Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Thứ hai - 07/06/2021 00:15
Cách đây nhiều năm, câu chuyện về một người nông dân trở thành diễn giả, trao truyền những kinh nghiệm về một cuộc sống đơn giản và dễ dàng trên TED Talk đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Người nông dân ấy là Jon Jandai.
Từ quê lên phố
Jon Jandai sinh ra tại một ngôi làng nghèo khó nhưng rất đẹp nằm ở phía Bắc của Thái Lan. Câu chuyện của anh đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Thái. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết những người nông dân ở ngôi làng này được tận hưởng một cuộc sống nhàn nhã và thanh bình. Họ chỉ làm việc 2 tháng trong năm, đó là khi gieo hạt và thu hoạch lúa nước. Còn lại, họ không phải làm gì, chỉ có chơi cho qua ngày. So với nông dân Việt Nam, hẳn đó là mơ ước?!
Cuộc sống ấy bình dị nhưng lại không có tiền. Không khác gì ở Việt Nam, những thanh niên trong làng của Jon thường dồn về các khu đô thị và những thành phố lớn với mong muốn kiếm thật nhiều tiền, sống cuộc sống tiện nghi, thoải mái. Jon cũng quyết định rời quê hương, tới thủ đô Bangkok để tìm việc và nếm trải cuộc sống thành phố.
Jon có lẽ là người nông dân có chí cầu tiến và cũng cho thấy sự... tiến bộ cùng với thời đại khi anh tìm đến thư viện pháp luật để đọc sách ngay sau khi đến Bangkok. "Cơm áo gạo tiền" nơi thủ đô khiến người nông dân ấy không thể dành toàn bộ thời gian vào học tập. Jon phải lo kiếm tiền chi trả cho cuộc sống thường ngày. Hơn nữa, sau một thời gian, có vẻ Jon bị "loạn đao pháp". Những kiến thức thu nhận được có lẽ không nhiều, Zen đoán vậy, vì sau đó anh ta thấy việc học nhàm chán và kinh khủng.
Jon mệt mỏi với tình hình của mình. Nhất là khi, để có thể sống được qua ngày, anh ta phải làm nhiều việc như phát tờ rơi, rửa bát trong khi mỗi bữa chỉ có một bát mì hoặc một đĩa cơm rang. Công việc vắt kiệt sức lực của Jon. Anh ta cũng không có lấy một chỗ ngủ riêng, phải ở cùng nhiều người trong một căn phòng chật hẹp. Một tình cảnh quen thuộc với dân lao động tỉnh lẻ ở Việt Nam. Jon thực sự hoang mang về mục tiêu sống. Nhìn lại 7 năm mưu sinh ở Bangkok, Jon thấy mình ‘khờ khạo’. Anh quyết định về quê sống. Đây chính là một bước ngoặt lớn với cuộc đời của Jon.
Từ phố về quê
Việc đầu tiên khi về vườn sống của Jon giải quyết là cái ăn. Jon khai khẩn mảnh đất hoang để trồng lúa, hoa màu, đào ao thả tôm cá. Dư thừa, Jon cho hàng xóm. Tất cả lương thực và thực phẩm dư thừa được đem đi bán. Một năm chỉ làm việc 2 tháng, rõ ràng là khác hẳn cuộc sống của Jon ở Bangkok.
Những sự thực đầy mâu thuẫn khiến Jon dần trưởng thành hơn trong nhìn nhận cuộc sống. Từ câu chuyện một người bạn mua nhà ở Bangkok nhưng phải mất 30 năm trả góp, Jon nghĩ với anh 300 năm cũng không mua được. Rồi anh nghĩ: “Chuột đào một đêm mà được hang động. Chim xây tổ không quá hai ngày. Con người muốn có cái nhà ở sao phải mất cả nửa đời người? So với động vật thì con người là thông minh hay khờ khạo?”
Chỉ cần nghĩ được vậy, là Jon đã nhận ra bài học đơn giản của cuộc sống, điều mà khối người có cả đống bằng cấp cũng không thể nghĩ tới, hoặc có nghĩ, cũng chẳng dám làm. Anh cảm thấy mình may mắn và đúng khi đã quyết định… về quê.
Sau đó, Jon nghĩ tới việc xây ngôi nhà của mình ở quê. Mọi thứ anh đều tự làm hết. Jon tìm hiểu, tự học làm gạch, nung gạch với các vật liệu bùn đất tự có. Chưa đầy 3 tháng sau anh đã có một căn nhà. Không chỉ vậy, Jon còn xây giúp cho người làng, mỗi năm 1 cái. Mà hay ho là gần chục cái nhà đó, thì cái nào cũng đều là những trang viên, biệt thự. Nghe qua quả thật không tin nếu không xem ngôi nhà của chính anh. Và Jon là người cầu tiến khi không ngừng học hỏi, tìm hiểu để thiết kế, trang trí nội thất cho ngôi nhà của mình. Bạn có thể thấy nó đẹp không kém các khách sạn nhiều sao?.
Vậy là Jon đã giải quyết xong chuyện ở. Không dừng lại ở đó, anh mở rộng cơ ngơi của mình ra thành một trang trại. Anh đặt tên cho nó là Pun Pun Organic Farm, nghĩa là Trang trại hữu cơ Pun Pun. Với những gì đang có, mọi người biết tới Jon nhiều hơn, họ tới gặp anh để học hỏi. Chính Jon cũng không nghĩ tới việc mình sẽ là một người có thể dạy người khác.
Học trò của anh không chỉ là nông dân ở các vùng lân cận mà còn là người ngoại quốc đến từ Hà Lan hoặc Mỹ. Xuôi chèo mát mái, có nhiều khách tới, anh bèn mở tiệm ăn, lấy tên là “Nhà nông Thái Lan vui cười”. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để mọi người đến đàm đạo về triết lý sống và thưởng thức “mỹ thực”. Mọi thứ đến một cách tự nhiên. Những kinh nghiệm của Jon đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả quốc tế. Josh Kearns, một học giả đến từ đại học Colorado của Mỹ, cũng tìm đến để học hỏi công thức làm than củi của anh. Quả là tuyệt vời! Ngoài ra, Jon còn xây thêm phòng tập Yoga, đến lúc này Zen thấy cái anh nông dân này không đơn giản là … nông dân nữa rồi.
Khu trang viên của Jon ngày một lớn mạnh, đã tạo việc làm cho hơn 30 người, trong đó một nửa là người Tây phương. Họ đã trở thành bạn bè thân thiết, sát cánh và gắn bó với anh. Trong số họ, có một cô gái Mỹ sau đó trở thành vợ và có với anh một con. Cuộc sống của Jon tới đây về cơ bản là ổn.
Giải quyết xong cái ăn, cái ở, Jon cũng lo ổn thỏa cái mặc. Anh chia sẻ rằng anh ít khi mua hay may quần áo. Đa số anh dùng từ những đồ khách mang tới cho. Đó không chỉ là cách để tiết kiệm, mà nó còn là quan điểm sống đơn giản của Jon, không cầu kỳ về hình thức. “Tôi để dành cả tháng để mua 2 cái quần jean. Mặc vào rồi xoay trái xoay phải trước gương, tôi đều thấy một người. Quần áo đắt tiền không thể thay đổi đời tôi”. Jon nhận ra mình sai khi mua vì thích thay vì cần. Đó là điều anh học được không chỉ với chuyện mặc.
Điều quan trọng nhất là sức khỏe
Nhưng, điều cuối cùng và cũng quan trọng nhất Jon học được, là về sức khỏe. Anh ta từng lo lắng mình sẽ phải làm sao khi bị bệnh mà không có tiền. May mắn là sau đó, Jon đã nhận ra bệnh là điều tự nhiên. “Nên khi tôi bị bệnh, tôi phải dừng lại và trở lại là chính mình rồi nghĩ xem mình sai điều gì”. Đây là một cách để tìm ra căn nguyên bất ổn trong thân thể. Thật đáng nể khi Jon đã biết tự học những kiến thức cơ bản để tự chữa bệnh.
Đủ ăn, có nhà, không phải mua quần áo, tự chữa bệnh. Như vậy, người nông dân khốn khổ ở Bangkok ngày nào đã giải quyết tất cả mọi vấn đề trong đời sống của anh ta cùng với cái nhìn sâu hơn về cuộc sống. Chính điều này đã giúp Jon có bước phát triển không chỉ về nhận thức mà cả tâm linh.
Anh cho rằng nhiều người đã học cách phức tạp hóa cuộc sống và giờ là lúc học để sống chung với nhau. "Bởi vì chúng ta được dạy để độc lập, để phụ thuộc duy nhất vào tiền bạc, không cần dựa vào nhau". Jon nhận ra, để hạnh phúc thì phải trở lại kết nối với chính bản thân mình, gắn kết cùng người khác, gắn kết thể chất và tâm linh một lần nữa để từ đó “Chúng ta có thể hạnh phúc. Cuộc sống thật dễ dàng!”.
Nếu như Jon vẫn cố gắng bám trụ lại Bangkok anh có thể vẫn mãi là một người giúp việc. Nhưng tại quê nhà, anh đã trở thành người đàn ông thành đạt, có được nhiều thứ. Và câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng tới hàng triệu người trên khắp thế giới. Bài diễn thuyết "Cuộc sống thật dễ dàng, tại sao phải khiến nó khó khăn đến vậy?" của Jon đã nhận được tình cảm, tiếng cười, tiếng vỗ tay của rất nhiều người. Nhưng hơn hết, Zen nghĩ rằng từ trường hợp của Jon không chỉ là đã đặt ra vấn đề về lập nghiệp mà là sự hiện thực hóa cuộc sống thông qua sự nhận thức và hành động giản đơn. Sống giản đơn và mọi thứ sẽ tới. Có dám từ bỏ những thứ cao sang hơn, để đón nhận sự giản đơn ấy?
Jon chính là minh chứng cho việc chúng ta có thể hơn loài vật nếu sống giản đơn, đúng với tự nhiên, thuận theo tự nhiên như triết lý của cụ Masanobu Fukuoka. Những gì Jon có được, chính là bởi anh đã nhìn thấy những mâu thuẫn trong tâm, lắng nghe theo ước nguyện nơi tâm mình – mong muốn về một cuộc sống giản đơn và tự tại.