Chuyện sống ở quê: Về một người hàng xóm lạ lùng

Thứ sáu - 04/06/2021 19:10
"Mình thấy nhiều người ấm ức bởi hàng xóm không dễ thương, song đâu đó vẫn còn có những người rất hay, mình xin phép kể câu chuyện về một người đàn ông lạ lùng mà mình biết hen" - Câu chuyện này được kể bởi chị Elisa Nguyen - một người từ phố về quê sinh sống mà Veque trích đăng!
hang xom
"Hàng xóm thương hơn nương rào".


Mình một thời bon chen phố thị trong lòng ôm giấc mơ quê, nên khi gặp đúng người có cùng giấc mơ tụi mình rủ nhau bỏ phố về vườn.

Về xứ lạ không bà con, không người quen nên mình lấy hàng xóm làm thân. Mình thích trò chuyện cùng cô Út hàng xóm vì cô đôn hậu, chất phác đúng kiểu miệt vườn.

Cô hay tâm sự chuyện gia đình, nhất là mỗi khi bức xúc chồng. Lúc thì than chú suốt ngày ôm việc bao đồng, đường đi chung trong xóm chú cứ bỏ tiền bỏ công sức ra làm mình ên. Đèn đường hư không ai lo thì chú cũng tự bỏ chi phí ra thay, sửa. Hàng xóm lấn đất lấn ranh chú cũng không bận tâm gì...

Mình khá tò mò về chú, thì ra ở xứ này ai cũng biết chú lạ kỳ: từ nhỏ tới giờ chỉ đi chân đất, mặc đồ bà ba, đầu quấn khăn rằn và để tóc dài bới lên. Người ta gọi chú là 'ông hai đầu tóc'.  

Không chỉ ngoại hình ngộ mà lối sống của chú cũng rất ngộ.

Chưa hết nợ trần

Lúc nhỏ chú hiền hành hiếu thuận, chăm chỉ phụ cha mẹ nuôi em, lớn lên chỉ có mong muốn duy nhất là đi tu.

Một ngày chú rời khỏi nhà không ai hay, mọi người đi tìm chú khắp nơi. Mấy hôm sau thì có người báo là nhìn thấy chú đang đi bộ dọc tuyến Long Thành - Bà Rịa nên gia đình vội vàng thuê xe ra lộ đón chú về.

Chú đã đi bộ gần trăm km đến một ngôi chùa ở Bà Rịa để xin quy y. Sư ông nhìn chú rồi bảo, 'con về đi, duyên nợ đường trần con chưa dứt được đâu. Con còn phải lo cho cha mẹ già, em út, rồi cưới vợ sanh con nữa... tu đâu cũng là tu...'

Nghe lời sư ông chú quay về, chú chuyên tâm lo việc đồng áng của gia đình, không giao du bạn bè hay để ý cô nào. Qua bà con mai mối kết nối gia đình chú và cô.

Cô là con út trong nhà, vốn hiền lành, nhút nhát nên thấy ngoại hình chú khác thường vậy cô nhất quyết không chịu. Cả cô và chú đều ít giao tiếp, hay e thẹn nên chưa từng yêu đương ai dù tuổi đã gần 40. Dù hai bên gia đình cố tác hợp nhưng cô vẫn lánh mặt, trốn mất mỗi khi chú đến nhà.

Thực ra là chú đến nhà vì người anh trai của cô. Cô có người anh bị tâm thần rất hay nhức đầu khi trái gió trở trời. Chú thương người nên biết anh trai cô như vậy, mỗi ngày sau khi kết thúc công việc đồng áng chú lại qua nhà điều trị bệnh cho anh cô.

Chú được ông thầy thuốc nam truyền nghề nên biết nhiều bài thuốc, cây thuốc chữa bệnh cho người. Sau một thời gian thấy chú tốt bụng với anh mình thế là cô đồng ý, chấp nhận theo 'ông hai đầu tóc' về nhà chồng.

Cô nói ban đầu cả hai người rất mắc cỡ, có đi đâu thì chú dắt xe đi trước một đoạn rồi cô lẽo đẽo theo sau. Đi đám giỗ chú ở nhà trên thì cô ở nhà dưới, rất ngại ngồi cùng nhau. Rồi lần lượt hai đứa trẻ ra đời cho gia đình nội ngoại thêm vui.

Chú vừa làm ruộng vừa bốc thuốc nam miễn phí cho người nghèo; cô chú và vài người tình nguyện phải hái cây thuốc, sao thuốc, phơi thuốc... Công việc quá cực mà không có tiền vì chú nhất quyết làm nghề này thì miễn phí. Rồi áp lực còn phải nuôi con nhỏ nữa nên cô chú buông.

Chú làm ruộng trồng lúa và nuôi bò. Cô trồng rau, lo việc con cái gia đình.

Cuộc sống cô chú đơn sơ thánh thiện ở một vùng đất thanh bình như vậy đó, khiến mình ngưỡng mộ quá trời.

Người ngoài thì thấy chú quá dễ thương, tốt bụng đáng ái mộ. Nhưng người trong cuộc như cô, đôi lúc cũng có chút bực bội chạnh lòng. Điều này cũng đúng thôi bởi chú như vậy thì vợ con chính là người chịu thiệt thòi theo lẽ thông thường ở đời. 

Cô hay kể mình nghe những việc làm mà chú luôn dành phần thiệt về cho gia đình chú. Như cha mẹ cho đất đai chú nhường hết cho các em, chú không nhận gì cả. Kể cả phần đất vc khai khẩn mà chú thấy nhiều cũng lại chia sớt bớt cho cháu chắt.

Lúc ai cũng có nhà cửa khang trang hết rồi cô chú vẫn ở ngôi nhà nhỏ lụp xụp. Cô muốn xây lại nhà chú cũng cản ra, chú thấy không cần thiết. Tuy nhiên con cái ngày một lớn, nên việc làm nhà cho phù hợp là đúng. Cô cũng có đất đai từ gia đình chia lại nên cô bán và quyết cất nhà dù chú chưa chịu.

Rau quả, gà vườn cô trồng chăm sóc nuôi nấng vất vả, ai tới hỏi mua chú cứ kiểu vừa bán vừa cho, ví dụ giá thị trường 120 thì chú tính 100, cân lên xong rồi chú tiếp tục bớt đàu đuôi kiểu kí rưỡi tính 1 kí. Người ta thấy vậy cứ canh chú là bu vô mua, cô xót của xót công sức nhằn nhừ thì chú giận. Đất đai chú chừa cho con đứa một mảnh rồi còn bao nhiêu cứ chia lần chia hồi hết. Phụ nữ ai mà không xót, nói thì chú kêu con có phần rồi ai mượn cô lo.

Rồi có những tâm tình mà có lẽ chị em phụ nữ mình sẽ hiểu và thương cô hơn, ai làm vợ cũng mong muốn được chồng quan tâm và noi những lời yêu thương. Còn chú thì rất kiệm lời khen ngợi hoặc nói lời tình cảm với cô. Nếu cô ra đường có đụng phải chuyện gì buồn phiền về nhà kể thì thường là chú nói lỗi tại cô, tại cô còn sân si, còn bám chấp, không biết buông bỏ nọ kia...

Mình thương cô lắm nên cứ gặp nhau là rủ rì rù rì, nói cô ráng đi, những việc chú làm thấy trước mắt là thiệt thòi nhưng cái được chính là 'phúc cho con'. Mình nói cô nhìn đi, hai đứa nhỏ mặt mày sáng láng thông minh, đẹp người đẹp nết và hiền lành nhu mì như vậy thật là phước lớn của gia đình. 

Sống sạch

Vợ chồng mình có nhiều mối quan hệ xã hội, có thể nói là rộng. Anh xã mình thuộc dạng tư duy sắc bén nên rất cứng đầu cứng cổ, ít khi nào bị ai khuất phục.

Ấy vậy mà từ ngày sống ở vùng quê này, tiếp xúc nhiều với cô chú, anh xã mình bắt đầu khoái người đàn ông đặc biệt này.

Ảnh nói, chú hai có lối nói chuyện giản dị, ngôn từ bình dân nhưng rất uyên thâm. Người học cao hiểu rộng, đọc nhiều sách vở chưa ắt hiểu đạo làm người bằng chú hai.

Quả thật, hiểu và nói đạo lí là một chuyện. Quan trọng là hành đạo (sống như thế nào). Đây là điều mà tụi mình chứng kiến chú hai đã làm được.

Chú sống đúng nghĩa từ bi hỉ xả, lòng nhân đặt lên hàng đầu. Ảnh nói chuyện với chú hai rất hợp, mỗi lần về Nhơn Trạch thăm nhà là ảnh thu xếp chạy qua nói chuyện cùng chú cả buổi trời.

Mình thích cách 'sống sạch' của người hàng xóm chân chất này, mình tin nhân duyên lành cho mình được biết những người như vậy để mình có dịp soi rọi mình, hướng mình tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống này.

Xem thêm: Về quê sống: Hãy sống tốt với hàng xóm láng giềng

Tác giả bài viết: Elisa Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây