Có rất nhiều ý kiến khác nhau về chuyện làm nhà ở thế nào khi về rừng, về quê sống. Một số người chọn làm nhà đất, một số ý kiến khác lại chọn lối nhà vườn hiện đại. Ở bài viết này, chị Vũ Hoàng Quỳnh Trâm chia sẻ câu chuyện của mình về việc làm nhà khi về rừng.
Bài viết này thuộc phần IV cuốn sách xuất bản online của chị Quỳnh Trâm. Nếu bạn đọc thấy hữu ích có thể gửi ủng hộ cho tác giả ở thông tin cuối bài viết.
“Đường về nhà là vào tim ta.” Nhà không chỉ là nơi che mưa che nắng, không chỉ là một tài sản vô giác vô tri. Nó là chứng nhân, là nơi đong đầy những kỷ niệm vui buồn của cả một gia đình, đôi khi của cả một đời người. Từ khi về vườn sống, nhận thức của chúng tôi về một ngôi nhà thực sự, đã thay đổi rất nhiều so với khi còn ở phố.
Quan điểm ngày trước:
- Nhà phải to và rộng. Mỗi thành viên phải có phòng riêng.
- Trang thiết bị nội ngoại thất phải thật đầy đủ, phải là loại mới nhất, tốt nhất, đẹp nhất trong khả năng có thể sắm sửa.
Quan điểm ngày nay:
- Nhà nhỏ xinh vừa phải, thậm chí không cần ngăn phòng để mọi thành viên lúc nào cũng nhìn thấy nhau.
- Đồ đạc ở mức tối giản nhất có thể, tận dụng đồ cũ của chính mình và người khác.
- Không quan tâm đẹp xấu, không kén cá chọn canh, cái gì còn dùng được là tận dụng hết. Có thể “chế cháo” lại một chút cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình.
Những thay đổi nêu trên, nói ra thì nghe thật là đơn giản phải không quý vị. Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi không biết mình đã phải “lên bờ xuống ruộng” bao nhiêu phen rồi. Xin mời mọi người cùng chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình “an cư” này nhé!
Kinh nghiệm xương máu nhất mà chúng tôi rút ra được trong việc làm nhà, chính là cần phải chọn cấu trúc và chất liệu sao cho PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN KHÍ HẬU, thì sẽ đỡ tốn kém, mà nhà ở lại thoải mái. Ví như chỗ tôi mưa rất nhiều, những gia đình nào xây nhà phố hầu như đều phải xây tường đôi, bên ngoài tường còn phải ốp tole để tường không bị thấm. Nhưng bù lại vào buổi trưa nắng thì rất là nóng và bí bách, vì đã tường đôi rồi lại còn ốp tole nên không thể nào thoáng nổi.
Trước đây, khi còn ở miếng đất cũ, chúng tôi cũng từng xây nhà bằng gạch block để ở. Chẳng là trước khi mua đất, hai vợ chồng có đến thăm một số vườn, và thấy gia đình nọ dùng gạch block để xây nhà trông thật lạ và đẹp mắt, chi phí lại rẻ hơn xây nhà bình thường, nên bắt chước làm làm theo.
Đến mùa mưa, chúng tôi có công việc phải xuống SG giải quyết trong suốt 1 tháng, đến khi về thì thấy nhà mình như biến thành “lâu đài tuyết trắng” vậy. Mọi thứ đều được phủ một lớp trắng xóa, nhưng không phải tuyết, mà là… nấm mốc. Tôi lại bị viêm mũi dị ứng nữa, gặp như thế là đổ bệnh luôn. Nguyên nhân tất cả đồ đạc trong nhà lên mốc là do độ ẩm quá cao vào mùa mưa, nhà lại đóng kín cửa trong thời gian đi vắng, chất liệu gạch cũng không thực sự thông thoáng, nên mới ra cớ sự đó.
Một tay chồng tôi lau chùi dọn dẹp hết đồ đạc nhà cửa, thật sự rất vất vả. Nhưng khi đó, chúng tôi vẫn chưa nghĩ ra được giải pháp nào hiệu quả cho vấn đề này. Sau khi bán mảnh đất cũ, mua mảnh đất mới cách đó không quá xa, điều kiện khí hậu cũng tương đồng, chồng tôi mới để ý thấy: Ngôi nhà rẫy bằng gỗ trên mảnh đất mới, cũng đã khá lâu không có người ở, cửa đóng then cài, nhưng đồ đạc trong nhà không hề bị nấm mốc như ngôi nhà cũ của chúng tôi. Từ đó, anh mới bắt đầu quan sát, tìm hiểu lại về các kiểu kiến trúc dân gian xưa và thấy rằng:
Ở các vùng đồng bằng mà khí hậu khô nóng, lượng mưa không quá lớn và độ ẩm không quá cao, ví dụ như miền Tây hay miền biển, thì loại nhà xưa điển hình là nhà lá. Vì nhà lá có tác dụng làm mát, lâu bị mục do ít mưa hơn. Miền Tây và miền biển lại thường có sẵn rất nhiều lá dừa, lá cọ để làm nhà. Một sự tận dụng hết sức thông minh, tiết kiệm và phù hợp của ông bà ta.
Còn nhà trình tường bằng đất thì phổ biến ở các vùng núi phía Tây Bắc, lượng mưa không quá cao nhưng lại có những đợt rét lạnh khủng khiếp, đến cả trâu bò còn không chịu nổi. Nhà bằng đất là lựa chọn hoàn hảo giúp giữ ấm trong những đợt rét ấy.
Còn trên Tây Nguyên nơi tôi sống, phổ biến nhất vẫn là nhà sàn bằng gỗ, với bếp lửa ngay giữa nhà. Vì Tây Nguyên là một nơi “đầy nắng và gió”, mưa nhiều và độ ẩm rất cao, nên nhà sàn là một kiểu kiến trúc vô cùng phù hợp. Từ đó, chồng tôi mới rút kinh nghiệm, học theo người đồng bào xây nhà sàn cho thông thoáng, trời nắng thì mát mẻ, trời mưa đốt bếp lửa lên là ấm áp, khô ráo. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Một anh “thợ đụng” chưa có kinh nghiệm, và hai cô “thợ phụ” hậu đậu làm đâu hư đó, sao có thể dựng được một cái nhà sàn?
>>> Xem thêm: Hành trình cải tạo nhà kho cũ thành nông trại trong mơ
Thời điểm lên ý tưởng xây nhà sàn, chúng tôi có 2 vấn đề lớn cần giải quyết:
Thứ nhất: Làm sao để cả gia đình có thể cùng tham gia dựng nhà?
Chúng tôi thật sự muốn có những kỉ niệm đẹp bên nhau. Việc cùng nhau xây nhà, không đơn thuần chỉ là để có một ngôi nhà, mà là để mỗi thành viên có những trải nghiệm gắn bó với nhau, khi cùng chung tay vun đắp. Nhà không chỉ là nhà, mà còn là tổ ấm, là kỉ niệm, là công sức từ bàn tay và khối óc của mỗi người. Đó cũng sẽ là cơ hội để mỗi người thấy, mình có thể vượt ra khỏi vùng an toàn, có thể làm những việc mình chưa từng làm, và thưởng thức trải nghiệm ấy.
Hơn nữa, chúng tôi không muốn thuê mướn người bên ngoài. Vì ai vào vườn của chúng tôi cũng hay “góp ý” những câu đại loại:
- Sao để cỏ nhiều vậy? Xịt cỏ đi, không thì cắt rồi đốt hết đi!
- Cây nào không ăn được, không bán gỗ được, thì chặt bớt đi! Để làm chi!
- Sao không xịt thuốc cho sầu riêng đi, để trái rụng nhiều vậy?
- Rậm quá sẽ bị cớm nắng, cây không ra nhiều quả được – không có năng suất?
Ban đầu, chúng tôi còn hào hứng giải thích, vì nghĩ có thể truyền bá được tư tưởng làm vườn của mình đến mọi người:
- Ah, tụi em đang xây dựng vườn rừng đó anh chị!
- Tụi em làm thuận theo tự nhiên, nên không có dùng hóa chất để can thiệp vào cây ạ.
- Không có cây nào là vô ích cả, tụi em chỉ ưu tiên trồng thêm chứ không có chặt bỏ. Để một cây lớn lên như thế này là mất biết bao nhiêu thời gian và tinh túy của trời đất đó ạ …
Theo thời gian, cứ bị hỏi mãi, đâm ra “nản chí anh hùng”, chẳng buồn nói nữa. Mà họ hỏi mình xong, mình giải thích cho tường tận, rồi họ cũng vẫn làm theo cách cũ, thậm chí còn cho rằng mình lập dị, điên khùng. Nên thôi, thấy tốt nhất là nên tự thân vận động cho lành, đỡ mất thời gian phải giải thích này nọ. Thời gian là vàng bạc, công sức là kim cương, không nên lãng phí.
Vì ít người, lại không thể mang vác nặng, nên chúng tôi không thể dựng vỉ, dựng khung như nhà gỗ bình thường được. Thế là sau một thời gian mày mò, chồng tôi đã phát hiện ra một cấu trúc đã có từ rất lâu, từng được Leonardo Da Vinci đề cập đến trong cuốn sách để đời – “Codex Alanticus” của ông, bao gồm hình vẽ và lý giải của ông về các kiểu kiến trúc tự cổ chí kim. Cấu trúc này trong tiếng Anh gọi là Spatial Reciprocal Frame, phù hợp cho nhà tròn, với phần mái là những thanh đà gác lên nhau và được kết nối một cách đơn giản, như hình minh họa bên dưới:
Còn đây là “tác phẩm” của chồng tôi và người bạn của anh: Mái nhà hình bát giác.
Tôi vẫn hay đùa rằng, không cần phải mua miếng Bát Quát treo trước cửa nhà nữa, vì cả ngôi nhà đã là một cái bát quái “khổng lồ” rồi. Tôi thực sự rất là thích cấu trúc này. Mỗi khi nằm xuống, nhìn lên trần nhà, liền cảm thấy sao mà nó đẹp thế! Và rất… ngưỡng mộ chồng mình. Nghe giống như “con hát mẹ khen hay” quá phải không quý vị!
Do lần đầu làm nhà, lại là một cấu trúc còn rất lạ với người Việt Nam, hầu như không ai có kinh nghiệm, nên chồng tôi nhờ một người bạn khéo tay của anh hỗ trợ trong thời gian đổ trụ làm móng, và dựng mái, dựng khung. Bạn của anh cũng là người có cùng quan điểm làm vườn rừng với chúng tôi, nên không hay đặt những câu hỏi “khó trả lời” như những người khác.
Sau khi hoàn tất những phần khó, là đến lượt của hai “thợ phụ”. Hai mẹ con tôi cùng giúp anh thưng tường, lát sàn, gắn cửa, trang trí v.v… Lần đầu làm nên rất nhiều lóng ngóng. Bắn có cái vít , mà có lúc bắn hoài không vô, có lúc lại bắn trật lất, ván sàn cứ thế bung lên. Gắn tấm kính thì cứ hồi hộp sợ tuột tay làm vỡ. Lựa ván sàn thì lựa nhầm miếng mỏng miếng dày… Bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười xảy ra, nhiều khi cũng hư cái nọ, bể cái kia, nhưng quan trọng nhất là cả gia đình ngày càng gắn kết.
Do trên rẫy đã có sẵn 1 ngôi nhà gỗ cho cả gia đình tá túc, nên chúng tôi không áp lực bản thân trong quá trình xây nhà.. Và đây cũng là lý do, người ta xây nhà 3 tháng là xong, còn chúng tôi phải … 3 năm mới xong. Vì cả thợ chính lẫn thợ phụ đều quá “chuyên nghiệp” và “nhanh nhẹn”. Sau khi làm xong việc vườn, mới cùng nhau bắn vài miến ván, lắp cái cửa, xong rồi nghỉ ngơi, đọc sách, tập khiêu vũ, hoặc đi chơi. Cứ túc tắc như vậy, cuối cùng, ngôi nhà mơ ước nhìn ra bờ ao cũng đã hoàn thành, và “ngôi nhà kỷ niệm” thì đầy ắp.
Thứ hai: Làm sao để tiết kiệm nhất cho mình, và cho cả môi trường
Ngày còn ở Sài Gòn, chúng tôi cực kỳ thích nhà phải mới và đẹp. Lúc sửa sang căn chung cư ở quận 1, hai vợ chồng suốt ngày ngồi xem những mẫu kiến trúc đẹp, và quần thảo ngoài khu Lý Thường Kiệt, Ngô Gia Tự cả tháng trời để tìm những trang thiết bị nội ngoại thất có chất liệu và kiểu mẫu mới nhất, đẹp nhất. Đội nắng đội mưa mà đi, thành thử sửa xong cái nhà là hai vợ chồng đổ bệnh luôn, chi phí cũng đội lên không ít.
Nhà mới sửa xong thì nhìn cũng thích thật. Nhưng theo thời gian, khi đã quen dần, lại thấy cái nhà mà mình từng bỏ ra bao nhiêu công sức để tô vẽ, sao giờ nhìn nó … chán thế nhỉ! Đến khi gia đình bán lại căn chung cư đó đi, chủ mới lại tiếp tục sửa sang để cho thuê làm homestay. Đến khi thấy nhà cũ của mình xuất hiện trong video clip “Sài Gòn đau lòng quá” của Hứa Kim Tuyền và Hoàng Duyên, thì lại tiếp tục trầm trồ: “Ôi, sao người ta sửa lại đẹp thế nhờ! Sao mình không làm được như vậy ta!”
Đó là lối sống của chúng tôi trước đây: thích sắm sửa, thích đồ mới, và cả thèm chóng chán. Nhưng từ khi về vườn, bắt đầu thực hành Thiền và quan sát tự nhiên, quan điểm của chúng tôi đã dần thay đổi.
Nhìn những chú chim đi nhặt nhạnh cành khô, cỏ lá về làm tổ, chúng tôi chợt nghĩ: Con người đổ bao nhiêu tiền của, công sức để xây nên một ngôi nhà. Sau đó lại đập đi không thương tiếc để sửa sang, hoặc xây lại cái mới khi thấy chán, thấy cũ. Cứ như vậy, bao nhiêu tài nguyên, công sức, tiền của, coi như phí hoài. Còn chú chim kia, chỉ việc đi nhặt nhạnh những thứ sẵn có trong tự nhiên, vừa đủ với nhu cầu của mình, để xây dựng nên một tổ ấm. Chú chim vừa tiết kiệm công sức cho chính mình, lại vừa tiết kiệm cho tự nhiên. Và đó là con đường mà chúng tôi lựa chọn.
Chúng tôi quyết tâm tận dụng những gì sẵn có, và đi nhặt nhạnh thêm cho đủ những thứ mình cần, cố gắng tiết giảm tối đa việc mua sắm, chứ không rập khuôn theo một thiết kế kiến trúc cụ thể nào, để rồi phải sắm sửa tốn kém.
Khung nhà và mái nhà: mọi người hay nói nhà gỗ thì phải dùng cột kèo bằng gỗ, mái bằng gạch ngói. Nhưng ở đây, chúng tôi không có sẵn cột kèo gỗ và gạch ngói, mà có sẵn một số trụ sắt, thanh sắt và tấm tole ngày xưa ông xã tôi mua, tính để dựng nhà để xe bên miếng đất cũ. Thế là tận dụng luôn để làm khung và mái, chỉ mua thêm một ít nữa là đủ. Hơn nữa, chúng cũng nhẹ nhàng, dễ thi công hơn cho 2 anh “thợ đụng”.
Sàn và tường: chúng tôi có ván gỗ để làm sàn và tường. Nhưng vì ván gỗ có độ dày không bằng nhau, nên những miếng nào có độ dày gần bằng nhau nhất thì tận dụng làm sàn, đi cho thoải mái bàn chân. Còn những miếng có độ dày khác biệt nhất thì làm tường. Chồng tôi không có máy móc chuyên dụng để mài cho cho thật bằng và phay thành ván ấm dương, nên khi lắp lên sẽ tạo khe hở. Sẵn có tấm cách nhiệt, anh sáng kiến lót vào bên trong tường để ngăn bớt gió lùa và mưa tạt, với tác dụng phụ nữa là, làm cho nhà … rất sáng.
Cửa sổ và cửa chính: tất cả đều là đồ người ta bỏ đi khi đập nhà cũ, xây nhà mới. Có một chuyện rất vui là hôm đó, chúng tôi đi xe 4 bánh ra phố vì phải chở bao lúa 50kg đi chà dối, lấy gạo lứt ăn, chứ bình thường toàn đi xe máy. Khi đi ngang qua một căn nhà nọ đang sửa chữa, thì thấy mấy bộ cửa kính cũ bỏ lăn lóc trên lề đường ngay trước nhà. Do xe chạy lố một đoạn, nên tôi nói ông xã để em xuống hỏi thăm xem họ có bán không. Tôi đi bộ quay trở lại căn nhà để hỏi mua. May sao họ không bán, mà…cho luôn. Thế là tôi ngoắc tay nói ông xã lùi xe lại, để chất mấy bộ cửa lên.
Khi đó, tôi mới thấy phát hiện một điểm rất thú vị trong tâm lý của con người: Ban đầu, họ thoải mái đồng ý cho đi mấy bộ cửa, vì nghĩ chúng chẳng còn giá trị gì nữa. Họ còn thấy mừng khi nghĩ tôi sẽ giúp họ dọn sạch lề đường cho thông thoáng lối ra vào. Nhưng khi thấy chồng tôi chạy xe hơi lại, háo hức chất chúng lên xe, thì gương mặt họ tỏ rõ… vẻ tiếc nuối. Có lẽ họ nghĩ: “Một người giàu có (vì thấy đi xe hơi) mà muốn lấy chúng, thì ắt là chúng cũng phải có giá trị gì đó, lý ra mình nên giữ lại, hoặc bán mới phải.” Nhưng vì đã lỡ nói cho, nên thấy ngại thay đổi. Khi chúng tôi lái xe đi, họ vẫn còn tiếc nuối nhìn theo mãi.
Cũng giống như có lần, chúng tôi đứng bới mớ rác cạnh bên một nhà nọ để lấy giấy bỏ về nhúm lửa. Khi chúng tôi vừa rời đi, chủ nhà bèn ra … bới tiếp xem có gì quý giá mà họ lỡ vất đi không. Thật thú vị làm sao. “Vô giá” hay “vô giá trị”, đều do góc nhìn, nào phải do bản chất. Chiếc xe 4 bánh của chúng tôi, đã làm thay đổi lăng kính của họ và khiến những thứ vất đi trở nên có giá hẳn . Còn tấm kính này từng là bảng viết. Chúng tôi gỡ miếng decal ra là thành một khung kính sáng trưng để ngắm vườn.
Khi hoàn thành, nhà tròn bát giác của chúng tôi có đường kính 6m. Không có cột trụ ở giữa và đồ dùng ở mức tối giản, nên tuy diện tích nhỏ vẫn thấy thoải mái và thông thoáng. Đó là nơi chúng tôi dùng để làm chỗ ngủ nghỉ, học hành, đọc sách, viết lách và giải trí. Nhiều khi nghĩ, ở trên rừng trên núi mà có nhà sàn gỗ để tập khiêu vũ, thì cũng khá là xịn xò đấy chứ!
Còn nhà bếp là phần chái hình chữ nhật nằm cạnh bên, và toilet thì hoàn toàn nằm ở ngoài. Chúng tôi không đào hầm cầu mà dùng thùng nhựa để lấy nước tiểu, lấy phân, ủ bón cho cây, không phải mua phân bón bên ngoài.
“Ngôi nhà 3 năm”, thực sự chỉ đơn giản như thế thôi!
Và chiếc bếp
Đối với tôi, bếp là một nơi rất quan trọng. Nó không chỉ là một chỗ để nấu ăn, còn là nơi “giữ lửa” cho gia đình, theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi đã từng đi đến nhiều ngôi nhà có căn bếp trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng, nhưng lại hoàn toàn lạnh ngắt. Cho nên giá trị của một căn bếp, không nằm ở vật chất, mà nằm ở tinh thần. Với tôi, không khí quây quần nấu nướng, chuyện trò bên bếp lửa, luôn là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Đặc biệt ở một nơi lạnh và mưa nhiều, ẩm ướt như nơi tôi sinh sống, thì bếp lửa lại còn đóng một vai trò quan trọng hơn nữa.
Ngày mới về vườn, tôi vẫn rất thích đun bếp gas vì nhanh và tiện. Cộng thêm việc từ bé đến lớn, tôi hay nghe người lớn kể về những trải nghiệm đun bếp củi không lấy gì làm thoải mái như nhúm lâu, khói cay xè, dễ tắt, bay tro, nguy hiểm v.v… nên hoàn toàn không hào hứng lắm với việc nấu bếp củi, khi ông xã bàn tới việc làm bếp củi, tôi vẫn thường ậm ừ cho qua chuyện. Cũng may nhờ có cô Vy, trong mấy tháng không ra khỏi vườn, tôi mới bắt đầu tập tành nấu bếp củi.
Thật ra, chồng tôi đã nghiên cứu về việc làm bếp từ rất lâu rồi. Tính anh thích sáng tạo, cải tiến, và cũng vì có cô vợ quá hậu đậu, chậm chạp, lại tiểu thư nhõng nhẽo, nên anh phải vắt óc nghĩ ra một cái bếp dễ sử dụng và có càng nhiều tính năng càng tốt, cũng như khắc phục được những nhược điểm của các loại bếp củi thông thường.
Ví dụ như bếp kiềng ba chân thì dễ bị khói cay mắt, tro bay tứ tung, gió thổi bạt lửa nên khá tốn củi v.v…
Hay như bếp củi bằng xi măng thì tuy không khói, nhưng độ tỏa nhiệt để sưởi và hong khô đồ đạc thì không nhiều, củi cháy có thể vô tình rơi ra ngoài nếu không trông bếp thường xuyên, và sau một thời gian sử dụng bếp sẽ nứt vỡ. Chúng tôi
từng có một cái bếp củi xi măng như vậy, có lẽ do đun nấu nhiều nên bị nứt vỡ chỉ sau khoảng 1 năm.
Nguyên lý hoạt động của loại bếp này khá ổn. Nếu được đắp bằng xi măng chịu nhiệt có lẽ sẽ bền hơn, nhưng đương nhiên như vậy thì sẽ đội giá lên nhiều. Đa số mọi người thường ham đồ rẻ, và thích đồ mới nữa. Nên những sản phẩm nào thật rẻ và mau hư sẽ ngày càng được ưa chuộng. Điều này cũng đóng góp một phần không nhỏ giúp bành trướng những “núi rác” trên thế giới, vì đồ cũ bị vất đi quá nhanh và quá nhiều. Còn đồ thật sự có chất lượng, bền chắc, đòi hỏi chi phí sản xuất cao, lại ít được ưa chuộng hơn, kiểu “30 năm vẫn chạy tốt” thì rất khó bán. Nghe thật nghịch lý quá phải không ạ. Đồ dỏm thì bán ào ào, đồ tốt thì không bán được. Số đông đang ngày càng trở nên phi lý trí.
Chồng tôi thì lại là một người rất … lý trí, thế nên anh hay thích những món đồ chất lượng và bền chắc, và anh quyết tâm phải tự chế ra một chiếc bếp cho gia đình, càng bền chắc và tích hợp được nhiều tính năng càng tốt.
Đương nhiên, không thể có chuyện “một phát ăn ngay”. Chúng tôi đã làm và thử nghiệm rất nhiều lần trong suốt cả năm trời, mới cho ra được chiếc bếp nhỏ xinh đang sử dụng bây giờ. Thế mà chồng tôi vẫn thấy chưa hài lòng, anh còn muốn nghiên cứu và cải tiến thêm nữa. Có lần, tôi hỏi anh:
- Sao anh thích cải tiến mọi thứ quá vậy? Kể cả đồ chính anh làm ra mà anh cũng chê và đòi cải tiến nữa là sao?
Thế là, tôi được nghe một câu trả lời vô cùng “ngọt ngào”:
- Thì anh “cải tiến” em hoài không được, nản quá, nên phải đi cải tiến đồ đạc chứ sao?
Thật sự là một pha “chặn họng” đi vào lòng đất.
Quay lại chuyện bếp núc, tôi phải nói chồng mình đúng là “ông hoàng trong màn chuẩn bị”. Xây nhà thì không nói, đến cả làm bếp mà anh cũng phải vẽ mô hình 3D ra mới chịu. Anh tự mày mò sử dụng phần mềm Sketchup để vẽ, có cái bếp thôi mà trông cũng … art lắm!
Những ưu điểm của bếp có thể kể đến như sau:
- Ống khói cao và lực hút mạnh nên khói không bị thổi ngược ra ngoài, đặc biệt nhiệt lượng rất cao, lúc cần có thể đun nấu rất nhanh.
- Nhiệt độ trên mặt bếp có khi lên tới 300 độ, còn trong lòng lò là khoảng 600
độ, đốt được triệt để các loại rác thải không phân hủy như nhựa, nilon…
- Bếp kín gió, không bị bạt lửa nên tiết kiệm củi.
- Chỗ bỏ củi đứng, củi cháy sẽ tự động rơi xuống, không sợ củi rơi ra ngoài bắt cháy nguy hiểm.
- Mặt phẳng nấu rộng, có thể nấu nhiều món cùng lúc, nồi chảo không bị dính nhọ, dễ chùi rửa vệ sinh.
- Bonus thêm lò nướng tí hon để nướng pizza, croissant, bánh bông lan, hầm muối hạt v.v…
- Chất liệu làm bếp là thùng phi cũ bằng sắt nên có độ tỏa nhiệt tốt, rất ấm vào những ngày mưa lạnh, giúp hong khô quần áo, rổ rá và các loại đồ khô.
- Dễ dàng lấy tro ra để ngâm nước tro làm chất tẩy rửa.
>>> Xem thêm: 4 loại bếp củi nên làm khi sống ở quê
Giá như việc quyết định mua cái gì đó, cũng dễ như việc ngồi ngắt cánh hoa mà đếm, thì tốt biết mấy, đỡ phải suy nghĩ cho mệt đầu.
Ngày chúng tôi mới tập tành về làm vườn, thật sự là một Đại hội Mua sắm. Thấy cái gì cũng thích, cái gì cũng cần. Y hệt như lúc chuẩn bị sinh em bé, thấy cái gì liên quan đến trẻ sơ sinh cũng đều muốn mua. Đến khi con được 1 tuổi, nhìn lại, mới nhận ra còn cả mớ đồ sơ sinh chưa dùng đến.
Ngày đó, chúng tôi thường nghĩ, mình cứ chuẩn bị cho đầy đủ, để khi cần là có ngay! Nhưng giờ mới thấy, suy nghĩ đó là sai lầm. Bởi vì khi mình chưa thực sự bắt tay vào công việc, mình sẽ không hiểu được đặc tính của công việc, cũng như những điều kiện mà mình đang có, để mà chọn trang thiết bị và dụng cụ cho phù hợp. Khi chọn trang thiết bị không phù hợp, sẽ gây lãng phí không ít tiền bạc và công sức. Chi bằng có thể mượn, hoặc thuê mướn để dùng thử, rồi mới quyết định xem có nên mua hay không.
Ví dụ như ngày trước, ông xã tôi mua một máy cắt cỏ chạy bằng xăng. Nhưng sau một thời gian sử dụng, anh để ý thấy mỗi khi cắt cỏ xong, thường đau đầu kinh khủng. Quan sát lại, thì là do cơ địa anh nhạy cảm với mùi xăng dầu, tiếp xúc lâu ở cự ly gần sẽ gây khó chịu cho cơ thể, kể cả khi đã đeo khẩu trang. Mình về vườn vì sức khỏe, mà lại không biết lắng nghe cơ thể để điều chỉnh, thì cũng bằng không. Thế là anh phải đi mua thêm một chiếc máy cắt cỏ chạy bằng pin để dùng. Từ lúc dùng nó thì không còn đau đầu nữa. Nhưng chiếc máy cắt cỏ chạy bằng xăng bỗng trở nên dư thừa.
Hoặc thấy trong quảng cáo, người ta gắn mũi khoan đất vào máy và khoan một cách hết sức nhẹ nhàng, thế là đi mua về dùng, kết quả là suýt chút nữa … cháy máy khoan luôn. Vì đất của mình vào mùa mưa sẽ bện lại, mà loại mũi khoan này chỉ phù hợp dùng cho đất thật khô và tơi thôi.
Ngoài ra, chúng tôi còn có một bài học nhớ đời về việc “sính ngoại” mà không chịu tìm hiểu, quan sát mảnh vườn của mình ngay từ đầu. Khi đó, chúng tôi có người quen đi du học về nông nghiệp ở Israel về. Nghe danh Israel dù khô hạn vẫn làm nông nghiệp rất hiện đại và thành công, chúng tôi nhất nhất áp dụng theo. Thấy người quen làm thế nào, mình làm y như thế ấy, mua cả trăm mét ống và đầu béc về để làm hệ thống tưới nhỏ giọt. Được vài hôm thì … ôi thôi, bị sóc và chuột cắn nát hết cả.
Lúc đó mới thấy, mình đã áp dụng sai hoàn toàn vì những lý do sau:
Thứ nhất: Israel là một nơi khô hạn, nên mới cần dùng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Còn ở chỗ của chúng tôi, một năm 12 tháng thì mưa hết gần 8 tháng rồi, sao lại còn sợ thiếu nước! Chưa kể chúng tôi để cỏ mọc tự nhiên, nên đất lúc nào cũng ẩm và mềm, đâu sợ khô hạn.
Thứ hai: Họ làm nông nghiệp kiểu công nghiệp, mình làm nông nghiệp kiểu thuận tự nhiên. Hai con đường vốn chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Họ làm kiểu công nghiệp, nên cỏ được xử lý sạch sẽ. Mình làm kiểu vườn rừng, để cỏ mọc um tùm, nên sóc và chuột có chỗ để trú ẩn là chuyện đương nhiên.
Chưa kể bộ nhai của mấy bạn này, dù không cần kem đánh răng Colgate, thì vẫn rất chắc khỏe. Quả sầu riêng gai góc mà các bạn í còn xử đẹp thế này, thử hỏi ống nước thì có là gì! “Người ta” tuy nhỏ, nhưng mà võ công vô cùng thâm sâu.
Giờ mỗi lần nhìn mớ ống nước và đầu béc, hai vợ chồng lại tự nhắc bản thân: Đừng sính ngoại, đừng bắt chước rập khuôn. Phải luôn nhớ rõ định hướng của mình, quan sát và hiểu thật rõ những gì mình đang có cái đã.
Cũng có những thứ, là do bản thân mình tiến bộ hơn, nên không cần dùng đến nữa. Như ngày trước, khi về vườn, chồng tôi quyết tâm sẽ tự làm mọi thứ để thỏa mãn đam mê sáng tạo và học hỏi của anh. Nhưng vì không hề có chuyên môn về cơ khí kỹ thuật, nên anh nghĩ phải cần máy móc tốt để hỗ trợ cho mình. Thế là anh mua cả 2 loại máy hàn: máy hàn Mig lẫn máy hàn que. Vì nghe nói hàn Mig dễ hơn, anh sợ mình chưa có kinh nghiệm, hàn que không được, nên mua máy hàng Mig để tập tành. Bây giờ, khi kỹ thuật hàn của anh đã cứng hơn, thì chỉ toàn sử dụng máy hàn que cho thuận tiện, dễ di chuyển trong vườn. Còn máy hàn Mig thì đang được…trùm chăn.
Hay như lúc mới dọn về ở, thấy khí hậu ở trên này lạnh hơn Sài Gòn, chúng tôi đã sắm sửa cả một bộ máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời loại xịn xò nhất. Bây giờ thì để không cho… cỏ leo, vì cả nhà giờ toàn tắm ao, tắm mưa, hoặc đun nước lá để tắm.
Chúng tôi nhận ra, sự lãng phí này bắt nguồn từ những nghịch lý trong tư duy và hành vi của mình ngày trước: Muốn về vườn, muốn thử cái mới, nhưng lại sợ sai, muốn làm y như người khác để được thành công giống như họ. Rồi sợ phải thay đổi những thói quen cũ khi còn ở phố, nên cố gắng chuẩn bị sao cho chu toàn nhất có thể. Thế nhưng, đến khi vượt qua được nỗi sợ sai, thay đổi được những thói quen cũ rồi, thì lại thấy sự chuẩn bị của mình là lãng phí, thậm chí còn góp phần làm trì hoãn sự tiến bộ của mình, do mình cứ ỷ lại vào tiện nghi. Như chồng tôi bây giờ, 10 giờ đêm mà vẫn có thể tắm nước mưa lạnh ngắt, thấy khỏe phây phây, thì máy nước nóng dẫu có đắt tiền cũng trở nên vô dụng rồi.
Muốn phân định cái gì cần mua, cái gì không cần mua, thì chỉ có thể là do tự tay mình làm lấy. Chấp nhận sai, chấp nhận thất bại, rồi trong quá trình đó, không ngừng quan sát, tư duy để tìm ra nguyên nhân vấn đề. Có như vậy mới hiểu, mới biết rõ cái gì phù hợp và không phù hợp với mình. Và quan trọng nhất là, cần phải suy nghĩ đơn giản, linh hoạt sáng tạo, tận dụng những gì sẵn có chứ đừng rập khuôn, như thế sẽ giúp tiết kiệm được không ít tiền bạc và công sức đó ạ.
(còn tiếp)
Nếu Quý độc giả cảm thấy sách có giá trị, ứng dụng thực tiễn được cho bản thân và gia đình, xin hoan hỷ tùy tâm ủng hộ tiền sách, như một sự công nhận dành cho tâm huyết của tác giả.
Thông tin tài khoản:
Tên tài khoản: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM Số tài khoản: 119.10.000.498.636
Ngân hàng: BIDV (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam) Chi nhánh: Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Tác giả bài viết: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
30.08.2024
05.09.2024
30.08.2024
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024