Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Thứ tư - 05/10/2022 21:06
Tiếp nối câu chuyện bỏ phố về rừng, trong bài viết này chị Vũ Hoàng Quỳnh Trâm chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe khi về vườn. Veque lược trích lại những trải nghiệm của chị Quỳnh Trâm hy vọng sẽ có ích cho bạn đọc trên con đường này.
Các bài viết của chị Quỳnh Trâm có trong cuốn sách chị xuất bản Online. Bạn đọc nếu thấy sách thú vị có thể ủng hộ tác giả qua số tài khoản ở cuối bài viết này. Trân trọng!
Tài chính, kiến thức hay kinh nghiệm vẫn chưa đủ, biết cách chăm sóc sức khỏe khi về vườn sống cũng là một trong những yếu tố giúp cuộc sống mới trở nên thoải mái hơn. Song khi chưa hiểu thực rõ, vấn đề này dễ gây ra nhiều nỗi lo lắng cho mọi người.
1. Cách chúng tôi chăm sóc sức khỏe khi về vườn
Dưới đây là những trải nghiệm của chúng tôi.
a. Nguyên nhân của sự khác biệt
Ngoài vấn đề giáo dục con cái ra, thì vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng là một khía cạnh khiến nhiều người ái ngại nhất, khi muốn bỏ phố về rừng. Vì ai cũng nghĩ, điều kiện của các cơ sở y tế, và trình độ của y bác sĩ ở nông thôn sẽ kém xa nơi thành phố lớn.
Thời gian đầu khi đi tìm đất, vợ chồng tôi có những lúc đi đi về về giữa Sài Gòn - Tây nguyên bằng xe khách. Trên những chuyến xe ấy, chúng tôi có dịp chuyện trò với nhiều hành khách xuống Sài Gòn chữa bệnh. Đa phần họ là người làm nông, chắt chiu từng chút một, đến khi đổ bệnh, thì công sức dành dụm bao nhiêu năm coi như tiêu tan. Họ phải xuống đến Sài Gòn vào lúc 3h sáng, lót dép ngồi chờ lấy số. Khám bệnh mua thuốc xong thì 9, 10h sáng lại tất tả ra xe quay về lo việc vườn rẫy. Rỗi mỗi khi tái khám, lấy thuốc, cũng vất vả y như vậy.
Nhìn người khác, vợ chồng tôi cũng không khỏi lo lắng. Nhưng với niềm tin rằng: “Bệnh từ miệng mà ra”, nếu mình ăn thực phẩm sạch do tự tay mình nuôi trồng thì bệnh tật sẽ ít có cơ hội phát sinh, chúng tôi vẫn quyết tâm về vườn. Kết quả là sau 6 năm sống ở vườn, ngoài đúng 1 lần đi ra bệnh viện tỉnh mổ biến chứng thai ngoài tử cung cho tôi ra, thì cả gia đình không ai phải uống một viên thuốc tây nào cả. Cùng sống trong một vùng, vì sao lại có sự khác biệt giữa gia đình tôi và những gia đình khác như vậy?
Chúng tôi nghiệm ra rằng, tất cả là do sự khác biệt trong Cách Làm Nông, Tiêu Dùng Thực Phẩm Và Chăm Sóc Sức Khỏe của mình.
Thứ nhất - Cách Làm Nông: Do chúng tôi hoàn toàn từ bỏ các loại hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích ra hoa ra trái… nên ít bị tác động hơn đến sức khỏe. Có rất ít gia đình thuần nông chịu từ bỏ những hóa chất này, vì họ sợ không đạt được năng suất cao như ý muốn, mà giá cả thì bấp bênh. Dù một số gia đình có nhận thức về sự độc hại của hóa chất, nhưng vì đã lỡ vay tiền để đầu tư, cần nguồn thu để trả nợ, nên họ đành nhắm mắt cho qua, đợi khi nào đổ bệnh rồi mới tính tiếp. Tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại trong quá trình pha chế, phun xịt đã khiến cho rất nhiều bà con nông dân mắc phải những căn bệnh nguy hiểm như ung thư, suy gan thận...
Thứ hai - Tiêu Dùng Thực Phẩm: Dù sở hữu tư liệu sản xuất, nhưng hầu như họ vẫn đi chợ mua thức ăn bên ngoài, ít khi tự cung tự cấp. Họ phá bỏ hầu như tất cả các loại rau củ quả mọc dại, các loại cỏ lá dược liệu, dành dụm từng cm đất để trồng những loại cây mà họ cho là nông sản giá trị cao như sầu riêng, cà phê… Cộng thêm sự tác động của lối sống công nghiệp khiến người dân tiêu thụ thêm rất nhiều rượu bia, nước ngọt, thức ăn công nghiệp chế biến sẵn như mì ăn liền, bánh kẹo… vì nhanh chóng tiện lợi, lại bắt miệng, no mà rẻ tiền…
Tôi đã thấy có những gia đình đem gà ta nhà nuôi ra bán cho được giá cao, rồi vui vẻ cầm tiền đó đi mua gà công nghiệp về ăn, vì được nhiều thịt hơn. Hay nhà trồng cà phê nhưng lại không bao giờ tự rang xay cà phê nguyên chất để uống, mà đi mua cà phê gói với đủ loại hương liệu về pha. Trong suy nghĩ của họ, phải dành thời gian tối đa cho việc chăm sóc và thu hoạch nông sản, bán lấy tiền, nên không còn thời gian cho việc tự nuôi trồng cũng như chế biến thức ăn cho chính mình nữa.
Thứ ba – Cách chăm sóc sức khỏe: Người dân phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc tây, vì hiệu quả nhanh chóng, nhưng lại không nghĩ đến những tác dụng phụ của chúng. Tây Nguyên từng là khu rừng dược liệu của cả nước, nhưng nay đã bị phá bỏ rất nhiều để trồng các loại cây công nghiệp. Muốn phục hồi, cần phải ngưng sử dụng toàn bộ hóa chất. Ví dụ như ở khu vườn hiện tại, sau 3 năm chúng tôi về sinh sống, ngưng sử dụng các loại hóa chất và phát triển theo hướng vườn rừng, thì nấm linh chi rừng cũng tự động xuất hiện. Tự nhiên luôn có thể tự phục hồi, chỉ cần con người ngừng tác động mà thôi.
Định hướng của gia đình tôi thì trái ngược với hầu hết mọi người, rất chú trọng đến việc sử dụng chế độ ăn uống, dược liệu, vận động, và những phương cách tự nhiên để hỗ trợ cơ thể tự chữa lành, thay vì dùng thuốc Tây ngay từ đầu.
b. Chế độ ăn uống
Phương châm hàng đầu của chúng tôi: Thức ăn cũng chính là thuốc. Mình sống ở đâu, thì thực phẩm nuôi trồng trên chính lãnh thổ ấy và những vùng lân cận, là phù hợp nhất với cơ thể mình. Vì khí hậu, thổ nhưỡng, cỏ cây, loài vật và con người là một thể tổng hòa. Hơn nữa, sử dụng các loại thực phẩm đem từ nơi khác đến, vừa không phù hợp với mình, lại vừa có nhiều hóa chất bảo quản để có thể vận chuyển đi xa và lâu ngày.
Thế nên chúng tôi gần như chỉ ăn sản vật của Việt Nam, không tiêu thụ các loại ngoại nhập được bày bán như cherry, nho Mỹ, cam Úc, táo New Zealand… Ngoài ra, tôi thường tận dụng những loại gia vị nên thuốc trong vườn nhà như tiêu, gừng, nghệ… để chế biến món ăn, nhằm kháng viêm, gia tăng sức đề kháng. Và dùng các loại như trà xanh, lá vối, lá và hoa đu đủ… để làm trà uống.
Chăm sóc sức khỏe, không gì khác hơn là duy trì sự cân bằng. Cơ thể chúng ta bao gồm ngũ tạng: tâm (tim), tỳ (lách), phế (phổi), can (gan), thận (cật). Tương ứng với ngũ vị: mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Vì tôi ăn theo vườn, có gì ăn nấy, nên không quá cầu kỳ trong việc chế biến, chỉ cần cố gắng đảm bảo trong ngày, tất cả những gì mình ăn uống có đủ 5 vị này là được. Ví dụ: món kho thường sẽ có vị mặn và ngọt, món gỏi / nộm thì có vị ngọt và vị chua của giấm/chanh, trái cây thì có vị ngọt, chua hoặc chua ngọt, dưa muối sẽ cho vị chua, tiêu ớt gừng tỏi… cho vị cay, khổ qua, rau đắng, vỏ chanh, quýt, tắc hay các loại trà hoa đu đủ, lá đu đủ sẽ cho vị đắng… Tôi chỉ chế biến thức ăn, thức uống theo quy tắc đơn giản này thôi.
Có một khoảng thời gian, gia đình hầu như ít khi ăn uống những thứ có vị đắng. Vì đây là một vị không được bắt miệng cho lắm. Khi thấy cơ thể có những biểu hiện như nổi mụn nhọt, ngứa ngáy, hay bệnh vặt như sổ mũi, nghẹt mũi... thì chúng tôi mới quan sát lại cơ thể, chế độ ăn uống của mình, và thấy đang thiếu đi vị đắng. Sau một thời gian bổ sung vị đắng thường xuyên hơn thì mọi thứ dần tốt lên. Chúng tôi cũng không dùng các chất điều vị như bột ngọt, muối công nghiệp, đường kính trắng, mà thay vào đó là sử dụng muối hạt hầm, đường mía thô…
Và có 1 nguyên tắc đơn giản nữa là gia đình tôi không bao giờ uống nước lạnh, nước đá, cũng rất ít khi ăn uống những đồ lạnh như kem, chè lạnh… Vì nhiệt độ cơ thể của chúng ta là vào khoảng 36 – 37.5 độ C. Nếu chúng ta ăn uống những thứ có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể, thì cơ thể sẽ phải mất năng lượng để tự làm ấm lên cho cân bằng với nhiệt độ bên trong. Cơ thể thường xuyên bị mất năng lượng thì giống như quân lính bị đuối sức vậy, “quân giặc” chắc chắn sẽ dễ dàng tấn công.
Về các loại thực phẩm, vì sống ở vườn, chúng tôi ăn chủ yếu là rau củ quả, thịt cá thường chiếm một lượng khá ít. Chúng tôi cũng không thường xuyên ăn món chiên, xào. Dù trước đây cảm thấy những món này rất ngon miệng, nhưng bây giờ nếu ăn quá thường xuyên hoặc quá nhiều một lúc, thì sẽ cảm thấy cơ thể bứt rứt, khó chịu ngay. Gia đình thường không ăn gạo trắng bán sẵn ở các cửa hàng, mà tự tìm đến những những cánh đồng để mua lúa về trữ. Sau đó đi chà một phần để dành ăn. Ăn hết mới đi chà tiếp để tránh gạo bị mọt. Và vì muốn ăn gạo lứt nên tôi sẽ yêu cầu họ chà dối, tức chỉ tách vỏ trấu ra là được, chứ không chà trắng. Lao động tay chân nhiều, ăn gạo trắng thật sự thấy rất mau đói. Ăn gạo lứt khiến cả nhà thấy chắc bụng hơn.
c. Chế độ vận động
Có một câu rất hay về cơ thể như thế này: “You use it, or you’ll lose it.” (tạm dịch là: Hãy vận động cơ thể, không thì bạn sẽ mất nó đấy).
Có một điều may mắn khi ở vườn là luôn được vận động: cắt cỏ, cuốc đất, đi quanh vườn thu hoạch rau trái… Tuy nhiên cái gì quá cũng không tốt. Vận động quá sức mà không nghỉ ngơi, chăm sóc cơ thể một cách hợp lý thì sẽ lại sinh bệnh.
Chúng tôi để ý thấy những nhà thuần nông thường hay mắc phải các bệnh về cơ, xương, khớp, vai, cổ, gáy do lao động quá sức trong một tư thế nào đó, ví dụ:
- Các bà, các cụ ngày xưa thường hay bị gù lưng, đau lưng do cứ phải khom lưng cấy lúa, gặt lúa;
- Ngày nay thì thường bị đau khớp hông, khớp gối do vác những bao phân, bao nông sản nặng nề, gây áp lực lên các khớp;
- Tê buốt cánh tay, ngón tay do phải với tay hái hàng chục ký cà phê, tiêu mỗi ngày;
- Cứng gáy, đau cổ do cứ phải cúi đầu khi cuốc đất, cào bồn.
Ý thức được những vấn đề đó, chúng tôi chỉ làm việc vừa sức và lắng nghe cơ thể. Khi cơ thể phát tính hiệu đau thì sẽ tiết giảm bớt công việc, hoặc dừng hẳn cho đến khi hồi phục. Còn nhớ, lúc cả nhà xây bể nước mưa, ông xã tôi phải trát và tô thành bể từ sáng đến tối khiến bàn tay phải rất đau. Do không quen và phải làm liên tục trong một động tác, khiến máu không về kịp ở các khớp dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ. Cơ thể báo hiệu bằng cơn đau ở các khớp bày tay phải. Nhờ đã quen quan sát cơ thể, anh đã tạm ngưng xây bể để nghỉ ngơi.
Thông thường, mọi người sẽ ráng chịu đau để hoàn thành công việc. Như chồng tôi cũng từng sợ, bể nước mưa không xây liêu tục thì sẽ bị rò rỉ do các lớp vữa không đồng nhất. Nên anh cứ cố cho đến khi đau quá không còn cầm nổi cái bay nữa mới chịu ngưng. Nhưng may là anh cũng có thói quen quan sát, và đã có đấu tranh tư tưởng cho ngày hôm sau là “nên làm tiếp hay nên nghỉ?”. Cuối cùng, anh chọn nghỉ cả ngày không xây thêm tí nào. Qua ngày hôm sau, tay phải đã không còn đau nữa, anh mới tiếp tục. Và khi bắt đầu lại, anh quan sát thấy rằng, khoảng thời gian để tay phải đau mỏi trở lại là tầm nửa ngày. Thế là, anh chỉ xây bể trong nửa ngày, nửa ngày còn lại làm việc khác. Và anh cứ làm như thế cho đến khi hoàn thành bể nước mưa. Cơ thể luôn luôn tìm cách báo cho chúng ta biết khi nào là tới hạn bằng các cơn đau mõi. Nhưng nếu chúng ta cứ lờ đi hoặc dùng thuốc giảm đau mà không giải quyết nguyên nhân, thì lâu dần sẽ tích tụ thành bệnh mãn tính rất khó chữa trị.
Chúng tôi cũng tập những bài tập yoga cơ bản, nhẹ nhàng, để giúp thư giãn, điều chỉnh các cơ khớp, đặc biệt là phần lưng và cột sống, và phục hồi những căng thẳng của cơ thể sau khi lao động nặng. Ngoài ra, chúng tôi còn tự massage toàn thân vào buổi sáng theo bài xoa bóp dưỡng sinh của thầy Lý Phước Lộc, nhằm bổ trợ lưu thông khí huyết, tăng sức đề kháng. Vừa massage, vừa cảm nhận xem mình có đau chỗ nào không, có vết bầm, vết nám hay mụn nhọt gì không. Vì đó có thể là những dấu hiệu mà cơ thể muốn thông báo cho ta biết, về một vấn đề sức khỏe nào đó đang nhen nhóm buổi đầu.
Đối với chúng tôi, yêu thương cơ thể không có nghĩa là bồi bổ cho nó những cao lương mỹ vị, thuốc men đắt tiền; cũng không phải là trang hoàng cho nó những quần là áo lượt, nữ trang lấp lánh; mà chính là biết để tâm quan sát, lắng nghe, chăm sóc cho cơ thể đúng cách.
d. Tự chữa trị trong một số trường hợp
Khi trái gió trở trời, cơ thể có biểu hiện cảm cúm, nhức mỏi, chúng tôi thường sẽ uống nước ấm, áp dụng những phương pháp dân gian như xông cảm, đánh gừng, giác hơi, cạo gió và ngủ đủ giấc. Cơ thể tự động vượt qua mà không cần dùng đến thuốc Tây. Vì sao thời đại 4.0 rồi mà chúng tôi còn sử dụng những biện pháp dân gian “quê mùa” như vậy? Xin được phép giải thích cùng quý độc giả như sau:
Trong cơ thể của chúng ta có hệ thống kinh lạc, tức đường vận hành của khí huyết toàn thân. Kỹ thuật của Tây Y thường chỉ nhìn thấy được đường vận chuyển của Huyết, mà không thấy được đường vận chuyển của Khí. Khi bị cảm cúm, thường được cho là hàn khí xâm nhập, các đường lưu thông Khí Huyết sẽ co lại, để hạn chế tiếp nhận thêm hàn khí. Điều này vô tình khiến cho đường vận chuyển của Khí bị ách tắc, kéo theo đường vận chuyển của Huyết cũng ách tắc luôn. Anh chị còn nhớ khi chúng ta nhúng ống hút vào ly nước, rồi bịt một đầu ống hút lại và nhấc lên, nước sẽ được giữ lại trong ống hút mà không chảy ra không?
Đường vận chuyển của Huyết bị ách tắc, khiến máu khó vận chuyển dinh dưỡng và oxy đi khắp cơ thể, làm cho chúng ta thấy mệt mỏi và đau nhức là vì vậy. Khi nhiễm lạnh, chúng ta cũng sẽ thường thấy cơn lạnh tỏa ra từ phần sống lưng, Khi đó, các mạch máu tỏa ra từ cột sống bị co lại do lạnh, làm ách tắc luồng di chuyển của khí huyết. Cạo gió, giác hơi, đánh gừng, đánh cảm bằng trứng gà và đồng bạc, đều nhằm mục đích làm ấm, trục khí lạnh và day ấn các huyệt trên lưng để khí huyết lưu thông trở lại. Kết hợp với việc ăn cháo cảm để làm ấm từ bên trong nữa thì đúng là “nội công ngoại kích”.
Còn khi cảm cúm kết hợp với viêm họng, chúng tôi sẽ áp dụng bài thuốc trong câu ca dao sau đây để chữa viêm họng:
Chúng tôi bào 1 lát gừng sống, bôi 1 lớp mỏng muối hầm lên, rồi đặt miếng gừng vào gần cuống lưỡi, mặt có muối tiếp xúc với lưỡi. Ngậm một lúc đến khi miếng gừng hết vị mặn thì bắt đầu nhai nhè nhẹ cho gừng ra nước cay, rồi từ từ nuốt nước cay đó xuống cổ họng. Đến khi miếng gừng hết cay thì lại nhai nhè nhẹ tiếp. Cứ từ từ như vậy, chứ không nhai nuốt hết một lần. Đến khi miếng gừng chỉ còn hơi cay nhẹ thì mới nhai nuốt hết. Xong lại bào miếng gừng khác và làm y chang như thế.
Ngoài ra còn nấu nước sả chanh gừng để uống. Chỉ độ khoảng 3 ngày là thuyên giảm.
Một mẹo thú vị nữa là ở vườn có thể côn trùng cắn, hoặc lỡ đụng phải sâu lông, trước giờ gia đình chỉ dùng một cách duy nhất để chữa là bôi muối. Chúng tôi dùng muối hạt xay nhuyễn (không dùng muối iot), pha vào chút nước cho sệt sệt, rồi dùng bôi lên những chỗ bị ngứa do lông sâu, do muỗi, kiến cắn. Thậm chí, có lần khi vô tình bị ong và bò cạp nhỏ chích, chúng tôi cũng tự thử nghiệm xem muối có hiệu quả không, bằng cách bôi muối và theo dõi những phản ứng của cơ thể. Nếu có phản ứng trầm trọng hơn sẽ đi bệnh viện. May mắn sao mọi thứ vẫn ổn, vết chích cũng chóng lành.
Nguyên lý ở đây là các con vật trên cạn thì độc, dịch của nó đều mang tính axit nên khi gặp muối sẽ trung hòa, không còn gây kích ứng với cơ thể mình nữa. Và ngược lại, những con dưới biển thì độc tính của nó mang tính ba zơ, để khắc chế ta dùng chanh hay dấm mang tính axit để trung hòa. Vì vậy khi bị sứa lửa chạm phải thì mọi người được khuyên nên dùng dấm hay chanh bôi lên để trị là vậy. Chúng ta nên hiểu về nguyên lý rồi quan sát cơ địa của bản thân mà áp dụng. Như thế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Khi bị những bệnh nặng hơn, hoặc bệnh mà mình chưa có kinh nghiệm, thì chúng tôi vẫn đến bệnh viện khám, để xác định là bệnh gì. Sau khi khám xong, chúng tôi không vội mua thuốc ngay, mà đem toa thuốc về kiểm tra công dụng của từng loại, rồi cân nhắc độ nặng nhẹ và chữa theo những cách tự nhiên nếu có thể, dựa trên những kiến thức mà mình có, cộng với sự thường xuyên quan sát cơ thể.
Ví dụ có lần, chồng tôi bị đau răng, khi đến khám thì bác sĩ cho biết anh bị tuột chân nướu, cần phải nhổ bỏ răng và uống thuốc. Trong toa thuốc thì hầu hết là thuốc giảm đau và kháng sinh kháng viêm, nên chúng tôi không vội mua. Vì đã từng biên dịch cho cuốn sách Chăm sóc Răng miệng Toàn diện của tác giả Nadine Artemis do NXB Huy Hoàng Books phát hành, nên tôi hiểu rằng nguyên nhân của việc tuột chân nướu là do nướu răng bị viêm, bị kích ứng thường xuyên nên mới xảy ra tình trạng này. Răng rất quan trọng, liên hệ mật thiết với hệ thần kinh, và răng hoàn toàn có khả năng tự chữa lành, nên chúng tôi cố gắng tìm cách giữ lại, không nhổ ngay. Cả hai đồng thuận rằng nếu trong vòng 1 tuần chữa trị theo cách tự nhiên, mà cơn đau không thuyên giảm, thì lúc đó mới dùng đến cách cuối cùng là nhổ răng và uống thuốc Tây.
Trong một tuần đó, chúng tôi tự chữa trị như sau:
- Thứ nhất là cần phải giảm đau. Vì cơn đau răng sẽ khiến cơ thể khó chịu, mất ăn, mất ngủ, dẫn đến sức đề kháng kém thì khó mà tự chữa lành được. Thế là anh dùng tinh dầu đinh hương bôi lên nướu và răng trước khi ăn cơm và đi ngủ. Tinh dầu đinh hương giống như một loại thuốc gây tê tự nhiên, giúp giảm cơn đau hiệu quả, lại có chất kháng viêm.
- Thứ hai, là làm sạch răng miệng. Mỗi sáng anh sẽ nhai dầu dừa khoảng 20 phút. Sau đó trong ngày, đánh răng bằng nước lá ổi giã với muốt hạt, rồi nhai trầu cau (nhả nước chứ không nuốt để không bị say). Về thông tin ăn trầu bị ung thư, chúng tôi không thấy gì đáng ngại. Thứ nhất, quan sát lại thực tế, các cụ già ăn trầu mà tôi quen biết đều không thấy ai bị ung thư vòm họng. Thứ hai, mình cũng không ăn thường xuyên, chỉ dùng như một cách chữa trị khi bị đau răng, hay dùng thi thoảng để làm sạch răng miệng. Chúng tôi thường không mù quáng tin theo một thông tin nào cả, mà luôn đối chiếu với thực tế quan sát được. Không có cái gì tốt, cũng không có cái gì xấu. Quan trọng là Đúng lúc, Đúng chỗ và Đúng mức thôi.
- Hơn nữa, vỏ cau làm sạch răng rất tốt. Lá trầu chứa nhiều calci, carotene, các vitamin gồm vitamin C, thiamin, riboflavin và niacin. Trong lá trầu còn chứa nhiều tannin, đường, ester và tinh dầu. Tinh dầu có mùi thơm, vị cay, màu vàng nhạt được gọi là chavicol, có tác dụng sát trùng mạnh đối với các loại vi trùng, giúp cho chân răng không bị sưng viêm. Chất chát trong lá trầu làm cho nướu răng co lại, ôm sát chân răng. Vôi thì có tác dụng triệt tiêu arecolin có trong hạt cau - vốn là chất có thể làm chậm nhịp tim. Thật sự là một bài thuốc phối hợp hoàn hảo.
Vừa áp dụng những cách trên, vừa quan sát cơ thể, thì sau một tuần chồng tôi đã hết đau răng, có thể ăn uống ngủ nghỉ bình thường. Từ đó đến nay đã gần cả năm, cũng chưa thấy anh bị đau răng trở lại.
2. Đâu là cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất?
Do đặc tính của công việc biên dịch, tôi có cơ duyên được tiếp xúc với rất nhiều tài liệu về đủ mọi phương cách chăm sóc sức khỏe. Ai quan tâm chắc sẽ biết về những phương pháp ăn uống và chăm sóc sức khỏe nổi tiếng như Thực Dưỡng, Raw Vegan, Tây Y, Đông Y, Khí Công, Yoga v.v.... Và hẳn là không ít người sẽ hoang mang chẳng biết phải theo đuổi phương pháp nào, vì đôi khi chúng đưa ra những lời khuyên hoàn toàn trái ngược nhau. Ví như Raw Vegan thì cho rằng đường là thứ sẽ nuôi tế bào ung thư, nên phải đoạn tuyệt. Còn người tập Khí Công thì lại được khuyên phải uống nhiều nước đường! Có người theo Thực Dưỡng thì chữa hết bệnh, cũng có người theo Thực dưỡng mà không hết bệnh. Người thì nói Tây Y hiệu quả nhanh chóng, người thì nói Đông Y có tác dụng lâu bền hơn… Ai cũng đưa ra những chứng cứ và lập luận nghe rất hợp lý.
Sau một thời gian tự mình trải nghiệm qua nhiều phương pháp khác nhau, tôi chỉ xin phép phát biểu một câu ngắn gọn thế này: Cái Nào Cũng Tốt Hết, Vấn Đề Là Tốt Cho Ai, Và Tốt Vào Lúc Nào.
Từ lâu, con người chúng ta luôn bị ám ảnh bởi cái gọi là Một Phương Pháp. Chúng ta cố gắng đi tìm một phương pháp nào đó theo mình là tốt nhất, hữu dụng nhất, có nhiều người thành công nhất, để áp dụng lâu dài cho bản thân. Nhưng tư duy đó là Hoàn Toàn Sai Và Cực Kỳ Nguy Hiểm! Bởi vì cho dẫu có điểm chung, thì mỗi cá thể vẫn có những điểm khác biệt rất lớn, từ cơ địa, sinh nghiệm, hoàn cảnh sống, tính cách, vị trí địa lý, điều kiện sinh hoạt ...
Và bản thân mỗi người chúng ta, cũng như môi trường sống xung quanh ta cũng thay đổi không ngừng. Chuyện mưa nắng năm nay đã khác chuyện mưa nắng năm ngoái. Hôm nay chúng ta đang ở Sài Gòn, hít thở một bầu không khí khác, ngày mai đã lên Tây Nguyên, hít thở một bầu không khí khác. Tháng trước ta còn làm công việc này, tháng sau đã đổi qua công việc khác, áp lực hơn chẳng hạn... Tất cả các yếu tố này đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên Thân và Tâm của mỗi người, thì làm sao lại có thể có một phương pháp nào đúng đắn và phù hợp cho hết thảy mọi người, trong suốt cả cuộc đời họ được!
Điểm cốt yếu nhất, là mỗi người phải biết tự lắng nghe và quan sát bản thân mình, cả Thân và Tâm, để tìm ra đâu là nguyên nhân cốt lõi của những vấn đề đang khởi sinh, từ đó mới mong giải quyết được tận gốc rễ. Còn không, sẽ cứ như người "bơi" giữa đại dương, chẳng biết đâu là bờ, kiểu "có bệnh thì vái tứ phương", ai chỉ sao làm vậy, ai bảo "bơi" hướng nào cũng bơi, đến lúc sức tàn lực kiệt, Thân bệnh Tâm bệnh vẫn không được giải quyết, thậm chí còn trầm trọng hơn dẫn đến tử vong.
Ví dụ, có hai người phụ nữ A và B bị đau bao tử, người A bày cho người B uống nghệ - mật ong, vì thấy mình đã dùng và hết bệnh. Người B uống vào thì thấy có thuyên giảm đôi chút, nhưng sau đó lại tái phát, mãi vẫn không thấy hết, thế là chị ấy cho rằng nghệ - mật ong không hiệu quả. Nhưng thực chất người B có cuộc sống nhiều áp lực hơn người A. Và đặc điểm cơ thể của chị B là mỗi khi thấy căng thẳng, chị sẽ bị đau bao tử. Vậy thì căn nguyên cho chứng đau bao tử của chị chính là sự căng thẳng. Muốn trừ hết bệnh, chị phải giải quyết được sự căng thẳng của mình. Nghệ - mật ong chỉ là giải pháp tạm thời giúp chị thấy đỡ đau trong một lúc mà thôi!
Nếu chị B không biết lắng nghe, quan sát cơ thể để nhận định rằng cơn đau sẽ đến mỗi khi chị căng thẳng, thì mãi mãi vấn đề cũng không được giải quyết. Cùng lắm chỉ là dùng thuốc giảm đau để đánh lừa hệ thần kinh, và sẽ dẫn đến những hệ lụy khác.
Sau nữa là chúng tôi sẽ cân nhắc những điều kiện mà mình đang có, chứ không quá cố chấp theo đuổi hay bài bác một phương cách cụ thể nào. Ví dụ khi bị tai nạn mất máu nhiều hay những trường hợp cần phải cấp cứu, thì trong thế giới hiện đại ngày nay, Tây Y giải quyết cực tốt. Đáng ra vẫn có những loại dược liệu hay cách châm cứu giúp cầm máu. Nhưng vấn đề lúc ấy, mình có đang có sẵn những loại dược liệu ấy hay không, chỗ mình bị tai nạn có đang gần vị thầy châm cứu giỏi nào không? Dùng Tây Y để xử lý nhanh chóng vết thương, sau đó thì dùng chế độ ăn uống, dược liệu để hỗ trợ cơ thể tự hồi phục, cũng là một sự phối hợp không tồi.
Cho nên, sau rất nhiều hoang mang và bối rối khi đi tìm một phương pháp duy nhất để chăm sóc sức khỏe bản thân, chúng tôi nhận ra rằng, không có một phương pháp nào là đúng nhất, tối ưu nhất cho tất cả. Nhân gian đa dạng vô cùng. Mình áp dụng phương pháp nào, thấy hợp, thấy khỏe thì tốt quá rồi. Nhưng cũng phải để ý xem, nó hợp lúc này, còn mấy tháng, mấy năm nữa thì sao. Hoặc khi mình chuyển đến nơi có kiểu khí hậu hoàn toàn khác, để sinh sống thì sao. Không ngừng để ý quan sát, đừng làm theo thói quen. Ai hỏi xin kinh nghiệm, thì chúng tôi cũng nói rõ là nó hợp với mình, chứ chưa chắc đã hợp với người ta. Cả hai vợ chồng chỉ chú trọng hơn vào việc quan sát, lắng nghe cơ thể, thay vì cứng nhắc áp dụng một phương pháp cụ thể.
Khổ một nỗi, không mấy ai có thói quen quan sát bản thân cả, toàn là quan sát người khác, quan sát bên ngoài. Để làm chi, phần nhiều là vì sinh kế. Chúng ta quên sức khỏe để kiếm tiền, rồi sau lại phải dùng tiền đó để mua lại sức khỏe, nhưng có chắc sẽ mua được không? Đời người bôn ba cho lắm, đến cùng chẳng phải cũng chỉ mong được Ăn ngon và Ngủ ngon hay sao? Mà để cho mình được Ăn ngon và Ngủ ngon, thì Mình Phải Hiểu Mình trước đã.
Tôi xin bổ sung thêm một khía cạnh chăm sóc sức khỏe quan trọng nữa, dành riêng cho các chị em phụ nữ, để giúp các chị em có thêm thông tin về chăm sóc thai sản khi muốn theo đuổi con đường Bỏ Phố Về Rừng.
3. Chăm Sóc Cơ Thể Sau Khi Sinh
Ông bà mình có câu: Một lần sảy bằng bảy lần sinh. Trước đây, tôi đã từng một lần phải mổ cấp cứu vì thai ngoài tử cung. Trong thời gian nghỉ ngơi sau ca phẫu thuật thai ngoài tử cung, cuộc sống về vườn tương đối thảnh thơi đã giúp tôi có cơ hội quan sát cơ thể một cách tận tường, và kỹ lưỡng hơn lần sinh bé đầu tiên rất nhiều.
Lần sinh bé đầu, ai chỉ sao mình làm vậy, thấy cái gì thuận tiện thì làm, chứ cũng không biết vì sao phải làm như thế, nên đôi khi có những lời khuyên mâu thuẫn nhau, khiến tôi rất bối rối không biết phải làm sao. Rồi công việc, rồi chăm con nhỏ, khiến mình bị cuốn theo, chăm sóc bản thân qua loa dẫn đến sức khỏe suy yếu đi rất nhiều.
Khi biến cố đi mổ cấp cứu xảy ra, tôi may mắn có được hai điều. Thứ nhất, do chuyển từ công việc giảng dạy tiếng Anh sang làm dịch giả và thông dịch viên, tôi mới có cơ hội tiếp cận với những thông tin về chăm sóc sức khỏe của cả Đông và Tây, từ Raw vegan cho đến Thực dưỡng, từ Tây Y cho đến Đông dược, từ chăm sóc theo kiểu thuận tự nhiên cho đến việc dùng các loại thực phẩm bổ sung. Thứ hai là, nhờ dành thời gian hành Thiền và quan sát bản thân đúng, tôi đã có sự liên kết giữa thực tế với những lý thuyết được tiếp cận, từ đó có thể trả lời cho rất nhiều câu hỏi trước đây không có lời đáp, hiểu được nguyên do phía sau của các phương pháp tưởng chừng như rất trái ngược nhau.
Sau đây, tôi xin mạn phép được đàm luận đôi điều cùng những chị em muốn làm mẹ, sắp sửa làm mẹ, và cả những ai vừa trải qua biến cố sảy thai như mình, hy vọng có thể ít nhiều giúp ích cho các chị em:
Thai ngoài tử cung của tôi khi mổ chỉ mới hơn 1 tháng, bụng chưa hề to ra, nhưng sau khi phẫu thuật, vùng da bụng vẫn chùng xuống và chảy xệ như đã từng rất to. Tôi rất thắc mắc cho đến khi nhớ lại kiến thức trong một cuốn sách đông Y đã dịch. Họ nói rằng trong cơ thể có một loại "khí" gọi là "khí thẳng đứng”. Tức nó hỗ trợ giữ cho hệ nội tạng, cơ và da trong cơ thể được ở đúng vị trí, không bị sa (như sa tử cung, sa búi trĩ), không chảy xệ. Mà khí này là do Tinh trong Thận cung cấp. “Tinh” có thể hiểu nôm na như cội nguồn của sự sống, như nguồn năng lượng chính trong cơ thể của chúng ta vậy.
“Tinh” dồi dào thì người sẽ tự động khỏe mạnh, minh mẫn. Tinh suy yếu thì sẽ sinh ra đủ loại bệnh tật trên Thân và cả Tâm. Phụ nữ trong quá trình mang thai, đã san sẻ Tinh khí cho việc nuôi dưỡng thai nhi, khi sinh nở hay sảy thai cũng bị mất nhiều máu, dẫn đến Tinh trong Thận yếu đi rất nhiều, "khí thẳng đứng" không còn được mạnh mẽ, không đủ sức kháng lại lực hút của trái đất, mới dẫn tới việc da dẻ bị chảy xệ xuống, hay thậm chí nặng hơn là bị sa tử cung, sa búi trĩ một thời gian sau sinh.
Chính vì lẽ đó, những biện pháp làm ấm như chườm muối vùng bụng, xông hơ vùng kín bằng muối hạt và rau răm, là để hỗ trợ cho da, cơ và và nội tạng của vùng bụng cũng như vùng chậu được nhanh chóng co lại, hạn chế hiện tượng chảy xệ, sa nội tạng, giãn vùng kín. Việc ăn giò heo (phần dựng, tức giò gân, chứ không phải phần giò nạc hay giò mỡ), cũng là để cung cấp collagen cho da được đàn hồi tốt hơn, mau hồi phục hơn.
Ngoài việc cung cấp "khí thẳng đứng", theo Đông Y, Thận - cội nguồn của sự sống, còn chủ trì rất nhiều bộ phận và chức năng khác trong cơ thể như tóc, xương, khớp, răng, não bộ, tâm lý, mắt, tai, cơ quan sinh sản, cơ quan tiêu hóa... Người phụ nữ mang thai và sinh con, mất rất nhiều Tinh trong Thận, nên nếu không được chăm sóc đúng cách, Tinh không được phục hồi đầy đủ, sẽ dẫn đến tình trạng rụng tóc, bạc tóc sớm, trí nhớ kém, trầm cảm sau sinh, ù tai, răng ê buốt, rụng răng sớm, ớn lạnh, đau nhức xương khớp, đặc biệt là đau lưng, mắt mờ, bụng yếu, dễ rối loạn tiêu hóa, gặp nhiều vấn đề trong những lần mang thai sau khiến hư sảy thai (như tôi đã trải qua), khó sinh ...
Cho nên mọi phương thức chăm sóc sức khỏe sau sinh của ông bà ta đều cực kỳ chú trọng đến việc giữ ấm cho cơ thể, cả bên trong lẫn bên ngoài. Cơ thể ấm, Thận ấm, mới mau hồi phục Tinh, tức nguồn năng lượng sống của cơ thể. Tất cả các phương pháp như nằm than, mặc đồ ấm, dài tay dài chân, mang vớ, kị gió, kị nước, nhét bông vào lỗ tai, hạn chế trò chuyện với người lạ (vì phụ nữ sau sinh rất nhạy cảm, người lạ không hiểu tính ý có thể nói những điều không hay, làm kích động tâm lý người mới sinh, gây stress, hao hụt Tinh khí), tắm gội bằng rượu gừng, dùng những món ăn có nghệ, gừng tiêu, kho mặn (ông bà mình dùng muối hạt hầm lên để nấu ăn, tuyệt đối không dùng muối công nghiệp), chỉ ăn đồ nấu chín, không ăn đồ sống (kể cả rau sống, trái cây), trong 3 tháng 10 ngày sau sinh, đều chỉ Nhằm Một Mục Đích Duy Nhất Là Giữ Ấm Thận Và Hồi Phục Tinh.
Sau thời gian đó mới quay trở lại chế độ ăn uống, sinh hoạt như bình thường. Nhờ kỹ lưỡng như vậy, mà các cụ, các bà nhiều khi sinh 9, 10 người con mà vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn dù đã ngót nghét gần trăm tuổi.
Câu hỏi đặt ra là, nếu những phương pháp này tốt như vậy, sao ngày nay lại bị cho là phản khoa học, hại sức khỏe, v.v… Tôi đã quan sát chính cơ thể mình, quan sát cuộc sống xung quanh, đối chiếu và xin được giải thích như sau:
1. Vì sao ngày xưa phụ nữ sau sinh luôn nằm than, ngày nay thì cho rằng nằm than là độc hại và có thể gây chết người? Rồi bắt kị gió, kị nước, không cho tắm, không cho ra đường, thật mất vệ sinh.
Trả lời: Ngày xưa ông bà mình xây nhà, rất kỹ lưỡng về hướng gió, hướng nắng. Kín gió, không có nghĩa là đóng hết các cửa, mà kín gió, là chỉ che chắn phía có gió thường hay thổi vào. Còn lại vẫn mở cho nhà cửa thông thoáng, chứ không hề đóng kín mít như mọi người vẫn nghĩ. Nhà cửa ngày nay thì chủ yếu chỉ xoay theo ... hướng mặt đường chứ đâu còn biết để ý hướng năng lượng, hướng gió gì nữa.
Không gian xung quanh nhà ngày xưa thường là ruộng đồng, vườn tược trong lành, ít bụi bặm, vật liệu xây nhà cũng là gỗ, tre, đất,... có độ mát mẻ và thông thoáng nhất định, chứ không san sát, kín mít, và ngột ngạt như nhà phố bê tông cốt thép ngày nay, nên việc nằm than không gây ngạt khí, hay việc hạn chế tắm gội trong một khoảng thời gian cũng không khiến các cụ các bà thấy khó chịu.
Bản thân mình hiện đang sống giữa một vườn rừng trên Tây Nguyên, trong một căn nhà gỗ thông thoáng, nên việc chỉ lau người bằng rượu gừng mỗi ngày cũng đủ để khiến mình thấy thoải mái rồi, không hề có cảm giác bứt rứt, ngứa ngáy hay khó chịu gì cả.
2. Vì sao chỉ được ăn đồ chín, không ăn đồ sống, vì sao lại chỉ được ăn thịt nạc, các lóc kho mặn, cho nhiều gừng, nghệ, tiêu như vậy? Sao không thể thích gì ăn nấy. Không ăn đầy đủ rau và trái cây tươi sống thì có thiếu chất không?
Trả lời: Cơ thể người mẹ sau khi sinh nở, do Tinh suy yếu nên dễ bị âm hàn. Ngoài việc làm ấm bên ngoài cơ thể, thì việc giữ ấm bên trong cũng cực kỳ quan trọng. Những gia vị như gừng, nghệ, tiêu là để làm ấm cơ thể từ bên trong, kháng viêm, hỗ trợ tiêu hóa.
Muối (muốt hạt đã hầm) cũng là một gia vị giúp làm tăng tính Dương cho cơ thể. Đó là lý do vì sao ông bà mình hay ăn trái cây chấm với muối hầm. Trái cây thuộc về Âm, Muối thuộc về Dương, nên sự kết hợp này là cực kỳ cân bằng. Và nên nhớ là ông bà mình chỉ dùng muối biển đã hầm qua để chế biến món ăn, chứ không hề dùng muối công nghiệp, muối Iốt như ngày nay. Nên thật sự có những người già sống ở vùng biển, ăn rất mặn, nhưng cơ thể thì rất săn chắc, khỏe mạnh, ít bệnh tật. Thịt heo và cá lóc cũng thường được cho dân gian cho là những loại thịt có tính “hiền”, Đông Y xem là những loại thực phẩm có tính bình, tức trung tính, hỗ trợ cho cơ thể cân bằng. Tuy nhiên thịt heo và các lóc nuôi công nghiệp ngày nay, cũng thật sự là một bài toán đau đầu cho những ai chưa tự cung tự cấp được những thực phẩm này.
Nói về các loại rau trái tươi sống, sau khi sảy thai, chính tôi đã trải nghiệm việc bị sôi bụng khi ăn trái cây sống. Nên khi đó tôi chỉ ăn 2 loại trái cây chính là chuối luộc, và đu đủ nấu canh, ngoài ra còn ăn khoai lang và các loại đậu hầm, đặc biệt là đậu đen, để bổ Thận, tránh bị tạo bón. Còn về việc sợ bị thiếu chất, tôi nghĩ mình không hề ăn theo chế độ này trong suốt quãng đời còn lại của mình, mà chỉ trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng 10 ngày, cho đến khi Tinh trong cơ thể hoàn toàn hồi phục, thì có thể thoải mái quay trở lại với chế độ ăn uống sinh hoạt đa dạng như bình thường.
3 tháng 10 ngày là khoảng thời gian tối đa để người phụ nữ sau sinh cân bằng lại Âm – Dương cho cơ thể của mình sau khi trải qua kỳ sinh nở tổn hao nhiều Tinh khí. Giống như khi ta bị bệnh gì đó (bệnh cũng là do cơ thể mất cân bằng Âm – Dương), thì chỉ cần uống thuốc một khoảng thời gian, đến khi hết bệnh, cơ thể cân bằng trở lại, thì đâu cần uống thuốc nữa. Thậm chí lúc đó, nếu tiếp tục uống thuốc, sẽ còn gây ra thêm bệnh khác. Ở đây cũng vậy, ông bà mình đặt ra cột mốc 3 tháng 10 ngày cũng là có lý do, chứ đâu tùy tiện áp đặt phải theo chế độ này trong khoảng thời gian dài hơn.
Mọi phương pháp, đều chỉ hướng tới 1 mục đích duy nhất là Bồi Bổ Lại Tinh Khí, Cân Bằng Âm Dương trong cơ thể. Khi đã đạt được mục tiêu này, thì hoàn toàn có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường.
Chắc cũng có bạn đang nghĩ rằng: bà hay mẹ mình ngày trước sinh xong vài ngày sau là ra đồng làm ngay. Họ làm gì có đủ 3 tháng 10 ngày ở cữ trong nhà, mà vẫn khỏe mạnh sinh liền tù tì mấy đứa. Đây lại là câu chuyện về cơ địa. Có người may mắn có cơ địa tốt, không cần kiêng cữ kỹ lưỡng mà cơ thể vẫn tự phục hồi được. Nhưng thật không dễ để xác định mình thuộc cơ địa nào. Người cơ địa tốt, cộng thêm kiêng cữ kĩ lưỡng, thì sức khỏe sẽ càng tốt lên, chẳng nguy hại gì cả. Còn người có khả năng tự phục hồi kém, mà còn không kiêng cữ kĩ lưỡng (như chính tôi chẳng hạn), thì sức khỏe xuống cấp trầm trọng là chuyện đương nhiên.
Thật sự sau một thời gian nghiên cứu và quan sát, tôi phải cúi mình khiêm hạ trước sự thâm sâu trong các sắp xếp từng món ăn, từng bài thuốc của ông bà ta. Đôi khi vì không hiểu hết được sự thâm sâu đó, mà chúng ta vô tình chê bai đó là lạc hậu, phản khoa học. Giữa những kinh nghiệm được đúc kết qua hàng trăm năm, với những nghiên cứu khoa học “đã được tài trợ”, tôi nghĩ mình nên chọn xem cái nào là đáng tin hơn. Đương nhiên, điều kiện của chúng ta ngày nay có nhiều cái không bằng được ông bà ngày trước, như điều kiện khí hậu, không khí, thực phẩm lành sạch… Tuy nhiên, theo tôi, nguyên lý cân bằng âm dương là bất đi bất dịch. Và tùy điều kiện mà chúng tôi sẽ ưu tiên áp dụng những kinh nghiệm dân gian cho bản thân.
Cơ thể con người là một thể thống nhất với thời tiết, khí hậu, đất đai. Cho nên mình sống ở đâu, thì chỉ có thực phẩm, thảo mộc nuôi trồng nơi thổ nhưỡng đó là phù hợp nhất với cơ địa của mình nhất. Thức ăn, thảo mộc hay cách chăm sóc sức khỏe du nhập từ phương Tây, nghe thì có vẻ hợp lý, khoa học, nhưng có phù hợp hoàn toàn được với cơ địa của chúng ta hay không. Ví dụ như phụ nữ sau sinh ở Mỹ, lại được bác sĩ khuyên uống nước đá, còn chúng ta thì uống nước ấm.
Vậy ai đúng ai sai đây? Xin thưa là không ai đúng ai sai ở đây cả. Quan trọng nhất là Sự Phù Hợp mà thôi. Cho nên sau khi đã biên dịch cho bao nhiêu cuốn sách về sức khỏe từ Đông sang Tây, sau khi quan sát nhiều vấn đề về sức khỏe của chính bản thân và những người xung quanh, tôi quyết định ưu tiên tham khảo và áp dụng những kinh nghiệm dân gian của ông bà mình trước nhất. Vì tính phù hợp và nguyên lý cân bằng âm dương sâu sắc ở phía sau.
(còn tiếp)
Nếu Quý độc giả cảm thấy sách có giá trị, ứng dụng thực tiễn được cho bản thân và gia đình, xin hoan hỷ tùy tâm ủng hộ tiền sách, như một sự công nhận dành cho tâm huyết của tác giả.
Thông tin tài khoản ngân hàng:
Tên tài khoản: VŨ HOÀNG QUỲNH TRÂM Số tài khoản: 119.10.000.498.636
Ngân hàng: BIDV (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam) Chi nhánh: Nam Kỳ Khởi Nghĩa.