Bỏ phố về rừng: Tự cung tự cấp - trồng trọt và chăn nuôi (bài 6)

Thứ sáu - 14/10/2022 00:04

Kết lại cuốn sách kể về hành trình bỏ phố về rừng, ở phần cuối này chị Vũ Hoàng Quỳnh Trâm chia sẻ kinh nghiệm sống một cuộc sống tự cung tự cấp. Hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích đến bạn đọc.

Nếu bạn đọc thấy cuốn sách hữu ích có thể tùy tâm đóng góp cho tác giả qua thông tin ở cuối bài viết này. Trân trọng!

bo pho ve que
Điều gì khiến bạn về quê sống? Ảnh: Nhóm bỏ phố về rừng

 

1.  Bỏ phố về rừng: Ưu tiên hàng đầu nên là gì?


Mọi người thường có nhiều lý do để bỏ phố về rừng, từ phố về quê: có người muốn kinh doanh nông sản sạch, có người muốn tìm sự bình yên, có người muốn cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng có người đi… trốn dịch dã rồi tính tiếp.

Gia đình tôi chuyển lên Tây nguyên từ cách đây 6 năm, khá lâu trước khi dịch bệnh diễn ra và phong trào bỏ phố về rừng trở nên rầm rộ. Vì thiếu kinh nghiệm nên hai vợ chồng đã “lên bờ xuống ruộng” không ít phen. Sau 6 năm đó, từ kinh nghiệm của bản thân cùng những biến cố trong xã hội, chúng tôi đã rút ra được một điều rằng: Ưu tiên hàng đầu của người sống ở nông thôn - dù mục đích trở về có là gì đi chăng nữa - vẫn nên là TỰ CUNG TỰ CẤP cho gia đình mình trước, càng nhiều càng tốt.

Như mọi người thấy đấy, khi giá xăng dầu, vật tư, phân bón, thuốc men, lương thực thực phẩm ... đều tăng như vũ bão, thì giá nông sản lại đang rơi rớt một cách hết sức thê thảm. Vậy người nông dân sống bằng gì đây? Mấy năm trước, nơi tôi ở có những người nông dân sở hữu 5, 10 ha. Nhưng khi chúng tôi hỏi họ vì sao không tự nuôi trồng lấy thức ăn, thì được nghe một câu trả lời hết sức… bàng hoàng: “Bọn em không có đất trồng rau anh chị ạ!. Đúng là không có thật, vì họ dành dụm từng cm đất để trồng bơ 034, mít Thái siêu sớm... Tôi nhớ lúc đó giá bơ 034 mua tại vườn đã 120.000đ/kg, mít Thái thì 30.000đ/kg, ai cũng đua nhau trồng. Còn bây giờ, bơ 034 mua tại vườn chỉ còn 7000 đ/kg, mít Thái còn 3000đ/kg. Dẫu chúng ta chưa chế tạo được phi thuyền nào bay lên vũ trụ nhanh gấp 10 lần, nhưng nông sản của chúng ta đã có thể rớt giá xuống 10 lần rồi đó ạ. Kể cũng là một “kỳ tích”.

Ngày đó, khi đi tìm mua đất, tôi nhớ có một người chủ vườn từng nói với mình: “Giá sầu riêng thu tại vườn mà xuống dưới 50.000đ/kg, là tôi đi đầu xuống đất cho anh chị xem!” Tự tin đến mực ấy. Cơ mà đến giờ này, tôi vẫn chưa có dịp ghé thăm để xem anh ấy đi đầu xuống đất. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá nông sản, mà những yếu tố này gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nông. Cho nên, dù họ thật sự rất giỏi vun vén, xoay sở, vẫn có bao nhiêu người cầm cố đất đai để vay tiền ngân hàng đầu tư mua cây giống, phân thuốc, để rồi bị ngân hàng phát mãi, mất hết cả tư liệu sản xuất. Việc chạy theo đồng tiền, hoàn toàn là một canh bạc quá nguy hiểm đối với người làm nông.

Ưu điểm của người làm nông là gì? Là sở hữu đất nông nghiệp, một tư liệu sản xuất tuyệt vời, nơi họ có thể tự tay nuôi trồng ra lương thực thực phẩm cho chính gia đình mình. Vậy thì việc dành ra một khoảng đất đai, thời gian và công sức để tự cung tự cấp cho gia đình, sẽ giúp họ không còn lệ thuộc quá nhiều vào giá trị của đồng tiền, và không bị những biến cố như dịch bệnh, mất mùa, rớt giá ... tác động quá nhiều nữa.

Chúng ta cùng làm 1 bài toán đơn giản thế này nhé!

-    Hôm nay, cầm 10 đồng đi mua được 3 cái trứng hột vịt lộn cho 3 đứa con, đứa nào cũng cười toe.
-    Ngày mai, cũng 10 đồng đó, lại chỉ mua được 2 cái trứng, thành ra đứa khóc đứa cười.
-    Mà ngày trước, để kiếm được 10 đồng, chỉ cần bán 1 trái mít, nay phải bán tới 5 trái mít.
-    Để làm ra được 5 trái mít, thì phải tăng cường thêm phân thuốc so với thời chỉ cần làm ra 1 trái mít.

Làm càng nhiều, Nợ càng nhiều, Ăn càng ít.

Nghe nó cứ sai sai thế nào đó! Quy luật Nhân – Quả có vẻ không áp dụng được trong trường hợp này. Con người chúng ta, quả thật có sức mạnh để thay đổi cả Quy luật Vũ trụ.
 
Vậy chi bằng, để mít ra được bao nhiêu thì ra, không dùng phân thuốc nữa. Vừa đỡ phải chi tiêu, vừa an toàn để mình ăn, vịt ăn, có đầy trứng lộn cho tụi nhỏ cười rớt hàm luôn! Cách này, có đỡ “sai” hơn không?

Ngày trước, Long An quê của chồng tôi, từng được mệnh danh là vựa lúa của miền Tây. Thiết nghĩ ngày xưa, ai đặt tên mà khéo thế:

-    Long, là Rồng
-    An, là An ninh

Long An là nơi “Đảm bảo An ninh Lương thực cho Đất Rồng”. Nhìn đâu cũng thấy ruộng lúa bạt ngàn, cò bay thẳng cánh.

Đến thập niên 90, vựa lúa bắt đầu chuyển dần thành “vựa khu công nghiệp”. Sau đó nữa, những mảnh ruộng nhỏ lẻ còn sót lại của người dân, cũng chuyển đổi thành vườn thanh long. Vì lúc đó, giá thanh long lên đến 70.000/kg mua tại vườn, còn giá lúa gạo chỉ tầm 3000/kg. Thấy khoản lời quá lớn, lại đỡ công chăm sóc, nhiều người đã chuyển đổi hết đất ruộng sang trồng thanh long. Nhưng khi giá thanh long chỉ còn 2000đ/kg, thậm chí không đủ bù tiền để thuê công đi hái, còn lúa gạo lên đến 9.000 - 10.000/kg, thì họ lại rất chật vật, cộng với khoản nợ ngân hàng để đầu tư phân thuốc. Không ít người tiếc nuối, giá mà lúc chuyển đổi sang trồng thanh long, vẫn chừa một khoản ruộng để trồng lúa đủ ăn trong gia đình, thì tốt biết mấy.

Không thể phủ nhận, đồng tiền luôn có một hấp lực vô cùng to lớn. Mỗi khi nghe người ta nói trồng cái này, cái kia giá cao, lời nhiều, ai nghe mà không ham thích. Nhưng vợ chồng tôi luôn tự nhắc nhở nhau, phải luôn tỉnh táo để nhìn rõ, rằng trồng cái gì thì trồng, mình vẫn phải đảm bảo tự cung tự cấp càng nhiều càng tốt. Bụng mình no, thì đầu mình sẽ đỡ lo. Người ta mặc áo mới, mình mặc áo cũ cũng được. Người ta đi xe hơi, mình đi xe máy cũng được. Nhưng nếu có ngày người ta phải bán đất, bán xe mà đi làm công nhân, thì mình vẫn an ổn với gà sạch, rau sạch. Cái gì cũng có cái giá của nó cả.

Đó là chưa kể tiêu thụ đồ mình tự nuôi trồng, sẽ giúp ích cho sức khỏe hơn là đồ mua bên ngoài. Chứng chỉ organic, rau sạch, thịt sạch... bây giờ không có khó “mua”. Tin người ta thề thốt, chẳng bằng tin chính mình. Người sở hữu đất nông nghiệp có tiềm năng tự cung tự cấp rất lớn, nhưng lại luôn xem nhẹ nó. Bởi lợi ích sức khỏe là lợi ích vô hình, nên mọi người hay bỏ qua, mà chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế. Chỉ khi đau đớn trên giường bệnh và phải chi ra cả núi tiền để chạy chữa, thì mới biết quý sức khỏe. Chiếc giường bệnh, vẫn luôn là chiếc giường đắt tiền nhất.

Tuy nhiên, đối với những người chưa từng làm nông như chúng tôi, việc tự cung tự cấp ban đầu cũng không hề dễ dàng: trồng đâu hư đó, nuôi đâu mất đó. “Giấc mơ Lý Tử Thất” vỡ tan như bong bóng xà phòng. Từ mong muốn làm “tiên nữ đồng quê”, tôi đã chẳng mấy chốc hóa thành “mụ phù thủy nhà quê”, vì lúc nào cũng than vãn, nóng giận, cau có. May mà dần dần cũng đúc kết được một vài kinh nghiệm, sau đây xin được trình bày cùng quý độc giả:


 

tu cung tu cap
Tự cun tự cấp bắt đầu từ vườn rau sạch.  Ảnh: Nhóm bỏ phố về rừng

 

2.    Tự cung tự cấp: Làm thế nào để hiệu quả?


Kinh nghiệm tự cung tự cấp của gia đình tôi xoay quanh 2 nội dung chính là: Cải tạo, và Sắp xếp - Duy trì.
 

a. Cải tạo


Vấn đề thứ nhất là Cải tạo. Có nhiều người hỏi tôi, phải cải tạo đất ra sao, vườn nên thiết kế thế nào, và muốn xem hình vườn tôi để tham khảo. Tôi đành phải từ chối không trả lời, cũng không gửi hình, vì tôi không muốn các bạn ấy đi vào vết xe đổ mà bản thân đã từng vấp phải: Áp đặt một hình mẫu cố định cho một mảnh đất mà mình chưa hiểu biết gì về nó cả. Hình mẫu đó hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng mơ mộng của dân phố thị, chứ không sát với thực tế khi về vườn.

Và rồi sau hàng tá thất bại, tốn kém về chi phí, thời gian, công sức, vợ chồng tôi mới nhận ra một điều: Thứ chúng ta cần cải tạo đầu tiên khi về vườn là Cải Tạo Chính Mình Trước Đã. Kinh nghiệm đúc kết được cho thấy, có 3 thứ quan trọng mà chúng tôi cần phải cải tạo. Đó là:

-    Khẩu vi
-    Tư duy
-    Tâm thức

i.    Khẩu vị:


Nghe hơi buồn cười phải không quý anh chị! Nhưng nó là bước đầu tiên đấy ạ, cũng là bài học xương máu của vợ chồng tôi. Vì có ăn thì mới có thể sống để làm những việc khác được. Việc đầu tiên mà chúng tôi cần phải làm khi về vườn, đáng ra không phải là nghĩ xem mình nên trồng gì - nuôi gì, mà chính là tìm hiểu cho thực kỹ, xem vườn mình đang có những thứ gì có thể ĂN ĐƯỢC (xin bổ sung thêm là ăn được nhiều lần, chứ không phải chỉ ăn được 1 lần nhé!) Loại nào không biết, các anh chị có thể chụp hình và đăng hỏi trên các diễn đàn hay hội nhóm, xem những loại thực vật vườn mình đang có tên là gì. Đối chiếu và tìm hiểu xem loại thực vật đó có thể dùng vào những việc gì: ăn, làm trà, làm thuốc v.v...
 
Tại sao lại tìm hiểu trên vườn trước mà không thích trồng gì thì trồng? Tôi đã từng mơ mộng về những mảnh vườn ngay ngắn thẳng tắp với đầy những loại rau củ quả mà mình ưa thích. Giống như trong mấy tấm hình đăng trên mạng hay những video kiểu Lý Tử Thất vậy. Nhưng rồi tôi đã bao phen vỡ mộng vì mua hạt giống về rải mà nó không lên, hoặc lên rất èo uột, hoặc phải chăm bẵm, mua phân chuồng về bón nhiều lần v.v..., tức lại phải dùng đến tiền.

Hai vợ chồng rất đau đầu, không biết vì đâu lại như thế. Sao thấy người ta trồng rau củ dễ quá, đẹp quá, vãi ra là lên ầm ầm, mà mình trồng hoài không có thu hoạch gì! Sau đó chúng tôi mới cùng quan sát, suy nghĩ và rút ra kết luận, có hai nguyên nhân như sau:

-    Sự phù hợp: Những loại rau củ chúng tôi thích khi còn sống ở phố, chưa chắc đã phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của khu vườn. Những thứ phù hợp với đất đai, khí hậu của vườn mình, thì chẳng cần chăm bẵm gì, chúng cũng tự lên ầm ầm, sức sống rất mạnh mẽ. Ví như xuyến chi, tàu bay, lá lốt, lá mơ, ớt... Vậy tại sao mình lại đi lãng phí thứ đang có sẵn, rồi đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức vào những thứ không phù hợp? Hơn nữa, tôi tin vào một điều: "You are what you eat." Mình ăn những thứ có sức sống mạnh mẽ thì mình cũng sẽ có sức sống mạnh mẽ. Mình ăn những thứ "mong manh, dễ vỡ", phải chăm bẵm, nâng niu, thì rồi sức khỏe của mình nó cũng sẽ trở nên "nhõng nhẽo" y như thế.

-    Thuần nông và thuần chủng: những video mà mình xem dạng giống như Lý Tử Thất, phần lớn họ đều là con nhà nông thuần. Tuy có thời gian xa quê đi làm những công việc khác, nhưng từ bé họ đã hình dung được công việc nhà nông cơ bản cần làm những việc gì, tức có nhiều kinh nghiệm hơn chúng tôi. Còn những loại hạt giống họ trồng là hạt giống thuần từ thời ông bà cha mẹ, đã thích nghi với thổ nhưỡng khí hậu rồi, nên vãi đâu lên đấy là chuyện đương nhiên. Đàng này, mình chạy ra cửa hàng mua một bịch hạt giống được sản xuất ở đẩu ở đâu, gieo xuống trồng thì cái lên cái không cũng là chuyện đương nhiên.

Nói tóm lại, khi mới về vườn, để thỏa mãn cái bụng của mình mà không lãng phí thời gian, tiền bạc, thì điều đầu tiên cần làm là điều chỉnh "khẩu vị" của mình cái đã. Mình phải thật DỄ ĂN, có gì ăn nấy, trân quý và vui vẻ thưởng thức tất cả những gì vườn đang có.

Như trong cuốn “Sapien – Lược sử loài người” nổi tiếng, tác giả Yuval Noah Harari cho rằng, con người luôn nghĩ mình thuần hóa cây cỏ, vật nuôi. Nhưng thực ra, chính cây cỏ, vật nuôi mới đang thuần hóa con người. Tức vì muốn thu đạt được năng suất cao hơn, cao hơn nữa, mà chúng ta không còn dám để cho mọi thứ thuận tự nhiên, phải luôn chạy theo chăm bẵm, cải tiến, dùng đủ mọi cách để mùa màng, vật nuôi cho sản lượng cao hơn. Nói theo ngôn ngữ của tuổi teen, chúng ta đang là “sen”, còn cây trồng và vật nuôi lại đang là “boss” đấy ạ.

Nhưng rồi chúng ta có dùng hết lượng lương thực thực phẩm khổng lồ đó không? Theo thống kê, trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí. Một con số quá khủng khiếp phải không ạ? Việc này còn dẫn đến lãng phí về tài nguyên, quỹ đất, nguồn nước, vật tư nông nghiệp, nhiên liệu hóa thạch... dùng cho sản xuất thực phẩm, và làm tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu nữa. Vậy thì chi bằng, ta hãy cứ tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng trước đã. Tiết kiệm cho mình, tiết kiệm cho Tự nhiên, vẹn cả đôi đường. Chỉ cần chịu khó mở mang đầu óc và để cho sự sáng tạo của mình được phát huy tối đa mà thôi. Ví dụ như:
-    Ngày trước ở Sài Gòn, tôi chỉ biết đúng món bò cuốn lá lốt, đến khi về vườn, thấy lá lốt mọc tràn lan, thật không biết phải ăn làm sao, chẳng lẽ ngày nào cũng ăn bò cuốn lá lốt! Sau rồi tìm hiểu trên mạng mới biết, lá lốt còn có thể dùng để nấu canh, ăn rau sống với bánh xèo, xào với chuối xanh, mít non, dùng như rau thơm để nêm vào canh hay trộn vào gỏi v.v...

-    Rồi có lúc vườn gặp gió lớn, rụng nhiều sầu riêng non, thì mình đem vào làm gỏi, chiên xù, nấu canh, sầu riêng chín nhiều thì nấu xôi sầu riêng, nấu chè, làm bánh pía..
 
-    Bơ chín thì ngoài xay sinh tố ra có thể chấm nước mắm ớt, ăn với cơm, làm gỏi xoài xanh - bơ, gỏi hoa chuối - bơ hoặc gỏi đu đủ - bơ (dùng bơ để thay tôm, thịt), cơm cuộn bơ...

-    Thậm chí lá ớt có thể nấu canh, lá nghệ non có thể đổ bánh xèo, lá gừng dùng kho cá, đọt xoài, đọt cóc ăn như rau sống, đọt khoai mì non xào hay nấu canh, cỏ mắc cỡ, rễ tranh làm trà uống...

Xin giới thiệu đôi chút về cách tôi chế biến sầu riêng non, vì những món này là do tự tôi sáng tạo ra, nên có lẽ còn lạ lẫm với nhiều người:

Sầu riêng không nhúng thuốc, thường chín không có đều. Có múi chín trước, có múi chín sau, nên muốn biết có thể nấu món gì, thì phải bổ ra kiểm tra.

-    Múi chín nhất, mềm nhất, béo ngọt nhất: đương nhiên có thể ăn trực tiếp.
 
-    Múi hơi chín, màu đã ngả vàng, có vị ngọt thanh và béo nhẹ. Phần cơm bên ngoài đã khá mềm, ấn vô hơi lún tay, nhưng phần cơm gần hạt thì còn cứng, hay còn gọi là sượng: đem đi chiên xù.

-    Múi non nhất: màu còn trắng, vị nhạt hoặc chỉ hơi ngọt một chút xíu, cơm cứng giòn: cắt lát, trộn gỏi. (nếu đang có khế thì tôi sẽ hái khế trộn chung luôn, có gì dùng nấy).

Kết quả là:

-    Sầu riêng chiên xù thì giòn thơm ở ngoài, dẻo ngọt ở trong, cắn vô một miếng, cảm giác như bay thẳng lên thiên đàng.
-    Sầu riêng trộn gỏi: giòn, mát, chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm (mùi kinh giới, lá lốt trong vườn), ăn hoài không thấy chán.

Một trái sầu riêng, đã có thể làm được một bữa cơm. Vừa ngon lại vừa no, còn cần gì hơn nữa chứ!

Thế là đã có những bữa cơm thơm ngon, lành sạch mà không quá tốn kém. Vấn đề là ở chỗ, mình có dám sáng tạo và thử những cái mới hay không thôi. Khi đã tận dụng được nguồn thực phẩm sẵn có rồi, thì mình cứ túc tắc gieo trồng thử những giống mới lạ, xem cái nào phù hợp sẽ tiếp tục.

 

ii.    Tư duy:


Để có động lực sáng tạo từ chính khu vườn của mình, buộc phải ghi khắc trong tư duy 2 điều: Tận dụng tối đa, Tự làm tối đa.
 
Để biết cách tận dụng tối đa, có 2 điều mà chúng tôi cần phải làm:

-    Thứ nhất - Luôn đặt câu hỏi “Vì sao”.

Ngày trước, chúng tôi hay phạm một sai lầm là khi thấy ai thành công trong việc gì, thì bê nguyên hình mẫu của họ qua áp dụng cho mình, để rồi thất bại hết lần này đến lần khác mà không hiểu vì sao. Ngày đó, cứ tưởng do mình chưa đủ cố gắng hay do xui mới thế, nên cứ làm đi làm lại hoài. Cái câu “Never Give Up” (tạm dịch là “Không bao giờ bỏ cuộc”), trong trường hợp của chúng tôi, gom lại thành một chữ “NGU” đó ạ. Cũng sắm sửa những thứ y như người ta, làm theo cách giống y như người ta, mà sao thất bại hoài.

Mãi sau này mới nhận ra: Muốn thực sự học hỏi, thì không phải cứ đứng đó trầm trồ ngưỡng mộ rồi làm rập khuôn theo người khác, mà phải quan sát và đặt câu hỏi: Vì Sao Người Ta Làm Như Vậy. Nếu không hiểu cặn kẽ được lý do, mình không bao giờ có thể linh hoạt tận dụng để tạo ra cái của riêng cho mình được hết. Tôi xin nêu ra dưới đây một vài ví dụ về việc đặt câu hỏi “Vì sao”:

Ví dụ thứ nhất: Tôi thích ăn cá bọc giấy bạc nướng, vì thấy rất ngon. Đến khi về vườn, chẳng lẽ khi thèm ăn cá nướng thì phải chạy hơn 10 cây số ra thị xã mua có cuộn giấy bạc. Lúc đó tôi mới đặt câu hỏi:

+ Tại sao người ta bọc giấy bạc? Cá nướng giấy bạc khác gì với cá nướng trực tiếp? Trả lời: Cá nướng giấy bạc mềm, giữ được độ ẩm cũng như vị ngọt nhiều hơn cá nướng trực tiếp.
 
+ Vậy công dụng của giấy bạc ở đây là gì? Trả lời: Là để gói kín thực phẩm lại, hạn chế sự bốc hơi, mất nước khi nướng.

+ Vậy vườn mình đang có thứ gì giúp đạt được mục đích đó không? Trả lời: Lá chuối, lá dong, lá nghệ lớn.

+Nhưng lá thì dễ cháy còn giấy bạc thì không? Trả lời: Vậy thì gói nhiều lớp lá. Xong! Vấn đề đã được giải quyết một cách hết sức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm tối đa.

Ví dụ thứ hai: Có một anh nọ rất thích cái bếp ve chai của chồng tôi, và nói rằng anh ấy sẽ đi mua sắt tấm về uốn cho nó cong lên như vậy. Chồng tôi phải vội can ngăn: “Ấy chớ! Cái này là mình tận dụng thùng phi cũ đang có, nên nó mới có hình cong như vầy. Chứ cái bếp không bắt buộc phải cong như thế! Cậu đi mua sắt tấm về uốn sẽ rất là tốn kém và mất công!”

Rồi anh nhà tôi mới giải thích tỉ mỉ thế này:

+ Cái bếp này là làm theo nguyên lý của lò rocket, để tiết kiệm củi, không bị khói, không bị gió lùa và nhiệt lượng cao. Để đạt được những lợi ích đó, thì cái bếp chỉ cần đảm bảo 2 điều kiện: thứ nhất là tiết diện ống khói phải to tiết diện chỗ bỏ củi, thứ hai là ống khói phải cao, thấp quá thì lực hút khói sẽ yếu. Đơn giản vậy thôi!

+ Bạn dùng vật liệu gì cũng được, hình dạng ra sao cũng được, miễn bạn đảm bảo được hai điều kiện này là đủ. Bạn có đất thì đắp lò đất, có gạch chịu lửa thì dùng gạch chịu lửa, có thùng phi thì dùng thùng phi v.v… Nói chung, khi đã nắm rõ được nguyên lý rồi, thì hoàn toàn có thể linh hoạt.

Cái bếp này, chồng tôi cũng đã làm đi làm lại, sửa tới sửa lui không biết bao nhiêu lần. Đến giờ anh vẫn còn muốn cải tiến nó thêm nữa. Nhờ “sai mà biết vì sao mình sai”, chúng tôi mới có thể đúc kết được kinh nghiệm và chia sẻ với mọi người, giúp họ đỡ tốn kém chi phí, thời gian và công sức như mình đã từng.

Ví dụ thứ ba: Ví dụ này mang tầm vĩ mô một chút. Đó là về những người dư dả tài chính, muốn làm nông theo quy mô lớn. Tôi đã từng thấy có người mang công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel về Việt Nam để áp dụng. Tôi cũng từng thấy có người mua drone đắt tiền về để rải phân bón. Những công nghệ nghe chừng rất hiện đại, tốn kém, nhưng mang về áp dụng thì không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Về công nghệ tưới nhỏ giọt: Israel là có hơn một nửa diện tích là sa mạc khô hạn, thiếu nước trầm trọng, nên họ mới áp dụng tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Đem về Việt Nam, cây cỏ xanh tươi, khả năng giữ ẩm rất cao, mà lại đi phá hết, đốn hết, để thành đồi trọc như Israel, rồi lắp hệ thống tưới nhỏ giọt vào, thì thật là một sự lãng phí tài nguyên rất lớn.

Về việc sử dụng drone: Sử dụng drone để rải phân là một công nghệ rất mới. Làm nông nghiệp quy mô hàng trăm hecta, cần phải có một đội ngũ chuyên viên hỗ trợ trong việc sử dụng và sửa chữa drone. Mà lao động nông nghiệp ở Việt Nam thì phần lớn là làm tay chân và vận hành những máy móc đơn giản. Mua drone về, rồi không tìm được người vận hành, đành phải xếp vào trong kho, lãng phí một khoản tài chính không phải là nhỏ.

Chúng tôi không ngại thất bại. Nhưng thất bại đó phải dựa trên tư duy tìm hiểu vấn đề, thì mới rút kinh nghiệm được. Còn áp dụng rập khuôn mà không hiểu rõ nguyên lý, nguyên nhân thì sẽ chỉ gây ra lãng phí mà không học hỏi được gì hết.

-    Thứ hai - Quan sát và hiểu rõ về những gì mình đang có, để biết mà vận dụng khi phù hợp.

Ví dụ, chồng tôi dùng ván gỗ cũ để xây nhà, trụ tiêu và ống nước thủng người ta bỏ đi để làm cầu ao, hay tận dụng cây gòn để làm trụ giăng hàng rào chuồng gà... Anh cũng tận dụng thùng phi cũ, sắt cũ để tự hàn một cái bếp không khói, tiết kiệm củi và cho nhiệt lượng cao (tầm hơn 600 độ) để đốt được cả nilon (xử lý rác), nướng bánh, hầm muối, và đương nhiên là để sưởi ấm trong những ngày mưa lạnh giá của Tây Nguyên.

Muốn như vậy thì chúng tôi phải tự tay làm, chứ thuê người làm họ sẽ không biết tận dụng những gì mình có, thậm chí còn kêu mình phải bỏ đi, vì thấy bất tiện. Ví như năm đầu tiên về vườn, chúng tôi đi hỏi thăm tìm người hái tiêu, thì ai cũng bảo chúng tôi phải diệt sạch cỏ trong vườn đi cho thông thoáng, vậy mới dễ dàng cho họ di chuyển trong vườn mà hái tiêu, sẽ hái được nhanh và nhiều. Mình thì quý cỏ như vàng, vừa giữ ẩm đất, vừa làm phân xanh. Vì khác biệt quá lớn về quan điểm, nên hai vợ chồng quyết định sẽ tự làm mọi việc.

Mong anh chị đừng tự hạn chế bản thân bởi suy nghĩ: "Mấy việc này sao làm được? Trước giờ có làm đâu!" Vợ chồng tôi khi còn ở SG đều là dân văn phòng chính hiệu, cha mẹ hai bên cũng đều là công chức, không có ai làm nông, làm thợ xây hay cơ khí gì cả, nên chúng tôi đều phải mày mò tự học tự làm hết mọi thứ. Nên quan trọng nhất là mình phải dám dấn thân, chịu học hỏi, chấp nhận sai. Còn không thì khó lắm ạ. Con đường này đâu chỉ có màu hồng!

Thứ luôn ngăn cản chúng ta sáng tạo, chính là nỗi sợ thất bại, cộng với thói quen “bảo gì làm nấy” bị rèn từ tấm bé. Thế hệ trẻ bây giờ vẫn còn bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi sự áp đặt ấy:

-    Thế nào là một đứa trẻ ngoan? Là đứa trẻ luôn biết vâng lời, là đứa trẻ bảo sao làm vậy, không cãi cọ đôi co, lý do lý trấu, hỏi tới hỏi lui.

-    Thế nào là một đứa trẻ thông minh giỏi giang? Là đứa trẻ luôn đạt điểm 9, điểm 10. Thi đâu đậu đó, làm đâu đúng đó, tuyệt không có sai sót.

Nhưng đó là những đứa trẻ “đúng mà không biết vì sao mình đúng” đó ạ. Khi đi học, thầy cô chỉ sao, công thức trong sách vở chỉ sao, thì cứ làm y như vậy, chịu khó học thuộc lòng là làm đâu trúng đó. Đến khi ra đời, thực tế có muôn hình vạn trạng, mà cứ mãi loay hoay đi tìm một “công thức đúng cho mọi bài toán” thì thôi rồi. Nên có nhiều bạn là học sinh, sinh viên giỏi, nhưng ra đời thì bị vùi dập tơi bời là vì thế. Còn những bạn hồi còn đi học mà cứ bị bạn bè cười chê, thầy cô phiền muộn vì toàn hỏi những câu chẳng đâu vào đâu (thật ra đó là những câu hỏi rất hay nhưng thầy cô cũng … không biết trả lời, nên la rầy mấy câu cho qua chuyện), thì lại có nhiều thành tựu khi ra đời, bởi tinh thần ham tìm hiểu, tư duy linh hoạt, không sợ sai, không cứng nhắc, rập khuôn.

Dù đi con đường nào cũng vậy, cứ bó hẹp bản thân, không dám sáng tạo, không dám thử - sai, thì sẽ hạn chế tư duy và tiềm năng của mình nhiều lắm, xem như lãng phí cả một đời. Cho nên, dạy dỗ trẻ con quan trọng vô cùng. Những người đặt viên gạch đầu tiên mà đã đặt sai rồi, thì “ngôi nhà” sẽ xiêu vẹo cả đời, thậm chí đổ sụp. Đến khi đứa trẻ trưởng thành, nếu có ý thức nhận ra thì cũng rất vất vả để sửa chữa. Thiên tính của con trẻ là cực kì ham học hỏi, cực kì tò mò. Nếu không khéo gìn giữ, “viên kim cương” ấy sẽ mất đi vĩnh viễn. Đây cũng là một trong những lý do chúng tôi chọn unschool cho con, vì không muốn con mình mất đi kho tàng quý giá đó.

Thôi, chúng ta cùng quay trở lại với việc tận dụng nhé! Bản thân gia đình tôi 5 năm rồi không hề mua sắm quần áo mới, hoàn toàn tận dụng lại đồ cũ của chính mình và của người thân, bạn bè, thậm chí còn phải đi cho bớt. Vì ngày còn ở SG, mỗi lần đi đám tiệc là tôi phải sắm 1 cái váy mới. Nếu không sắm, thấy nó kì kì sao đó, sợ người ta nói mình có mấy cái mặc hoài. Giờ về đây, chẳng nhẽ mặc đầm dạ hội ra cắt cỏ, nhặt sầu riêng! Nên tốt nhất là tặng lại cho người thực sự cần, chứ mình cất đầy tủ cũng đâu để làm gì!

Bé con ở nhà cũng mặc đồ cũ của các chị em họ, giờ lớn hơn thì bắt đầu mặc đồ của mẹ. Bây giờ ai cũng có đúng 2, 3 bộ đồ dùng hàng ngày. Bộ mặc, bộ phơi, bộ để dành lỡ khi bộ kia trời mưa chưa khô kịp, đỡ mất thời gian phải lựa chọn và sắp xếp rất là nhiều. Trước đây tôi cực kì tiếc của và bừa bộn. Cái gì cũng muốn giữ, mà không biết cách sắp xếp. Giờ đã đỡ hơn một chút nhờ xem series về chủ để dọn dẹp nhà cửa của Marie Kondo, thật sự đã học hỏi được rất nhiều điều từ cô ấy.

 

nuoi ca
Cá ăn sầu riêng. Ảnh: Vũ Hoàng Quỳnh Trâm

 

iii.    Tâm thức:


Save the best for the last - Đây mới thực sự là nhân tố quyết định. Để có thể kéo mình về với cuộc sống tối giản, có gì ăn nấy, có gì mặc nấy, có gì dùng nấy, thì cần một sự thay đổi cực kỳ lớn trong Tâm thức.

Tại vì sao?

Vì những gì gia đình tôi đang làm, là hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng của xã hội, nơi mọi người đang muốn mọi thứ phải nhiều hơn, chứ không phải là ít đi, nơi mọi người đều hướng ra bên ngoài chứ không phải là bên trong. Nếu không khéo Định Tâm, mình sẽ rất dễ lạc lối.

Nếu mình đang ngồi ăn chén cơm với trái xoài xanh chấm mắm ruốc, mà sếp cũ của mình gọi điện rủ đi ăn bò Kobe, mình thấy sao?

Nếu mình đang đứng cuốc đất phòng rộp cả tay, mà bạn mình gọi điện khoe đang đi nghỉ dưỡng trong resort 5 sao, thì mình thấy thế nào?

Trong khi mình đang loay hoay đóng mãi cái chuồng gà không xong, thì có anh cấp dưới trước đây của mình gọi điện khoe, đã được thăng chức trưởng phòng rồi, mình có điên lên không?

Nếu Tâm mình không định, mình sẽ thấy con đường bỏ phố về rừng mà mình từng háo hức theo đuổi, giờ giống như một sai lầm to lớn khiến mình thấy hối hận khủng khiếp. Vợ chồng tôi còn trụ được đến giờ này, là nhờ thực hiện 2 điều: Thiền để Quán sát - Định Tâm, và gạn lọc Những Mối Quan Hệ.

Thiền định giúp chúng tôi nhìn thấy được rằng, tính chất của vạn vật, đều là do con người gán ghép cho, chứ đó không phải là chân lý. Khi mình háo hức, mình chỉ thấy toàn màu hồng. Khi mình chán ghét, mình chỉ thấy toàn màu đen. Thực ra, chẳng có cái nào thật sự là màu hồng, cũng chẳng có cái nào thật sự là màu đen. Đều do cái Kiến của mình mà ra cả.

Ai nói miếng thịt bò Kobe tốt cho cơ thể mình hơn là một trái xoài? Ai nói việc nằm dài trên giường khách sạn tốt hơn việc vận động cuốc đất? Ai nói việc được thăng chức là một thành công to lớn hơn là đóng xong một cái chuồng gà?

Tốt hay Xấu, Quý hay Thường, To lớn hay Nhỏ bé, chẳng phải đều do con người tự đặt để mà ra hay sao? Trái sơ ri Việt Nam rụng đầy góc không ai ăn, đi mua cherry Mỹ 500k/kg về ăn. Trong khi bên Mỹ, cherry rụng đầy góc cũng không ai ăn, còn sơ ri Việt Nam thì được quý như vàng và bán với giá cũng ngót nghét vài trăm nghìn/kg? Thú vị quá phải không ạ?

Ai tốt hơn ai?

Thành ra, khi mình còn xem thường những thứ mình đang có, và xem trọng những thứ người khác có, thì lúc đó mình còn khổ. Có bao nhiêu tiền vẫn khổ. Khi nào mình ngồi ăn trái xoài xanh chấm mắm ruốc, mà mình thấy sao nó giòn quá, đậm đà quá, nhiều nước quá, thơm quá, mình thấy nó ngon lành không khác chi ăn bò Kobe, thì ấy là mình Giác Ngộ rồi đó ạ. Đơn giản vậy thôi mà. Thiên đàng hay Địa ngục đều ở trong Tâm mình hết, chứ không có ở đâu xa. Thành ra vợ chồng tôi hành Thiền là để quán sát, để biết Tâm mình đang ở đâu, và không để Tâm bị cuốn theo những tham cầu của xã hội bên ngoài.

Nhưng để làm được điều đó, với chúng tôi, Thiền định thôi chưa đủ, mà còn cần phai gạn lọc những mối quan hệ, và cả những nguồn thông tin mà cả hai tiếp nhận hàng ngày. Cứ lên báo mạng là lại thấy ngoại tình, đánh ghen, drama, scandal... Cứ gọi điện cho người thân bạn bè là lại nghe họ khuyên mình hãy bỏ cuộc đi, làm mãi chẳng được gì, sao sống khổ sở thế. Đành rằng họ khuyên thế là vì lo cho mình. Nhưng lo cho mình chẳng bằng hiểu và tôn trọng quyết định của mình. Trên con đường mà mình đi, mình có học được gì từ những thông tin đó không? Hầu như là không. Đã không học được gì, mà còn khiến tâm mình bất an, nhiễu loạn, tiêu cực, thì tốt nhất là mình nên hạn chế.

Về vườn đối với gia đình tôi, thực sự là một hành trình thay đổi cả Tâm thức, thay đổi cả Tư duy và Lối sống. Chứ không đơn giản chỉ là sự chuyển đổi nơi ở.
 
Sau khi đã Cải tạo kha khá bản thân, thì sẽ đến bước Sắp xếp và Duy trì sao cho khu vườn của mình có thể tự vận hành một cách tối đa, và chi tiêu của gia đình ở mức tối thiểu.

 

b.    Sắp xếp và Duy trì


Cái này rất quan trọng, vì nếu sắp xếp không khéo, sẽ có những việc phải làm đi làm lại, sửa tới sửa lui, cực kỳ mất thời gian, tiền bạc và công sức, như vợ chồng tôi đã trải qua.

i.    Về chăn nuôi


Rút kinh nghiệm từ những lần lãng phí trước, chúng tôi đặt ra tiêu chí là: Phải sắp xếp làm sao để Không Có Cái Gì Vào, Cũng Không Có Cái Gì Ra. Tức tận dụng mọi thứ trong vườn, hạn chế mua sắm, hạn chế thải bỏ, tạo thành một vòng khép kín. Ví dụ như:

-    Muốn nuôi con gì, phải nhìn xem vườn mình đã có sẵn đồ ăn cho nó chưa. Tuyệt đối không mang về rồi lại cuống cuồng đi mua thức ăn công nghiệp cho chúng. Ví dụ vườn có nhiều cỏ, thì có thể nuôi cá trắm cỏ, có nhiều chuối thì nuôi heo, có nhiều mít thì nuôi dê v.v... Và nuôi ít thôi, để xem lượng chúng tiêu thụ thế nào. Nuôi nhiều quá lại phải đi mua thức ăn công nghiệp bên ngoài, lại tạo thêm gánh nặng về tiền, hoặc tiêu tốn quá nhiều thời gian chuẩn bị thức ăn cho chúng.

Nói chung, tiêu chí Vườn có gì ăn nấy không chỉ áp dụng cho người, mà còn có thể áp dụng luôn cho vật nuôi. Chúng tôi hay tự gọi mình là “Gia đình Mê Sầu”. Người ta thích Vui, còn mình lại cứ thích Sầu. Đạt G có “Buồn của Anh”, tôi thì có “Sầu của Tôi”. Cơ mà, cái “Sầu” này của mình lại có thể mang lại niềm vui, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thế mới hay chứ!


Theo các nghiên cứu khoa học: “Sầu riêng rất giàu vitamin B6. Mà vitamin này lại rất cần thiết để sản xuất ra một loại hormone tên là serotonin, có tác dụng chống trầm cảm. (Thông tin trích dẫn từ bài “12 công dụng tuyệt vời của sầu riêng” trên trang baoninhthuan.com.vn). Nhà tôi thích ăn sầu riêng, nên chắc từ lúc mua được vườn sầu, ai nấy cũng bớt cau có hơn hồi trước. Ngẫm ra tiếng Việt mình cũng thật là hay: Ăn sầu riêng, thì sẽ có thể “đem nỗi sầu đi cất riêng một chỗ”, không để cho nó quấy nhiễu mình nữa.

Vật nuôi ở nhà tôi, cũng được hưởng lây niềm vui ấy. Vì không sử dụng hóa chất, nên sầu nhà tôi bị rụng non khá nhiều. Làm gỏi, chiên xù ăn không hết, tôi bèn đem cho vật nuôi ăn thử. Ai ngờ chúng cũng thích mê giống mình! Gà ăn sầu riêng thì đẻ ra trứng có lòng đỏ vàng ươm, tròn vun lê. Cá thì thịt ngọt và béo. Đúng là cả một “Gia đình Mê sầu”. Chủ - Tớ đều “dễ nuôi” giống nhau, nên mọi thứ trở nên rất nhẹ nhàng.

Ngoài vấn đề thức ăn ra, thì việc quan sát kỹ đặc tính con vật, địa thế khu vườn… để có thể bố trí cho vật nuôi tự ăn càng nhiều càng tốt, cũng sẽ giúp mình tiết kiệm được công sức và thời gian chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi, hoặc tận dụng chúng cho những công việc cụ thể. Ví dụ:

-    Ngày trước, thấy nhiều người nuôi gà nhốt 24/24, phải mất công cho ăn hàng ngày và thường là cho ăn cám công nghiệp, nên chồng tôi quyết định cho gà đi rông ngoài vườn tự kiếm thức ăn. Ưu điểm là mình không tốn chi phí và công sức chuẩn bị thức ăn cho chúng, nhưng khuyết điểm là chúng đẻ rơi đẻ rớt lung tung, khó thu trứng, và cũng không thu được phân gà để ủ cỏ. Sau đó, chồng tôi quyết định thử nghiệm một phương pháp như sau: Anh đóng một cái chuồng gà di động, cũng từ đồ “ve chai”: chuồng chó hư, tấm tole cũ, cánh cửa bỏ đi, rổ nhựa thủng, thùng nước mất nắp, thùng carton….

-    Dưới chuồng gà sẽ lót bạt, để cỏ khô lên, dùng phân gà để phân giải cỏ cho nhanh hoai mục. Khi cỏ đã hoai thì cào ra mang đi bón.

-    Khu vực nào cần làm cỏ để trồng tỉa, chồng tôi sẽ kéo chuồng gà đến đó, dùng lưới quây khu vực ấy lại, thả gà ra đi rong cho chúng ăn cỏ, côn trùng (vườn tôi đặc biệt nhiều côn trùng vì không dùng thuốc trừ sâu), trái cây rụng dập... Anh cho thóc vào thùng để phòng hờ những hôm chung quanh ít thức ăn.

-    Gà vừa được ăn đa dạng phong phú, vừa dọn cỏ cho chúng tôi, sau một thời gian, bãi đất đó sẽ sạch cỏ và có đầy phân gà, thật hoàn hảo để gieo trồng. Các thanh tre để gà đứng ngủ và rổ nhựa làm “phòng hộ sinh”. Dùng giấy carton làm vách ngăn giữa các “phòng hộ sinh”.

-    Hay như việc nuôi cá trắm cỏ, khi cắt cỏ cho cá ăn, chồng tôi quan sát thấy chỗ có cỏ voi thì cách xa ao. Mình cắt xong lại phải mất công bó cỏ lại, kéo đi một quãng rồi mới thả xuống ao.

-    Anh đã tư duy tìm ra cách làm sao để tiết kiệm thời gian và công sức hơn nữa, dựa trên những đặt tính quan sát được của cỏ voi. Vậy là sau khi cắt cỏ xuống, chúng tôi chặt phần ngọn cỏ tươi cho cá ăn, còn những gốc cỏ có rễ thì mang ra đặt xuống phần đất sát bờ ao, lấy cỏ khô phủ lên giữ ẩm cho mau bắt rễ. Cỏ voi dễ bén rễ và rất nhanh lớn.

-    Sau này cỏ lên thì chỉ việc cắt là cỏ sẽ rơi ngay xuống ao, không cần phải kéo đi đâu nữa. Nó cũng có thể là một trong những loại thực vật mà chúng tôi dùng làm hàng rào sinh học, vì một cây cỏ voi trưởng thành có thể cao đến 3m.

Chúng tôi còn có một phát hiện khá thú vị nữa trong việc nuôi chó. Đó là những chú chó mà chúng tôi hoàn toàn cho ăn thức ăn chín, đều bị viêm ruột qua đời. Còn những chú chó được cho ăn thêm cả đồ sống (ruột gà, ruột cá chưa nấu chín), thì đều không bị viêm ruột, dù không chích một mũi vắc xin nào. Theo kinh nghiệm đó, chúng tôi lý giải rằng: Chó vốn dĩ là loài hoang dã, thường xuyên ăn thức ăn sống. Axit bao tử của chúng rất mạnh nên có thể triệt tiêu được các loại vi khuẩn thông thường trong đó, và phân giải các khoáng chất, cũng như vitamin dồi dào trong thức ăn sống.
 
Tuy nhiên khi sống chung với con người, được cho ăn thức ăn nấu chín thường xuyên, axit bao tử của chúng bị yếu đi, lượng khoáng chất và vitamin trong thức ăn nấu chín cũng đã bị mất đi ít nhiều, khiến đề kháng của chúng suy giảm. Do bản tính hay đi liếm láp, chúng vẫn bị mắc phải những loại vi khuẩn thông thường, nhưng không còn đủ kháng thể để chống chọi và tiêu diệt. Cho nên mới sản sinh ra rất nhiều loại vắc xin dành cho chó là vì vậy.

Tách một loài ra khỏi môi trường sống và chế độ ăn uống tự nhiên của chúng, rồi bơm tiêm hàng loạt các loại thuốc men vào để duy trì một thể trạng yếu ớt. Đó là cách mà nhiều người đang “chăm sóc” cho những người bạn bốn chân của mình. Đối với chúng tôi, thể trạng khỏe mạnh không đồng nghĩa với sức mạnh cơ bắp. Có những chú chó trông rất to khỏe, nhưng chỉ cần ngưng chích thuốc sẽ nhiễm bệnh ngay. Tức kháng thể nội tại rất yếu ớt, dù bề ngoài trông có vẻ khỏe mạnh.

Cơ chế sinh lý của con người cũng không phải là ngoại lệ. Có không ít vận động viên đạt nhiều huy chương, thành tích, nhưng vẫn mắc phải các chứng bệnh nan y, cơ thể rệu rã khi luống tuổi. Thậm chí qua đời do ung thư, đột quỵ… khi còn khá trẻ. Quý độc giả có thể tham khảo những bài báo sau để có thêm thông tin:

Vì sao lại như vậy? Vì sự khỏe mạnh từ bên trong sẽ dựa trên hai yếu tố: Phù hợp và Điều độ, để tạo nên sự Cân bằng. Các vận động viên thường có một chế độ ăn uống và luyện tập khác biệt so với người bình thường. Đúng là chế độ ăn uống và luyện tập ấy rất phù hợp để tăng cường cơ bắp, sức mạnh, lực ra đòn, sức bền v.v… cho họ, nhưng chúng có thực sự phù hợp và điều độ đối với cơ địa tự nhiên của họ hay không? Hay sự tiếp nạp những thứ không phù hợp và luyện tập thái quá lâu ngày, chỉ tạo ra một cơ thể vạm vỡ bên ngoài, nhưng rệu rã bên trong?

Chúng tôi xác định, đã chọn quay về với tự nhiên, thì hãy làm mọi thứ theo cách tự nhiên nhất có thể, trong cả việc trồng trọt lẫn chăn nuôi. Chó vốn không có khả năng tự nấu ra thức ăn chín để ăn, chúng cũng không có ý thức như con người để tự ngưng việc đi hít ngửi, liếm láp mọi thứ. Nên tôi quyết định cho chúng ăn kèm thức ăn sống, để duy trì độ mạnh của axit bao tử, và cung cấp nhiều khoáng chất lẫn vitamin cho chúng hơn.

 

banh chuoi
Bánh chuối của tác giả Vũ Hoàng Quỳnh Trâm.

 

ii.    Trồng trọt


Tôi hay nghe mọi người nói đến 2 từ “chăm cây” để chỉ việc tác động đến cây cối. Nhưng rồi, chúng tôi tự hỏi: Vậy con người “chăm cây” là VÌ CÂY, hay VÌ CHÍNH MÌNH? Chúng tôi cảm thấy, mình cần phải xác định rõ mục đích ban đầu, thì mới có cách “chăm cây” cho phù hợp được.

Chăm cây vì chính cây, đòi hỏi một sự quan sát cực kỳ tường tận, thấu đáo, để biết khi nào cần tác động, khi nào không, và tôn trọng sinh lý tự nhiên của cây. Có thể nói nôm na là: Tưởng Không Làm Gì, Mà Thực Không Có Gì Là Không Làm. Tuy nhiên cách này đòi hỏi sự quan sát liên tục, không theo một quy trình rập khuôn nào, mà sẽ thuận theo những biến đổi của tự nhiên.
 
Cách này, đương nhiên sẽ không thể mang lại năng suất cao như con người mong muốn được. Bởi vì ai trồng cây thuận tự nhiên sẽ thấy, tùy theo điều kiện thời tiết mà mỗi năm cây lại có những hình thái ra hoa kết quả khác nhau. Năm nay ra thật nhiều trái, năm sau lại chẳng ra trái nào, như thể cây đang muốn nghỉ ngơi vậy. Người trồng cây thuận tự nhiên, khi quan sát thời tiết sẽ biết năm nay cây ra nhiều hay ít quả. Đúng như chồng tôi tiên đoán, những năm nào mưa sớm và nhiều, cây sẽ ra ít quả. Vì chúng cảm thấy an toàn, không bị đe dọa bởi khô hạn, nên ra quả vừa phải, thậm chí không ra quả, để dưỡng sức. Còn năm nào khô hạn khắc nghiệt, cây sẽ ra thật nhiều quả, để phòng khi bản thân không sống nổi, còn có nhiều hạt để tăng khả năng sản sinh cây con, duy trì nòi giống. Chứ không thể có chuyện năng suất năm nào cũng như nhau. Cây là sinh vật sống, chứ nào phải máy móc vô tri. Chúng luôn tự biết làm sao để phù hợp nhất với điều kiện thời tiết và sinh lý của mình. Chứ nào đâu cần con người tác động vào để “chăm sóc”.
 
Chăm cây vì chính mình thì lại khác. Khi cây ra đọt thì phải bón phân này, khi cây ra trái thì xịt thuốc kia, khoảng tầm tháng mấy thì khoanh vỏ, xiết nước, đào lộ rễ v.v… Mọi sự tác động, đều chỉ nhằm mục đích tăng năng suất lên mức tối đa, chứ không thực sự tôn trọng chu trình sinh lý của cây. Ví dụ, vỏ là đường dẫn truyền chất dinh dưỡng của cây, có thể xem như là những mạch máu quan trọng nhất của cơ thể. Khi khoanh vỏ, cây cảm nhận như một số mạch máu của mình đang bị đứt lìa. Đó là sự đe dọa đến sinh mệnh rất nghiêm trọng. Khi đó, cây sẽ nỗ lực ra thật nhiều quả để tối đa hóa cơ hội duy trì nòi giống. Sau khi trút hết sinh lực để ra trái, cây sẽ được “tẩm bổ” bằng hàng loạt loại phân bón – tức thức ăn công nghiệp của thực vật – để lay lắt sống qua ngày. Và tiếp tục bị ép buộc phải ra trái vào những mùa sau, chứ không hề có quãng thời gian nào để được nghỉ ngơi, dưỡng sức cả. Thông thường những cây được “chăm sóc” kiểu này sẽ có tuổi thọ rất ngắn. Vì cây sẽ sớm suy kiệt và sản lượng trái dần ít đi. Khi đó, cây chắc chắn sẽ bị đốn hạ không thương tiếc. Một kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” hết sức điển hình.

Ngoài cách chăm sóc ra, thì vị trí trồng cây cũng là một việc đáng lưu tâm. Trong tự nhiên, các loại cây sẽ tự sắp xếp và phân chia tầng tán theo kích thước và hình dạng của chúng. Lấy ví dụ, theo quan sát của chồng tôi, cây cà phê là một loại cây bụi, lá to và dày. Nên trong tự nhiên, nó sẽ là loại cây tầng thấp, sống dưới tán của những cây khác. Còn những cây cổ thụ cao to, thuộc tầng cao, thì thường lá sẽ nhỏ và mỏng để hạn chế sự thoát hơi nước qua lá. Khi trồng theo dạng công nghiệp, cây cà phê lại hoàn toàn bị phơi ra ngoài nắng. Do đặc điểm bề mặt lá to, sự mất nước của cây cà phê là rất lớn và cần bơm tưới liên tục vào mùa nắng nóng, bón nhiều loại “thức ăn công nghiệp” để cây chống chịu trong môi trường không phù hợp.

Vì sao cây cà phê không được trồng dưới tán của cây khác để đúng với đặc điểm sinh lý của nó? Vì khi bị phơi ra ngoài nắng như vậy, cây sẽ cảm nhận được sự khô hạn và buộc phải cho ra nhiều trái hơn, tức năng suất cao hơn cho con người. Thế cho nên, có nhiều anh chị tập tành làm vườn rừng hỏi chồng tôi: Sao đọc tài liệu thì thấy cây A, cây B là cây tầng thấp, ưa râm mát, nhưng đi đâu cũng toàn thấy người ta trồng ra ngoài nắng? Câu trả lời vẫn là để tăng năng suất mà thôi. Vấn đề rõ ràng nằm ở chỗ: thuận tự nhiên, thì sẽ nghịch với lợi ích kinh tế và sự mưu cầu ổn định của con người. Cho nên, chúng tôi phải nhắc nhở bản thân rằng: Phải luôn nhớ rõ, mình về vườn để làm gì. Về vườn để làm kinh tế, thì tư duy và lối sống phải khác. Về vườn để chuyển hóa thân tâm, tìm kiếm sự tự do và an yên thực sự cho bản thân, thì lại là một câu chuyện khác. Trong hai, phải chọn một. Còn muốn “đi hai hàng”, thì khó lắm thay.

Như chuyện chồng tôi trèo lên cây sầu riêng để cắt dây, cũng là một chuyện hết sức nực cười đối với nhiều người. Ai trồng sầu riêng chuyên canh cũng thường buộc dây chằng chịt như hình bên dưới, để đảm bảo cành mang nhiều trái nặng sẽ không bị gãy, và cũng để ngọn cây bị gãy đi, không thể vươn lên cao, khó thu hoạch.

Đó là kỹ thuật của nông nghiệp hiện đại, tôi không dám lạm bàn vì không hiểu biết nhiều. Nhưng khi đã xác định, gia đình mình về vườn là để tìm kiếm sự tự do lớn hơn trong cuộc sống. Thì vợ chồng tôi đã tự hỏi: "Sao mình tìm kiếm tự do, nhưng lại đi ràng buộc cây cỏ?" Thế là ông xã tôi quyết tâm, phải cắt hết dây buộc trên 70 cây sầu riêng trong vườn. Một quyết tâm khiến nhiều bạn bè của anh khi ấy, kể cả những người tự nhận mình đang đi theo con đường thuận tự nhiên, cũng phải phì cười và nói vài lời mai mỉa.

Từ ngày anh đề ra quyết tâm ấy, đến nay đã hơn 2 năm, và đây là hình ảnh khi anh đang cắt dây cho cây sầu riêng cuối cùng. Anh bảo tôi chụp lại, để kỷ niệm cho sự kiên trì của anh. Còn đối với tôi, đó là minh chứng cho tình yêu thương mà anh dành cho cây cỏ. Sao phải tốn đến 2 năm để cắt dây của 70 cây sầu riêng? Xin thưa vì cả mùa mưa thì không thể leo lên cây để cắt được, màu nắng thì cũng còn nhiều công việc khác, nên anh phải làm từ từ.
 
Tôi nhớ lúc khởi sự, hai đứa đi lùng sục khắp nơi, mua cho bằng được một bộ dây leo núi và cái thang tốt tốt một chút. Vì dù thích làm việc "anh hùng", nhưng hai vợ chồng vẫn rất nhát gan. Chưa từng biết leo cây, lại mua phải dây buộc không tốt, rớt xuống thì toi  !

Lần đầu tiên, anh mất nguyên cả 1 ngày để cắt dây của chỉ 1 cây sầu riêng. Dây buộc nhiều, và buộc ở những cành rất xa. Anh leo trèo, đu bám, đung đưa, lòng thầm xin xỏ "thần rừng" bảo vệ, đừng cho rớt. Và xin cả...bầy kiến vàng trên cây đừng có cắn nhiều quá. Nhiều hôm, sau khi anh cắt dây xong, liền leo xuống, vội vàng cởi áo ngoài ra, trên lưng đầy kiến vàng đang cong mông cắn. Tôi thì xót, còn anh thì vui...

Thấm thoát đó mà đã 2 năm qua rồi. Cái cây cuối cùng đã được "giải phóng". Nhiều người nói, cắt dây đi như thế, cây sẽ gãy cành. Nhưng về cơ bản, chúng không có phân thuốc gì, nên ít trái, hiếm khi nặng đến nỗi gãy cành. Nếu như có gió giông mà gãy đổ, thì đó âu cũng là lẽ tự nhiên. Chúng tôi chỉ trồng thêm cây rừng xen vào, để cây cối cùng nương tựa, che chở cho nhau thôi. Hai vợ chồng nghĩ, mình cũng như cây. Nếu có thể sống vui tươi và tự do trong khuôn khổ của mình, thì đến khi ra đi, cũng sẽ chẳng có gì để buồn phiền hay tiếc nuối cả. Trên đời này, có thứ gì tồn tại mãi đâu. Bản thân mình, cũng đã từng đối diện với cái chết rồi mà...

Bây giờ, mỗi lần nhìn thấy cây được tự do đong đưa theo gió, hai vợ chồng thấy rất vui. Nhiều khi chột dạ nghĩ, cắt hết dây rồi, sản lượng sầu riêng sẽ còn ít hơn nữa. Mà thôi, kệ đi, ít mà chất! Trái ít , nhưng trái nào cũng sẽ mang năng lượng vui tươi của cỏ cây, chúng tôi tin như thế. Và kiểu gì, tới mùa sầu riêng, cả nhà cũng sẽ cười suốt ngày!

Tóm gọn lại, chúng tôi nhận ra rằng, dù là trồng trọt, chăn nuôi, hay chăm sóc chính bản thân mình, sự quan sát vẫn là điều kiện tiên quyết, để đưa ra những lựa chọn phù hợp với định hướng của bản thân. Trong tự nhiên, không bao giờ có hai cá thể nào giống hệt nhau. Anh chị em song sinh còn có điểm khác biệt. Hai cái cây mọc cạnh nhau, cùng môi trường đất, cùng môi trường vi khí hậu, mà còn có cây ra trái, cây không. Vậy thì, sao có thể áp dụng y nguyên mô hình của vườn này vườn kia, cho chính khu vườn của mình được. Người thầy lớn nhất mà chúng tôi cần học hỏi, chính là tự nhiên. Hiểu tự nhiên, và hiểu chính mình. Bởi vì khu vườn bên ngoài, và khu vườn bên trong, tuy hai mà một.

Tôi đặt tên cuốn sách này là “Bỏ phố Về rừng – Con đường Chuyển hóa” cũng chính vì lý do đó. Bỏ phố về rừng giúp cho chúng tôi có cơ hội, có thời gian quan sát lại bản thân, quan sát thiên nhiên và cuộc sống xung quanh mình, từ đó mà dần dần có sự chuyển hóa trong tư duy và lối sống. Chúng tôi thật sự rất hạnh phúc và biết ơn, vì đã có cơ hội được chia sẻ về hành trình đầy thú vị này đến tất cả mọi người.

Nếu Quý độc giả cảm thấy sách có giá trị, ứng dụng thực tiễn được cho bản thân và gia đình, xin hoan hỷ tùy tâm ủng hộ tiền sách, như một sự công nhận dành cho tâm huyết của tác giả.

Thông tin tài khoản:
Tên tài khoản: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM
Số tài khoản: 119.10.000.498.636
Ngân hàng: BIDV (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam) Chi nhánh: Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng Quỳnh Trâm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây