Kinh nghiệm làm vườn thuận tự nhiên (phần 2): Làm giàn leo

Thứ hai - 02/05/2022 21:39

Trong phần 1 bài viết giới thiệu kinh nghiệm làm vườn thuận tự nhiên, anh Rần Nông đã chia sẻ cách làm vườn rau màu. Ở phần 2 bài viết này, anh giới thiệu cách làm giàn cây leo trong vườn thuận tự nhiên.

vuon thuan tu nhien lao rom
Một kiểu vườn rau thuận tự nhiên. Ảnh: Lão Rơm

Cách làm giàn leo thuận tự nhiên


Gieo ươm hạt chùm ngây, hoặc những giống cây nào đó tái sinh mạnh mẽ, cho phép cắt tỉa thu sinh khối tốt, không quá bóng cho giống leo dễ sinh trưởng lúc nó còn nhỏ. Có thể giâm cành chùm ngây, cành cám dại, cành dâu…

Nếu có đủ khả năng đầu tư ngay về công, lựa chọn giâm cành là một lựa chọn tốt. Tại Hà Nội, cành cám dại được tôi lựa chọn. Cành cám dại chặt dài tầm 1,8 m, đào lỗ sâu 20 cm cắm hom giống xuống, nện đất cho chặt, tưới nước hoặc đón được một trận mưa là chúng sẽ nảy mầm thành cây. 

Bạn có thể có lựa chọn khác với giống cây phù hợp mà bạn tìm thấy ở địa phương.

Nhìn chung bạn bố trí giàn cây là các giàn ngang (không dùng giàn chéo chữ A). Hai hàng cọc giàn cách nhau 1m và các hạt giống leo giàn thì gieo cạnh chân cọc, hoặc là gieo vào bên trong luống cây mọc thấp.

Độ cao giàn ngang 1,6 – 1,7 m để lấy lối đất giữa luống cây leo giàn này làm lối đi. Không vướng với chiều cao của đa số nông dân trong vườn là được, cũng không quá cao khó thao tác chăm xóc và thu hái. Giàn cao dễ đổ nữa. các giàn ngang hẹp dài yếu hơn giàn chữ A, dễ bị bão lật. Nên chừng 3m thì làm một thanh gác nối các giàn lại với nhau, chúng sẽ vững vàng. Các cọc giàn cách nhau khoảng 50 – 60 cm. Treo những xác cỏ dại có nhiều tay như xuyến chi lên, vậy là có ngay một cái giàn cây cực kỳ hiệu quả.

Những giống leo quấn hay bám vào những thứ kích thước nhỏ như cỏ hay sợi vải là rất dễ dàng. Lại nói bạn có thể tận dụng những dải vải người ta cắt may rồi vứt bỏ, đem treo để các loài dây leo quấn bám dễ dàng. Treo cỏ là hay hơn cả. Tuy cỏ không bền, nhưng vừa đủ cho một đời dây leo và có ngay trong vườn, chi phí rất hạt rẻ. dây buộc treo cỏ thì cũng là cỏ, là dây chuối… chúng cũng là vừa đủ.

 
vuon thuan tu nhien
Vườn thuận tự nhiên. Ảnh: Lão Rơm

Dùng ngô để cây leo


Nếu bạn không có khả năng bố trí ngay khung cứng, bạn chọn gieo mầm. Trong thời gian chờ cọc giàn lớn lên, bạn lấy ngô tẻ làm cọc leo. 30 – 40 cm gieo một lỗ 2 hạt ngô tẻ. Ngô tẻ to khỏe, có thể làm cọc trụ vừa đủ cho một số giống leo như mướp, dưa chuột, đậu đũa, đậu cove... Hai hàng ngô tẻ này gieo cách nhau đúng 1 m, tức là giữa luống leo giàn và luống mọc thấp không có lối đi. Nên mới lấy chính khoảng giữa hai hàng gốc leo để làm lối đi. Ngồi trên lối đi khua khoắng vào hai luống bên cạnh tuy hơi vướng một chút, nhưng cũng đủ, và trong cái nắng hè đổ lửa, bạn sẽ biết nó sướng thế nào khi trên đầu là giàn cây.

Khi ngô tầm 20 – 30 ngày tuổi thì bạn bắt đầu gieo hạt leo giàn. Bạn cũng có thể gieo hai đứa cùng lúc nếu đó là đậu leo, tốc độ sinh trưởng của hai đứa này khá tương đồng, chúng rất tương thích nhau, ngô ăn khỏe và khoái chất đạm thì đậu cho ăn đạm. Đậu sợ nhất nấm thì ngô che chống nấm khi mưa phùn.

Lúc ngô tẻ được 60 ngày tuổi thì bạn gieo ngô mới ngay cạnh để gối vòng, duy trì khả năng chống đỡ của giàn khi các giống leo thọ hơn ngô tẻ như mướp. mà nhìn chung, toàn vườn chỗ nào cũng gối vòng để màu xanh che đất liên tục, hạn chế cỏ dại.

Xem thêm: Nông nghiệp thuận tự nhiên là gì?

Tác giả bài viết: RẦN NÔNG

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây