Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Thứ ba - 05/01/2021 07:00
Cách trồng mít thái tuy khá đơn giản, do giống cây này dễ trồng, không cần thuốc lẫn quá nhiều công chăm sóc. Tuy vậy, để cây mít thái cho ra trái sớm, năng suất cao, múi to và giòn ngọt nhất bà con cần thực hiện theo hướng dẫn trong bài viết sau của Cách trồng cây ăn quả nhé!
1. Cách chọn giống mít thái chuẩn
Mít thái là loại cây thích hợp với đất đồi, và bạn có thể trồng mít từ hạt vì thế nếu được hãy chọn hạt mít mật, mít rừng trồng để làm gốc ghép để mít được dai nhất. Khi cây gốc khoảng 6 tháng tuổi, cao khoảng 30 cm trở lên, có lá thì bà con nên bắt đầu ghép mít thái.
Về phương pháp ghép mít thái, có thể chọn ghép mắt cửa sổ hoặc ghép áp đều được. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bà con ghép áp có tỷ lệ thành công cao hơn.
Ngoài ra, thời gian để chiết, giâm hom hay ghép cây phù hợp nhất vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 hằng năm. Hoặc có thể chuyển qua tháng 8 đến tháng 9. Lúc này nhựa cây ổn định, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
Mặt khác, một bí quyết giúp việc chiết thành công cao, đó là hãy chờ 2 đến 3 ngày cho nhựa khô rồi bó bầu. Còn riêng việc giâm, ghép cành thì cần làm ngay khi cắt, để tránh cành bị nhiễm khuẩn, gây thối cành.
2. Cách trồng mít thái đúng chuẩn nhất để giúp cây phát triển nhanh
Trong cách trồng mít thái, bà còn cần lưu ý về thời gian, mật độ trồng lẫn cách làm đất, đào hố, bón phân. Cụ thể chi tiết về cách trồng loại mít này chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết như sau.
2.1. Chọn thời gian, mật độ trồng mít thái
Mít thái có thể trồng quanh năm, ở mọi vùng miền với điều kiện bà con là chủ được nguồn nước tưới. Trong một số trường hợp nguồn nước khan hiếm, bà còn cần làm chọn thời gian theo vùng miền như sau:
Miền Nam: Nên trồng vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 đến tháng 7. Thời gian này thích hợp nhất để cây mít thái phát triển. Ngoài ra do khoảng tháng 8 đến tháng 10 mưa nhiều hơn, dễ gây úng, thối rễ.
Miền Trung, miền Bắc: Nên trồng vào tháng 1 đến tháng 3. Đây là thời điểm mùa xuân, cây mít thái sẽ phát triển tốt hơn cả.
Về khoảng cách để trồng mít thái chuẩn, bà con tham khảo như sau:
Nếu muốn trồng với mật độ dày: Mỗi cây mít thái cách nhau khoảng 5 mét. Riêng hàng mít thái cách nhau khoảng 6 mét. Với khoảng cách đó, nếu bà con trồng 1 hecta mít thái sẽ được khoảng 300 cây là đẹp nhất.
Nếu muốn trồng với mật độ thưa hơn: Mỗi cây mít thái cách nhau 6 mét, còn mỗi hàng mít thái cách nhau 7 mét. Với mật độ này, 1 hecta bà con sẽ trồng được khoảng 210 cây mít thái.
Ngoài ra, mật độ trồng mít thái còn tùy thuộc vào chất đất. Với đất tốt thì bà con nên trồng mít thái thưa, và nếu đất cằn thì nên trồng mít thái dày hơn. Ngoài ra, hiện nay do mít thái “có giá” nên nhiều bà con áp dụng cách trồng với mật độ dày để tăng sản lượng.
2.2. Cách đào hố, làm đất để trồng mít thái
Tùy vào từng vị trí trồng mít thái (đồng bằng, vùng núi…) mà bà con chọn cách làm đất, đào hố trồng mít thái khác nhau. Cụ thể như sau:
Với đất bằng: Để chống úng vào mùa mưa, nhất là ở miền Nam bà con cần đào rãnh thoát nước. Với rãnh này cần sâu ít nhất 30 đến 40 cm. Riêng hố trồng đất bằng, bà con cần đào hố có kích thước 40x40x40 cm, và đắp mô cao từ 40 đến 70 cm.
Với đất độ dốc 5 %: Với đất này bà con không cần đắp mô cho cây mít. Mà chỉ cần đào hố kích thước 40x40x40 cm.
Với đất độ dốc cao hơn 7%: Cũng không cần làm mô, mà chỉ cần làm đào hố kích thước 40x40x60 cm (sâu 60 cm).
Với đất khác: Hố cần đào với kích thước 50x50x50 cm.
Lưu ý: Khi đào hố để trồng cây mít thái, bà con nhớ để riêng hai lớp đất mặt và đất dưới ra riêng nhé.
Mỗi hố trồng mít thái cần bón lót khoảng 10 kg phân chuồng (loại ủ hoai). Hoặc phân hữu cơ Komix 1 kg + 150 - 250 gram Super lân, trộn đều cùng lớp đất mặt. Ngoài ra cần trộn thêm 0,5 kg vôi, 50 gram Basudin 10H để tăng độ pH cho đất trồng và phòng kiến, mối ăn rễ.
Lưu ý: Không nên dùng tro, phân hữu cơ chưa hoai để bón lót. Vì hai loại này sẽ khiến rễ mít thái bị thối, đất bị mặn.
2.4. Cách trồng mít thái cho ra trái sớm
Cách trồng chuẩn:
Tạo một lỗ sâu, to hơn bầu cây một chút.
Dùng kéo cắt đáy bầu và bỏ đuôi chuột (rễ cọc) nếu bị xoắn lại.
Đặt bầu cây mít thái vào lỗ đã tạo sẵn, sau đó rút nhẹ túi đựng bầu cây để không làm bầu vỡ, đứt rễ. Lấp đất lại.
Với vùng đất bị khô cần tưới ngay, sau đó dùng thêm rơm, rạ cỏ khô vây quanh bầu để giữ ẩm cho cây mít thái. Ngoài ra, với một số cây mít cao cần cắm cố định bằng cọc để tránh cây bị ngã.
Cách tưới nước:
Tháng đầu: Nếu thời tiết khô, hạn thì cần tưới khoảng 2 ngày 1 lần. Sau đó có thể tưới 4 ngày 1 lần.
Từ năm hai: Tưới cho cây mít vào thời gian bón phân và những tháng khô hạn như trên. Ngoài ra, cần lưu ý, mít thái là loài cây dễ bị úng, nên cần tạo cống để thoát nước như hướng dẫn ở phần trên bài viết này.
Cách bón phân:
Với mít thái 1 năm tuổi: Mỗi tháng bón 1 lần bằng phân chuồng hoai pha nước ( tỷ lệ 1 phân 3 nước). Và mỗi gốc cần tưới khoảng 10 lít. Hoặc có thể dùng đạm ure 1%.
Với cây mít 2 đến 3 năm tuổi: Mỗi gốc bón 1,5 kg vôi bột, 30 kg phân chuồng đã hoai, 0,5 kg ure, 1 kg lân, 0,5 kali. Số lượng trên chia làm 4 lần bón: Sau khi thu hoạch trái, khi cây ra hoa, sau khi trái đậu 1 tháng, sau khi trái đậu 2,5 tháng.
Với cây mít thái 4 năm tuổi: Lượng phân bón tăng thêm 1 kg mỗi gốc. Ngoài ra, trong thời gian trái có trọng lượng lến nên sử dụng phân bón gốc Kali sulphate (K2SO4), bón mỗi gốc 500 gram. Cách này sẽ giúp trái chín tập trung, màu múi trái vàng hơn, mùi vị thơm ngon hơn.
Cách bón đúng chuẩn với mít thái: Xới rãnh xung quanh theo tán cây. Sau đó rắc phân và lấp đất, tưới thêm nước. Lưu ý, bà con nên dùng phân chuồng là tốt nhất, vì loại phân này sẽ giúp trái sai và trái ngon hơn.
2.5. Cách tỉa cành và bỏ bớt trái mít thái
Trong cách trồng mít thái đúng chuẩn, bên cạnh bón phân, tưới nước cần thêm công đoạn tỉa cành, tỉa trái. Chính công đoạn này giúp mít phát triển tốt, cho trái to và chất lượng hơn.
Tỉa cành mít thái: Loại bỏ những cành sâu, lá úa để tăng năng suất cho các cành còn lại. Lưu ý, chỉ nên tỉa cành khi cây cao hơn 1 mét, với cây nhỏ chỉ nên tỉa để tạo tán. Và với cây có trái thì chỉ nên tỉa khi đã thu hoạch xong. Cách tỉa gồm có: Bỏ các cành sát mặt đất từ 40 cm trở xuống; Tỉa bớt cành cấp 2, cấp 3; giữ lại cành cấp 1 cách gốc 40 cm trở lên; tỉa khoảng cách cành trên cành dưới khoảng 40 cm; mỗi cây không quá 5 cành cấp 1.
Tỉa bớt trái mít thái: Mít thái ra nhiều, cần bỏ bớt trái sâu, trái nhỏ, hoặc tỉa để mật độ trái đều hơn.
Nếu muốn trái to, cây 1 năm tuổi chỉ chừa một trái một lứa. Cây mít thái 2 năm tuổi để 2 trái một lứa. Với cây mít thái 3 tuổi để 3 trái một lứa, và cứ thế có thể tăng theo từng năm tuổi.
2.6. Một số lưu ý trong cách trồng mít thái
Mít thái có tuổi thọ rất ngắn, vì thế muốn cây phát triển tốt nên tỉa bớt trái non và không để rong xanh bám vào cây. Bà con cần thường xuyên kiểm tra cắt tỉa cành hư và chà rửa những vết rong bám vào thân cây.
Vì cây mít thái không chịu được nước nên cần đắp mô cao để thoát nước. Ngoài ra, thường xuyên tỉa cành, tỉa lá cho mít thông thoáng, tránh bị lây nhiễm nấm bệnh và phát triển tốt.
Mỗi cây mít Thái chỉ nên giữ lại 4 đến 5 trái ôm thân và gần gốc để tập trung dinh dưỡng nuôi trái to, đạt chất lượng nhất.
Khi trái mít thái tạo cám khoảng 1 kg thì nên dùng bọc lưới bao lại tránh sâu rầy, côn trùng tấn công.
Ở trên là cách trồng mít thái đúng chuẩn mà Vườn nhà đã tổng hợp lại. Hy vọng những thông tin đó sẽ trở nên hữu ích vời bà con nông dân. Hoặc nếu không trồng để kinh doanh, mỗi người đều có thể chọn trồng một cây mít thái để dùng trong vườn nhà. Chúc bà con sớm thành công!