Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Thứ tư - 02/06/2021 14:22
Bếp củi - một vật dụng thân quen và gắn bó với nhiều người cho đến khi họ... ra thành phố. Và nếu bạn ngược từ phố về quê hãy làm lại một không gian bếp củi nhé. Dưới đây là gợi ý 4 loại bếp củi của anh Hoang ĐN.
Có rất nhiều loại bếp củi và khi nó vào tay mỗi người thì lại được cải tiến riêng biệt theo ý của người làm. Có loại bếp củi truyền thống, có loại bếp củi không khói. Nhưng theo mình bếp củi có 4 loại chính sau.
1. Bếp củi truyền thống
Đơn giản có thể hiểu là ba cục gạch xếp lại thành hình tam giác và cho nồi lên đun. Nó có thể nâng cấp từ 3 viên gạch thành khung bằng sắt.
Ưu điểm:
Ưu điểm lớn nhất của loại bếp này có lẽ là dễ làm. Dù bất cứ ở đâu cũng đều dễ dàng kiếm được 3 viên gạch hoặc đá để làm bếp.
Nếu thay bằng khung sắt thì cũng vẫn rẻ và dễ.
Nhược điểm:
Nhược điểm đầu tiên của loại bếp này là khói. Đun bằng cách này thường khói mù trời. Ai không quen sẽ dễ ho sặc sụa. Đoảng đoảng tí là đun xong nồi cơm mặt sẽ đen nhẻm.
Nhược điểm thứ 2 là rất tốn củi. So với các loại khác thì loại này tốn củi nhất. Tro bếp thường sẽ ở dạng cục cục chứ không mịn.
2. Loại bếp củi đúc sẵn
Loại này hiện có bán sẵn.
Ưu điểm:
Khá rẻ (khoảng 200 ngàn)
Lắp đặt nhanh gọn. Chỉ việc gắn ống khói vào.
Bớt khói và tiết kiệm củi hơn so với loại 1.
Khá thuận tiện cho việc nấu ăn hàng ngày
Nhược điểm:
Bếp không bền, dùng khéo thì được 3 năm tuổi là phải thay.
Bếp vẫn còn khói và tốn củi hơn so với loại 3.
3. Bếp củi xây
Loại này không bán sẵn mà phải tự làm hoặc mướn thợ về làm. Vì thế bếp phụ thuộc khá nhiều vào độ khéo léo của người làm.
Ưu điểm:
Gần như không có khói ngoại trừ phần khói bay theo ống khói ra ngoài.
Lòng bếp làm theo hình cầu theo nguyên tắc của động cơ đốt trong nên rất tiết kiệm củi. Loại 1 và 2 thì ngọn lửa chỉ đun phần đáy nồi nhưng loại 3 ngoài đun phần đáy nồi thì nó còn đốt phần xung quanh nồi nên thời gian đun cực nhanh.
Củi cháy kiệt nên tro bếp ra có dạng bột mịn. Loại 1 và 2 thì 40% tro bếp ở dạng cục cục.
Nhược điểm:
Phải tự làm nên phải có kiến thức và kỹ năng. Bác nào tự làm thì phần đắp thành trong của bếp nhớ trộn theo tỉ lệ 1 xi măng + 2 cát + 3 lân. Tỷ lệ này làm trong lòng bếp đủ cứng và đủ chịu nhiệt. Bếp không nứt và bền theo năm tháng.
Nồi phải được chọn ngay khi làm bếp và kích cỡ không thay đổi được. Nếu đổi sang loại nồi khác thì có thể gây khói và thời gian đun thậm chí chậm hơn bếp loại 2.
Vì nồi vừa khít với lòng bếp nên khi đun nóng xong thì nồi sẽ hơi giãn ra. Khi đang nóng muốn lấy nồi ra thì không dễ dàng. Hoặc là phải khéo léo, hoặc là phải chờ đến nguội.
4. Bếp củi cải tiến từ loại 2 và loại 3
Loại này có thể coi như là sự kết hợp giữa loại 2 và 3 nhưng cải tiến hơn. Phần trên được gắn cố định một miếng sắt dẫn nhiệt. Xoong nồi được đặt trên miếng sắt, ngọn lửa sẽ làm nóng miếng sắt và truyền vào đáy xong. Lỗ bỏ củi cũng có cánh cửa. Thường là khung sắt có gắn kính chịu nhiệt. Để đảm bảo khói không ra phần khe hở của các cửa cũng được đệm bằng loại vải không cháy.
Ưu điểm:
Ưu điểm lớn nhất của loại này là khói không ra phòng một chút nào. Nó phù hợp với những nơi đặt bếp củi trong nhà kín. Nhìn bếp lúc nào cũng sáng đẹp chứ không có màu đen đen của bếp củi.
Nếu ở vùng lạnh thì ta có thể thiết kế ống khói chạy lòng vòng trong nhà để làm hệ thống sưởi ấm.
Nhược điểm:
Nhược điểm lớn nhất của loại bếp này là làm khá phức tạp. Nguyên liệu đắt và khó kiếm đặc biệt là loại kính chịu nhiệt và vải không cháy.
Người làm cũng phải có nhiều kỹ năng từ xây, hàn, và phải có chút kiến thức về cơ khí.
Vì đun gián tiếp qua tấm sắt nên khá tốn củi.
5. Làm ống khói cho bếp củi như thế nào?
Ngoại trừ loại 1 thì cả 3 loại sau đều phải làm ống khói. Vì khói thường mang theo bột mịn của tro bếp nên sau một khoảng thời gian sử dụng thì ống khói sẽ tích được một lượng tro bếp ở trong ống khói gây ra hiện tượng nghẹt ống khói nếu thiết kế không chuẩn.
Để hạn chế trường hợp này thì khi thiết kế ống khói các bạn nên làm buồng khói cụ thể gồm:
Buồng khói được thiết kế hình lập phương. Khói được đưa từ bếp vào buồng khói theo đường ống chéo 30 đến 45 độ.
Trên đỉnh buồng khói gắn ống khói thẳng đứng đưa khói ra ngoài.
Buồng khói có lỗ nhỏ ở đáy. Lỗ nhỏ này thấp hơn mặt đáy của bếp.
Khoảng 1 tháng chúng ta lấy tro bếp ở buồng khói ra một lần.
6. Sử dụng bếp củi ra sao?
Tùy vào nhu cầu mỗi người mà các bạn có thể chọn cho mình các thiết kế bếp củi khác nhau. Tuy vậy loại 1 và 4 về cơ bản nó không phù hợp với nhu cầu chung.
Loại 2 nên được dùng để nấu ăn hàng ngày. Loại 3 nên được dùng để nấu cái nồi to như: nấu cám lợn, đun nước tắm, đun nước gội đầu, nấu rượu, nấu bánh chưng...