Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Chủ nhật - 03/01/2021 07:50
Bỏ phố về quê đang là từ khóa được tìm kiếm nhiều trong khoảng vài năm trở lại đây. Từ khóa này phản ảnh một xu hướng sống mới của giới trẻ Việt Nam lẫn trên thế giới: từ bỏ cuộc sống ồn ào nơi thị thành, ngược dòng về quê hương để tìm kiếm một cuộc sống mới. Liệu có bao người đã thực sự bỏ phố? Bao nhiêu người về quê? Và điều gì khiến họ quyết định bước sang một ngã rẽ mà chắc chắn không bao giờ dễ dàng như thế?
Bỏ phố về quê khi đã chán thị thành
Nếu khoảng 10 năm trước, khi nói đến khái niệm “về quê sống”, người ta thường nghĩ đến cảnh về hưu vui vầy với vườn tược cây trái. Ở đó, người trẻ chưa một ai nghĩ đến về quê sống, hay nói cách khác lúc này về quê chỉ thực sự dành cho giai đoạn cuối của cuộc đời.
Đến hiện tại, khái niệm này đã chuyển biến sang một trào lưu. Trong đó, người trẻ quyết về quê sống ngày càng nhiều hơn (và quyết liệt hơn). Có nhiều lý do để họ chọn cách sống mới (vốn được xem là không thích hợp với tuổi trẻ) này: tránh xa những áp lực thành thị (công việc, deadline, tiền nhà, tiền sống…), tìm kiếm một không gian sống gần gũi với thiên nhiền, về nhà để được gần người thân gia đình, hoặc đơn giản gói gọn trong ba chữ “chán thị thành”...
Họ có thể là những nhân viên văn phòng đã chán cảnh deadline, những người người trẻ có việc làm ồn định nhưng mến cây yêu cối, hoặc những người sinh ra từ làng và mong cầu được trở về làng, những người muốn sống chậm lại… Dù lý do trở về khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến một cách sống mới mà chỉ có chính họ - người trong cuộc mới hiểu rõ.
Khó có thể thống kê có bao nhiều người trẻ đang bỏ phố về quê ở thời điểm hiện tại. Bởi nó như một dòng chảy ngầm dưới lòng đất, và những cuộc trở về bao giờ cũng âm thầm. Thỉnh thoảng chúng ta chỉ thấy báo chí đăng một số bài viết mà trong đó kể câu chuyện một số người trẻ về quê sống nổi bật nhất. Còn lại, rất nhiều người trẻ im lặng trở về sống một cuộc đời mới, mà chúng ta không thể biết.
Rời phố về quê là điều đáng quý
Nếu bạn đọc những bài báo về những người trẻ bỏ phố sẽ thấy hai luồng ý kiến khác biệt: (1) Ủng hộ, mơ ước và bày tỏ khát khao được sống như người trong bài viết; (2) Phản đối kiểu sống ẩn sĩ, không ước mơ, chạy trốn những khát khao tuổi trẻ.
Trên thực tế, những người trẻ khi về quê sống cũng thường vấp phải hai luồng ý kiến đó. Nói cách khác, khi về quê để từ bỏ những phồn hoa chốn thành thị cũng chính là lúc những người trẻ phải đối mặt với áp lực (từ gia đình, xã hội…). Hiện tại, mặc dù suy nghĩ đã thoáng hơn, nhưng không phải là không có những định kiến trong chuyện người trẻ về quê sống. Đa số những định kiến này xuất phát từ những suy nghĩ vốn rất mơ hồ: cuộc đời không cần những ẩn sĩ (ai bảo không?), về quê là từ bỏ khát vọng, ước mơ lập nghiệp tuổi trẻ (ai bảo thế nếu không đặt mình vào người trong cuộc?), về quê là trốn chạy (nếu trốn chạy là tốt thì đừng trách họ)...
Có một điều rất thú vị mà tác giả bài viết này đọc được ở những bài báo viết về những người trẻ rời phố về quê sống: Bài báo nào cũng nhiều bình luận, lượt share lẫn view. Điều đó cho thấy cụm từ về quê sống dường như đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều người (dù họ thể hiện bên ngoài thích hay phản đối). Và khát vọng gần gũi thiên nhiên, gắn bó với làng quê, gia đình là khát vọng sẵn có trong mỗi chúng ta!
Không phải ngẫu nhiên mà khi nhiều người trẻ bất kể tuổi tác chia sẻ bài hát của Đen Vâu. Trong đó đoạn “cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau” gần như trở thành câu cửa miệng. Đơn giản, Đen đã đánh trúng tim đen của nhiều người. Đen đã khơi dậy những khát vọng sống của nhiều người. Đen cũng nói giúp nhiều người những điều mà họ không dám nói.
Đây cũng là lý do mà những kênh sống trên núi kiểu Lý Thất Tử được chia sẻ khắp trên thế giới!
Bỏ phố về quê - người trẻ họ làm gì?
Nếu như ngày trước người trẻ rời quê lên phố, thì bây giờ trào lưu sống mới bắt đầu: từ phố về quê. Mặc dù không thể thống kê chính thức số người trẻ đã bỏ phố về quê để làm gì, nhưng trên một bài báo của Tuổi trẻ đã chia thành 4 nhóm: (1) Người trẻ về quê làm nông giải khuây; (2) Người trẻ về quê làm nông kiếm sống; (3) Người trẻ về quê làm nông kiểu tự cung tự cấp; (4) Người trẻ về quê làm nông kết hợp buôn bán nông sản.
Ở nhóm thứ nhất, những người trẻ bỏ phố về quê, vì từ trong tâm thức họ muốn gần gũi với thiên nhiên. Họ chọn làm nông như một cách để giải khuây, vì cuộc sống chốn thị thành quẩn quanh bốn bức tường khiến họ ngột ngạt. Trên thực tế, khi về quê một số người ở nhóm này vẫn làm những việc kiểu thành phố (làm online, làm freelance). Nhóm này có một cuộc sống thoải mái và giúp họ có một không gian về vật chất lẫn tinh thần tốt hơn.
Ở nhóm thứ hai, những người trẻ về quê làm nông kiếm sống. Khác với nhóm thứ nhất, họ dứt áo về quê là bắt đầu từ hai bàn tay trắng, quyết định gắn bó với ruộng vườn, cây trái. Nhóm này chịu nhiều áp lực về kinh tế hơn nhưng đa số đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Ví dụ một số người trẻ về quê khi đã có trong tay những dự án làm nông sạch, làm nông kiểu mới… Dù còn nhiều gian lao và thử thách những nhóm này với mục đích sống cao đẹp là điều cực kỳ đáng quý.
Ở nhóm thứ ba, người trẻ làm nông kiểu tự cung tự cấp là một ví dụ dễ bị người ngoài “tấn công” nhất. Vì đơn giản lối sống của họ giống ẩn sĩ, họ bỏ mặc thế giới ồn ào, rời xa phố thị với những danh lợi tầm thường, họ tìm về quê để sống như đúng nghĩa của nó. Cuộc sống của những người trẻ này có thể gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng một khi họ đã chọn thì ắt hẳn trong lòng họ đã có sự chuẩn bị về mặt tinh thần. Đây cũng là một lối sống mới, rất đáng trân trọng.
Riêng nhóm thứ tư, những người trẻ về quê làm nông nhưng gắn với những dự án tương đối lớn. Tương tự nhóm thứ hai, họ làm nông và kiếm sống từ nông nghiệp, tuy vậy họ đầu tư bài bản hơn nhiều. Ở nhóm này, trước hết họ có một không gian sống rộng rãi, và những thử thách khá lớn về lối sống mới này.
Bỏ phố về quê là một trào lưu sống mới đáng quý của giới trẻ. Bởi chọn một hướng đi khác với lối quen thường ngày cho thấy những người trẻ đã sẵn sàng cho một cuộc sống tự lập của chính họ.