Tác giả Bánh trôi nước Emily là một người rời phố về rừng để bắt đầu lối sống tự cung tự cấp. Tác giả có rất nhiều kinh nghiệm hay để những người đi sau có thể học hỏi về cách sống tối giản, cách làm vườn... Dưới đây là bài viết của tác giả Bánh trôi nước Emily.
Trước khi bắt đầu, mình xin phép nói rõ 2 điều: Thứ nhất, bài viết này dành cho những người thực sự có mong muốn tự cung tự cấp, tiết kiệm chi phí khi về vườn. Còn những người dư dả về tài lực, nhân lực, vật lực, và thích sắm sửa theo ý thích thì bài viết này sẽ không phù hợp để tham khảo đâu ạ.
Thứ hai, bài viết này hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm thực tế của riêng gia đình mình. Các bạn chỉ nên xem là tư liệu để tham khảo, không nên xem là hình mẫu hay chuẩn mực bắt buộc phải làm theo, vì mỗi gia đình sẽ luôn có những nhu cầu và điều kiện khác nhau. Vậy nhé, giờ thì mình xin phép chia sẻ kinh nghiệm tự cung tự cấp của gia đình, xoay quanh 2 nội dung chính là: Cải tạo và Sắp xếp - Duy trì.
Vấn đề thứ nhất là cải tạo. Có nhiều bạn hỏi mình, phải cải tạo đất ra sao, vườn nên thiết kế thế nào, và muốn xem hình vườn mình để tham khảo. Mình đành phải từ chối không trả lời, cũng không gửi hình, vì mình không muốn các bạn đi vào vết xe đổ mà mình đã từng vấp phải: Áp đặt một hình mẫu cố định cho một mảnh đất mà mình chưa hiểu biết gì về nó cả.
Hình mẫu đó hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng mơ mộng của dân phố thị, chứ không sát với thực tế khi về vườn sống. Và rồi sau hàng tá thất bại, tốn kém về chi phí, thời gian, công sức, vợ chồng mình mới nhận ra một điều: Thứ chúng ta cần cải tạo đầu tiên khi về vườn, LÀ CẢI TẠO CHÍNH MÌNH TRƯỚC ĐÃ. Kinh nghiệm đúc kết được cho thấy, có 3 thứ quan trọng mà bọn mình phải cải tạo:
Khẩu vị
Tư duy
Tâm thức
Nghe hơi tức cười phải không các bạn! Nhưng nó là bước đầu tiên đấy ạ, cũng là bài học xương máu của vợ chồng mình. Vì có ăn thì mới có thể sống để làm những việc khác được. Việc đầu tiên mà bọn mình cần phải làm khi về vườn, đáng ra không phải là nghĩ xem mình nên trồng gì - nuôi gì, mà chính là tìm hiểu cho thực kỹ, xem vườn mình đang có những thứ gì có thể ĂN ĐƯỢC (xin bổ sung thêm là ăn được nhiều lần, chứ không phải chỉ ăn được 1 lần nhé các bạn!
Loại nào không biết, các bạn có thể chụp hình và đăng hỏi trên các diễn đàn hay hội nhóm, xem những loại thực vật vườn mình đang có tên là gì. Đối chiếu và tìm hiểu xem loại thực vật đó có thể dùng vào những việc gì: ăn, làm trà, làm thuốc...
Tại sao lại tìm hiểu trên vườn trước mà không thích trồng gì thì trồng? Mình đã từng mơ mộng về những mảnh vườn ngay ngắn thẳng tắp với đầy những loại rau củ quả mà mình ưa thích. Giống như trong mấy tấm hình đăng trên mạng hay những video kiểu Lý Tử Thất vậy. Nhưng rồi mình đã bao phen vỡ mộng vì mua hạt giống về rải mà nó không lên, hoặc lên rất èo uột, hoặc phải chăm bẵm, mua phân chuồng về bón nhiều lần... tức lại phải dùng đến tiền.
Hai vợ chồng rất đau đầu, không biết vì đâu lại như thế. Sao thấy người ta trồng rau củ dễ quá, đẹp quá, vãi ra là lên ầm ầm, mà mình trồng hoài không có thu hoạch gì! Sau đó hai vợ chồng mới cùng quan sát, suy nghĩ và rút ra kết luận, có hai nguyên nhân như sau:
Sự phù hợp: Những loại rau củ mình thích khi còn sống ở phố, chưa chắc đã phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của vườn mình. Những thứ phù hợp với đất đai, khí hậu của vườn mình, thì mình chẳng cần chăm bẵm gì, chúng cũng tự lên ầm ầm, sức sống rất mạnh mẽ. Ví như xuyến chi, tàu bay, lá lốt, lá mơ, ớt... Vậy tại sao mình lại đi lãng phí thứ đang có sẵn, rồi đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức vào những thứ không phù hợp? Với lại mình tin một điều: "You are what you eat." Mình ăn những thứ có sức sống mạnh mẽ thì mình cũng sẽ có sức sống mạnh mẽ. Mình ăn những thứ "mong manh, dễ vỡ", phải chăm bẵm, nâng niu, thì rồi sức khỏe của mình nó cũng sẽ trở nên "nhõng nhẽo" y như thế!
Thuần nông và thuần chủng: Những video mà mình xem dạng giống như Lý Tử Thất, phần lớn họ đều là con nhà nông thuần. Tuy có thời gian xa quê đi làm những công việc khác, nhưng về căn bản từ bé họ đã biết hình dung được công việc nhà nông cơ bản cần làm những việc gì, tức có nhiều kinh nghiệm hơn mình. Còn những loại hạt giống họ trồng là hạt giống thuần từ thời ông bà cha mẹ, đã thích nghi với thổ nhưỡng khí hậu rồi, nên vãi đâu lên đấy là chuyện đương nhiên. Đàng này, mình chạy ra cửa hàng mua một bịch hạt giống được sản xuất ở đẩu ở đâu, gieo xuống trồng thì cái lên cái không cũng là chuyện đương nhiên.
Nói tóm lại, khi mới về vườn, để thỏa mãn cái bụng của mình mà không lãng phí thời gian, tiền bạc, thì điều đầu tiên cần làm là điều chỉnh "khẩu vị" của mình cái đã. Mình phải thật DỄ ĂN, có gì ăn nấy, trân quý và vui vẻ thưởng thức tất cả những gì vườn đang có. Tiếp theo là hãy mở mang đầu óc và để cho sự sáng tạo của mình được phát huy tối đa.
Ngày trước ở Sài Gòn, mình chỉ biết đúng món bò cuốn lá lốt, đến khi về vườn, thấy lá lốt mọc tràn lan, thật không biết phải ăn làm sao, chẳng lẽ ngày nào cũng ăn bò cuốn lá lốt! Sau rồi tìm hiểu trên mạng mới biết, lá lốt còn có thể dùng để nấu canh, ăn rau sống với bánh xèo, xào với chuối xanh, mít non, dùng như rau thơm để nêm vào canh hay trộn vào gỏi...
Rồi có lúc vườn gặp gió lớn, rụng nhiều sầu riêng non, thì mình đem vào làm gỏi, chiên xù, nấu canh, sầu riêng chín nhiều thì nấu xôi sầu riêng, nấu chè, làm bánh pía...
Bơ chín thì ngoài xay sinh tố ra có thể chấm nước mắm ớt, ăn với cơm, làm gỏi xoài xanh - bơ, gỏi hoa chuối - bơ hoặc gỏi đu đủ - bơ (dùng bơ để thay tôm, thịt), cơm cuộn bơ...
Thậm chí lá ớt có thể nấu canh, lá nghệ non có thể đổ bánh xèo, lá gừng dùng kho cá, đọt xoài, đọt cóc ăn như rau sống, đọt khoai mì non xào hay nấu canh, cỏ mắc cỡ, rễ tranh làm trà uống... Thế là đã có những bữa cơm thơm ngon, lành sạch mà không quá tốn kém. Vấn đề là ở chỗ, mình có dám sáng tạo và thử những cái mới hay không thôi. Khi đã tận dụng được nguồn thực phẩm sẵn có rồi, thì mình cứ túc tắc gieo trồng thử những giống mới lạ, xem cái nào phù hợp thì tiếp tục.
Để có động lực sáng tạo từ chính khu vườn của mình, buộc phải ghi khắc trong tư duy 2 điều: Tận dụng tối đa, Tự làm tối đa.
Để tận dụng tối đa, mình cũng phải quan sát và hiểu rõ về những gì mình đang có, để biết mà vận dụng khi phù hợp. Ví dụ, chồng mình dùng ván gỗ cũ để xây nhà, trụ tiêu và ống nước thủng người ta bỏ đi để làm cầu ao, hay tận dụng cây gòn để làm trụ giăng hàng rào chuồng gà... Anh cũng tận dụng thùng phi cũ, sắt cũ để tự hàn một cái bếp không khói, tiết kiệm củi và cho nhiệt lượng cao (tầm hơn 300 độ) để đốt được cả nilon (xử lý rác), nướng bánh, hầm muối, và đương nhiên là để sưởi ấm trong những ngày mưa lạnh giá của Tây nguyên.
Muốn như vậy thì mình phải tự tay làm, chứ thuê người làm họ sẽ không biết tận dụng những gì mình có đâu. Mong mọi người đừng tự hạn chế bản thân bởi suy nghĩ: "Mấy việc này sao làm được? Trước giờ có làm đâu!"
Vợ chồng mình khi còn ở Sài Gòn đều là dân văn phòng chính hiệu, cha mẹ hai bên cũng đều là công chức, không có ai làm nông, làm thợ xây hay cơ khí gì cả, nên bọn mình đều phải mày mò tự học tự làm hết mọi thứ. Mình hồi xưa 20 tuổi mà chỉ biết nấu đúng mỗi mì gói, bây giờ cũng đã biết được kha khá món rồi! Nên quan trọng nhất là mình phải dám dấn thân, chịu học hỏi, chấp nhận sai. Còn không thì khó lắm ạ. Con đường này đâu chỉ có màu hồng!
Bản thân gia đình mình 5 năm rồi không hề mua sắm quần áo mới, hoàn toàn tận dụng lại đồ cũ của chính mình và của người thân, bạn bè, thậm chí còn phải đi cho bớt. Vì ngày còn ở Sài Gòn, mỗi lần đi đám tiệc là mình phải sắm một cái váy mới. Nếu không sắm, thấy nó kì kì sao đó, sợ người ta nói mình có mấy cái mặc hoài. Giờ về đây, chẳng nhẽ mặc đầm dạ hội ra cắt cỏ, nhặt sầu riêng! Nên tốt nhất là tặng lại cho người thực sự cần, chứ mình cất đầy tủ cũng đâu để làm gì! Bé con ở nhà cũng mặc đồ cũ của các chị em họ, giờ lớn hơn thì bắt đầu mặc đồ của mẹ. Bây giờ ai cũng có đúng 2,3 bộ đồ dùng hàng ngày. Bộ mặc, bộ phơi, bộ để dành lỡ khi bộ kia trời mưa chưa khô kịp, đỡ mất thời gian phải lựa chọn và sắp xếp dữ lắm luôn!
Save the best for the last - Đây mới thực là "trùm cuối" đó ạ. Để có thể kéo mình về với cuộc sống tối giản, có gì ăn nấy, có gì mặc nấy, có gì dùng nấy, thì cần một sự thay đổi cực kỳ lớn trong Tâm thức. Tại vì sao? Vì những gì gia đình mình đang làm, là hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng của xã hội, nơi mọi người đang muốn mọi thứ phải NHIỀU HƠN, chứ không phải là ÍT ĐI, nơi mọi người đều hướng ra BÊN NGOÀI chứ không phải là BÊN TRONG. Nếu không khéo ĐỊNH TÂM, mình sẽ rất dễ lạc lối.
Nếu mình đang ngồi ăn chén cơm với trái xoài xanh chấm mắm ruốc, mà sếp cũ của mình gọi điện rủ đi ăn bò Kobe, mình thấy sao?
Nếu mình đang đứng cuốc đất phòng rộp cả tay, mà bạn mình gọi điện khoe nó đang đi nghỉ dưỡng trong resort 5 sao, thì mình thấy thế nào?
Trong khi mình đang loay hoay đóng mãi cái chuồng gà không xong, thì có thằng lính trước đây của mình gọi điện khoe, giờ nó được thăng chức trưởng phòng rồi, mình có điên lên không?
Nếu Tâm mình không định, mình sẽ thấy con đường bỏ phố về rừng mà mình từng háo hức theo đuổi, giờ giống như một sai lầm to lớn khiến mình thấy hối hận khủng khiếp vậy. Vợ chồng mình còn trụ được đến giờ này, là nhờ thực hiện 2 điều: Thiền để Quán sát - Định Tâm, và gạn lọc Những Mối Quan Hệ.
Thiền định giúp bọn mình nhìn thấy được rằng, tính chất của vạn vật, đều là do con người gán ghép cho, chứ đó không phải là chân lý. Khi mình háo hức, mình chỉ thấy toàn màu hồng. Khi mình chán ghét, mình chỉ thấy toàn màu đen. Cái đó rất là tai hại. Chẳng có cái nào thật sự là màu hồng, cũng chẳng có cái nào thật sự là màu đen. Đều do cái Kiến của mình mà ra cả.
Ai nói miếng thịt bò Kobe tốt cho cơ thể mình hơn là một trái xoài? Ai nói việc nằm dài trên giường khách sạn tốt hơn việc vận động cuốc đất? Ai nói việc được thăng chức là một thành công to lớn hơn là đóng xong một cái chuồng gà? Tốt hay Xấu, Quý hay Thường, To lớn hay Nhỏ bé, chẳng phải đều do con người tự đặt để mà ra hay sao? Trái sơ ri Việt Nam rụng đầy góc không ai ăn, đi mua cherry Mỹ 500k/kg về ăn. Trong khi bên Mỹ, cherry rụng đầy góc cũng không ai ăn, còn sơ ri Việt Nam thì được quý như vàng và bán với giá cũng ngót nghét vài trăm nghìn/kg? Thú vị quá phải không ạ?
Thành ra, khi mình còn xem thường những thứ mình đang có, và xem trọng những thứ người khác có, thì lúc đó mình còn khổ. Có bao nhiêu tiền vẫn khổ. Khi nào mình ngồi ăn trái xoài xanh chấm mắm ruốc, mà mình thấy sao nó giòn quá, đậm đà quá, nhiều nước quá, thơm quá, mình thấy nó ngon lành không khác chi ăn bò Kobe, thì ấy là mình Giác Ngộ rồi đó ạ. Đơn giản vậy thôi mà. Thiên đàng hay Địa ngục đều ở trong Tâm mình hết, chứ không có ở đâu xa. Thành ra vợ chồng mình hành Thiền là để quán sát, để biết Tâm mình đang ở đâu, và không để Tâm bị cuốn theo những tham cầu của xã hội bên ngoài.
Nhưng để làm được điều đó, với bọn mình, Thiền định thôi chưa đủ, mà còn cần phai gạn lọc những mối quan hệ, và cả những nguồn thông tin mà mình tiếp nhận hàng ngày. Cứ lên báo mạng là lại thấy ngoại tình, đánh ghen, drama, scandal... Cứ gọi điện cho người thân bạn bè là lại nghe họ khuyên mình hãy bỏ cuộc đi, làm mãi chẳng được gì, sao sống khổ sở thế. Đành rằng họ khuyên thế là vì lo cho mình. Nhưng lo cho mình chẳng bằng hiểu và tôn trọng quyết định của mình. Trên còn đường mà mình đi, mình có học được gì từ những thông tin đó không? Hầu như là không. Đã không học được gì, mà còn khiến tâm mình bất an, nhiễu loạn, tiêu cực, thì tốt nhất là mình nên hạn chế.
Về vườn đối với bọn mình, thực sự là một hành trình thay đổi cả Tâm thức, thay đổi cà Tư duy và Lối sống. Chứ không đơn giản chỉ là chuyển đổi nơi ở đâu ạ.
Sau khi đã Cải tạo kha khá bản thân, thì sẽ đến bước Sắp xếp và Duy trì sao cho khu vườn của mình có thể tự vận hành một cách tối đa, và gia đình mình thì có thể mua sắm ở mức tối thiểu.
>> Xem thêm: Về quê sống tự cung tự cấp thì cần những gì? 10 điều cần biết
Cái này rất quan trọng, vì nếu sắp xếp không khéo, sẽ có những việc phải làm đi làm lại, sửa tới sửa lui, cực kỳ mất thời gian, tiền bạc và công sức, như vợ chồng mình đã trải qua.
Trước tiên là về nhà ở, mình phải chọn cấu trúc và chất liệu sao cho PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN KHÍ HẬU, thì sẽ đỡ tốn kém mà nhà ở lại thoải mái. Ví như trên mình mưa rất nhiều, những gia đình nào xây nhà phố hầu như đều phải xây tường đôi, bên ngoài tường còn phải ốp tole để tường không bị thấm. Nhưng bù lại vào buổi trưa nắng thì rất là nóng và bí bách, vì đã tường đôi rồi lại còn ốp tole nên không thể nào thoáng nổi. Bọn mình cũng từng xây nhà gạch để ở, mà vì không ốp tole nên sau 1 tháng xuống Sài Gòn có công việc, tường bị thấm và độ ẩm quá cao, khiến cho đồ đạc trong nhà đều lên mốc trắng lên hết.
Cho nên anh nhà mình bắt đầu quan sát, tìm hiểu lại về các kiểu kiến trúc dân gian xưa và thấy rằng: Ở các vùng đồng bằng mà khí hậu khô nóng, ít mưa hơn trên Tây nguyên, ví dụ như miền Tây, thì loại nhà xưa điển hình là nhà lá, vì mát và lâu mục do ít mưa. Còn nhà trình tường bằng đất thì phổ biến ở các vùng núi phía Tây Bắc, vốn ít mưa nhưng rét lạnh hơn Tây nguyên rất nhiều. Nhà đất sẽ giúp giữ ấm trong những đợt rét khủng khiếp đó. Còn trên Tây Nguyên, phổ biến nhất là nhà sàn bằng gỗ. Từ đó anh mới rút kinh nghiệm, học theo người đồng bào xây nhà sàn bằng gỗ cũ, trời nắng thì mát mẻ, trời mưa đốt bếp lửa lên là ấm áp, khô ráo.
Sau nữa là việc làm vườn. Bọn mình đặt ra tiêu chí là: Phải sắp xếp làm sao để KHÔNG CÓ CÁI GÌ VÀO, CŨNG KHÔNG CÓ CÁI GÌ RA. Tức tận dụng mọi thứ trong vườn, hạn chế mua sắm, hạn chế thải bỏ, tạo thành một vòng khép kín. Ví dụ:
Muốn nuôi con gì, phải nhìn xem vườn mình đã có sẵn đồ ăn cho nó chưa. Tuyệt đối không mang về rồi lại cuống cuồng đi mua thức ăn công nghiệp cho chúng. Ví dụ vườn có nhiều cỏ, thì có thể nuôi cá trắm cỏ, có nhiều chuối thì nuôi heo, có nhiều mít thì nuôi dê... Và nuôi ít thôi, để xem lượng chúng tiêu thụ thế nào. Nuôi nhiều quá lại phải đi mua thức ăn công nghiệp bên ngoài, lại tạo thêm gánh nặng về tiền, hoặc tiêu tốn quá nhiều thời gian chuẩn bị thức ăn cho chúng. Nếu có thể bố trí để chúng tự ăn được thì càng tốt, mình đỡ công chăm sóc. Ví như thả rông gà đi lang thang trong vườn để chúng ăn cỏ, côn trùng, trái cây hư rụng, rau củ dập héo.
Ngoài ra để duy trì được thành quả trồng trọt của mình, còn phải quan sát kỹ đặc tính của các loại cây. Ví dụ như:
Loại cây nào phù hợp để trồng vào mùa mưa, loại cây nào phải gieo trước vào mùa khô, chịu khó tưới qua hết mùa khô cho ra rễ, rồi đến mùa mưa gieo xuống nó mới vượt lên. Bởi vì có những loại, nếu gieo xuống vào đầu mua mưa, thì đến khi qua hết mùa mưa, nó chỉ mới bén rễ, suốt một mùa khô tiếp theo, nó thường sẽ không chịu nổi. Bọn mình đã bị chết rất nhiều cây như thế, phải trồng lại rất mất công và lãng phí.
Rồi loại nào nên trồng trong mát, loại nào nên trồng ngoài nắng. Những loại cây tầng thấp thường là ưa mát, mà đem ra chỗ nắng trồng thì sẽ phải bơm tưới rất nhiều, nếu không sẽ héo vàng, mà có loại thân nước, tưới nhiều quá cũng sẽ ủng chết. Còn loại ưa nắng và đem vô bóng râm thì èo uột không lớn nổi. Tất cả đều cần rất nhiều sự quan sát thực tế khu vườn của chính mình, chứ không chỉ học trên lý thuyết hay tham khảo từ vườn khác.
Với chút kinh nghiệm vừa chia sẻ, hy vọng sẽ có vài điều giúp ích cho các anh chị em trên hành trình bỏ phố về rừng. Rất cảm ơn các anh chị em đã kiên nhẫn đọc cho đến tận những dòng cuối cùng này.
>> Xem thêm: 5 kinh nghiệm bỏ phố về rừng từ người đi trước
Tác giả bài viết: Bánh trôi nước Emily
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
01.07.2024
27.06.2024
07.07.2024
26.06.2024
26.06.2024
16.07.2024
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024