Bạn đã bao giờ quan sát thế giới côn trùng trong khu vườn nhà chưa? Bạn có để ý chỉ riêng chuồn chuồn thôi đã có vô số loại với những tập tính đa dạng? Anh Tri Vô đã có những quan sát tỉ mỉ về thế giới này trong bài viết rất thú vị sau đây.
Mình nghĩ thật hay khi gọi chuồn chuồn là 'dragonfly', với nghĩa dragon là rồng chuyên canh giữ kho báu & công chúa, chờ anh hiệp sĩ đẹp trai đến giết thịt, cứu lấy kho báu và cướp lấy công chúa... Thực tế chuồn chuồn cũng là rồng giữ kho báu.
Đôi khi chúng ta thấy chuồn chuồn đậu bên bờ nước thật thanh bình, đẹp như bức tranh thủy mặc... Nhưng đấy là chúng ta tưởng tượng thôi, chuồn chuồn đang canh giữ kho báu là phần mặt nước chúng chiếm được, và chờ nàng công chúa của mình đến đẻ trứng. Bất kỳ gã chuồn chuồn nào xâm phạm sẽ bị đánh tơi bời.
Rồng được xem như chúa tể bầu trời, chuồn chuồn cũng là chúa tể trong khoảnh trời riêng của chúng. Chuồn chuồn có thể bay đứng trong không trung, đang đậu bay bốc lên như trực thăng, đang bay thẳng chuyển sang bay giật lùi, lách phải lượn trái, tăng giảm độ cao...
Trong thế giới những loài biết bay, chỉ con ruồi dám so bì với chuồn chuồn về mặt linh hoạt, tất nhiên còn thua xa về tốc độ và sức bền.
Với kỹ năng bay lượn điêu luyện thế, chúng ta có thể gọi chuồn chuồn là sinh vật của không trung? Nhưng chuồn chuồn lại thích nước hơn. Là nông dân rơm, chúng ta phải cám ơn chuồn chuồn vì đã sống gần nước:
1. Trước hết sự xuất hiện của chuồn chuồn cho chúng ta biết đang ở gần nguồn nước. Suốt cuộc đời, chúng không đi đâu quá vài trăm mét quanh nơi có nước.
2. Chuồn chuồn để hơn 6 tháng sống dưới đáy nước khi là con non. Do vậy nguồn nước nơi có chuồn chuồn sinh sống, thường phải là nguồn nước ổn định lâu dài.
3. Con non chuồn chuồn chỉ có thể sinh sống nơi nước sạch, trong lành. Thế nên khi có chuồn chuồn, chúng ta đã có nhà kiểm định tự nhiên, có thể an tâm về chất lượng nước.
Chuồn chuồn cũng thuộc loại hiếu chiến nhất côn trùng, đành rằng là loài ăn thịt chúng phải săn mồi, nhưng chuồn chuồn chẳng chịu vừa.
Không kể bọn ruồi muỗi vốn là món gia bản, từ khi còn non của chúng đã tập tành săn cá nhỏ, nòng nọc, lớn lên, chúng thích săn ve sầu, bướm ngài, và đôi khi cả bọ ngựa... Tất nhiên, khi khác bọ ngựa cũng săn lại chúng!
Chuồn chuồn chỉ bại trận trước lưới nhện.
Loài oán hận chuồn chuồn nhất ắt là con muỗi: sống bên bờ nước, chuồn chuồn có nhiều dịp bắt nạt muỗi, vì nhà bọn này cũng quanh đấy, chuồn chuồn ưa túm cổ muỗi, con của chuồn chuồn cũng ưa túm cổ con của muỗi.
Có sách bảo chuồn chuồn có thể săn 50 - 100 con muỗi mỗi ngày.
(Chúng ta có thể hỏi lại rằng: Tại sao vườn có nhiều chuồn chuồn nhưng vẫn nhiều muỗi thế? Mình nghĩ rằng đấy là sự công bằng, chỉ chúng ta mới xem muỗi có hại thôi, với nhiều loài, muỗi là nguồn thực phẩm không thể thiếu. Tự nhiên rất công bằng khi cho mọi loài đều có cơ hội sống, chuồn chuồn săn muỗi nhưng vòng đời kéo dài nhiều tháng, muỗi thì chỉ cần vài tuần, dư sức tái tạo nhiều thế hệ mới để duy trì giống nòi).
Chuồn chuồn đẻ trứng khi chúng chấm đuôi xuống nước, trứng rơi xuống đáy nước, hay bám vào tảng đá, cây, cỏ dưới nước.
Thế nên, cỏ nước rất có ý nghĩa với chuồn chuồn: gốc là nơi giữ trứng chưa nở, ngọn là nơi chuồn chuồn đậu canh giữ lãnh thổ, thân là cây cầu nối 2 thế giới nước & cạn, rất cần khi con non rời nước lên cạn lột xác thành chuồn chuồn.
Như một cách thân thiện với chuồn chuồn, chúng ta có thể để cỏ nước phát triển. Với những ao mới đào hay làm bằng bạt không cỏ mọc, vẫn có thể mời gọi chuồn chuồn bằng cách thả ít bèo chẳng hạn.
Xem thêm: Chim bìm bịp thiên địch của loài rắn
Tác giả bài viết: TRI VÔ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
30.08.2024
05.09.2024
30.08.2024
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024