Làm vườn là một nghề nghiệp nói rộng thì rất rộng, mà đơn giản cũng rất dễ hiểu là công việc chính yếu tạo ra phần lớn thực phẩm nuôi sống con người.
Có rất nhiều kiểu vườn, kiểu cây trồng, phương cách làm vườn và người làm vườn cũng rất đa dạng kiểu cách, nhưng tuyệt nhiên không phải năng lực yếu kém, tư duy đần độn, lối sống bần hàn, tư cách thấp kém… thì mới làm vườn.
Về cơ bản, làm cái thứ gì cũng cần phẩm cách.
Chỉ riêng việc tồn tại trong tư cách một con người vốn đã đòi hỏi phẩm cách. Chỉ là tuỳ thuộc vào việc mỗi người có xem trọng sự thật này để mà hành động hay không. Giá trị của một nghề nghiệp không nằm ở bản thân cái nghề, mà ở cách người làm nghề.
Nếu ai đó bảo, làm vườn là một công việc cực khổ, nghèo hèn và không có tương lai. Xin được hỏi, có công việc gì nhàn hạ, sung túc và có tương lai tươi sáng mà không đòi hỏi sự nghiêm túc nỗ lực, lao động chăm chỉ, cật lực học tập và tiến bộ tự thân của người làm việc?
Ở điểm cơ bản nhất trong xã hội ngày nay, đồng tiền có quyền năng lớn tới mức bất kỳ ai không có tiền trong khoảng thời gian đủ dài cũng có khả năng chết đói. Nhưng người làm vườn có thể thuộc về số ít những người không phải rơi vào tình cảnh này. Khi con người có nguyên liệu và phương tiện canh tác, tự thân lao động liền có thể tạo ra thứ đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất: thức ăn.
Như một ám thị truyền đời, nghề nông là bần hàn, thấp kém, ít tinh hoa và mỏng giá trị. Vô tình hay cố ý lần dò theo sự tiến hoá, con người đã đem hệ quy chiếu thanh cao, sang quý là ở cao ốc, di chuyển xe hơi, ngồi trên máy tính, đứng trước ánh đèn sân khấu… Rồi lại đặt để những công việc tiếp xúc bùn đất, cây cỏ, vườn tược, vật nuôi vào vị trí đối ngược hòng tìm thế cân bằng? Dần dà như đã cố tình lãng quên đi, rằng không xe hơi cao ốc, ánh đèn con người vẫn tồn tại nhưng không đồ ăn thức uống, nhiều lắm vài ngày.
Chúng ta không đem nhau, đem công việc nhau làm ra hơn thua, so bì hay phân cao thấp. Chúng ta cũng không cần bởi mình làm công việc đó mà đề cao thái quá hay định kiến với công việc kia mà hạ thấp, khinh khi. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nếu bản thân một người không nhìn nhận được giá trị của việc mình làm, của sự lao động mà mình đang dùng thời gian, sức lực, trí óc ra để thực hiện, sẽ là xuất phát điểm tồi tệ cho việc kiến tạo nên những giá trị thực thụ, được ghi nhận bởi người khác và nhận lãnh phần thưởng xứng đáng. Đây chẳng phải là lý lẽ thực thụ của câu nói 'người không (biết) vì mình trời tru đất diệt' hay sao?
Trong cách sử dụng ngôn từ, con người thường có xu hướng đồng hoá bản thân với công việc mình làm khi dùng cụm danh từ thay vì cụm động từ. Ví dụ “tôi là doanh nhân” thay vì “tôi làm kinh doanh” hay “tôi là giáo viên” thay vì “tôi dạy học” hay “tôi là nông dân” thay vì “tôi làm vườn”... Cái cụm danh từ mang chức năng như một danh xưng đó dường như dần dà gắn liền với những ám thị có khi phù phiếm, lệch lạch trong hệ tư tưởng của phần đông, khiến con người mang những ý niệm mặc định vào một cái nghề, chứ không phải coi trọng cách người làm nghề.
Tôi không cho rằng chúng ta có thể lên tiếng đại diện cho điều gì, con gì ngoại trừ bản thân mình. Bởi đó, cũng không nghĩ ai khác có khả năng phủ nhận bất kỳ điều gì ở một người nếu không phải là người đó cho phép điều đó xảy ra.
Hy vọng những quan điểm trên có thể, một lần nữa, gợi mở cho ai đó một góc nhìn mới, những tâm thái khác đi về một số điều cố hữu, ấn định trước đó. Đương nhiên, không phải chỉ cái nghề làm vườn, mà lấy nghề làm vườn làm một cái cớ.
Nói lắm vậy, rồi cuối cùng đang làm gì? Đang học hai thứ, học nghề làm vườn và làm chủ - làm chủ chính mình.
Xem thêm: Làm vườn là một liệu pháp thư giãn
Tác giả bài viết: Kim Phùng Thủy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024