Một câu chuyện về hành trình 3 mẹ con bỏ phố về rừng

Chủ nhật - 02/05/2021 09:48
Trên nhóm Bỏ phố về rừng, chị Lê Thị Hường (người mẹ của 3 đứa con) đã chia sẻ câu chuyện của mình rời phố về rừng sống và đón nhận rất nhiều sự chia sẻ. Chúng tôi đã biên tập và đăng tải lại câu chuyện đầy thú vị này.
ve que min
Cuộc sống ở quê giúp tôi gần gũi thiên nhiên hơn.

Tôi sinh ra ở một miền quê nghèo

Đây là câu văn mẫu nổi tiếng thời tôi đi học ở trường tiểu học lẫn cấp 2 và cấp 3. Tôi đã bị đầu độc cái tư tưởng này từ khi còn bé tí lúc ngồi trên ghế nhà trường. Và tôi còn sống với cái tư tưởng quê thì nghèo và vất vả mà kiếm ra đồng tiền khó khăn, thành phố là nơi giàu có, dễ kiếm sống, và là nơi có cơ hội phát triển gấp trăm lần so với ở quê cho đến tận năm toi 30 tuổi.

Tôi từng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ về quê sống, vì cuộc sống ở phố dễ dàng kiếm tiền. Tôi sẽ dành tiền mua nhà ở thành phố và sống luôn ở thành phố!

Thế rồi, một ngày tôi nhận ra rằng, tôi không còn có đủ khả năng để làm việc dưới sự lãnh đạo của ai đó. Một người sếp mà tôi kính mến vì ông ấy tâm lý, luôn khích lệ nhân viên, hỗ trợ nhân viên tối đa có thể... nhưng rồi tôi nhận ra ông ấy đang làm chỉ để đạt doanh số. Bởi khi tôi nghỉ làm nơi đó, mặc dù ví sự kính mến tôi vẫn giữ liên lạc với ông ấy, hỏi thăm sức khoẻ thì ông ấy không còn trả lời tôi nữa, có thể vì ông ấy bận với những nhân viên của ông ấy.

Một vài người sếp tiếp theo thì họ chỉ trả tiền để bắt nhân viên làm theo ý mình. Tôi nhận ra mình không có đủ năng lực để làm việc dưới sự điều hành của bất kì ai, cho dù họ giỏi cỡ nào tôi cũng không thể nữa. 

Lúc đó, tôi đã lấy số lương cuối cùng của mình để bắt xe lên Bảo Lộc, nơi mà có nhà của một chị đồng nghiệp cũ ở đó. Tôi liên hệ để ghé nhà chị chơi và nhờ chị chở đi đây đó Bảo Lộc cho biết. 
ve que song min
Hãy thử làm một chuyến về quê dài ngày.

 

Yêu làng quê ngay từ ngày đầu rời phố


Lần đầu tiên tôi đặt chân lên Bảo Lộc tôi đã yêu không khí se lạnh, trong lành và hít hà hương trà trên đường đi. Nó khác biệt hoàn toàn với đường phố Sài Gòn, nóng nực, hôi hám và đông đúc. Có nhiều lúc kẹt xe giữa dòng người mà tôi thấy bất lực. 

Thế là tôi quyết tâm chuyển từ phố về quê. Lúc này tôi bắt đầu tham gia các group như bỏ phố về rừng như này, mục đích để tìm nhà ở Bảo Lộc để thuê ở. Và thế là có seri nhiều tập chia sẻ về hành trình 3 mẹ con bỏ phố về rừng đó! 

Trở lại chủ đề chính, từ nhỏ người ta đã gắn mác cho làng quê là nghèo, để khi ai đó nhắc đến làng quê, tỉnh lẻ thì sẽ được hiểu là nghèo khó. Nhưng sự thực khi mà tôi chuyển về Tây nguyên sống thì tôi mới thấy nơi nghèo nàn chính là thành phố. Còn sự nghèo nàn ở nông thôn thì chỉ nằm ở trong tâm trí mà thôi.

Ở quê, hầu hết ai cũng có ít nhất 1 sào đất trở lên, có người có cả chục hecta đất, người nào không có đất thì do họ đã bán đất lấy tiền xài mà thôi. Họ có thể trồng rau, trồng lúa, trồng trái cây.... để phục vụ cho sự sống hàng ngày, nhà dù là tranh vách đất thì cũng là nhà của họ không cần mất tiền thuê.

Nước thì có khi là lấy dưới sông, có khi là dẫn từ suối đá, có lúc thì đào giếng là có nước xài. Không khí tươi mát, khí trời trong lành họ mặc sức hưởng thụ. Họ chả thiếu cái gì, chỉ thiếu tiền, giống như dân thành phố thiếu cuốc xẻng vậy, thiếu một thứ mà không cần dùng tới thôi, nhưng người ta lại cứ bảo là nghèo. Và rồi họ tưởng họ nghèo thật! Thế là họ phải cày cuốc nhiều hơn để bán thóc lấy tiền mua ti vi để thoát nghèo, mua ô tô để thoát nghèo, xây nhà cao cửa rộng để thoát nghèo... nhưng chính vì họ cố gắng thoát nghèo nên họ trở nên nghèo hơn. Vì họ bắt đầu thiếu tiền mua tivi, thiếu tiền mua ô tô... họ phải làm việc vất vả hơn để trả những món nợ đó, và họ rơi vào khó khăn, chứ thực sự họ rất giàu, đất đai của họ rất nhiều, không như ở thành phố phải đi ở nhà thuê chật chội. 

Phải đến khi tôi về quê tôi mới thực sự hiểu thế nào là giàu nghèo. Ở thành phố có rất nhiều người có nhiều tiền, thoạt nhiên ta tưởng đó là người giàu, nhưng họ làm việc không có ngày nghỉ, thuyền to thì sóng lớn, họ càng có nhiều hợp đồng thì càng ít thời gian để nghỉ ngơi và chăm lo cho gia đình. Còn nếu họ ít hợp đồng thì họ phải vắt óc suy nghĩ để làm thế nào cho nhiều hợp đồng để có thể trụ lại với doanh nghiệp của họ.

Càng giàu thì càng nhiều nỗi lo. Ở nông thôn thì khác, một vụ lúa thì cả gia đình ăn cả năm, họ có thể lên rừng kiếm rau, cả tháng họ không làm gì cũng không lo chết đói, họ là những người giàu có, chỉ là họ chưa biết khai thác giá trị của cải của họ mà thôi. 


Xem thêm: Sự khác biệt giữa cuộc sống thành phố và nông thôn
cay coi trong vuon min
Cây cối trong vườn là liệu pháp chữa tress tốt nhất.

Tôi đã tìm ra giá trị thực sự của cuộc sống


Về phần mình, khi tôi nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống, tôi nhận ra bấy lâu mình đã mất đi khả năng sinh tồn. Tôi được đào tạo thành một người có khả năng kiếm tiền, nhưng chắc chắn số tiền tôi kiếm được sẽ chỉ ở mức đủ ăn, để tôi không có thì giờ mà nghĩ về chính mình hay về cuộc sống. 

Lỡ mà tôi thất nghiệp ở thành phố có lẽ tôi có thể tôi đã làm những việc không tốt như trộm cắp, mại dâm hay là lừa đảo (ở thành phố cũng có nhiều người làm việc này, tôi cũng không biết tại sao họ làm vậy)... để có thể tiếp tục sống rồi. Thật sự nguy hiểm cho tôi khi sống ở thành phố. 

Tôi về quê, nhưng tôi không về để khởi nghiệp, tôi cũng không về để nghỉ dưỡng. Ban đầu tôi về để có cuộc sống an nhiên, bình yên. Nhưng sau đó tôi nhận ra các vấn nạn ở quê, như nạn phá rừng, nạn phun xịt thuốc trừ sâu và hoá chất cho thực vật... Tôi lại thấy mình cần phải chia sẻ nhiều hơn về tình yêu thiên nhiên, để con người ý thức về việc phá hoại môi trường hơn, và có tư duy tích cực hơn, được sống an lạc và hạnh phúc hơn. 

Vậy là tôi bắt đầu gieo hạt, tôi gieo hạt theo phương pháp của Fukuoka. Đó là Cuộc cách mạng một cọng rơm, nhưng nó như là phương pháp được đúc kết từ việc quan sát tự nhiên và hoàn toàn hoà hợp với thiên nhiên. Tôi tạo dựng một cuộc sống tự cung tự cấp, mỗi năm làm 1 vụ lúa để có lương thực cho cả năm, và mỗi ngày 15 phút cho khu vườn của mình.

Tất nhiên, tôi cần thời gian để hoàn thành mô hình vườn rừng tự cung tự cấp. Vì bố mẹ tôi đã không còn tự cung tự cấp được nữa, họ cũng cần kiếm tiền hàng ngày để mua gạo và tôi không được thừa hưởng từ bố mẹ thì tôi tự tạo dựng, và con tôi sau này sẽ được thừa hưởng mô hình mà tôi tạo dựng nên, bạn lo lắng các con tôi sẽ không biết kiếm tiền ư? Đừng lo vì khi đó chúng tôi không cần xài tiền đâu. 
ve que song tot hon min
Tôi tìm được giá trị sống khi về quê.

Tôi làm vườn chỉ để... làm vườn


Đến đây, có lẽ không ít người sẽ đặt ra ý kiến, "tại sao không kết hợp du lịch trải nghiệm, thu phí 100 - 200k/ngày cho những người muốn trải nghiệm cuộc sống của nông dân?", " Tại sao không trồng rau sạch để bán, thị trường rau sạch đang hot và cung không đủ cầu?". Họ luôn muốn lồng ghép kinh tế vào việc làm vườn.

Nhưng tôi thì không làm điều đó, bởi tôi biết khi lồng ghép kinh tế vào cuộc sống của tôi, thì tôi sẽ bắt đầu tính toán thiệt hơn, nếu tôi thu phí thì những người đến với tôi chỉ vì muốn trải nghiệm sự mới lạ, còn tôi đến với họ chỉ vì tiền của họ.

Nếu tôi bán rau tôi trồng, tôi bán rẻ thì khách hàng sẽ nghi ngờ tôi phun hoá chất nên bán rẻ vẫn lời. Nếu tôi bán giá cao thì một số khách hàng sẽ không đủ tiền mua, một số khách khác sẽ nói tôi bán giá cắt cổ. Còn nếu tôi bán bằng giá rau phun hoá chất thì khách hàng sẽ bảo tôi cho xem giấy chứng nhận hữu cơ!

Vâng, ai cũng có thể mua được giấy chứng nhận hữu cơ bằng tiền, và rau của họ sẽ có giá cao gấp đôi, doanh thu cũng tăng chóng mặt, nhưng chẳng ai kiểm chứng được độ tin cậy của giấy chứng nhận đó. Tôi tin chính mình hơn, và vì tôi không bán nên tôi không cần làm giả giấy hữu cơ và cũng không cần phun xịt để tăng năng suất. Vì vậy, khi tôi cho, tặng ai đó rau của tôi trồng, tôi tin rằng đó là món quà vô giá mà chỉ có người giàu có như tôi mới làm được.

Tôi muốn lan toả lối sống xanh này đến nhiều người. Vì khi mặt đất được che phủ bởi rừng thì không còn sạt lở, không lũ quét, không biến đổi khí hậu, không ô nhiễm môi trường, không còn bệnh tật, không thiếu thốn thì không lừa lọc lẫn nhau, không ganh đua thì không khổ đau. 

Cuối cùng, bạn nghĩ tôi giàu hay nghèo cũng được, bạn chê tôi không có ý chí tiến thủ, không phát triển cũng được. Bạn cho rằng tôi kém cỏi không kiếm được nhiều tiền nên về quê trốn tránh cũng được. Nhưng chỉ cần bạn ghé nhà tôi sẽ mời bạn ăn cơm vegan, uống trà đàm đạo. Nếu ai đó khó khăn tôi cũng đủ khả năng giúp họ ăn ở cả tháng ở nhà của tôi (điều mà trước kia ở thành phố tôi không thể làm được, còn bây giờ thì không vấn đề). 

Tôi tự cảm thấy mình giàu có và hào sảng.


Xem thêm: Về quê sống: Hãy sống tốt với hàng xóm láng giềng
 

Tác giả bài viết: LÊ THỊ HƯỜNG

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây