Chị Vũ Hoàng Quỳnh Trâm là người chọn con đường "bỏ phố về rừng". Chị đã tự xuất bản một cuốn sách về hành trình của mình chia sẻ trên mạng xã hội. Veque xin gửi tới bạn đọc những tâm sự, kinh nghiệm của chị về hành trình này.
Khi dõi theo hành trình bỏ phố về rừng của gia đình tôi, ai cũng nói chúng tôi thực may mắn, vì vợ chồng hợp tính nhau, cùng chí hướng, nên mọi chuyện mới thuận lợi và dễ dàng như vậy. Sự thật lại hoàn toàn khác. Các anh chị nghĩ mà xem, anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ, được giáo dục theo cùng một nếp nhà, mà chưa chắc đã cùng chí hướng, hợp tính nhau, huống hồ chi là “người dưng nước lã”. Chúng tôi cũng có những khác biệt, những mâu thuẫn cực kì lớn, nhiều lần đã mấp mé bên bờ vực tan vỡ. Dù cho đến hiện tại, đã có những sự đồng thuận nhất định, nhưng những khác biệt và mâu thuẫn thì vẫn nảy sinh hàng ngày. Đó là lẽ đương nhiên rồi ạ. Trên đời này làm gì có 2 cá thể đồng nhất với nhau 100%.
Những gì tôi sắp viết dưới đây, không phải để bày cho anh chị cách thuyết phục vợ / chồng mình đồng ý bỏ phố về rừng với mình đâu ạ. Sống ở phố hay sống ở quê, chỉ là một trong những sự lựa chọn mà mỗi gia đình phải đưa ra. Trong cuộc đời này, còn vô vàn những sự lựa chọn khác. Những gì tôi sắp trình bày dưới đây, sẽ là những đường hướng mà chúng tôi đã đúc kết và áp dụng, để giúp cho sự trao đổi và tương tác giữa vợ chồng được hòa hợp nhất có thể. Khi đã có sự thấu hiểu, thống nhất trong cách giao tiếp, hành xử, thì chúng tôi tin rằng, mỗi gia đình sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc trao đổi, nhằm đưa ra một quyết định làm thỏa lòng tất cả các thành viên. Sau đây, tôi xin phép được kể câu chuyện của mình từ lúc còn ở phố.
Cách đây 6 năm, tôi đã đồng thuận với ý tưởng bỏ phố về rừng của chồng mình rất nhanh chóng, không phải vì tôi thích, mà vì lý lẽ thuyết phục của anh rất hợp lý. Anh phân tích rằng: Cuộc sống ở phố không phù hợp cho sức khỏe của gia đình tôi. Ai cũng hay đau ốm, đặc biệt là bé con. Một tháng 30 ngày thì chắc cũng cảm, ho, sốt hết 20 ngày. Đi mua thực phẩm sạch thì cứ nơm nớp sợ bị lừa, vì giá đắt song chất lượng thì khó kiểm chứng, vì đâu có kiến thức gì về trồng trọt, chăn nuôi. Làm bao nhiêu, rồi cũng có lúc đổ vào giường bệnh, thuốc men.
Tôi quyết định nghe theo chồng, vì thấy anh nói rất có lý, chứ trong đầu hoàn toàn không có chút ý niệm gì về những khó khăn mà mình sắp phải trải qua. Tôi khi ấy chỉ là cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong một gia đình công chức trung lưu. Cuộc sống không quá giàu có, nhưng cũng chưa bao giờ thiếu thốn điều cơ bản gì. Từ bé đến lớn chỉ biết lo học hành, rồi nhờ chăm chỉ mà vào được Đại học Ngoại thương. Tốt nghiệp xong thì được vào làm cho tập đoàn nước ngoài. Đến khi chuyển sang dạy tiếng Anh thì cũng dạy cho trung tâm lớn. Dịch sách thì cũng cộng tác với những nhà xuất bản lớn. Mọi thứ thường hay suôn sẻ và dễ dàng với tôi, nên tôi thiết nghĩ hành trình sắp tới của mình cũng thế. Tôi đã suy nghĩ rất đơn giản rằng, mình chỉ cần mua một mảnh đất, mua thêm ít máy móc, rồi thuê vài người làm vườn. Vậy là mình đã có thực phẩm sạch để vừa ăn, vừa bán, tiện cả đôi đường.
Ấy thế mà đến khi “lâm trận”, trong suốt hơn 5 năm đầu tiên, chúng tôi đã không biết bao nhiêu lần cãi cọ muốn chia tay, thậm chí đã viết cả đơn ly hôn và giấy phân chia tài sản. Những lần bị cò đất lừa, thất thoát tiền bạc, áp lực phải thích nghi với cuộc sống mới, rồi những thất bại trong việc làm nông, kinh doanh nông sản sạch, áp lực kinh tế, nợ nần v.v… đã khiến cho chúng tôi không còn tìm được tiếng nói chung, và thấy ngày càng xa cách.
Điểm lại suốt những năm tháng đó, cảm xúc cứ đong đưa như con lắc, lên xuống như biểu đồ hình sin. Nhiều khi tôi chỉ muốn đóng gói anh nhà, gửi sang cho Elon Musk, rồi nhờ ông ấy vất lên phi thuyền nhắm thẳng sao Hỏa mà đi. Còn chồng tôi, chắc cũng chỉ mong có anh Chí Phèo nào điếc lác, nhìn gà hóa cuốc, mà vớt tôi đi cho rồi. Vâng, ghét nhau đến mực đó. Đoạn đường tình tưởng như đứt đoạn non trăm lần.
Thêm một chuyện trớ trêu nữa, là sau mỗi lần cố hàn gắn, mọi chuyện tưởng chừng như êm đẹp, thì lại có những vấn đề khác dồn dập xảy đến. Ví dụ như:
Vừa vui vẻ nghĩ mua được mảnh đất rẻ, rộng rãi. Thì sau một thời gian lại phát hiện ra mảnh đất ấy có nhiều vấn đề mà sức mình không giải quyết được, buộc phải bán lỗ sau khi đã đầu tư không ít, và đi tìm mua mảnh đất mới.
Mảnh đất ưng ý thì tiền lại vượt quá ngân sách, phải đi vay mượn. Quyết tâm bán nông sản sạch trả nợ, cũng vừa tìm được một vài khách hàng tin tưởng đặt mua dài hạn thì lại vấp phải dịch bệnh. Không bán được nông sản, công việc tay trái của tôi là dạy tiếng Anh và đi phiên dịch cũng phải tạm ngưng. Món nợ vay khi mua đất treo lơ lửng trên đầu. Bán đất đi, thì thấy tiếc công mình đã cải tạo mọi thứ thành vườn rừng. Lỡ khi người mua mới lại chặt phá hết, làm theo hướng công nghiệp, thì thật tội cho cỏ cây và uổng công mình gìn giữ.
Mọi thứ dồn dập không dứt như vậy, khiến cả hai chúng tôi mệt mỏi vô cùng. Có lúc, tôi thậm chí còn đổ lỗi rằng, chính con đường bỏ phố về rừng mới khiến cho chúng tôi căng thẳng khổ sở, và xa cách nhau đến vậy. Còn thì sự thanh thản và bình an mà tôi hằng ao ước có được, khi bắt đầu đặt chân trên con đường này, đâu mất rồi… Chúng tôi tìm mãi chẳng thấy, và có lúc chỉ muốn buông tay.
Nhưng rồi, giống như những kẻ ngu ngơ “vô tình lượm được bí kíp”. Nhờ duyên may thực hành Thiền, mọi việc dần sáng tỏ hơn với chúng tôi, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhẹ nhàng hơn không phải bởi chúng tôi đã bán được nhiều nông sản hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, mà bởi cả hai đã nhìn ra được cốt lõi của vấn đề: Chúng ta đã để cho HOÀN CẢNH bên ngoài tác động đến mình quá nhiều. Khi chúng ta thực sự hạnh phúc an ổn từ bên trong, thì đứng trước biến cố nào, chúng ta cũng có thể bình thản đối mặt giải quyết, mà không trút đổ bực tức và căng thẳng lên nhau. Khi chúng ta thực sự hạnh phúc an ổn từ bên trong, đứng trước mẫu thuẫn nào, chúng ta cũng có thể bình tĩnh trao đổi cùng nhau, mà không chỉ trích và buông lời tổn thương.
Nói nghe thì thật dễ, nhưng làm sao để có thể thật sự an yên, hạnh phúc từ bên trong, bất chấp mọi hoàn cảnh, giống như câu “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” đây? Việc nghe chừng còn
khó hơn lên trời. May mắn là sau một thời gian hành Thiền, trải nghiệm và tư duy, tôi đã rút ra cho mình một công thức đơn giản, thứ mà tôi hay gọi đùa là “phép cộng thần thánh”:
HẠNH PHÚC = HIỂU MÌNH = PHẢI ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH + BIẾT QUAN SÁT CHÍNH MÌNH
Đa số chúng ta ở đây đều là sản phẩm của nền giáo dục đại chúng, đều không được là chính mình từ tấm bé , và không được dạy dỗ cách để biết quan sát bản thân, nên ngày càng quên lãng đi bản chất thật, cảm xúc thật, nhu cầu thật.
Chúng ta luôn sống trong nỗi sợ “bị phán xét” và “tự phán xét”, nên không dám thừa nhận và bộc lộ bản thân. Lâu dần không còn biết mình thật sự là người như thế nào, thật sự mong muốn điều gì, thật sự đang cảm thấy gì, và vì đâu lại như thế. Bởi hoàn toàn mù mờ về chính mình, không thể kết nối được với chính mình, nên những người thân thiết gần gũi nhất là chồng / vợ và con cái, cũng khó mà hiểu được chúng ta. Bao nhiêu lần các chị em phụ nữ đã gào lên: “Sao anh không hiểu em?”, bao nhiêu lần cánh đàn ông phải thở dài: “Vợ tôi chẳng hiểu gì tôi cả.”, và bao nhiêu lần những đứa trẻ nhốt mình trong phòng chỉ bởi: “Ba mẹ chẳng hiểu con!”
Dẫu cho tình yêu chúng ta dành cho gia đình có lớn đến nhường nào, thì hạnh phúc cũng chỉ như tòa lâu đài xây trên cát. Một cơn sóng nhỏ, cũng đủ cuốn phăng đi tất cả, bởi nền móng là Sự Hiểu Mình hoàn toàn không có. Có những trường hợp vẫn gắng gượng sống với nhau vì một lý do nào đó, và cho rằng mình cần phải bao dung với người kia. Nhưng ranh giới giữa Bao dung và Chịu đựng, quả thật rất mong manh. Cùng một kết quả, nhưng nguyên nhân có thể khác hoàn toàn.
Con đường Thiền đã cho vợ chồng tôi một cơ hội tuyệt vời để học cách Hiểu Mình, bằng việc
- Không Phán Xét Bản Thân (Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp),
- Thường Xuyên Quan Sát Suy nghĩ - Cảm Xúc (Chánh Định, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm),
- và Đặt Câu Hỏi Vì Đâu Lại Khởi Lên Những Cảm Xúc Ấy (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy).
Cả hai không còn cố gắng ép mình phải hạ thấp cái tôi, không còn phải thay đổi bản thân vì muốn giữ hạnh phúc gia đình nữa. Như thế chỉ là sự Chịu Đựng mà thôi. Sức người thì có hạn, chịu đựng đến mấy rồi cũng sẽ có lúc bùng nổ. Chúng tôi nhận ra, mình cần phải hiểu thật rõ về Bản Chất, Đặc Tính của chính mình, và của đối phương. Để rồi từ đó mới quyết định xem có nên tiếp tục đồng hành với nhau nữa hay không. Bởi vì đôi khi chúng ta có những sự hiểu lầm rất lớn.
Lấy ví dụ như Nước với Dầu. Cả hai đều là chất lỏng, nhìn qua thấy có nhiều điểm chung, nhưng khi trộn lẫn với nhau lại không thể hài hòa được, Nước đi đường nước, Dầu đi đường dầu. Còn như Nước với Muối. Một bên là chất lỏng, một bên là chất rắn, tưởng như chẳng có điểm gì chung, nhưng khi trộn lẫn với nhau thì lại hòa tan hết, mà chẳng ai phải mất đi bản chất của mình: Nước vẫn là tươi mát, và Muối vẫn mặn mà.
Chúng ta cần phải hiểu, mình là Nước, là Dầu hay là Muối. Nếu hai người là Nước với Dầu, thì cho dù có “khuấy” đến cỡ nào, có gò ép bản thân phải thay đổi đến đâu, cũng chẳng thể “hòa” vào nhau được. Còn nếu như là Nước với Muối, thì chỉ cần “đong đo liều lượng” cho phù hợp, là mọi chuyện sẽ ổn thỏa, “hương vị” hôn nhân sẽ hài hòa.
Mình phải thật sự biết Mình Là Ai. Và để làm được điều đó, chúng tôi thường làm 3 việc sau đây:
Đây là Chướng Ngại Vật Đầu Tiên Mà Ai Cũng Cần Phải Vượt Qua, nếu muốn đi trên con đường Tìm Hiểu Về Chính Mình. Đã có phán xét, phân biệt Tốt – Xấu, Đúng – Sai, thì ắt sẽ có sự chối bỏ: “Ôi, sao mình lại có suy nghĩ như thế, sao mình tồi tệ thế, xấu xa thế. Không, mình không phải người như vậy!”. Chối bỏ bản thân, lừa dối bản thân, là đã tự rời bỏ con đường quay về bên trong rồi.
Khi nhận ra những đau khổ của mình và muốn thay đổi, vợ chồng tôi đã chọn con đường Trung Đạo. Như chồng tôi hay đùa rằng: “Bọn mình là những đứa vô đạo đức, không biết tốt xấu, đúng sai.” Bởi vì với chúng tôi, Đúng – Sai, Tốt – Xấu không phải là Chân lý. Chân lý là thứ luôn đúng với mọi người, trong mọi hoàn cảnh, mọi không - thời gian. Ví như Hơi thở chính là Chân lý. Tự cổ chí kim, có sinh vật sống nào mà không hít thở?
Nhưng sự vật và sự việc trên đời, người này thấy tốt, người kia lại thấy xấu; lúc này thấy đúng, lúc khác lại thấy sai. Vậy thì đó đâu phải là Chân lý. Con đường tìm về bản thể, là tìm về Chân lý, tìm về Sự thật. Nếu Tâm Phân biệt còn hiện hữu, thì rất khó để có thể tiếp tục hành trình.
Ví dụ như “Tính Tham” hay “Nỗi sợ”, ai cũng nói chúng là không tốt. Theo chúng tôi, “Tính Tham” hay “Nỗi sợ” không tốt cũng không xấu, chúng là lẽ tự nhiên, là một phần của bản năng con người, hiện diện trong tất cả. Chúng giúp cho con người bảo vệ sự sống. chỉ là tự con người gán ghép ý nghĩa tiêu cực vào cho chúng mà thôi.
Giống như nọc rắn, tưởng như rất độc, nhưng dùng đúng cách, đúng liều lượng sẽ chữa được bệnh. Còn nước lọc, tưởng như vô hại, nhưng uống quá nhiều sẽ có thể tử vong. Tính “Tham”, cũng như “Nỗi sợ” vậy, nếu biết quan sát và sử dụng Đúng Lúc - Đúng Chỗ - Đúng Mức, sẽ giúp duy trì sự sống một cách cân bằng. Nếu bảo hãy đoạn tuyệt hết tính tham, vậy thì chúng ta đi làm đừng đòi nhận lương cao, lấy chút ít tượng trưng thôi, rồi về ăn mắm ăn muối, mì gói cơm nguội đắp đỗi qua ngày cũng được. Hay như bảo đừng sợ chết, thích ăn gì thì cứ ăn, dù ăn vào thấy cơ
thể khó chịu cũng chả sao, thấy ngon miệng là được, cũng không cần vận động gì cho mệt. Liệu những cách hành xử đó, có đem lại lợi lạc gì cho chúng ta hay không?
Dù không phải là người theo đạo Công giáo, nhưng cách đây vài năm, có một lần tôi được vào nhà thờ nghe Cha giảng đạo. Câu chuyện mà Cha chia sẻ hôm ấy đã khiến tôi thức tỉnh ra rất nhiều. Tôi xin phép kể lại câu chuyện ấy ở đây. Tôi sẽ cố gắng giữ nguyên ý chính, nhưng những chi tiết nhỏ có thể không đúng hoàn toàn 100%, vì đầu óc dạo này cũng hơi nghễnh ngãng. Rất mong các anh chị người Công giáo bỏ quá cho tôi.
Cha kể rằng có một lần, Đức Chúa Jesus đi qua một ngôi làng. Ngài nhìn thấy người ta đang buộc trói một người phụ nữ vào cột, và định ném đá cô ấy cho đến chết. Người đến can ngăn và hỏi han vì sao họ lại làm như vậy. Dân làng nói cô ấy đáng bị như thế, vì cô ấy đã ngoại tình. Đức Chúa Jesus bèn hỏi: “Thế trong các anh chị em, ai chưa từng có suy nghĩ ngoại tình trong đầu? Ai chưa từng có suy nghĩ đó thì mới xứng đáng đứng ở đây. Còn nếu đã từng có suy nghĩ đó mà vẫn còn đứng đây để trừng phạt người phụ nữ này, thì chắc chắn sẽ phải chịu tội.” Chỉ một lúc sau, tất cả những người dân làng đều bỏ về. Đức Chúa Jesus bèn cởi trói cho người phụ nữ. Cô ấy quỳ thụp xuống dưới chân Ngài, vừa khóc vừa nói: “Đội ơn Ngài đã không phán xét con.” Đức Chúa Jesus bèn đáp: “Ta là ai, mà có thể phán xét nàng.”
Vâng, quả đúng là như thế. Chúng ta là ai mà phán xét người khác. Chúng ta là ai mà đi phán xét những cảm xúc hay suy nghĩ tự nhiên của con người, bao gồm cả chính mình. Chúng ta phải là “người quan sát không có điểm mù” cho chính mình. “Điểm mù” ở đây chính là Tâm Phân Biệt
- Phán Xét. Khi có Tâm Phân Biệt - Phán Xét, Sự Thật sẽ bị che mờ, không bao giờ nhìn ra được Bản Chất Thực Sự, và cũng không bao giờ tìm được giải pháp phù hợp cho những vấn đề của mình.
Chúng tôi nghĩ, đã chung sống với nhau, thì nên thành thật bày tỏ, đừng nên e ngại điều gì. Mình rèn luyện không phán xét mình, lâu dần mình cũng sẽ không còn phán xét người. Đâu có ai là hoàn hảo. Hiểu mình và Chấp nhận mình, Hiểu người và Chấp nhận người. Đó mới là bản chất thật sự của Lòng Bao Dung.
Bao dung, dựa trên Tình thương, và cả Sự Hiểu.
Trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ khi nào có thể, chúng tôi thường tự hỏi: “Mình đang cảm thấy thế nào?”, “Mình đang có suy nghĩ gì?”. Và tuyệt đối Không Phán Xét những cảm xúc hay suy nghĩ của bản thân. Mình phải hiểu rằng, những cảm xúc hay suy nghĩ ấy không phải của riêng ai, chúng là lẽ tự nhiên, không tốt cũng không xấu, và hiện diện trong tất cả.
Trước giờ, phần đông trong chúng ta hoàn toàn không có thói quen quan sát mình. Tất cả những câu hỏi của chúng ta đều hướng ra bên ngoài, quan sát bên ngoài, chứ không phải hướng
vào bên trong, quan sát bên trong. Chỉ chú ý đến bên ngoài, mà quên chú ý đến bên trong, thì sẽ rất dễ bị cuốn theo ngoại cảnh, làm những điều phi lý trí và đẩy sự việc đi quá xa.
Tôi xin nêu ra một ví dụ thế này. Một người đàn ông thức dậy vào buổi sáng. Hôm nay anh ta sẽ ký kết một hợp đồng quan trọng. Thế rồi trong lúc rửa mặt, anh ta để quên chiếc đồng hồ đắt tiền của mình trên kệ nhà tắm. Sau một lúc, sực nhớ ra, anh ta quay trở lại và thấy chiếc đồng hồ đã rơi xuống đất, mặt kính vỡ toang, anh ta bắt đầu nổi giận, truy hỏi và quát tháo vợ con. Sau một khởi đầu không mấy suôn sẻ, cả gia đình rời khỏi nhà.
Đứa con có một bài thi quan trọng vào hôm ấy, nhưng do buồn bực vì bị cha mắng mỏ, đứa trẻ đã không thể tập trung để hoàn thành bài thi. Người vợ hôm ấy cũng có một buổi thuyết trình quan trọng, vì bị chồng trách móc lớn tiếng mà trong lòng cũng sinh ra buồn bực, không thể tập trung và thuyết trình không thành công. Người đàn ông sau khi trách mắng vợ con thì tức giận rời đi, đến công ty mới biết đã để quên những giấy tờ quan trọng ở nhà. Đó thực sự là một ngày tồi tệ cho cả gia đình. Và đến tối, khi tất cả cùng quay về nhà, chắc chắn sẽ lại có thêm nhiều lời trách móc và nước mắt tủi hờn. Hiệu ứng Domino đã khiến cho ngày hôm ấy trở thành địa ngục. Chúng tôi, cũng đã từng có những ngày tồi tệ như thế.
Vậy thì để ngăn chặn tất cả ngay từ đầu, phải chăng người đàn ông chỉ nên dừng lại ở chiếc đồng hồ vỡ. Một chiếc đồng hồ vỡ, đâu thể nào sánh được với một gia đình tan vỡ. Việc bất chấp một hậu quả to lớn, chỉ để thỏa mãn cơn giận của mình, rõ ràng là một việc rất phi lý trí. “Giận mất khôn” ông bà mình nói quả không sai. Nếu khi đó, người đàn ông hít một hơi thật sâu, quay vào bên trong để chú ý đến cảm xúc và suy nghĩ của mình, thay vì chú ý đến chiếc đồng hồ vỡ, rồi tự nói với chính mình: “À, tôi đang rất tức giận. Mặt tôi đang nóng bừng lên đây. Tôi đang nhặt những mảnh vỡ của đồng hồ, và đang muốn gọi vợ con vào để hỏi cho ra lẽ…” thì cơn giận sẽ tự khắc nguôi dần (lý do vì sao lại như thế, tôi sẽ giải thích cụ thể hơn trong phần giải thích về Thiền). Hiệu ứng Domino chấm dứt ngay tại đó.
Anh ta sẽ lấy lại được sự bình tĩnh, không trút bực dọc lên vợ con. Đứa trẻ sẽ hoàn thành tốt bài thi, người vợ sẽ có buổi thuyết trình thành công mỹ mãn. Anh ta cũng không để quên giấy tờ quan trọng và ký được hợp đồng một cách suôn sẻ. Rồi cả nhà sẽ có một buổi tối đầm ấm bên nhau, nơi mọi người vui vẻ chia sẻ về những thành công trong ngày của mình. Cùng một khởi đầu, nhưng kết thúc đã hoàn toàn khác. Một bên để cho ngoại cảnh tác động. Một bên, biết quan sát và làm chủ chính mình.
Chúng tôi nhận ra, không ít lần cả hai làm tổn thương nhau, cũng vì lý do tương tự: để bị cuốn theo ngoại cảnh mà không chú ý quan sát chính mình. Khi đã tức giận hay buồn bã đối phương về điều gì, thì cảm xúc khi ấy giống như một con ngựa hoang sổng chuồng vậy. Nó sẽ lao đi rất nhanh, kéo theo những hành vi quá giới hạn mà khi bình tĩnh, chẳng ai nghĩ mình sẽ làm. Cái sai của người này dẫn đến cái sai của người kia, chồng chồng chất chất. Hai người từng rất yêu thương nhau, bây giờ nhìn đâu cũng thấy không vừa mắt, thậm chí căm ghét tột cùng.
Nhưng khi chúng tôi bắt đầu biết quay vào bên trong để quan sát, mọi chuyện trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Sau khi tự trò chuyện với bản thân để cho nguôi cơn giận, bình tĩnh lại sẽ thấy bản thân cũng có những sai lầm. Lúc đó, mình sẽ không bị cuốn theo việc kể tội hay trách móc người khác nữa, mà trở thành tự “bóc phốt” và rút ra bài học cho chính mình. Ví như, nếu người đàn ông bình tĩnh lại, anh sẽ thấy mình không nên để đồng hồ mấp mé trên kệ gương, mà nên đem ra ngoài để ngay ngắn trên bàn. Vậy là đã rút ra được một bài học kinh nghiệm cho bản thân, mà không làm tổn thương bất kì ai, kể cả chính mình. Học thêm một điều mới, là Trí tuệ đã phát triển. Không làm tổn thương người khác, là Tình thương đã đong đầy.
Khi ta neo giữ được Tâm mình, thì tự động Trí tuệ và Tình thương sẽ ngày càng tăng trưởng.
Liên tục đặt câu hỏi “Vì sao”, là để có thể đào sâu suy nghĩ, tìm ra Bản Chất cùng những Đặc Tính của chính mình. Từ đó mới có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp trong cuộc sống, và truyền đạt cho những người thân quen để họ có cách ứng xử phù hợp với mình.
Ví dụ đơn giản như, chúng ta hay bị nổi mề đay, dị ứng. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc quan sát, nhận biết: “À, tôi đang bị dị ứng.” mà không tiếp tục đặt câu hỏi: “Vì sao tôi lại dị ứng?” thì vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết.
Khi đặt ra câu hỏi “Vì sao”, ta sẽ có cơ hội quan sát sâu hơn nữa. Chẳng hạn như sau khi tự hỏi vì sao, ta quan sát thấy mỗi lần ăn thịt bò mình mới bị dị ứng. Vậy thì ta sẽ tránh ăn thịt bò, và nói người thân quen đừng mời hay nấu thịt bò cho ta ăn. Còn nếu như ta không biết nguyên nhân là do thịt bò, ta cứ ăn vô tư, rồi bị dị ứng, ngứa ngáy ngày càng nặng, tâm tính sẽ ngày càng khó chịu hơn, tiêu cực hơn, dễ nổi nóng hơn.
Cho dù có uống thuốc thì cũng chỉ đỡ được vài hôm. Rồi mọi thứ sẽ lại tái phát, sẽ lại bực dọc, khó chịu, dễ gây tổn thương người khác hơn. Người khác không chịu nổi, cũng sẽ gây tổn thương ngược lại cho mình. Một cái vòng lẩn quẩn không lối thoát, bắt nguồn từ một nguyên nhân tưởng chừng như rất đơn giản (và cách giải quyết của nó cũng hết sức đơn giản).
Nguyên nhân của một vấn đề lớn, đôi khi chỉ nhỏ xíu như vậy thôi. Có những vấn đề thật sự rất đơn giản và dễ xử lý, nhưng bởi vì ta không đặt câu hỏi vì sao, không tìm được nguyên nhân cốt lõi để giải quyết, nên vấn đề sẽ cứ lặp đi lặp lại và ngày càng trầm trọng hơn. Ta cố gắng giải quyết vấn đề này, thì sẽ lại nảy sinh vấn đề khác. Quan sát – đặt câu hỏi – quan sát – đặt câu hỏi, cứ liên tục đào sâu như thế, ắt sẽ có ngày tìm ra được nguyên nhân cốt lõi.
Cuộc sống đã “phủ lên” chúng ta rất nhiều định kiến, chuẩn mực, và kỳ vọng. Có những việc ta tưởng chừng như hiển nhiên, phải là như thế. Nhưng lại không hiểu được cái động cơ vô thức
ở bên trong, chỉ mặc nhiên chấp nhận một cách mù quáng. Muốn hiểu được, ta phải liên tục đào sâu suy nghĩ, đặt câu hỏi cho chính mình, tựa như đang bóc dần từng lớp của một củ hành tây vậy. Sẽ “chảy nước mắt” nhiều đấy, nhưng có như thế mới thấy được cái “lõi” ở bên trong.
Ví dụ như, một người người đàn ông thưở bé thường hay thấy cha đánh đập mẹ mình. Anh thấy thương mẹ và rất hận cha. Trong đầu anh đã nghĩ, lớn lên sẽ không bao giờ giang tay đánh vợ mình như thế. Nhưng rồi trong một cuộc cãi vã, anh đã không kiềm chế được mà tát vợ mình một cái. Sau hành động đó, người đàn ông cảm thấy vô cùng ghê tởm bản thân. Anh ta đã trở thành con người mà mình hằng căm ghét.
Nếu không biết đặt câu hỏi “Vì sao” để tìm ra nguyên nhân, người đàn ông rồi sẽ bất lực chấp nhận rằng: “Mình là con của ông ấy, nên mình phải thừa hưởng cái gen bạo lực của ông ấy. Chẳng thể nào khác được”. Nhưng nếu chịu khó quan sát và đặt câu hỏi về bản thân, anh sẽ nhận ra một điều: Xu hướng bạo lực của anh không phải do gen.
Đó là do từ bé, khi nhìn thấy cảnh cha đánh đập mẹ, và mẹ sợ hãi phục tùng cha, tuy ý thức của anh xem đó là việc sai trái và vô cùng căm ghét, nhưng bản năng của anh lại âm thầm ghi nhận một điều: “Sử dụng bạo lực, là cách nhanh nhất để bắt người khác làm theo ý mình.” Và nó sẽ ứng dụng điều đó ngay khi có cơ hội.
Bởi vì bản năng không giống như ý thức, nó không có sự phân định đúng - sai, chỉ xem xét việc có lợi hay không có lợi mà thôi. Việc gì mà bản năng ghi nhận là sẽ có lợi cho bản thể, giúp tiết kiệm năng lượng, công sức v.v…, nó sẽ học ngay. Chẳng thế mà ông bà ta ngày xưa có câu: “Học cái tốt 3 năm không đủ. Học cái xấu 1 ngày cũng dư.” Câu tục ngữ này đã chỉ rõ một điều, để rèn luyện một thói quen tốt cần rất nhiều thời gian và công sức, còn để tiếp thu cái xấu thì vô cùng dễ và nhanh.
Bản năng luôn chọn làm cái gì dễ dàng và hiệu quả. Khi nó chứng kiến những cảnh bạo lực, và nhận thấy rằng: Thay vì tốn hàng giờ trò chuyện để tìm lý lẽ thuyết phục ai đó, thì chỉ một cú đấm trong 1 giây đã có thể giải quyết được vấn đề, nó sẽ ứng dụng ngay.
Khi đã nhìn ra được nguyên nhân cốt lõi, người đàn ông sẽ dần thay đổi được bản thân. Anh sẽ không còn cảm thấy ghê tởm mình nữa, tức không phán xét mình. Khi quan sát và đặt câu hỏi để tìm hiểu bản thân, anh sẽ nhận ra bạo lực không phải là bản chất của mình. Nó chỉ là một dấu ấn không may in hằn từ tuổi thơ. Và anh hoàn toàn có thể tháo gỡ nó ra, chỉ bằng niềm tin vào bản thân, sự kiên định và kiên nhẫn.
Anh sẽ bắt đầu tìm kiếm những phương cách giúp mình nhận biết và kiểm soát cảm xúc, để biết khi nào cơn tức giận của mình đang khởi sinh. Thẳng thắn trao đổi với vợ về những gì anh đã trải qua, và nó đã tác động đến anh như thế nào, rồi cùng người bạn đời tìm ra giải pháp. Ví dụ
khi thấy anh tức giận thì chị hãy tránh đi chỗ khác, đợi anh bình tĩnh rồi hẵng tiếp tục trao đổi, hoặc nói một từ keyword nào đó để nhắc anh bình tĩnh lại v.v…
Cuộc đời chỉ có thể khác đi, khi ta cư xử khác đi. Không thể trông chờ một cái Quả mới, từ một
cái Nhân cũ. Sự quan sát chính mình, đã giúp chúng tôi thay đổi được cái Nhân đó.
Khi đã nhận ra được Bản chất, Đặc tính của mình và của đối phương rồi, chúng tôi mới cân nhắc lại xem có thể hòa hợp được không, tình cảm dành cho nhau còn nhiều không, và có muốn đồng hành cùng nhau nữa hay không. Khi đã quyết định sẽ tiếp tục, thì từ đó về sau, trong tất cả mọi lời nói, hành động và quyết định, đều phải cố gắng tránh chạm vào “điểm yếu” của nhau, “tử huyệt” của nhau (Ví dụ: không mua thịt bò về xào nếu chồng mình bị dị ứng thịt bò chẳng hạn). Để củng cố thêm niềm tin và nhắc nhở nhau cùng cố gắng, vợ chồng tôi còn soạn ra một Bộ Quy tắc Ứng xử trong gia đình, trong đó mọi điều khoản đều phải có sự đồng thuận của cả đôi bên.
Ví dụ:
Khi có mâu thuẫn thì phải ngồi xuống trao đổi ngay và luôn, tranh luận cho đến nơi đến chốn, không tránh né, không nhắm mắt cho qua, tìm ra cho bằng được một giải pháp mà cả hai đều cảm thấy thỏa mãn.
Khi tranh luận, cố gắng tập trung tìm giải pháp, tránh công kích cá nhân, đặc biệt là không được chạm vào “tử huyệt” của bên kia. Nếu nhận thấy bản thân đang mất kiểm soát cảm xúc (thông qua nhịp thở của mình để nhận biết, nếu nhịp thở tăng mạnh đó là biểu hiện mất kiểm soát cảm xúc), có thể yêu cầu ngưng tranh luận trong một khoảng thời gian để bình tĩnh lại.
Hầu hết các đôi chung sống với nhau lại ít khi để ý đến điều này, mà thường xuề xòa cho qua, nghĩ rằng: Người trong nhà cả, làm gì mà căng thế! Nhưng khi không có quy tắc rõ ràng, rất nhiều rắc rối sẽ nảy sinh. Nhắm mắt cho qua, cố gắng chịu đựng chỉ làm cho mọi thứ tệ đi, và tình cảm dành cho nhau cũng mau phai lạt hơn mà thôi.
Bộ Quy tắc Ứng xử càng chi tiết, sẽ càng giải quyết được nhiều vấn đề trong đời sống vợ chồng. Những gia đình êm ấm đều là những gia đình có quy tắc ứng xử giữa các thành viên rõ ràng và thống nhất, điều mà dân gian vẫn thường hay gọi là “nếp nhà” – nề nếp cư xử của một gia đình. Thậm chí, nếu không có Quy tắc ứng xử, giao tiếp cụ thể, sẽ dễ dẫn đến hiểu lầm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Lấy ví dụ như có một hôm, vợ chồng tôi xin được một số thanh tre dư thừa để về dựng chuồng gà và làm giàn cho dây leo. Lúc về đến nhà, trong khi chồng tôi đang trèo lên nóc xe để ném tre xuống, thì tôi đi vòng quanh nhặt tre đi cất. Chồng cất tiếng gọi vợ, tôi không trả lời mà lẳng lặng
đi đến, suýt chút nữa thì anh đã ném thanh tre trúng vào đầu tôi. Chồng rất giận dữ, la mắng lớn tiếng vì sợ gây nguy hiểm cho vợ:
- Sao anh gọi mà em không trả lời? Làm anh tưởng em chưa đi đến nên mới ném tre xuống!
Em có cái miệng để làm gì hả?
Trong lúc đó, tôi đã thấm mệt sau khi phụ anh cắt và chất tre lên xe, bị chồng mắng thì cái tôi cũng trỗi lên, bèn cãi ngang:
- Em không trả lời thì anh phải tự biết là em đang đi đến rồi chứ!
Nói xong câu đó, giật mình quan sát lại hơi thở và cảm xúc, mới nhận ra mình… tầm bậy thật. Chồng tôi sau khi lớn tiếng, cũng bắt đầu quan sát lại hơi thở và cơn giận đang diễn ra, nên cơn giận cũng nguôi đi nhanh chóng. Lúc đó, nếu không nhờ có thói quen quan sát hơi thở và cảm xúc đang diễn ra trong tâm mình, thì cuộc cãi vã chắc chắn sẽ đi rất xa. Sẽ có nhiều lời lẽ khó nghe được thốt ra hơn, và có lẽ đám tre mới đem về, chẳng mấy chốc lại trở thành củi đốt!
Từ bé đến lớn, tôi có thói quen ai gọi cũng ít khi trả lời, chỉ lẳng lặng đi đến hoặc lẳng lặng làm những gì được yêu cầu. Nhưng khi cùng ai đó làm những công việc tay chân tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm, thì sự im lặng của tôi sẽ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng khác. Thế là chồng đặt ra quy tắc: Mỗi khi anh gọi, tôi phải cất tiếng trả lời, ú ớ sao cũng được, nhưng phải trả lời cho anh hay, để lường trước những nguy hiểm. Chỉ thói quen đó thôi, mà tôi mất gần cả năm trời mới sửa được khoảng 50%.
May là chồng rất kiên nhẫn. Đôi lúc nghe anh gọi, tôi lại cũng lẳng lặng đi tới, không nói năng chi. Không thấy tôi trả lời, anh chịu khó gọi thêm nhiều lần nữa. Nghe chồng gọi nhiều lần, tôi mới chực nhớ lại quy tắc và lên tiếng trả lời anh. Đặt ra Quy tắc chi tiết, cụ thể, và cố gắng hỗ trợ nhau tuân thủ cho đúng, sẽ giúp tránh được rất nhiều mâu thuẫn, hiểu lầm và những hậu quả đáng tiếc trong gia đình.
Đối với chúng tôi, để xây dựng Hạnh Phúc từ bên trong, cần dựa trên 3 trụ cột chính: Không Phán Xét - Quan Sát Thân Tâm - Đặt Câu Hỏi, nhằm hiểu biết hơn về chính mình. Và hành Thiền chính là phương cách chính yếu, giúp chúng tôi củng cố những trụ cột này. Tôi sẽ trình bày cụ thể, chi tiết hơn về con đường Thiền của gia đình trong những phần sau của cuốn sách này. Đó là cách chúng tôi tự đốt lên ngọn đuốc của chính mình. Màn đêm rồi sẽ tan, mọi thứ rồi sẽ dần sáng tỏ.
Khi đã Hiểu Rõ Bản Thân Mình, Hiểu Rõ Đối Phương, Cảm Thấy Có Thể Cùng Nhau Bước Tiếp, Và Đặt Ra Những Quy Tắc Ứng Xử Rõ Ràng; thì việc ngồi lại để giải quyết những mâu thuẫn, những khác biệt về định hướng, về lối sống … sẽ không còn là điều khó khăn nữa.
(còn tiếp)
Nếu Quý độc giả cảm thấy sách có giá trị, ứng dụng thực tiễn được cho bản thân và gia đình, xin hoan hỷ tùy tâm ủng hộ tiền sách, như một sự công nhận dành cho tâm huyết của tác giả. Xin chân thành cảm ơn Quý độc giả đã quan tâm. Thông tin tài khoản ngân hàng: Tên tài khoản: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM Số tài khoản: 119.10.000.498.636 Ngân hàng: BIDV (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam) Chi nhánh: Nam Kỳ Khởi Nghĩa |
Tác giả bài viết: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
30.08.2024
05.09.2024
30.08.2024
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024