Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Thứ sáu - 04/06/2021 00:08
Việc sở hữu một nông trại là ao ước của nhiều người. Nhưng làm sao để xây dựng nông trại một cách tiết kiệm nhất? Lão Rơm (Phú Thọ) đã chia sẻ câu chuyện đầy thú vị của mình. Được sự đồng ý của anh, Veque.com.vn xin giới thiệu đến bạn đọc.
Thật tuyệt khi bạn bắt đầu với công việc trồng trọt khi may mắn tìm được một khu vườn đã được xây dựng từ trước và hợp với tiêu chí của bản thân. Khi đó dù chi phí mua lại sẽ có cao hơn chút nhưng sẽ giảm tải được rất nhiều các đầu công việc ban đầu (không liên quan đến làm vườn) chủ yếu là xây dựng và đào bới...
Sẽ thật tệ hơn khi bạn lại chưa có kinh nghiệm trong việc này, vì ở vùng nông thôn sẽ bất tiện hơn rất nhiều trong việc tổ chức thi công, đặc biệt là các hạng mục yêu cầu kĩ thuật cao, hạng mục mới, không đi theo các xây dựng truyền thống...
Nhưng khi mua một mảnh đất trồng, bắt buộc phải làm từ đầu thì bạn phải làm sao? Dưới đây là một vài kinh nghiệm nho nhỏ mà gia đình DiviFarm đã đúc rút lại được sau quá trình triển khai xây dựng nông trại nhỏ của mình, xin phép được chia sẻ lại cùng bạn, hi vọng sẽ giúp ích được cho bạn một chút gì đó.
1. Tận dụng triệt để lợi thế địa hình để làm ao
Trong bức ảnh dưới, bạn thấy đấy: Phía trước nhà Divifarm có đào một cái ao nhỏ. Vì địa hình và thổ nhưỡng đất không cho phép giữ nước nên sẽ phát sinh khá nhiều chi phí cho việc kè bờ và chống ngấm nước, rồi tạo bùn.vv.vv vân vân và mây mây, nói chung là khá tốn.
Trong nông nghiệp tự nhiên, việc chắn/giữ nước để nước tự thẩm thấu hoặc phân bổ qua kênh rạch là điều thiết yếu, vì thế, bạn hãy chú trọng quan sát vị trí đào ao/ mương nước làm sao để tận dụng được lợi thế đất có thể để tránh phát sinh nhiều chi phí sau này.
2. Làm việc với nhà thầu xây dựng ở quê
Nếu bạn chưa có bản đồ quy hoạch trang trại cụ thể, bản vẽ chi tiết xây dựng... hay kể cả có đủ rồi thì cũng hãy dè chừng với các đội thợ (có thể tạm gọi là thợ vườn cũng cũng được). Vì thường thì ở nông thôn thì người ta sẽ xây dựng theo kinh nghiệm là chính chứ không theo tiêu chuẩn, qui tắc nào cả. Đôi khi gặp đội thợ 'lôm côm' họ làm ăn rất bát nháo, trai ì thực sự. Nếu bạn không túc trực 24/24 mà giao phóng cho họ, không quản lý chặt chẽ thì coi như toi chắc.
Kinh nghiệm là hãy đi một vòng quanh khu vực của bạn, lựa chọn các căn nhà, công trình đã hoàn thiện rồi, thấy ưng mắt thì vào hỏi gia chủ về đội thợ đã thi công cho họ, xin tham khảo đơn giá, qui cách thi công, vị trí nhập nguyên vật liệu..vv và để lấy liên hệ. Như vậy là ta đã có một bước sàng lọc khá hiệu quả.
Khi đã lựa chọn được nhà thầu thi công, bạn cũng đừng nên để họ tự quyết định phương pháp làm ngay, mà hãy thống nhất ngay từ đầu một vài cam kết cơ bản như:
Tiến độ thi công như thế nào? Ngày nào bắt đầu vào làm? Khi nào xong 100% các hạng mục? Phải cam kết rất rõ ràng. Cái này rất quan trọng vì ở nông thôn các đội thợ rất hay có chuyện nhận một lúc nhiều công trình, trong khi số lượng nhân công có hạn và họ tổ chức thi công cũng rất sơ sài nên hay sảy ra việc họ vào làm nhà mình 1,2 ngày lại xin phép nghỉ một vài ngày hoặc lấy lý do sang nhà khác làm, gây chậm tiến độ và rắc rối cho ta.
Máy móc, các công cụ hỗ trợ thi công lặt vặt như chậu, xô, dây điện, cuốc, xẻng... là bên nào chuẩn bị?
Nếu là nhận khoán trọn gói thì bạn phải ngồi lại cùng họ liệt kê các đầu công việc mà họ sẽ làm. Hãy chú ý đến các hạng mục ít để ý đến như lắp thiết bị vệ sinh/ ốp nhà vệ sinh/ đi điện nước cơ bản/ lắp téc nước/ xây tường bao/lát sân/ xây bếp... Các hạng mục tuy nhỏ nhưng nếu không thống nhất ngay từ đầu thì sau này khi vào hoàn thiện, nhiều đội họ sẽ chối không làm. hoặc làm thêm thì họ sẽ cộng thêm chi phí.
Hạn chế thợ nhà nhé. Thú thật là bạn nên hạn chế lựa chọn các đội thợ thuộc anh em bạn bè họ hàng thân thích. Cái này DiviFarm đã "thật sự ngấm đòn". Vì họ hàng thân thích mình sẽ kiêng nể, hạn chế va chạm, thúc giục, đôi khi họ làm không vừa ý cũng úi xùi cho qua thì ngại... Tốt nhất là cứ thợ ngoài cho dễ làm.