Từng có một người khuyên admin rằng, chúng ta chỉ nên ăn thực phẩm không cách quá mình 100 km. Hay nói chung, chúng ta cần tiêu thụ cây trái, thực phẩm bản địa, hạn chế đồ ngoại nhập vì nhiều lý do. Trong bài viết sau, anh Hoàng ĐN - một người ở vườn đã có chia sẻ góc nhìn sâu sắc về câu chuyện này, Veque xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Bạn bè tôi có những người nhiều năm liền không ăn bất cứ trái cây nào của Việt Nam. Tất cả những gì họ và gia đình họ ăn đều là trái cây nhập ngoại. Tới nhà họ chơi, tôi chỉ thấy nho từ Pháp, táo từ New Zealand, cherry từ Mỹ, kiwi từ Úc...
Tất nhiên cái giá là trên trời và họ cũng không mấy bận tâm vì kinh tế của họ dư để trả cho những thứ đắt đỏ đó. Với họ những gì hàng ngoại mà Việt Nam không có thì đều tốt, bổ, và có lợi cho sức khoẻ. Đã có một vài lần tôi định nói mà không nói được vì chắc chưa đến lúc.
Thế rồi Covid tới, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Nhiều gia đình bạn tôi không thể nào tìm được hàng nhập ngoại nữa và họ cuống cuồng lo lắng. Ban đầu khi hàng chỉ khan hiếm thì họ chấp nhận chi thêm rất nhiều tiền để có hàng ngoại, nhưng đến khi chuỗi cung ứng đứt gãy hoàn toàn thì họ buộc phải tìm trái cây khác từ Việt Nam.
Mỗi tuần tôi gửi tặng cho các bạn tôi vài thứ ở vườn. Vài nải chuối, vài quả đu đủ, bịch cóc, na, mít, xoài, khế, bồng quân, sầu riêng, ổi, bưởi... Gia đình bạn tôi yên tâm ăn vì biết đó là đồ sạch.
Sau mấy tháng nghỉ dịch, bạn gọi điện cho tôi nói "từ ngày ăn trái cây của vườn ông thì cả nhà tôi hết bị táo bón, hình như người cũng khoẻ hơn. Trước đây ai trong nhà cũng bị táo, cô con gái út thậm chí nhiều lần phải "thụt" mới ị được".
Nó ngỏ ý muốn trả tiền nhưng tôi nói luôn là "tôi không cần tiền của ông, cái tôi cần là ông hãy suy nghĩ lại về những đồ nhập ngoại, tôi biết ông giàu, ông đầu tư đất khắp nơi và bỏ hoang nó khắp nơi, ông nên dùng một mảnh để tự trồng hoặc thuê người trồng để cung cấp đồ ăn cho gia đình ông. Những trái cây tôi gửi ông thực ra là phần tôi để lại cho chim thú tới ăn, tôi bớt phần ăn của tụi nó để gửi cho ông nên nếu trả tiền thì ông phải trả cho tụi nó chứ không phải trả tôi. Nhưng quan trọng nhất là ông phải suy nghĩ về thói quen dùng đồ nhập ngoại, dùng những thứ mà nó không thể sống được ở nơi mà ông sống".
Một tuần sau ông bạn tôi gọi điện, nói là ổng đã suy nghĩ về điều đó. Và nhận ra nhiều điều.
"Ông nên dùng một mảnh để tự trồng hoặc thuê người trồng để cung cấp đồ ăn cho gia đình ông."
Thứ nhất, về độ sạch. Trái cây nhập ngoại có thể sạch hơn trái cây trôi nổi trong nước vì bên nước ngoài quá trình phun xịt đều phải đảm bảo tiêu chuẩn và giới hạn cho phép. Nhưng nếu để so sánh với trái cây trồng tự nhiên trong vườn của tôi thì những đồ đó không có cửa. Đó là chưa kể tới việc muốn vận chuyển xa thì bắt buộc phải có chất bảo quản trong vỏ trái cây.
Thứ hai, là ô nhiễm môi trường. Ông bạn tôi nhận ra là mỗi quả táo từ New Zealand về Việt Nam đều phải tiêu tốn một lượng dầu mỏ để vận chuyển bằng đường hàng không hay đường biển. Vì thế ăn một quả táo nhập ngoại là vô tình làm tổn thương môi trường. Lý tưởng nhất vẫn là mô hình từ vườn tới thẳng bàn ăn mà ko phải vận chuyển xa.
Thứ ba, là việc dùng đồ ngoại nhập. Không dùng sản phẩm nội địa sẽ không giúp đỡ được nông dân trong nước và ít giúp được nhiều cho nền kinh tế địa phương. Cái này thì ông bạn tôi nói thôi chứ thực ra tôi cũng không quan tâm đến cái thứ 3 lắm. Vì nông dân trong nước giờ phun xịt ác quá, ăn vào ngỏm luôn chứ đừng nói giúp hay không giúp.
Bạn tôi nói chỉ nhận ra ba điều này nhưng cảm thấy vẫn còn thiếu gì đó và muốn nghe từ tôi. Vì vậy tôi bổ sung.
"Vì thế sống giữa một mảnh vườn và ăn những gì tồn tại trên đó là cách tốt và đơn giản nhất."
Thứ tư, thực ra tôi vẫn thích truyền tải thông tin bằng cách ngồi đối diện nhau, nhấp một ngụm trà, trong im lặng người này sẽ hiểu cái điều mà người kia muốn nói. Bắt buộc phải diễn đạt bằng ngôn ngữ giới hạn đôi khi làm mất đi giá trị của điều cần truyền tải.
Chúng ta không thể mang một con gấu Bắc cực về nuôi trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam. Nó sẽ chết vì đơn giản nó được tạo ra và tồn tại không phải ở Việt Nam. Không phải tự nhiên người châu Âu lại cao, da trắng, người châu Phi da đen, người châu Á thấp hơn và da vàng. Tất cả những đặc tính đó được hình thành dựa trên sự tổng hoà của các yếu tố như năng lượng, nước, không khí, thời tiết, thức ăn...
Vì bạn tôi là dân chuyên lý nên tôi nói là ông cứ hình dung mỗi một vùng có một đặc tính khác nhau. Có thể hiểu nó như nhiệt độ vậy. Ở 100 độ nước sẽ chuyển thành thể hơi, ở 30 độ nước sẽ hoá lỏng, ở 0 độ nước sẽ đóng băng. Nếu mang một cốc nước từ môi trường 30 độ sang 0 độ thì nó sẽ không còn là cái nước như bạn biết nữa. Nó sẽ thành cục đá. Vì thế những gì mang từ quá xa tới, nó đã là cái khác mất rồi. Nếu cơ thể miễn cưỡng hấp thụ sẽ rất tội nó. Một loại trái cây không mọc được ở quanh bạn thì liệu cơ thể bạn có đủ thông tin để giải mã nó hay không? Nó giống như đưa cho bạn bản gốc cuốn "Thép đã tôi thế đấy" mà bạn không biết tiếng Nga, thì nó cũng chỉ để nhóm bếp mà thôi.
Các bác ạ, tôi nghĩ ông trời tạo ra mọi thứ theo cách rất đơn giản và liên kết chặt với nhau. Ông trời thả con chim xuống một khu vực thì ắt tạo ra thức ăn cho con chim đó ở ngay đó để con chim có thể sống khoẻ. Chắc chắn ông trời không lập trình thuật toán bắt một thằng người sống tại Việt Nam mà phải ăn đồ ăn ở những nơi cách nó nửa vòng trái đất. Vì thế sống giữa một mảnh vườn và ăn những gì tồn tại trên đó là cách tốt và đơn giản nhất. Tất nhiên cơ thể ta có sự thích ứng, đôi khi nếm một vài đồ ở xa cho biết vị thì được, nhưng đừng cố biến nó thành đồ ăn hàng ngày.
Bài viết có thể đúng và có thể sai vì chỉ là quan điểm cá nhân. Bài viết cũng không phải để quảng cáo bán đồ vườn các bác nhé. Thẳng thắn thì thế này, nếu các bác ở xa thì mua tôi không bán, xin tôi không cho. Tôi phải cho ông bạn tôi một phần vì tình nghĩa, một phần ổng cho tôi mượn một ít tiền khi tôi mua đất.
Xem thêm bài viết của anh Hoang ĐN: Về vườn làm gì để sống?
Tác giả bài viết: HOANG ĐN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024