Trước đó, khi theo chồng sang đất nước Đan Mạch, cô cũng trồng nhiều loại rau trái thuần Việt cho đỡ nhớ nhà. Tuy nhiên, do thời tiết lạnh giá nên thời gian đó khu vườn của cô chỉ đạt được một số cây rau nhỏ. Sau này, khi cả gia đình chuyển tới Úc sinh sống, có không gian rộng chừng 500 m2, cô đã học làm vườn một cách bài bản hơn. Và kết quả trở nên thật bất ngờ.
Theo Phước Lộc, vườn nhà cô chỉ có đất sét khá cằn, vào mùa khô thì cứng, mùa mưa sinh lầy. Vì thế, cả hai vợ chồng phải làm từng miếng đất nhỏ, tiến hành cải tạo để nâng cao chất lượng đất. Cụ thể từ các vật phế liệu trong nhà với cây cỏ, phân gà, đất mới cô đã biến khu vườn thành mảnh đất màu mỡ.
Phước Lộc chia sẻ bí quyết làm vườn của mình: “Các cây cỏ tôi đem chôn, ủ với nước, hoặc băm nhỏ những cành cây rồi đổ xuống đất để mụa dần. Đây chính là bí quyết giúp cải tạo đất màu mỡ hơn”.
Ngoài ra, do vùng cô sinh sống khá khô hạn, nên các loại rau trái phải cần cung cấp nước thường xuyên. Để làm được điều này, cô cùng chồng làm bể tích nước mưa, và làm thêm hệ thống tưới nước nhỏ giọt để hạn chế nước bay hơi và tốn nước nhất có thể.
Điểm đặc biệt của khu vườn rau củ của Phước Lộc là hoàn toàn sạch. Để loại bỏ sâu, bệnh các loại cô làm bẫy côn trùng, hoặc tự tay chế biến dung dịch tỏi và ớt để loại bỏ sâu. Dần dà, cô càng học được nhiều kinh nghiệm làm vườn hơn, và tăng năng suất khu vườn nhỏ của mình.
“Có một bí quyết khá thú vị là hãy trồng hoa cúc xen kẽ trong vườn. Cách làm này sẽ giúp các cây trồng gần hoa cúc không bị bệnh về rễ. Hoặc cách khác là trồng hành, hẹ gần gốc cà chua, su su để giúp kiến, rệp hay ong phá hoại các loại cây này” - Phước Lộc chia sẻ bí quyết làm vườn của mình.
Nếu như năm đầu tiên ở Úc, khu vườn cô do đất cạn kiệt dinh dưỡng nên cây trái khá kém. Ví dụ cà rốt lúc này củ cong queo vì không thể đâm xuống đất, khoai lang thì… không có củ nào. Nhưng sang các năm sau cà rốt đã cho củ to bất ngờ, còn khoai lang thì cả yến củ. Bí quyết của cô là ăn lá khoai lang vừa phải để lá còn nuôi rễ nữa!
Thậm chí, năm 2017, lượng rau củ quả nhiều đến nỗi gia đình ăn không hết phải cho hàng xóm. Nhưng rồi hàng xóm không nhận nữa vì… cho quá nhiều. Đặc biệt là rau muống, mướp, bầu… lúc nào cũng đầy vườn!
Trong cuối năm 2017, Phước Lộc phát hiện ra gần nhà có phiên chợ Slow Food Earth Market Maitland (hội chợ dành cho trào lưu thức ăn chậm, bảo vệ trái đất, trên thế giới hiện có khoảng 60 phiên chợ kiểu này). Chợ này họp mỗi tháng 2 lần vào thứ Năm tuần thứ nhất và thứ ba hằng tháng.
Điểm đặc biệt của chợ “thức ăn chậm” là không thu phí người bán. Ngược lại, tại đây ban tổ chức còn cung cấp bàn, ghế, khăn trải bàn… và hỗ trợ cả truyền thông cho người bán. Và các gian hàng tại đây đều đảm bảo tiêu chí “rau củ sạch” do người dân địa phương trồng.
Khi tham gia phiên chợ, Phước Lộc nhận ra cô là người châu Á duy nhất bán rau tại chợ này. Và gian hàng rau củ quả đậm chất Việt Nam của cô đã mang đến nhiều bất ngờ cho các vị khác Úc. Có hôm cô bán rau khoai, có hôm cô bán sả, hoa bí, cũng có hôm cô bán đu đủ, hoa chuối, mướp đắng… “Thời gian đầu họ mua vì sự khác biệt, vì tò mò, sau đó mình hướng dẫn họ cách chế biến, họ ăn thấy hợp khẩu vị, thế là quay lại mua tiếp” - Phước Lộc cho hay.
Vì diện tích trồng trong vườn nhà khá hạn chế, và Phước Lộc cùng chồng trồng đủ loại rau, nên mỗi phiên chợ của cô luôn mang lại bất ngờ. Các khách hàng đến và không biết cô sẽ bán thứ rau gì. Có vị khách được Phước Lộc hướng dẫn chế biến món mướp đắng xào trứng và về nhà thực hiện khiến cả nhà đều thích. Thế là lần sau anh quay lại cảm ơn cô vì đã biết thêm một món ăn thú vị mới.
Thậm chí, có vị khách còn thích khoai của cô trồng đến nỗi đến chợ thật sớm để mua hết. Nhưng vì mỗi lần ra chợ cô chỉ bán một ít, thế là anh đòi đến nhà tham qua, và nài nỉ đến nối Phước Lộc phải dỡ thêm để bán cho vị khách này.
Ngoài ra, thêm một món đồ quen thuộc mà cô giới thiệu tại phiên chợ: Xơ mướp làm đồ rửa chén. Chính cách tận dụng theo truyền thống ông bà này của cô đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ người Úc.
Ngoài ra, một số nhà hàng cao cấp còn tỏ ý muốn mua rau vườn nhà cô trồng trong dài hạn. Nhưng vì diện tích vườn có hạn nên cô đành từ chối những thiện chí này. Hơn thế, từ phiên chợ, nhiều khách hàng đã đề nghị cô dạy nấu ăn món Việt Nam. Và bất đắc dĩ, cô sắp xếp thời gian để mở lớp nấu món Việt từ vườn nhà của mình.
Theo Phước Lộc, cả hai vợ chồng cô không ngờ trồng trọt lại mang đến nhiều niềm vui như vậy. Không chỉ cung cấp cho gia đình mình rau sạch mà qua đó gia đình còn có thêm nguồn thu, hơn nữa, niềm vui được san sẻ rau sạch với mọi người thực sự rất tuyệt vời.
Tác giả bài viết: Farmer
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
01.07.2024
27.06.2024
07.07.2024
26.06.2024
26.06.2024
16.07.2024
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024