ạ! Nếu quý độc giả hỏi rằng: “Các bạn có thấy nản không?” thì chúng tôi sẽ không ngại ngần trả lời ngay là “Có!”. Những tháng đầu tiên cực kì ức chế và dễ bỏ cuộc. Có những hôm bé chẳng ăn được bao nhiêu, mà phần lớn đều rơi vãi lên người, lên ghế và sàn nhà. Chưa kể bé nhà tôi không được bụ bẫm như những bé khác, nên cách cho ăn này của hai vợ chồng bị mọi người kịch liệt phản đối, nói hai vợ chồng không biết nuôi con.
 
-    Nhìn con gầy còm, thức ăn thì lãng phí, dọn dẹp mệt mỏi, mà lại bị chê trách suốt, tôi cũng nhiều lần định từ bỏ: “Thôi thì ngồi đút con ăn cho rồi. Con không ăn thì múa hát chút đỉnh cho bé vui rồi tranh thủ đút vô.” Nhưng chồng tôi luôn nhắc nhở: “Nếu em thấy con vẫn vui chơi, sinh hoạt như bình thường, thì không có gì phải lo lắng cả. Khi nào đói con sẽ tự ăn nhiều hơn. Mục đích của mình không phải là ép con ăn nhiều, mà là tập cho con tự ăn một cách vui vẻ, thoải mái.”

-    Và đúng là như thế, ban đầu bữa nào cũng như bữa đó thức ăn rơi vãi hết, nhưng dần dần có những bữa chỉ rơi vãi một ít, bạn nhỏ tự ăn hết phần lớn. Sự vất vả cũng ngày một giảm dần, đến khoảng 2 tuổi là bé đã có thể ngồi ăn gọn gàng ngay ngắn, không phải đánh mắng, không phải đi rong, không xem điện thoại. Quan trọng nhất là bé thấy ngon miệng và hứng thú với bữa ăn của mình, ăn được đa dạng nhiều loại thực phẩm. Đó mới là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến khi tập ăn cho con, chứ không phải là ăn càng nhiều càng tốt. Ngày nay, đi đâu bé cũng được khen là “Sao ăn giỏi thế, rau gì cũng biết ăn, mà còn ăn heo thì (healthy) nữa, chỉ ăn trái cây không ăn bánh kẹo”.

Công việc nhà cũng vậy, muốn cho con biết rửa chén, thì học phí là vỡ vài cái chén. Muốn cho con biết nấu ăn, thì học phí là vài bữa ăn không vừa miệng.
 
Chúng tôi nghĩ, nếu không chịu trả học phí bây giờ, thì học phí về sau nhiều khi sẽ còn lớn hơn gấp bội. Ví như con không biết nấu ăn, sau này lớn lên sống một mình, chỉ toàn ăn cơm hàng cháo chợ, rồi sinh ra bệnh tật. Lúc đó, chẳng phải “học phí” sẽ lớn hơn gấp mấy chục lần hay sao! Chưa kể là sức khỏe sẽ giảm sút và những đau đớn trên thân thể nữa. Cho nên, những việc gì mang lại lợi ích lâu dài, giúp tu dưỡng sự tự lập, tự do cho con, chúng tôi đều sẵn sàng “trả học phí sớm”.

Nói như thế, cũng không có nghĩa là chúng tôi để cho con tham gia một cách ngẫu hứng tùy tiện, mà luôn phải có sự quan sát và sắp xếp phù hợp, theo từng độ tuổi và kỹ năng của trẻ. Ví dụ, trong việc nấu ăn cho gia đình:

-    Khi con 4 tuổi thì sẽ phụ trách việc nấu cơm. Chúng tôi hướng dẫn cho con cách vo gạo, cắm nồi cơm.
-    Khi con 5 tuổi sẽ học cách phân biệt các loại rau và cách sơ chế từng loại.
-    Khi con 6 tuổi sẽ học cách sử dụng dao để cắt gọt, và chế biến những món đơn giản như rau luộc, trứng chiên…
-    Cứ như thế đến năm 10 tuổi, thì con có thể tự nấu một bữa cơm hoàn chỉnh cho cả gia đình, bao gồm chuẩn bị dụng cụ, sơ chế nguyên vật liệu, nhúm lò (chúng tôi dùng lò củi để nấu nướng), nấu chín, nêm nếm, bày biện thức ăn…

Vì trong cuốn sách này, trọng tâm là câu chuyện Bỏ phố về rừng của gia đình, nên cũng thật khó để tôi có thể trình bày cặn kẽ, chi tiết hơn về việc giáo dục con cái. Hy vọng nếu hữu duyên, tôi sẽ có thể viết riêng một cuốn sách chia sẻ cụ thể hơn về việc nuôi dạy con trẻ. Đây cũng là một lĩnh vực mà vợ chồng tôi đã dành rất rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu và thực hành, vì với chúng tôi, con trẻ luôn xứng đáng với điều tốt đẹp nhất.

 

bo pho ve rung song
Lựa chọn nào cho chúng ta? Ảnh: Nhóm Bỏ phố về rừng

 

c.     Lựa chọn của chúng ta


Nói đến đây, có lẽ các anh chị cũng đã hình dung được tôi sẽ nói gì về vấn đề thứ ba rồi phải không ạ? Vâng, là Sự Lựa Chọn của Chúng Ta. Thật sự, không có lựa chọn đúng, cũng không có lựa chọn sai. Chỉ là mỗi lựa chọn sẽ đưa ta đi trên những con đường khác nhau mà thôi. Đã hiểu đúng bản chất của Unschool, chúng ta sẽ có sự cân nhắc chính xác hơn giữa mong muốn, với khả năng và điều kiện của mình. Lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Lựa chọn nào cũng cần phải đánh đổi. Đi học, unschool hay homeschool, mỗi lựa chọn đều có hai mặt của nó, đều có "phần thưởng" và cả "cái giá phải trả". Quan trọng là khi các anh chị biết rõ mình khao khát muốn có được điều gì, và sẵn sàng đánh đổi điều gì, các anh chị sẽ có thể đưa ra sự lựa chọn một cách quyết đoán, sáng suốt, không hoang mang hay sợ hãi gì nữa.

Cái giá của unschool, là cha mẹ phải dành nhiều thời gian và tâm sức cho việc quan sát, đồng hành xuyên suốt cùng con, để hiểu đặc tính và giúp con vun bồi năng lực quan sát mình, tìm hiểu bản thân mình, phát huy những tố chất sẵn có và thích nghi với đời sống xã hội. Nhưng khi unschool, trẻ sẽ có nhiều thời gian hơn để tương tác với cha mẹ, sự thấu hiểu và gắn kết cũng nhờ đó mà có cơ hội được nâng cao. Trẻ cũng được thoải mái học hỏi những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, và theo đuổi những lĩnh vực mà mình yêu thích. Cha mẹ có thể thông qua đó mà truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình.

Ngoài ra, trẻ unschool ít khi bị hội chứng sợ học, chán học vì đã được học theo sở thích, và từ thực tế cuộc sống chứ không chỉ trên sách vở, nên thường cảm thấy thích thú hơn. Ví dụ: Thông qua việc làm bánh, trẻ được học về tính toán, cân đo đong đếm, nêm nếm, và còn được ăn bánh. Thông qua việc trồng rau củ quả, trẻ sẽ học được đặc tính của từng loại, loại nào ưa râm, loại nào ưa nắng, loại nào ưa nhiều nước, loại nào ưa ít nước, bao lâu thì ra lá mầm, bao lâu thì ra hoa, ra trái…Và đương nhiên, trẻ cũng sẽ được thưởng thức thành quả của mình.

Còn khi đưa con đến trường, tất cả những công việc mang tính giáo dục, sẽ được mặc định thuộc về giáo viên và sách vở. Cha mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn cho những công việc khác.

Hiện nay, các bậc phụ huynh đưa con vào môi trường giáo dục đại chúng, thường mắc phải 2 điểm nghịch lý như sau:

Thứ nhất, nhiều người nói đưa con đến trường để con có cơ hội được va chạm, và học cách đối mặt với những tình huống không hay ngoài xã hội.

Vậy nhưng khi con cái thật sự "va chạm với cái xấu của xã hội", họ đâu thể khoanh tay đứng nhìn và để cho con mình tự đối mặt để giải quyết. Thay vào đó, chính họ phải ra mặt tranh đấu cho đến cùng. Và con trẻ thì không thể tự bảo vệ được chính mình, thậm chí còn bị mắc phải những di chứng tâm lý về sau.

Nhiều người cho con đến trường mà lòng đầy lo lắng: không biết con có bị giáo viên "đì" không, đi học có hiểu bài không, có bị bạn bè bắt nạt tẩy chay không, có bị bạn xấu dụ dỗ không, có quan hệ tình dục sớm không v.v... Họ đưa con đến trường, nhưng không chấp nhận được "cái giá" của việc đó, nên cả cha mẹ và con cái đều sẽ vô cùng khổ tâm, hoang mang, luôn trong tư thế phó mặc và bị động.

Thứ hai, để giải quyết những lo lắng này, nhiều bậc phụ huynh chấp nhận chi trả những số tiền rất lớn để cho con vào học những ngôi trường "chất lượng cao", điểm hình là các trường quốc tế. Nhưng đây thật sự chỉ là một giải pháp chữa tâm lý cho phụ huynh mà thôi, chứ hoàn toàn không giải quyết được triệt để vấn đề.

Trong suốt gần 10 năm dạy tiếng Anh, mình đã từng luyện thi du học cho hàng nghìn học sinh trường quốc tế, và thật sự khi tiếp xúc với các con, mình
 
mới thấy rõ được câu: Tiền không thể mang lại hạnh phúc. Dù cha mẹ có thừa điều kiện vật chất, và cho các con theo học ở những môi trường sang chảnh nhất, các con vẫn có đầy những nỗi cô đơn, tức giận, chán nản, đau buồn, thậm chí là tuyệt vọng vì cảm thấy mình chẳng hề có mục đích sống.

Những đứa trẻ đầy bức bối, hệt như những quả bóng bị bơm căng hết cỡ, khi đặt gần với nhau, thì chỉ một kích động nhỏ thôi cũng khiến các con bùng nổ, va chạm và tổn thương lẫn nhau. Người lớn không hiểu điều đó, họ thường chỉ phán xét các con bằng hai chữ "Ngoan - Hư", mà không hề chịu nhìn thấy phía sau đó biết bao nhiêu là nỗi niềm.

Chúng ta có thể dùng tiền để mua cho con một ngôi trường khang trang, với máy móc và giáo cụ hiện đại bậc nhất, với những giáo viên mang bằng cấp cao nhất, với những nhân viên học vụ mang tác phong chuyên nghiệp nhất, nhưng chúng ta không thể dùng tiền để mua tình yêu thương và sự thấu hiểu dành cho con mình đâu ạ. Đó là thứ mà chúng ta phải tự mang lại cho con, đừng trông đợi điều đó ở người dưng.
 
Các anh chị nghiệm lại xem, khi còn thơ bé, có phải các con luôn dành cho chúng ta một tình yêu thương vô điều kiện đúng không ạ? Đâu có đứa trẻ dăm ba tuổi nào chê cha mẹ mình nghèo , chê cha mẹ mình xấu, chê cha mẹ mình "hư". Các con đã yêu thương chúng ta mà không hề chê bai, phán xét hay muốn "uốn nắn" ta bất cứ điều gì. Vậy thì điều các con vốn dĩ cần từ những ngày thơ bé, cũng chính là sự thấu hiểu và tình yêu thương vô điều kiện ấy.

Thật không may, các con thường không nhận lại được những gì mình đã trao đi, cho nên theo năm tháng, mọi thứ sẽ mai một dần. Và sự mai một đó, hay được bao biện bằng hai từ rất đẹp đẽ là "Trưởng thành". Trong sự phán xét của người lớn, các con dần trở thành "những đứa trẻ hư": ích kỉ, vô cảm, lười biếng, hung hăng..., hay thậm chí tuyệt vọng đến mức kết liễu cuộc đời mình, mà không ai hay biết nguyên nhân sâu xa của những biểu hiện đó là gì.

Cho nên, thay vì dùng tiền đổi lấy tình thương, chi bằng ta hãy bớt chút thời gian dành cho con: gần gũi chuyện trò, quan sát, lắng nghe và học cách thấu hiểu con. Khi đó, cả ta và con đều sẽ có những quyết định phù hợp hơn trên con đường giáo dục, mà không phải hoang mang hay lo lắng điều gì.

Tuổi thơ là những ngày tháng không bao giờ quay lại được. Việc của cha mẹ, là đưa ra những sự lựa chọn phù hợp, để biến những ngày tháng ấy trở nên thật hạnh phúc và hữu ích.

-----
 
Nếu Quý độc giả cảm thấy sách có giá trị, ứng dụng thực tiễn được cho bản thân và gia đình, xin hoan hỷ tùy tâm ủng hộ tiền sách, như một sự công nhận dành cho tâm huyết của tác giả.

Thông tin tài khoản ngân hàng:

Tên tài khoản: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM Số tài khoản: 119.10.000.498.636
Ngân hàng: BIDV (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam) Chi nhánh: Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Tác giả bài viết: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây