Cách trồng chuối đúng kỹ thuật của bác Thiếu Khanh

Thứ hai - 16/08/2021 22:26
Cách trồng chuối có rất nhiều cách khác nhau nếu như bạn tìm kiếm trên internet. Ở đó nhiều bài viết chỉ việc trồng chuối dễ dàng nhưng liệu có thực sự như thế? Bác Thiếu Khanh là một người có kinh nghiệm đã chia sẻ lại kỹ thuật trồng chuối của mình. Veque xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Cách trồng chuối
Chuối là cây ăn quả quen thuộc trong nhiều khu vườn.

Sau hai tháng vắng mặt, trở lại Facebook, thấy hình ảnh một vườn chuối của một bạn (trong friendlist) mới trồng. Biết rằng bạn trồng chuối không đúng cách, chuối của bạn sẽ chậm thu hoạch và có năng suất rất kém, nên tôi định “tư vấn” để bạn kịp làm lại, sẽ thu ngắn thời gian thu hoạch sản phẩm, và năng suất sẽ cao.
 

1. Cách trồng chuối như thế nào mới đúng?


Nếu tôi nhớ không sai, trên thế giới có đến 72 loại chuối, tất cả đều rất dễ trồng. Có thể “vứt vào đâu chúng cũng sống được,” miễn là có đất và có độ ẩm. Vì vậy dễ thấy cây chuối có mặt gần như trên khắp thế giới, riêng ở Việt Nam, không có vùng nông thôn nào không có bóng dáng cây chuối.

Thậm chí ngay trong thành phố thỉnh thoảng cũng thấy một vài nhà dành chút đất đâu đó trồng một bụi chuối - chắc là để nhớ quê hơn là để thu hoạch, vì có thể mua chuối chín ở bất cứ siêu thị nào. Nhưng trồng chuối đúng cách để có thu hoạch kinh tế cao thì chỉ những chuyên gia hoặc các nông dân có kinh nghiệm nhiều về loại cây này mới không phải tốn nhiều công lao động và chăm bón nhưng có kết quả từ cao đến rất cao.

Tôi không phải là chuyên gia trong chuyện này. Thậm chí, trước cuộc “đổi đời” năm 1975, tôi chỉ là một gã thư sinh thành thị trói gà không chặt, không biết chi về nông nghiệp. Nhưng sau năm 1975, tôi có gần 20 năm làm nông dân, canh tác một vườn cây ăn trái rộng một hecta, đã tuần tự thâm canh thành công các loại cây ăn trái: cam quýt, đu đủ, và chuối. 

Hồi đó không có Internet với Google để nhờ tư vấn, nhưng đang trong thời kỳ nhà nước giãn dân ở thành phố, đưa nhiều người đi Kinh Tế Mới, một số chuyên gia nông nghiệp… và nghệ sĩ đã kịp thời viết và xuất bản những cuốn sách hướng dẫn người dân trồng trọt và… nấu ăn. Tôi đã học làm nông dân từ những sự chỉ dẫn trong các sách đó, cộng với kinh  nghiệm nhiều năm sống bằng cày cuốc, tôi có được một chút hiểu biết về đặc tính và cách canh tác hiệu quả của ba loại cây ăn trái này. 

Sách dạy trồng trọt dĩ nhiên là do các chuyên gia trong các lãnh vực có liên quan viết ra, nhưng không phải không có trường hợp tác giả của vài cuốn sách là… một nghệ sĩ. Cho nên có lần tôi đọc một tác giả dạy trồng đu đủ, nhưng trong sách ông ta vẽ hình… cây đu đủ đực với những nhánh bông dài tua tủa rất đẹp mắt!)

Tôi chỉ có kinh nghiệm thực tế trồng hai loại: chuối bom (bananitos, hay apple-banana) và chuối sứ (pisang awak), nhưng có lẽ kinh nghiệm này có thể áp dụng cho tất cả các loại chuối còn lại. Đây là những điều về đặc tính và cách trồng chuối tôi đã làm để nuôi sống gia đình một thời khó khăn.
trong chuoi sai cach min
Một kiểu trồng chuối sai cách. Ảnh: Thiếu Khanh

2. Những đặc tính cần biết về cây chuối

Trước khi đi đến cách trồng chuối chi tiết, bác Thiếu Khanh đã chỉ ra những đặc tính về cây chuối như sau. Với người mới bắt đầu trồng chuối cần nắm rõ những thông tin này.
 
  • Cây chuối thuộc loại thân thảo, thân cây của nó là những bẹ lá ghép sát vào nhau từ trong ra ngoài. Trong đời một cây chối chỉ có một số lá nhất định. Khi ra hết số lá của mình, cây chuối trổ buồng - tức là ra trái.

  • Trọn phần gốc cây chuối nằm dưới mặt đất không sâu quá bốn, thậm chí ba tấc, thường được gọi là “củ chuối.” Tất cả rễ chuối phát triển  gần mặt đất hoặc trồi trên mặt đất.


Nên biết rằng lá cây là miệng ăn của cây. Chúng quang hợp khí CO2 trong không khí kết hợp với các chất dinh dưỡng trong đất được rễ hút lên để nuôi cây. Mà suốt đời một cây chuối chỉ có một số lá nhất định, mọc hết số lá đó thì chuối trổ buồng rồi… chết. Vì thế nên cách trồng chuối từ trước khi nó ra lá thứ nhất, để cây chuối được sống trọn cuộc đời, có đủ thời gian phát triển và cho năng suất cao. 

Nhiều người không nhận ra điều này nên có tập quán “bứng” một cây chuối sắp trưởng thành ở nơi khác về trồng. Để cây khỏi bị héo (vì chưa có rễ mới) và khỏi bị gió thổi ngã (vì thân cây cao mà tàu lá nhiều quá), người ta phải đào lỗ chôn gốc chuối thật sâu,trồng xong, dậm đất thật chặt, và chặt thân cây chuối thấp xuống. Đây là hai điều sai lầm cực kỳ tai hại vì:

 
  • Cây chuối vốn không có rễ cái ăn sâu xuống đất, mà chỉ sống tốt ở lớp đất tơi bề mặt, nên nó phải ngoi lên gần mặt đất để phát triển. Bị chôn sâu và nén chặt như thế, cây chuối sẽ mất nhiều thời gian và nhiều sức lực ngoi lên, nếu không bị “nghẹn” và khô héo rồi chết. 

  • Cây chuối mới mọc lại đã bị mất nhiều cuống lá trước đó, chỉ sống nhờ vào những chiếc lá mới còn lại. Nếu cây chuối được trồng từ thân cây càng lớn thì lá chuối mọc lại càng ít,  nên thân cây chuối mới sẽ ốm tong teo; buồng chuối vì thế cũng nhỏ và ít nải.
     

ho trong chuoi min
Hố trồng chuối không cần quá sâu vì chuối ăn nông.

3. Hướng dẫn cách trồng chuối chi tiết từ bác Thiếu Khanh


Từ các quan sát trên, cách trồng chuối hợp lý để có thu hoạch cao là nên áp dụng các kỹ thuật này.
 

3.1. Chọn con chuối giống
 

  • Nên trồng chuối bằng những cây chuối con mới mọc, như một mụt măng tre mạnh tông, cao hơn mặt đất chừng 4 – 5 tấc, chưa ra lá. Dùng dao hay vật dụng sắc bén thích hợp, xén thẳng từ trên xuống, tách cây chuối con ra khỏi gốc (củ) chuối mẹ. Áp mặt cắt của cây chuối con vào tro bếp để bảo vệ nó khỏi bị vi khuẩn có thể khiến nó bị thối.

  • Nếu không có đủ cây chuối con như thế, có thể xén các mụt mầm từ củ chuối mẹ, cũng áp mặt cắt của mụt mầm mới xén vào tro, đặt vào chỗ ẩm và mát, tưới nước vừa phải hàng ngày, chờ mầm chuối mọc lên như mụt măng thì đem ra trồng.


3.2. Cách trồng chuối đúng kỹ thuật
 

  • Đất trồng chuối thích hợp là đất bề mặt tơi xốp. Trước khi trồng, chuẩn bị một "hố" vuông sâu 2 tấc (20 cm), mỗi bề rộng khoảng 60 cm. Trộn đất và phân chuồng (tỷ lệ 1:1) đổ đầy vào “hố” đó. Giữa “hố” đất trộn phân này, moi một lỗ nhỏ, sâu khoảng 20 cm, rộng bằng gốc của cây chuối con.

  • Đặt nhẹ nhàng gốc cây chuối con vào “lỗ” đó, nhẹ nhàng lấp đất quanh gốc và tưới nước vừa đủ. (Tuyệt đối không được nén chặt đất, để cây chuối dễ dàng và mau phát rễ). Cây cách nhau 4 mét là vừa. Và tuyệt đối không trồng cây chuối đã ra nhiều lá.

 

3.3. Cách chăm sóc cây chuối sau khi trồng

 

  • Chuối là loại cây trồng ưa đất ẩm. Có lẽ khoảng 92 phần trăm cây chuối là nước, chuối không chịu được khô hạn (có ảnh hưởng đến sản lượng), nhưng cũng (rất) không chịu được ngập nước hay nước úng lâu ngày. Tốt nhất là luôn luôn giữ cho đất được ẩm mát. Do tất cả rễ chuối phát triển nông trên lớp đất mặt, nên bón phân cho chuối không cần đào lỗ quanh thân cây. Chỉ cần rải phân chuồng trên mặt đất quanh cây chuối, cách gốc khoảng 5 tấc và rưới nước (để phân ẩm, không bị gió thổi bay đi). 

  • Kinh nghiệm của tôi, mỗi lần làm cỏ vườn chuối tôi gom hết cỏ rác trong vườn cùng với lá chuối khô và thân cây chuối đã ăn buồng, đổ quanh mỗi gốc chuối. Những đống cỏ rác này sẽ mục ra thành phân cho rễ chuối hấp thụ lại. (Bạn cào chỗ rác mục nào đó trong vườn, sẽ thấy ngay rễ chuối nằm trên mặt đất – để hút lấy phân từ rác mục đó).

  • Vào mùa nắng, ngoài việc giữ đất ẩm, thỉnh thoảng bạn pha Urê (chừng 1 muỗng cà phê trong mười lít nước) phun nhẹ vào mặt dưới của tàu lá chuối vào buổi chiều mát. Lá sẽ hấp thụ số phân này, để lá luôn xanh mướt trong mùa nắng, tăng khả năng quang hợp.

  • Chuối cần nhiều Kali (có nhiều trong phân chuồng), cho thân cây cứng chắc, nhiều trái to và ngọt, nhưng vào mùa mưa, nước mưa làm trôi nhiều Kali trên mặt lá chuối, nên thường xuyên bón bổ sung phân chuồng. Đừng dùng phân vô cơ, hoặc ít ra đừng lạm dụng loại phân này, vì nó sẽ làm chai đất, và chuối chỉ ăn được một mùa đầu, mùa sau sẽ kém đi.
     

    chuoi con min
    Chọn cây con khi chưa ra lá đầu tiên để trồng.


     

3.4. Một số mẹo cần biết trong cách trồng chuối


Ở các quốc gia trồng chuối “đại trà,” thu hoạch và chế biến bằng các phương pháp công nghiệp, người ta cho toàn bộ vườn chuối trổ buồng về một hướng để tiện thu hoạch bằng máy hay xe đặc dụng. Phương pháp như vầy:
 
  • Khi đặt cây chuối con vào lỗ trồng, nên chú ý để mặt cắt (được xát tro) của gốc chuối con quay về cùng một hướng. Cây chuối trưởng thành sẽ trổ buồng ở hướng ngược lại hướng mặt căt dưới gốc.
  • Để duy trì đặt tính này của cả vườn chuối, chủ vườn nên xén bỏ những mụt chuối con cách nào đó để mỗi bụi chuối, ngoài cây mẹ, chỉ còn lại tối đa 4 cây con hướng ra bốn hướng nhất định. 

Ở Quảng Nam có một giống chuối gọi là “chuối hờn”. Người ta nói đặc tính kỳ thú của giống chuối này là: hễ cắt mất của nó một tàu lá, quầy chuối sẽ có ít đi một nải; tàu chuối bị xé đi một mảnh lá, nãi chuối sẽ ít đi một trái. Tiền nhân ta chẳng biết chi về sự quang hợp của lá, không biết lá là miệng ăn của cây, nhưng đã sớm khám phá sự dỗi hờn của loại cây chuối này đối với người chủ “ngược đãi" nó. Thế nên nếu bạn chặt ngang một cây chuối trưởng thành để trồng lại thì kết quả sẽ ốm o chớ sao!

Đây là một chuyện bao đồng khi Thiếu Khanh trở lại với Facebook sau thời gian vắng mặt, trông thấy vườn chuối của một bạn vừa trồng không đúng cách, và nhớ lại khoảng đời khốn khó trên rừng núi năm xua. Xin làm quà tặng cách trồng chuối này cho các bạn nào có sẵn đất muốn tự tay trồng thử loại cây ăn trái rất thân thuộc với hầu hết người Việt chúng ta.


Xem thêmCách trồng nho tại nhà giúp cây ra trái nhanh hơn
 

Tác giả bài viết: THIẾU KHANH

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Văn Quang Hưng
    Cảm ơn tác giả rất nhiều về bài viết trên .
    Nhờ anh cho số điện thoại để em học hỏi .
    Khi nào có dịp đến BR-VT mời anh ghé nhà em tâm sự (Hưng 0937 974987.)

    Xin cảm ơn.
      Văn Quang Hưng   07/06/2022 22:59
    • @Văn Quang Hưng chào bạn, ad không có số dt tác giả. Hy vọng có dịp ghé nhà bạn nhé!
        admin   09/06/2022 02:52
Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây