Làm nhà vườn như thế nào thì hợp lý?

Thứ hai - 10/05/2021 00:43
Là một người rời phố về quê, anh Lão Rơm (tên trên Facebook) có khá nhiều kinh nghiệm về làm nhà vườn ở quê. Được sự đồng ý của anh Từ phố về quê giới thiệu bài viết này cho những người đi sau.
lam nha vuon nhu the nao
Một mẫu nhà vườn ở nông thôn.

Xác định hướng nhà vườn ra sao?

Trước hết, là xác định vị trí và hướng nhà. Làm sao thuận tiện cho việc kiểm soát xung quanh nơi mình ở, tức là cần có góc nhìn bao quát một chút. Làm nhà thì ưu tiên gần nguồn nước hoặc gần vị trí có thể khoan hay đào giếng nước, cũng không nên ở quá thấp hay sát mép suối.

Cũng tránh các vị trí quá ẩm thấp, hốc đồi, núi để làm nhà. Phong thủy là một chuyện, thực tế là các vị trí đó "âm khí" hay khí lạnh, hơi ẩm mốc nhiều, ở lâu không tốt cho sức khỏe. Nên ưu tiên trước nhà đón nắng được buổi sớm và tránh ánh nắng buổi chiều trực tiếp rọi vào.

Bạn có thể dùng ứng dụng la bàn điện thoại hay google map là sẽ rất dễ dàng xác định hướng nhà, hoặc để ý một chút hướng chạy bóng trong khu vườn trong 1 ngày là ra liền.
mo hinh nha vuon min
Mô hình nhà vườn của anh Lão Rơm.

Làm ngõ vào nhà đừng... quá cong

Nếu mục đich làm nhà để ở lâu dài, ở đây tôi  xin nhấn mạnh từ "ở lâu dài" vì nó sẽ khác với kiểu ở tạm trú như cuối tuần về chơi hay mấy nhà làm kiểu homestay khách ở 1, 2 hôm rồi về. Ở đây xác định nhà và ta là một, ta sống chung với nó, gia đình ta cũng thế, con cái ta cũng thế, mọi sinh hoạt hay hoạt động sản xuất đều liên quan đến nó, nếu vậy thì...

Cái đường vào nhà bớt cong và trơn trượt đi một tí! Cái này tôi cũng đã từng nhận hậu quả khi làm con đường uốn lượn từ cổng vào nhà để gọi là cho... đẹp. Hậu quả là xe chở vật liệu xây dựng không lui vào nổi vì đường gấp quá ngắn, bánh xe chèn nát cây cối hai bên đường, bạn bè đi ô tô đến chơi cũng chỉ dám để xe ngoài cổng, không dám đi vào vì đường quá khó đi. Ngày mưa, dù đường cũng mọc cỏ rồi nhưng đôi khi vẫn bị té xe như thường, trẻ con đi học hay đi những con đừng như thế này thì cũng gọi là "tập xác định", rất nguy hiểm. 

Đường vào nhà nên đủ rộng để ít nhất xe thồ 3 - 4 bánh vào được. Tôi thấy nhiều anh chị hay up ảnh cái đường vào nhà bé tẹo, hai người đi bộ ngang nhau là hết đường rồi, lại thêm khoản cổng chào bằng mấy cái trụ gỗ hoặc tre be bé xinh xinh.

Đôi khi đường vào nhà còn làm giật cấp dạng bậc thang dài ngoằng, tôi đoán rằng họ về chắc chỉ ở cho vui, khuây khỏa cái đầu, chứ như tôi mà làm vậy chắc chết. Ví dụ như mỗi lần mua thức ăn chăn nuôi, hay thu hoạch nông sản ngoài mang về hoặc đơn giản như chở ít củi về đun, chở ít xi măng, ít cát về tu sửa, mở rộng quy mô nhà cửa, chuồng trại thì ôi rồi, vác làm sao nổi mãi được...
lam nha vuon min
Nhà vườn gắn liền với thiên nhiên của anh Lão Rơm.

Nên làm sân phơi, nhà kho

Nhà nên có sân phơi, nhà kho để bảo quản và tích trữ lương thực, thức ăn vật nuôi và một vài vật dụng khác. Sân thì nên lát gạch hoặc cán nền xi măng tiện cho quét rửa, phơi phóng. Cái này tôi cũng được trải nghiệm rồi, ban đầu cũng làm sân đất, sau đó trải cát lên, rồi một lớp đá dăm nữa cũng để... cho đẹp.

Một thời gian sau sân bắt đầu bị xác trộn, nhấp nhô, cát đi đường cát, sỏi đi đường sỏi, giống như cái bãi tập xe của mấy bác đi xe địa hình vậy. Nhà lại nuôi mấy chú chó, chúng nó thích... ị vào sân cực, ngày mưa thì chạy nhảy bên ngoài nhớt nhát, bẩn thỉu, chúng lại chạy vào nhà, vết chân người và chó đi đến đâu là xác định toang đến đấy. Ngày nắng thu hoạch ngô, lạc... về cũng chẳng có chỗ mà phơi. Dựng xe máy là phải lấy dép ra lót chân chống cho khỏi bị đổ... bất tiện đủ điều. 

Nói đến xe thì mọi người cũng lưu tâm thiết kế riêng một chỗ râm mát cho mái che hoặc giàn cây leo để bảo quản xe máy khi không đi lại nhé. Nhà vườn nho nhỏ mọi người thường không thích cho xe vào trong nhà hay để sát nhà cho... đẹp và gọn. Nhưng ta cũng nên lưu tâm chỗ để cho chúng, mưa dầm mưa dề, nắng gắt một vài ngày mà để xe ngoài trời là hỏng hết xe, tội chúng nó. 
nha vuon dep min
Nhà vườn mát mẻ, thoáng đãng.

Nên làm phòng ngủ, phòng bếp như thế nào?

Phòng ngủ nếu có điều kiện thì nên làm riêng (tất nhiên vẫn có thể ngủ tại khu sinh hoạt chung của cả nhà), nên cách âm tốt một chút, cửa sổ nên có thêm màng lưới mỏng để ngăn côn trùng, muỗi bay vào quá nhiều.

Bởi nhà vườn thì đồng nghĩa với tiếng dế, ếch... chúng nó gọi nhau inh ỏi cả đêm. Mới nghe sẽ thích, khi đã nghe nhiều thì thấy hơi khó chịu, chờ đến lúc quen thì sẽ không còn để ý đến chúng nó nữa nhưng với khách đến chơi hay trẻ em, người già thì họ cũng chưa quen ngay được. Ngày mưa đôi khi gặp mấy anh chị ếch ương hú nhau thì cũng ái ngại ra phết đấy, vài lần phải soi đèn đuổi hoặc bắt chúng đi ra xa khỏi nhà nên em hiểu. Mùa mối ra tổ cũng vậy, xác định gặp ánh đèn là chúng bay kín nhà luôn. 

Tôi chia không gian nhà thành hai phân khu riêng biệt. Khu sinh hoạt chung làm nhiều cửa sổ thoáng và nhiều cửa đi lại cho tiện. Không gian sinh hoạt chung ưu tiên hướng ra ngoài đón nắng và gió nhiều nhất, góc nhìn bao quát nhất.

Khu sinh hoạt riêng bao gồm các phòng ngủ, khu bếp nấu (khu bếp nấu trong nhà, nhà tôi còn một khu vực bếp nấu ngoài trời bằng bếp củi nữa) và nhà vệ sinh. Hai khu vực này được liên kết với nhau chỉ với duy nhất một cửa. Khi đi ra vườn làm việc mà không ở gần nhà tôi chỉ phải khóa một cửa đó mà ko phải loay hoay khóa tất cả cửa các phòng, còn phòng sinh hoạt chung thì cứ thể thoáng cửa mà không phải khóa vì khu đó chỉ có bàn ghế và một vài đồ đạc, quàn áo, đồ trang trí không có nhiều giá trị.

Một thuận lợi nữa khi làm kiểu này là tôi có thể hạn chế được rắn, rết hay một số loài bò sát có độc chui vào khu vực ăn, nghỉ của gia đình tôi. Tối ngủ tôi chỉ cần đóng một cửa duy nhất là cả gia đình bên trong được an toàn, khi ngủ cũng thấy an tâm hơn. 

Về vườn sống ưu tiên nấu bếp củi nhưng cũng nên có khu vực nấu bằng bếp gas (hay bếp từ, hồng ngoại) cho tiện. Nói gì thì nói, mình cũng ko thể đi ngược lại với khoa học kỹ thuật được, cái gì hay của thế giới văn minh thì vẫn nên áp dụng vào cuộc sống cho giảm bớt thời gian. Đặc biệt khi ốm đau bệnh tật hoặc gấp gáp một điều gì đó, có cái bếp gas bật phát ăn lửa ngay mới thấy nó đáng quý chừng nào. Nửa đêm đói dậy muốn nấu bát mì ăn, luộc tạm quả trứng mà lại lọ mọ ra bếp củi nhóm thì cũng phiền...


Xem thêm: Về vườn làm gì để sống?

Tác giả bài viết: LÃO RƠM

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây