Sống ở quê: Lo chuyện an ninh ra sao?

Thứ bảy - 08/05/2021 14:02
Về quê sống không hẳn là một cuộc dịch chuyển vui vẻ. Mà ngược lại hành trình này đi kèm nhiều nỗi lo. Đặc biệt với những người chuyển đến nơi sống xa lạ, thứ lo nhất là an ninh. Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Elisa Nguyen.
VE QUE SONG HAY HON min
Chị Elisa Nguyen - một người chọn rời phố về quê sống.

Cách đối phó với "trộm làng"

Khi chọn về sống tại vùng đất lạ ắt hẳn vấn đề an toàn, an ninh khu vực là mối lo nhất của chúng mình.

Nếu nhà bạn có trẻ con, cần chú ý khu vực có ao hồ, hãy làm rào/lưới B40 che chắn ao hồ hoặc khu vườn cần có cổng ngăn trẻ con tự ý một mình đi sang những nơi nguy hiểm. Hãy để mắt đến con trẻ, không cho con tự ý chạy chơi những ở nơi vắng vẻ cây cối um tùm. 

Trong vườn nếu được nên hoạch định khu vực cho trẻ chơi, đắp đồi cao thấp trẻ con rất thích và trồng hoa, cắt dọn cỏ cho khu vui chơi gọn gàng sạch sẽ.

Đồng thời, về nơi ở mới bạn cần tìm hiểu để biết về tình hình an ninh khu vực của mình, cũng như tìm biện pháp bảo vệ gia đình mình. 

Hồi mình mới về Nhơn Trạch, mình cũng lo lắng nhưng mình nghĩ đã về sống cùng thiên nhiên mà xây kín cổng cao tường quá cũng không hay. Hơn nữa, mình không muốn tạo sự cách biệt với hàng xóm láng giềng trong khu vực, nên mình chọn cách quây lưới B40 trồng dây leo thôi.   

Mà thật ra, cổng/rào hay khoá này kia cũng chỉ chặn được người ngay chứ khó mà cản kẻ gian. Một khi kẻ trộm đã chú tâm thì nó sẽ tìm nhiều cách để vượt qua. 

Mình lân la tìm hiểu tình hình địa phương, chú Năm - một người hàng xóm mình tin cẩn, chỉ cho mình vài tên "trộm làng": chuyên bắt gà hái bí và rình rập nhà người khác, hễ nhà nào sểnh ra là chúng khoắn sạch sẽ. Người quê có thói quen cất tiền, vàng trong nhà.

Một trong những chiêu của bọn trộm là, giả dạng người chăn bò, nó muốn rình nhà mình thì sẽ dắt vài con bò thả cho ăn cỏ quanh vườn rồi quan sát chi tiết nhà cửa mình, lịch sinh hoạt gia chủ. Cũng có khi giả vờ đi bắt ong, chọt kiến để tiếp cận khu vườn nhà mình hoặc thử phản ứng của chó canh nhà...

Chẳng bao lâu sau vợ chồng mình phát hiện một tên trong xóm bắt đầu thả bò cho ăn trong khu vực sát vườn nhà mình, tụi mình bàn cách đối phó bọn này.

Hôm đó tụi mình cố ý thu xếp cho chú làm vườn dọn cỏ sát bên góc vườn gần chỗ tên giữ bò ngồi, anh xã mình mang dụng cụ làm vườn ra, và tám với chú về hệ thống camera nhà mình. Một cách tự nhiên chú và ảnh nói về hệ thống camera cài cắm trên nóc nhà có thể quét quanh vườn, và các bên hông nhà trong nhà đều lắp camera quan sát hiện đại bậc nhất. Rồi bồi thêm các mối quan hệ với công an huyện, công an xã và mấy ảnh dặn về đây ở cần gì gọi là mấy ảnh một tiếng là có mặt ngay...

Liếc qua bên kia vườn mình thấy tên kia ngồi chăm chú lắng nghe như nuốt từng chữ, mình cũng ra tham gia hội tám rôm rả, đại ý quan điểm tụi mình là không để tiền của trong nhà, thời này đi đâu cũng cà thẻ, khi cần tiền chạy ra ATM rút vài triệu xài thôi.

Mình nghĩ, trộm cắp cũng lựa đường dễ mà đi, nếu biết nhà nào có camera, khoá vân tay, khóa công nghệ thì trộm sẽ né bớt cho đỡ phiền toái. Mình không biết liệu tụi mình chơi chiêu thông báo về hệ thống camera an ninh có hiệu quả gì không nhưng sau đó thấy tên kia không thả bò quanh khu vực nhà mình nữa.
VE QUE min
Về quê sống không phải cứ kín cổng cao tường là hay. ẢnhElisa Nguyen

Một vài "mẹo" để khi về làng sống


Hãy tận dụng đặc tính thích đồn thổi, lan truyền của người ở quê. Một người biết nhà bạn kỹ về an ninh (cài cắm camera, còi báo động, khoá vân tay...) thì cả làng cả xã biết. Mấy tay trộm làng sẽ né ra. Dĩ nhiên, cũng không vì có trang bị ít đồ chơi mà chủ quan lơ là, nếu vườn tược rộng nên nuôi vài chú chó, vài con ngỗng vừa vui mà vừa giữ vườn rất ổn.

Mình nghĩ xây tường cao quá, kín quá thì chỉ làm khó khi trộm cướp chưa vượt qua. Nhưng khi nó đã lọt vô bên trong thì chính cái kín kẽ đó hỗ trợ cho địch, bên ngoài không ai biết mà tương trợ. 

Một vấn nạn còn nan giải hơn cả trộm nữa đó là tính thù vặt, ganh ghét và phá hoại của người cùng làng... Gặp loại hàng xóm nguy hiểm này thì rất khó đối phó vì họ ném đá dấu tay. Để hạn chế mối thiệt hại có thể xảy ra cho gia đình mình thì bạn chỉ còn cách đề phòng những rủi ro từ xa.

Ví dụ, sau mùa gặt tụi mình thích gom rơm rạ chất thành những ụ rơm vàng óng để làm phân ủ rồi bón từ từ cho cây. Tuy nhiên, các cây rơm ụ rơm thì phải để cách xa nhà. Đồng thời chiều tối sau khi tưới nước cho vườn cây anh xã mình tưới ẩm luôn các cây rơm. Nếu bạn để rơm gần nhà và khô, lỡ tối có tay bợm nhậu nào ngang qua, vô tình vứt mẩu thuốc đang hút dở vào là tiêu ngay.

Hay bạn có ý định nuôi tôm nuôi cá ở ao hồ ven đường, phải nghĩ trước nhỡ ai đó vứt lọ thuốc cá xuống thì sao, chỉ vì lý do bạn không cho họ câu trộm. Mình biết đã từng có bạn làm khu nhà trồng nấm, sau đó bị thiêu rụi bởi những kẻ dấu tay, đôi khi chỉ vì họ thấy bạn làm ăn thành công.

Mình không tự bịa ra các rủi ro để hù doạ ai đâu, một người chưa từng lăn lộn ở quê như mình lúc trước không hề biết những việc như vậy. Nhưng từ khi về quê sống, vì các cô chú ở quê thương mình, nên mình làm gì cũng được họ chỉ dẫn và nói hết các khả năng cho biết mà phòng tránh thôi à.


Xem thêm: Về quê sống: Hãy sống tốt với hàng xóm làng giềng

Tác giả bài viết: Elisa Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây