3 kinh nghiệm về quê sống từ những người từng rời phố

Thứ hai - 05/12/2022 01:58

Có bạn đọc nhắn tin, là người rời phố về quê bạn có kinh nghiệm về quê sống gì? Tôi trả lời rằng mình chưa có gì cả, vì thời gian trả nghiệm còn ít, nhưng đã học hỏi được một số ít kinh nghiệm quý báu từ người đi trước. Trong bài viết sau Admin xin gửi đến bạn đọc những điều này nhé!

kinh nghiem ve que song
Về quê cứ túc tắc mà làm, mà sống!

 

1. Kinh nghiệm về quê sống - đừng vung tay quá trán


Hẳn bạn đọc sẽ tìm thấy ở đâu đó trên báo chí, các diễn đàn, hội nhóm bỏ phố về quê về rừng... những câu chuyện các bạn trẻ rời phố về quê sống sau đó quay trở lại thành phố. Một trong những lý do khiến họ quay trở lại là vì... hết tiền.

Vì sao có tình trạng này? Theo Admin vì đa số họ vung tay quá trán khi về quê sống. Cụ thể, sau khi chuyển từ phố về quê họ vẫn giữ thói quen tiêu xài như ở phố, thấy gì cũng mua. Trong khi theo kinh nghiệm về quê sống của nhiều người thì càng sống ở quê lâu bạn càng nên học cách tiết kiệm. Dưới đây là một số lời khuyên từ những anh, chị đi trước.

- Anh Võ Hạ Phong: "Về vườn hạn chế tối đa việc mua sắm, hạn chế tối đa việc dùng tiền. Vì hay dùng tiền sẽ tạo thói quen, riết không còn muốn tự làm chi nữa, cái chi cũng muốn đi mua, cái chi cũng muốn thuê người, riết hết sạch tiền lúc nào không hay".

- Anh Hoang ĐN: "Để giảm chi thì việc tận dụng những gì có sẵn hoặc bỏ đi cũng là một việc cần thiết. Bạn đi quanh mảnh đất mới mua và cố gắng ghi nhớ những gì đang là rác ở trên đó. Mấy viên gạch cũ, vài viên gạch men sứt mẻ, vài cột gỗ mục gãy, cái cuốc hỏng cán, vài tấm tôn, đống lưới B40 hỏng biến dạng... Tất cả nó sẽ đều hữu dụng khi bạn đặt nó đúng vị trí mới. Tôi nhớ là bằng cách dọn dẹp hết rác trong vườn thì tôi có đủ vật liệu để làm nhà kho, làm nhà vệ sinh khô, làm hàng rào B40, làm bàn ghế..."

 

kinh nghiem song o que
Khung cảnh này nếu không yêu thích bạn sẽ thấy rất buồn!

 

2. Về quê cứ túc tắc mà làm


Khi về quê sống, thời gian đầu bạn sẽ vô cùng háo hức. Dân gian có câu "hung hăng như thằng mới đến" ý nói rằng thời gian đầu tiên bao giờ cũng đẹp, cũng đầy mộng mơ nên bắt tay và đổ nhiều công sức vào nhiều việc khác nhau. Tuy nhiên, với những người đi trước thì kinh nghiệm về quê sống là: hãy túc tắc mà làm, đừng vội vàng, hấp tấp.

Ví dụ, khi về quê sống bạn sẽ muốn làm ngay một vườn rau sạch nhỏ nhắn để vừa ăn vừa ngắm. Và đa số vì quá háo hức, vì thấy trên mạng người ta làm dễ nên cũng vội vàng làm theo để rồi nhận ra... trồng rau không dễ, chưa nói trồng rau sạch.

Vì sao như thê? Vì rất nhiều lý do, trong đó lý do chính bắt nguồn từ sự nóng vội, chưa tìm hiểu kỹ các mùa vụ, đất trồng, thời tiết và cả nhu cầu của bản thân nữa.

Ví dụ nha, nếu bạn ở miền Trung thì tháng 6 - 8 đừng mong làm rau vì tháng 6 thì nắng cháy da, tháng 8 mưa thối đất, trồng cây nào coi như mất cây đó. Ở miền Trung người ta chỉ thực sự bắt đầu mùa rau khi vào tháng 10, tháng 11 - đầu mùa thu. Còn các mùa trong năm họ ưa dùng những loại rau củ dễ mọc, dễ sống, thân thuộc như: rau khoai, lá lốt, mồng tơi và một số canh rau tập tàng khác.

Hơn nữa, nhiều người thấy trên mạng ai đó đưa hình ảnh khu vườn xinh như mộng lên mà không biết rằng những khu vườn đó... đầy thuốc bảo vệ thực vật. Tất nhiên, đã dùng thuốc thì sẽ không có khái niệm rau sạch, nếu bạn thực sự yêu nông nghiệp thuận tự nhiên thì hãy chấp nhận những rau trái của mình trong thời gian đầu không to, tròn và đẹp như ảnh mạng!

Anh Võ Hạ Phong từng chia sẻ một kinh nghiệm rất hay: "Mới về vườn đừng ham nghe tư vấn học hỏi chi nhiều lắm, nghe nhiều loạn không còn biết nên làm gì. Cứ thủng thẳng làm, vừa làm vừa quan sát học hỏi chính mình sẽ thấy thú vị hơn là đi nhồi mớ lý thuyết".

"Cứ thủng thẳng làm, vừa làm vừa quan sát học hỏi chính mình sẽ thấy thú vị hơn là đi nhồi mớ lý thuyết"

song o que vui khong
Sống ở quê cần thời gian để quen!

 

3. Kinh nghiệm về quê sống là cần thời gian làm quen cuộc sống thôn quê


Thêm một kinh nghiệm khi về quê sống đó là bạn cần xác định rằng cần khoảng thời gian để làm quen cuộc sống ở đây. Cụ thể, dù bạn là người sinh ra từ làng rồi lên phố nay về quê, hay người từ phố chuyển về quê thì cũng cần thời gian làm quen khoảng 1 - 3 năm.

Trong thời gian đầu này, bạn sẽ dễ bị sốc văn hóa khi về quê sống. Lý do bạn đã ngấm vào máu thịt lối sống thị thành: quen công việc bận rộn, quen KPI, quen đến tháng lương về, quen những sự ồn ào, náo nhiệt... Còn sống ở quê thì hoàn toàn ngược lại: Cuộc sống thong thả, tĩnh lặng đến phát buồn, không có nơi giải trí như rạp chiếu phim, thậm chí nhiều nơi để kiếm tiếng còi xe cũng khó...

Một bạn đọc từng tâm sự rằng: "Em đã từng dễ dàng, nhanh chóng đạt được kết quả cuối cùng của mọi hoạt động sống khi ở thành phố, nhưng về quê thì phải mất gấp 2 - 3 lần thời gian mới đạt được, kéo theo cái ngày dài lê thê mà không đâu ngọn ngành, nên vô tình chưa thích nghi kịp". Đây là điều thường gặp với nhiều người bỏ phố về quê, họ bị "sốc" bởi cái thời gian lê thê, cái thảnh thơi mà nghĩ rằng mình đang "hoang phí thời gian".

 

Ở thành phố mọi thứ một cách rất vô tình chạy theo KPI, dành rất nhiều thời gian làm việc, dành cho công việc gọi được tên, kiếm ra tiền. Nên lúc nào cũng thấy bản thân có lao động, có tích sự, có năng lực. Khi ở vườn không còn hoàn thành được lượng công việc tương đương nữa, thấy bứt rứt, khó chịu.


Kinh nghiệm về quê sống của những anh chị đi trước trong trường hợp này là:

(1) Đây là tình trạng chung, ai cũng gặp và cần thời gian để làm quen, thích nghi. Điều này giống như năm đầu bạn lên thành phố sống cũng có cảm giác "bị ngạt" vì sự chật chội, đông đúc vậy, nhưng sau đó bạn quen dần.

(2) Dành thời gian yên tĩnh này để suy nghĩ, cảm nhận và thả lỏng bản thân. Hãy đi thăm họ hàng, người thân, dành thời gian trồng cây, làm vườn và những dự định trước đây bạn mong muốn mà chưa có thời gian để làm nhé.


Cuối cùng, để sống ở quê bạn cần thực sự yêu thích thôn quê, nếu không bạn sẽ cảm thấy rất chán. Những kinh nghiệm về quê sống ở trên từ những anh chị đi trước là điều mà Admin cảm nhận, đồng cảm và từng trải, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn nhé.

 

 

Tác giả bài viết: Admin

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây