Ở tuổi 25, khi còn là một kỹ thuật viên nghiên cứu về cây trồng, trong một đêm nửa tỉnh nửa mê đi tìm ý nghĩa cuộc sống, Fukuoka nghe tiếng kêu của một con diệc ăn đêm và ông ngộ ra chân lý: “Thực ra trên đời này không có gì sất”. Từ đó ông nhìn thấy xung quanh mình cả một thế giới tươi đẹp lạ thường, từ những cọng cỏ tươi đẫm trong ánh nắng đến tiếng chim líu lo hót bên chiếc lá xanh. Ông bỏ việc, ông đi lang thang và cố nói cho tất cả mọi người hiểu chân lý đó. Nhưng, không một ai tin tưởng ông!
Để chứng minh bằng thực tế, Fukuoka dành cả đời còn lại để tạo dựng nên nông trại thuận tự nhiên. Thời điểm cả thế giới đang phát sốt vì những cây trồng năng suất cao, thuốc bảo vệ thực vật tối ưu, Fukuoka lại đi ngược hướng: để cây phát triển thuận theo tự nhiên, không nhổ cỏ, không bón phân hóa học, không cày xới đất. Chính sự đi ngược có vẻ điên cuồng này càng khiến mọi người nghi ngờ, cho đến khi nông trại ông cho năng suất lẫn chất lượng vượt trội.
Không dừng lại ở nông trại nhà mình, ông lại có thêm ý nghĩ lớn hơn khi mong muốn đi gieo mầm trên sa mạc. Nhưng liệu việc phủ xanh những vùng đất toàn cát cằn sỏi đá có dễ như trên nông trại của ông? Liệu bao nhiêu đất nước đã đổ bao nhiêu tiền bạc với kỹ thuật hiện đại vẫn không ngăn chặn nổi tình trạng sa mạc hóa, thì ông nông dân chân đất Fukuoka có làm được gì mới mẻ? Hay giấc mơ phủ xanh sa mạc của ông chỉ là một giấc mơ hoang đường? Tất cả đều được ông ghi chép lại rõ ràng và tỉ mỉ, ở đó ngoài những thành công, còn cho bạn đọc ngộ ra những chân lý khác về đời sống quanh mình.
Gieo mầm trên sa mạc là cuốn sách khá ngắn gọn, ở đó ngoài câu chuyện ông kể còn có những bức tranh mà ông Fukuoka tự vẽ đầy tính triết lý. Cuốn sách này được nhiều người đánh giá là một di sản quý giá ông để lại cho hậu thế về cách làm nông thuận tự nhiên, cách phục hồi mảng xanh trên toàn cầu và cách giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Trong cuốn sách này, ông Fukuoka đã vẽ một bức tranh đầy ẩn ý: Có hai người đang đào hố với một cái cuốc. Một người thì ra sức đào, còn một người thì đứng dang tay tận hưởng ánh nắng ấm áp của mặt trời. Theo ông Fukuoka, cái cuốc trong bức tranh là biểu tượng của trí tuệ con người, cái hố là thiên nhiên, cuốc càng đào cái hố càng sâu và con người khó thoát khỏi hố. Còn với người đứng đón nhận ánh nắng, anh ấy vẫn lao động nhưng không cố gắng đào bới chế ngự, tìm hiểu thiên nhiên. Thay vào đó, với anh này cuộc sống đơn giản là tận hưởng thiên nhiên một cách… thuận tự nhiên nhất.
Thực tế chúng ta khi nhìn lại sẽ thấy thế giới con người ngày càng mắc kẹt trong cái hố do chính mình đào ra. Chúng ta luôn tự xưng mình vĩ đại, tin tưởng vào khả năng cao siêu của kỹ thuật khoa học để tạo ra những hố sâu và rộng rồi tự chôn chân mình trong đó. Chúng ta cố tìm hiểu thiên nhiên nhưng không tìm cách tìm hiểu chính bản thân mình. Và đó là một sai lầm kinh điển!
Hãy xem thế giới hiện nay chúng ta đã làm gì: phát minh ra thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, lai tạo cây giống biến đổi gen, tạo đủ thứ được đặt tên là tiến bộ khoa học. Nhưng rồi hậu quả chúng ta lãnh đủ: Ta mất rừng, mất cây xanh, ta chịu đựng những phẫn nộ từ thiên nhiên mà nguyên nhân do chính chúng ta tạo ra mà thôi! Nghiệp quả chính chúng ta tự tạo đã rất rõ!
Khi nông trại thuận tự nhiên của ông trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, Fukuoka nhận được rất nhiều lời mời. Lúc này ông đi từ châu Á sang châu Phi, châu Mỹ rồi Úc. Và đến đâu ông cũng nhận ra một thực tế đầy đau xót: Đất đai đang cạn kiệt dần bởi con người, và sa mạc hóa không chừa một lục địa nào!
Ở mỗi vùng đất mà ông Fukuoka ghé đến có một lý do riêng khiến đất đai kiệt sức. Có nơi do chăn thả gia súc quá mức khiến cỏ không thể mọc nổi. Có nơi cây bụi cũng trở nên cháy khô, núi đồi trơ trọi. Ông đi đến kết luận trong sách Gieo mầm trên sa mạc rằng: “ Nước mà các sinh vật không còn sinh sống trong đó được nữa thì không còn thực sự là nước. Đất mà không có cỏ, thì mặc dầu có được gọi là đất trồng nó cũng không phải thực sự là đất trồng. Đất mà không có cỏ sẽ đánh mất sự kết nối với nước và trở nên khô rang”.
Khi đi qua các sa mạc, ông nghe tiếng kêu của đất. Và từ đó ông đề xuất với chính phủ các nước cách gieo mầm xanh trên những miền đất này. Về cơ bản, ông áp dụng như chính cách ông làm ở nông trại mình với triết lý làm nông “thủy lợi dựa vào cây trồng”. Tức, bước đầu tiên để chống sa mạc hóa không phải là nắn dòng chảy các con sông, mà khiến cho mưa rơi xuống, tức cần tái lập thảm thực vật để giữ nước.
Khi đi đến các quốc gia trên thế giới, ông Fukuoka luôn mang theo những hạt giống. Ở đâu ông cũng tìm cách gieo và gầy dựng lại thảm thực vật, để đưa đất đai nơi đó về trạng thái tự nhiên ban đầu, sau đó để thiên nhiên làm nốt việc còn lại.
Ông tiến hành trộn các hạt giống, bọc hạt giống trong đất sét và rải đi khắp nơi, chờ mưa xuống để hạt nảy mầm. Ở bước đầu, theo ông Fukuoka, dù những cây xanh mới mọc khá èo ọt, nhưng cũng đủ để bảo vệ đất đai khỏi bức xạ nhiệt. Sau đó nhiệt độ đất sẽ giảm xuống và bước làm mát đất đai này rất quan trọng vì “Một cái cây chẳng thể mọc lên một mình. Chúng ta cần trồng những cây cao, cây cỡ vừa, những cây bụi và cây dưới tán sinh sống cùng nhau. Một khi hệ thực vật đa loài được tái tạo, mưa sẽ bắt đầu rơi trở lại”.
Gieo mầm trên sa mạc là một điều ước lớn lao của ông Fukuoka. Dù thời điểm đó ước mơ này rất khó thực hiện, thậm chí đến hiện tại thế giới vẫn bị cuốn theo những “thành tựu khoa học”. Nhưng trên hết cuốn sách là cảm hứng bất tận cho những ai yêu và quý mến thiên nhiên, khát khao gầy dựng một nền nông nghiệp đúng nghĩa vốn có. Những hạt mầm ông Fukuoka gieo trên khu vườn nhà, gieo trên sa mạc chính là những mầm xanh đang nảy nở trong lòng rất nhiều người. Đến nay có hàng trăm nông trại bắt đầu sinh trưởng thuận tự nhiên như thế!
Tác giả bài viết: Farmer
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024