Về quê sống: Hãy sống tốt với hàng xóm láng giềng

Thứ tư - 28/04/2021 14:02
Một trong những kỹ năng, theo mình khá cần thiết khi sống ở quê, chính là quan hệ với hàng xóm láng giềng sao cho hài hoà.
tu pho ve que min

Hàng xóm thì ở đâu cũng có người này người kia. Song oải nhất là gặp phải hàng xóm lấy việc lấn đất lấn ranh làm đam mê. Nếu bạn mua đất chưa về ở ngay, bạn dùng cây xanh hoặc chôn trụ để cắm ranh giới, thì họ canh trời mưa to dỡ trụ dời qua xoá dấu vết. 

Cho nên khi mua đất nhờ địa chính đo đạc ranh giới xong, chịu khó đổ ít bê tông móng luôn rồi mới cắm trụ lên, họ có thể dời cây trụ lỏng lẻo chứ khó mà dời cả chân bê tông.

Ở quê có nhiều kiểu lấn đất buồn cười và khó hiểu lắm. Chẳng hạn ruộng bên này cứ móc đất đắp lên bờ về phía kia để lấn dần bên kia. Tường rào đã xây họ vẫn đổ đất đầy bên họ để đè tường nghiêng và sụt lún rồi lấn sang tí... 

Kỳ cục hơn, có người nhà ngay ở đầu hẻm thì khi xây tường rào xong còn làm luôn cả cụm bê tông lấn ra, y hệt như cái bẫy để bẫy người và xe. Ai hỏi làm thêm cụm bê tông chi vậy thì trả lời sợ xe chạy va vào làm tường rào.

Bỏ qua vài kiểu hàng xóm tiêu cực ấy đi, thì ở làng quê cũng còn rất nhiều hàng xóm thánh thiện đơn sơ. Bản chất của nông dân là chân thành và thích giúp đỡ người khác. Khi mình về Nhơn Trạch, mình cũng dựa vào hàng xóm để có những cây giống bản địa, các loại rau ngon, và xin được cả vài chú chó con...

Ở quê thì tin tức hay được thổi phồng hoặc bóp méo quá đà, nên bạn càng đơn giản mộc mạc thì càng dễ sống dễ gần. Đôi khi, có những điều chúng ta không hề mong muốn, nhưng cũng phải chấp nhận và tìm cách thay đổi từ từ. 

Chẳng hạn, chẳng ai thích việc rả rác vô tội vạ, nước sinh hoạt trong nhà cũng xả thẳng ra đường. Nạn karaoke khắp nơi, đám cưới đám giỗ gì cũng thuê loa hát 3 ngày, trong làng thì giỗ chạp cưới hỏi liên miên, mình từ ngày về quê tự dưng thuộc luôn một số bài tủ của các bợm nhậu như 'thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu...' và 'hồn đã sa vào đôi mắt em...'

Mình nghĩ, thế hệ cũ thì thôi khó bàn, chỉ còn thế hệ tương lai may ra còn tác động thay đổi, đó là lí do con trẻ cần được tiếp cận giáo dục, tri thức, tình cảm để xây dựng một cuộc sống nhân văn.

Khi quyết định rời phố bạn từng có dự định sẽ mang gì về quê? Mình cho rằng cứ bắt đầu bằng những gì nho nhỏ, dễ dàng thôi.

Khi mình ở quê biết ai trồng cây trái sạch, rau sạch là mình ủng hộ hết mình. Mình không chỉ tiêu thụ cho bản thân mà còn lôi kéo bạn bè người thân dùng cho an toàn.

Khi mua gì của nông dân/ngư dân mình tâm niệm mang lại cho họ niềm vui. Tụi mình sống ở biển, hiếm khi ra chợ mua cá mà toàn phụ ngư dân gỡ lưới, mua cá tươi từ lưới.

Mấy cô hàng xóm tốt bụng nói rằng sao không lên chợ mua giá rẻ hơn (vì khi mang lên chợ nhiều người bán giá sẽ cạnh tranh). Nhưng tụi mình chỉ cười, vẫn chọn mua ở bờ kè. Đôi khi biết đắt hơn một vài chục ngàn nhưng cũng không sao, quan trọng là đúng thực phẩm tươi ngon.

Tụi mình vào các khu vườn ở Long Mỹ chơi, chọn mua trái cây rau sạch của nông dân. Mình nghĩ khi mua gì từ nông dân đừng kì kèo bớt một thêm hai, nếu họ có bán mắc cho mình một tí thì cũng không sao, họ sẽ vui vì nghĩ là trúng mánh, bạn sẽ vui vì đã cho tặng niềm vui.

Anh xã mình còn hay nhắc mình điều này, nên tránh nhắc chuyện đất đai nhà cửa trong những bữa giỗ chạp, dịp gặp mặt người quê để họ khỏi chạnh lòng. Vì sao?

Bạn có nghe câu 'đất cũ đãi người mới' chưa? Đôi khi người dân bản địa làm cả đời vất vả, phải bán đất bán nhà xong một thời gian sau giá đất tăng cao. Người hưởng lợi không phải nông dân mà là nhà đầu tư. Nói vậy để bạn hiểu đôi khi người quê họ cũng có một nổi buồn riêng. 

Mình tin khi bạn có thể sống chan hoà với hàng xóm, có thể mang niềm vui và điều có ích cho cộng đồng, bạn sẽ khoẻ hơn, hạnh phúc hơn. Đó chẳng là phải việc bỏ phố về vườn của bạn lời lắm rồi hay sao?


Xem thêm: Bỏ phố về rừng: vấn đề chính không phải là tiền

Tác giả bài viết: Elisa Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây