Khi về vườn một loại cây trồng nên chọn đầu tiên chính là chuối. Vậy chuối dễ trồng không? Dễ mà khó, đặc biệt rất khó với ai mới về vườn nhé. Dưới đây là 7 kinh nghiệm trồng chuối thú vị mà tác giả Bảo Bảo chia sẻ với bạn đọc.
Trước khi bàn về kinh nghiệm trồng chuối chúng ta cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao nên trồng chuối khi về vườn sống? Có người nói chuối hại đất có đúng không?*
Quan niệm dân gian thường cho rằng cây chuối làm thoái hoá đất, khiến đất nghèo dinh dưỡng. Quan niệm này không sai vì nếu xét theo bối cảnh quả chuối chín, chặt hạ buồng mang đi ăn, thân chuối thì mang đi cho vật nuôi ăn, củ chuối mẹ đào đi vứt bỏ, sau đó lại không bổ sung hữu cơ lại cho bụi chuối.
Về nguyên tắc, cây nào càng thơm ngon, giàu dinh dưỡng thì cây lấy càng nhiều chất dinh dưỡng có trong đất tham gia vào quá trình cấu thành tế bào và quang hợp tạo ra các thành phần dinh dưỡng có trong trái cây. Tốc độ lớn và nhảy cây con rất thần tốc, nên việc lấy dinh dưỡng nhiều trong đất là đương nhiên. Nếu vầy mà kết luận luôn rằng chuối hại đất e rằng quá vội vàng.
Nếu lấy theo một bối cảnh khác, cây chuối sau khi chặt hạ buồng, thân chuối được cắt ra từng khúc để lại quanh khu cây chuối sinh trưởng, thường xuyên cắt tỉa các cây con mọc không cân xứng thì mọi chuyện sẽ khác.
Đất quanh đó được che phủ, độ 1 tháng sau giun và côn trùng sẽ kéo tới trong và dưới thân chuối sinh sống. Chúng ăn thân chuối là lấy nơi đó làm chỗ chú ẩn, tạo ra một vòng tuần hoàn đưa dinh dưỡng trở lại đất theo cấp số nhân nhiều lần, không chỉ là côn trùng mà ngay cả các vi sinh vật cũng thích điều đó, vậy cho nên hội anh em nuôi vi sinh bản địa thường chọn gốc chuối để thu thập meo.
Các bạn để ý mà coi, 1 bụi chuối sau khi chết bị phá huỷ hoàn toàn sau đó để nó phân huỷ với hệ thống rễ kinh khủng của mình chúng làm thoáng đất, dẫn nước, thân thật của chúng tạo nên một khu vực giầu mùn, bạn trồng cây gì vào bụi chuối củ ấy chúng cũng lớn nhanh đến kinh ngạc. Thử đi, đừng ngại.
Không chỉ có kinh nghiệm trồng chuối mà tác giả Bảo Bảo còn là người có quan sát tinh tế, theo tác giả, mỗi bụi chuối là một tiểu vùng khí hậu.*
1 bụi chuối là 1 tiểu vùng khí hậu. Lợi dụng đặc tính sinh trưởng mạnh, thích ứng tốt với nhiều loại đất, nếu cắt tỉa 1 cách đúng mức thì các cây ăn trái, cây lâm nghiệp sống gần các bụi chuối sẽ sống sót cực kì khoẻ mạnh qua các năm đầu:
Chúng được bụi chuối che chắn gió,
Duy trì nhiệt độ ổn định so với môi trường xung quanh
Duy trì độ ẩm trong đất cho du có là mùa khô hạn (mùa khô các tàu lá chuối hoạt động như các máng gom nước, chúng thu sương đêm lại và chuyển xuống theo bẹ chuối đưa lại vào đất để giúp cây sinh trưởng, đó là lý do tại sao quanh bụi chuối đất luôn ẩm và có nhiều côn trùng sinh sống).
Tuy nhiên phải tùy vào từng loại cây và giai đoạn sinh trưởng của chúng mà cắt tỉa tàu lá chuối sao cho cây trồng nhận đủ ánh sáng cần thiết, không bị cớm rợp.
Ngoài các vấn đề về sinh thái thì nhìn chung về mặt kinh tế cây chuối được xem như một cây thu nhập chính trong giai đoạn đầu khi xây dựng vườn. Hầu như bộ phận nào của cây chuối cũng có thể đem lại giá trị kinh tế như lá thì gói đồ, gói bánh. Hoa, thân, củ , quả thì đều có thể chế biến thành các món ăn đa dạng. Thân chuối thì có thể làm thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng đẹp. Từ quả chuối nào ép làm mứt, sấy làm snack, ngâm làm giấm, ủ làm rượu, ăn tưới khi chín ăn sống ăn nấu đều được.
Chính sự đa dụng của mình và hầu hết các vườn nông nghiệp bền vững luôn chọn chuối là cây tiên phong quan trọng nhất trong việc tạo lập vườn của mình.
Trồng chuối dễ không? Phải nói là cực dễ, nhưng để duy trì tính ổn định của bụi chuối thì không hề dễ, bình thường thì sau 3 năm nguyên vườn chuối sẽ chết đồng loạt. Dưới đây là kinh nghiệm trồng chuối của mình.
Khi trồng chuối chỉ nên trồng bằng củ chuối, không nên bứng cả thân và củ để trồng. Vì như thế cây sẽ rất èo uột vì mất sức, việc trồng bằng củ 2 tuần sau bạn có 1 cây chuối con khoẻ mạnh, chậm mà chắc.
Khi trồng muốn buồng chuối quay về hướng nào thì trồng mặt cắt của cây chuối nối với cây mẹ ngược với hướng đó. Cây quầy chuối sẽ ra hướng ngược lại giúp bạn tạo được sự đồng loạt để tránh hướng gió quật và địa hình khiến công việc thu hoạch khó khăn.
Thường xuyên cắt dọn các tàu và bẹ chuối đã già giúp cây chuối sinh trưởng được tốt nhất. Lưu ý không cắt các tàu đang còn xanh và khoẻ mạnh sẽ làm chậm quá trình sinh trưởng của cây. Đốn tỉa cây con bị dư, kinh nghiệm trồng chuối là 1 bụi chỉ nên để 4 cây chuối theo các thế hệ, để nhiều quá cây dần dần sẽ bị thoái hoá và quả bị dị dạng do hụt dinh dưỡng.
Cây chuối sau khi ra từ 32 đến 34 lá sẽ bắt đầu trổ buồng. Không nên đánh tỉa hoặc làm tổn thương rễ của cây đang mang trái, điều này khiến buồng chuối dị dạng. Ngoài ra, mẹo hay là cắt hoa chuối ngay khi nải chuối cuối cùng hình thành, bôi tro hoặc vôi vào vết thương sẽ giúp nải chuối đẹp, đều.
Khi cắt hạ buồng chuối thì chặt vào nửa thân trên của chuối, cùng mặt với hướng đổ của buồng trái, điều này giúp cây chuối bị gập từ từ không đổ quá nhanh làm gẫy buồng chuối. Sau khi cắt hạ cây mẹ thì băm thân thành khúc để đó, tách cây con nào bị nhảy lên khỏi mặt đất trồng lại vì chuối có đặc tính đẻ con trên nách và cây con có xu hướng trồi lên mặt đất khiến cây dễ bị ngã đổ.
Khi phát hiện 1 cây bị bệnh vàng lá dùng dụng cụ khác đốn bỏ và xử lí vôi, tuyệt đối không dùng dụng cụ đó tiếp xúc với các cây khác.
Phòng trừ ấu trùng bọ cánh cứng đục gốc chuối bằng cách nuôi bọ đuôi kìm trong vườn hoặc dùng các loại nấm đối kháng với côn trùng hoặc chế phẩm sinh học khác. Có thể dụ bắt bằng cách cắt đôi thân chuối úp xuống đất, con trưởng thành sẽ đẻ trúng vào đó mà không đẻ vào gốc chuối.
Ở trên là những kinh nghiệm trồng chuối mà tác giả Bảo Bảo đã áp dụng thành công tại vườn nhà. Bạn đọc nếu sắp về vườn hãy lưu lại và áp dụng ngay trên khu vườn mình nhé! Chúc bạn thành công.
>>>Xem thêm: Cách trồng chuối đúng kỹ thuật của bác Thiếu Khanh
Tác giả bài viết: Nông trại Bảo Bảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
13.08.2024
14.08.2024
13.08.2024
16.07.2024
13.08.2024
30.08.2024
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024