Loài kiến có vai trò quan trọng như thế nào trong khu vườn?

Thứ năm - 27/05/2021 22:19
Theo mình động vật lại là 1/2 vấn đề của vườn. Tất cả việc xới đất, gieo hạt, ươm mầm, cắt cỏ, ủ phân, thụ phấn, thu hoạch, và cả tiêu thụ nữa, động vật đều làm phụ mình hết rồi, chỉ vì mình không nhận thôi.
Lời BBTBài viết này của anh Tri Vô đăng trên nhóm Cuộc cách mạng một cọng rơm, được sự đồng ý của anh, Veque.com.vn đã biên tập và gửi đến bạn đọc.
 
loai kien min
Loài kiến rất quan trọng với khu vườn.

Trong động vật, côn trùng có ích lại là nhóm quan trọng nhất. Có thể xem côn trùng như loài tiên phong của giới động vật trong vườn.

Hiện tại, rất nhiều loài động vật vĩnh viễn không thể xuất hiện lại rồi, nhưng nhiều loài côn trùng vẫn đang gánh thay chúng vai trò sinh thái. Giả sử, chim thú và các loài đến ngày tận thế, chỉ riêng còn côn trùng, cũng dư sức duy trì sự sống này.

Bớt viễn vông xíu, trở lại vườn, côn trùng rất lợi: biết côn trùng có thể biết thời tiết, mùa màng, sâu hại. Trước mắt nó cho biết kiểu sinh cảnh chiếm ưu thế, chất lượng của đất, nước, không khí. Sau nữa nó chỉ ra hướng phát triển của vườn...

 

1. Thế nào là kiến?


Đến giờ mới hỏi thế nào là kiến thì hơi muộn, mà nghe cũng có vẻ phí thời gian nữa, vì ai chẳng biết kiến. Nhưng nói thật chính mình thỉnh thoảng cũng nhầm kiến và các loài côn trùng khác hoài hoài.

Chẳng hạn như hình đây mọi người nghĩ nó là gì? Đây là một con ong. Với đủ đặc điểm của ong: râu không gấp khúc, không có mắt gai ở đốt ngực - bụng. Dù vậy nó lại giống kiến, không có cánh và bò lổm ngổm trên mặt đất. Đến nỗi mấy người Tây ưa phân tích mà còn nhầm nó là kiến: velvet ant.

Có lẽ vì là côn trùng có số lượng đông nhất, tổ chức hùng mạnh nhất, nên nhiều loài muốn dựa hơi cũng nên.

Hoặc có lẽ chả vì nguyên nhân nào hết, trời sinh ra thế, nhưng rất nhiều loài trông giống kiến, từ con non nhà bọ xít, con non bọ ngựa, bọ hổ, mối, câu cấu, châu chấu, dế, ruồi, đặc biệt là ong và cả nhện nữa (xin gọi tên những loài này thêm chữ 'giả kiến' nữa để thấy chúng giống kiến cỡ nào).

Vậy thế nào là kiến? Mình nghĩ có 4 đặc điểm sau đây luôn là kiến:
  • Sống trong một tập thể lớn. Đã là kiến thì luôn sống cộng đồng, nếu ai thấy một con kiến sống đơn độc, thì nên nhận ngay đó là ong.
  • Cơ thể chia làm 3 phần rõ rệt, đầu ngực bụng. Điểm này rất quan trọng để phân biệt kiến với vài loài như bọ hổ, bọ xít, bọ ngựa,... vì phần bụng những loài này luôn liền khối với phần ngực, còn kiến có cuống bụng ngắt quãng khỏi thân rất rõ.
  • Không có cánh, trừ một lần duy nhất trong đời của kiến chúa, và kiến đực, cần có cánh để bay ghép đôi và lập khu định cư mới.
  • Có râu gấp khúc. Đây là đặc điểm dễ nhất để phân biệt ong và kiến, vì râu ong luôn thẳng, dài, chỉ râu kiến mới gấp khúc. Ở đây có một ngoại lệ nhỏ là một số kiến đực cũng có râu thẳng như ong, nhưng những loài này không nhiều lắm.
loai kien 7 min
Đây là một con ong.

2. Kiến nuôi rầy rệp, hay kiến ăn rầy rệp?

Thật ra kiến làm luôn cả 2 việc này (tham ăn gớm).

Rầy rệp mà kiến nuôi là những con có thể tiết dịch ngọt làm thức ăn nuôi lại kiến. Kể hết tên bọn này rất khó vì không may chúng lại rất nhiều, ít ra cũng chiếm 2/3 tổng số loài.

Tuy nhiên, chúng ta cũng được an ủi chút là kiến rất chọn lọc rồi mới nuôi, chúng chỉ nuôi con non, con cái, và những con rầy rệp không cánh. Vì bọn này sống cố định một nơi, ít có khả năng tự vệ trước kẻ thù, nên phải nương nhờ kiến, đổi lại chúng cung cấp chất ngọt cho kiến.

Đối với những con rầy rệp có cánh, mối quan hệ với kiến phức tạp hơn, phần đông chúng cũng thân thiện với kiến, vì nhà kiến biết bọn ham bay nhảy này sẽ đẻ ra lứa bò sữa tiếp theo cho mình.

Nhưng nhiều con có cánh sẽ bị kiến thịt ngay khi bắt gặp, đó là những con già yếu, bệnh hoạn, có khiếm khuyết.

Chúng ta chẳng nên mong chờ kiến sẽ tiêu diệt được rầy rệp, vì bọn này còn sống sẽ có lợi cho kiến hơn. Cũng như người nuôi bò sữa vậy, trước khi giết thịt phải vắt kiệt con bò.

Nhưng chúng ta cũng đừng thất vọng khi kiến nuôi rầy rệp, vì không như chúng ta, kiến rất biết 'vừa đủ': chúng không cần nuôi thêm rầy rệp để xuất khẩu, tăng ngoại tệ, tạo sản phẩm chủ lực, cú đớp thép của nền kinh tế,... Nếu lũ rầy rệp nhiều quá nhu cầu, sẽ bị kiến thịt bớt.

Nói vậy, việc kiến nuôi rầy rệp cũng là cách chúng giúp ta quản lý rầy rệp.

>>>Tìm hiểu thêm các bài viết về côn trùng, bảo vệ vườn ở Link này nhé!
loai kien 1 min
Kiến vừa nuôi vừa ăn rầy rệp.

3. Kiến, loài thiên địch


Hình như điều mà mọi người quan tâm nhất về kiến là chúng có lợi hay hại. Nếu vậy mình có thể nói rằng kiến lợi nhiều hơn hại.

Như một loài thiên địch, kiến là thợ săn, dù ăn cả thực vật, nấm, nhưng trước hết kiến là loài ăn thịt.

Con mồi của kiến là tất cả sinh vật sống. Nghe ghê vậy chứ mình thấy kiến là loài săn mồi rất 'văn minh', đi săn mồi mà đủ cả nhân nghĩa lễ trí tín. 
  • Săn được con mồi, tha ngay về tổ để cùng ăn là có lòng nhân, yêu thương đồng loại.
  • Khi đi săn, có đồng chí nào bị thương cũng đưa về là có nghĩa.
  • Trên đường, lỡ gặp kiến khác quẹt quẹt râu chào hỏi là có lễ.
  • Gặp con mồi, đứa lao vào trước, thằng vu hồi từ sau là có trí.
  • Lỡ đánh thua, chạy ngay về hú đồng bọn ra đánh phụ là có tín. Làm gì cũng phải làm xong.
Nhưng nghe nói kiến có 'đạo' vậy, chúng ta lại ngỡ kiến là loài thiên địch yếu kém, không hề. Một con bọ ngựa chỉ kiểm soát khoảng không gian 1m, chuồn chuồn thì tầm 5-10m, lãnh thổ của kiến có thể trên 100m đến hơn 2km tùy đó là vương quốc hay liên bang.

Kiến hùng mạnh vậy vì kiến có số đông, và chiến binh kiến cực tinh nhuệ. Dù chỉ toàn bộ binh, kiến không thiếu các đặc công để tiến công trên cao, dưới nước, trong hang động. Với kiến, mỗi người dân là một người lính, được vũ trang đến tận răng.

Với sức mạnh thế lẽ ra kiến đã quét sạch vườn và cả chúng ta luôn rồi. Nhưng kiến lại rất ôn hòa, câu này nghe hơi vô lý nhưng rất thật mình sẽ nói kỹ ở phần sau. Trước mắt, nhờ sự ôn hoà đó kiến để lại nhiều chỗ trống trong lãnh thổ của mình cho thiên địch khác cùng tồn tại, giữ lại một ít rầy rệp, một số đông con mồi... Vì vậy vườn chúng ta mới có sự đa dạng.
loai kien 2 min
Kiến là thiên địch có lợi.

4. Kiến, nhà bách nghệ


Xin kể thêm một số tài của kiến, để chúng ta không nghĩ rằng kiến chỉ là đám lính chiến hung hăng. Kiến rất đa tài, và thực sự vườn chúng ta hưởng lợi từ tài nghệ của kiến rất nhiều nhưng chưa được đánh giá đúng mức.

4.1. Kiến, người lao công


Nhờ kiến mà chúng ta khỏi phải dọn dẹp nhữngxác chết thối rữa, ô nhiễm. Hơn nữa, cơm thừa canh cặn, chén bát dính dầu mỡ lẽ ra đều được kiến thu dọn nếu chúng ta không quá dị ứng với chúng, mỗi khi chúng định vào nhà phụ giúp chúng ta.
 

4. 2. Kiến ủ phân và bón phân


Nhiều loài kiến cắt lá hay thu gom lá, vỏ cây mục về để trồng nấm, nhờ đó chúng đã phân hủy một phần thực vật thành phân hữu cơ.

Có thể nói cùng với mối, kiến đã nhai nát hàng tấn chất hữu cơ nữa trong vườn trong quá trình làm tổ, đào hang, dọn đường đi và những công trình công cộng khác của chúng.

4.3. Thụ phấn cho cây


Điều này chúng ta ngỡ chỉ có ong bướm, nhưng thật ra kiến cũng ăn mật hoa và phấn hoa, như loài kiến trong hình đây. Khi di chuyển từ bông hoa này sang bông hoa khác, kiến vô tình đã thụ phấn cho cây.

Lợi ích của kiến với vườn còn rất nhiều, chỉ sợ kể không hết, từ xới đất, gieo hạt, ươm mầm, vận chuyển hạt giống đi nơi khác đều có đóng góp của kiến cả.

 
loai kien 3 min
Kiến mang rất nhiều lợi ích cho khu vườn.


5. Kiến, thông tín viên

Nếu quan sát trong thời gian dài, chúng ta có thể thấy rằng chỉ riêng kiến cũng cung cấp nhiều thông tin quý giá cho chúng ta trong việc làm vườn.
  • Có loài kiến thích gắn bó với ít loại cây. Vì vậy khi trồng những cây này chúng ta biết có loại kiến này. Ngược lại khi phát hiện ra những con kiến nọ trong vùng nọ chúng ta sẽ đoán ra loại cây phải có. VD như hôm trước khi nói kiến vàng chúng ta dễ biết ngay đó là nơi nhiều cây thân gỗ, lá rộng, đặc biệt là cây ăn quả.
  • Mở rộng ra, biết một loài kiến còn biết kiểu sinh cảnh khu vực. Kiến lửa là loài thích nghi tốt với nhiều môi trường, nhưng nơi ở phổ biến của chúng thường là nơi trống trải, hơi ẩm. Vì vậy chúng ta dễ gặp chúng ở những vùng cây ngắn ngày, nhất là có trồng đậu, bắp.
  • Kiến cũng nằm trong chuỗi thức ăn, vì vậy thấy một loài kiến chúng ta có thể đoán loài vật xuất hiện trước nó, và loài sẽ xuất hiện sau nó. Có rầy rệp thường là sẽ có kiến. Có những loài như kiến gỗ sẽ có chim gõ kiến đến tìm chúng làm thức ăn.
  • Dấu hiệu chỉ báo tình trạng hiện tại và hướng phát triển trong tương lai của vườn. Ngày nhỏ nhà mình ở gần rừng có hay gặp một loài kiến rừng rất to, đốt rất đau. Khi rừng bị đốn sạch thì không có nữa. Nhưng gần đây mình ghé một vườn theo hướng vườn rừng thì bất ngờ lại gặp.
Rõ ràng việc vườn đang rừng hóa đã cung cấp lại môi trường sống cho loài này. Mà đây cũng không phải trường hợp cá biệt, rất nhiều loài kiến gắn với môi trường rừng, sự xuất hiện của chúng trong vườn cho thấy vườn có đúng hướng không, và tương lai thế nào.

Ngoài những thông tin này, ai cũng biết kiến có thể dự báo mưa bão. Biết loài sâu hại chiếm ưu thế, mức độ ô nhiễm/trong lành của vườn... Có thể nói thông tin nhận được từ kiến là vô tận. Cái khó của chúng ta là đọc hiểu được chúng. Chỉ có cách duy nhất là quan sát trực tiếp, vì chẳng có tài liệu nào có thể nói rõ về điều này.

 
loai kien 4 min
Loài kiến là thông tín viên uy tín.

6.  Tổ chức xã hội - Nguồn gốc sức mạnh của kiến


Có lẽ cùng với con người, kiến là sinh vật khốn khổ nhất hành tinh này. Là kiến nghĩa là bạn phải làm việc quần quật đêm ngày. Cũng hiển nhiên thôi nếu nhà bạn có hàng ngàn cái miệng cần ăn.

Tuổi thơ là giai đoạn đẹp nhất đời bạn. Nhưng bạn đừng mơ được hưởng lâu, vì kiến chẳng thiếu chiêu buộc bạn lớn nhanh để gia nhập đội lao động. Nhưng bạn cũng có mánh riêng mình, hãy ăn ít lại để cơ thể trông còm cõi hơn, và bạn có thể tìm được việc ít vất vả hơn. Hoặc hy vọng rằng bạn thuộc vào giới tinh hoa.

Không như tầng lớp bình dân bận bịu với những mưu sinh thường ngày, giới tinh hoa thích quyền bính hơn.  Xã hội kiến chẳng thiếu những chuyện chính trị: là nữ hoàng bạn muốn soán ngôi tất cả đồng nghiệp để trở thành nữ hoàng độc tôn của vương quốc. Là công chúa bạn muốn kiến lập thuộc địa để làm nữ hoàng.

Nhưng sa đoạ nhất là các anh hoàng tử, những trai đẹp duy nhất của vương quốc, một phần các anh cũng tham gia việc công, nhưng phần lớn chỉ uống sữa chiêu sầu, và mơ mộng chuyện gái gú với các cô công chúa.

Chúng ta còn chưa biết chi tiết về tình hình chính trị, ở đây đảng bảo hoàng đang cầm quyền hay đảng nhân dân chiếm ưu thế, MTTK (Mặt trận tổ kiến) hoạt động như thế nào? Nhưng chắc chắn là kiến rất dân chủ. Các đẳng cấp thật ra chỉ là sự chuyên môn hoá nghề nghiệp.

Quyền lực thực sự trong tổ kiến là sự tồn tại và phát triển của tổ. Vì quyền lợi chung này, khi cần thần dân có thể tử hình nữ hoàng mà không mắc tội khi quân.

Với tổ chức xã hội này, kiến đã dựng nên những trang trại nuôi rầy rệp đồ sộ, những đồn điền trồng nấm, tổ chức những cuộc thám hiểm, viễn chinh, đi thực dân, bắt nô lệ, cướp chiến lợi phẩm. Và xây dựng nên những vạn lý trường thành, những đại kim tự tháp...

Có lẽ trên hành tinh này không gì vĩ đại bằng tổ kiến nhỏ bé dưới chân chúng ta.

 
loai kien 5 min
Có lẽ trên hành tinh này không gì vĩ đại bằng tổ kiến nhỏ bé dưới chân chúng ta.
 

7. Nền hòa bình của nhà kiến


Mình thấy nhiều sách báo viết sai bét rằng: kiến là lũ hung hăng hiếu chiến. Chính chúng ta khi lỡ bị kiến cắn cũng vội đồng tình một cách sai bét: lũ kiến thật máu chó. Thật ra chuyện này cực kỳ sai bét, kiến rất hòa bình. Bản chất hoà bình của kiến cũng như một dân tộc nọ, mà lãnh đạo họ thường nói: chúng tôi là một dân tộc rất chuộng hoà bình, nhưng thằng nào xớ rớ đến gần chúng tôi quánh cho bỏ mịa.

Nếu quan sát kỹ chúng ta dễ thấy rất nhiều loài sống hài hòa bên kiến. Chẳng hạn mình đã thấy nhiều tổ chim hút mật kề bên tổ kiến vàng. Chim non mới nở rất tanh, dù vậy bọn chim non vẫn an toàn trước lũ kiến, đến nỗi hàng năm chúng trở lại làm tổ bên đám bạn kiến.

Không chỉ thế, nhiều loài sâu và bướm có thể vuốt ve kiến rất hoà bình, một số loài bọ cánh cứng còn xem tổ kiến là nơi trú ẩn tốt nhất.

Tất nhiên kiến hoà bình thế không phải vì lãnh tụ chúng thường tuyên truyền đất nước thân thiện, người dân hiếu khách mà vì giữa kiến và các loài có sự cân bằng nào đó.

Các sách thường viết rằng nhiều loài đã chôm được pheromol của kiến, khiến kiến ngỡ là người nhà. Cá nhân mình là người cực ghét khoa học phương Tây nên thấy còn chưa thủng lắm, nhất là trường hợp này:

Một con sâu bướm có thể sống an bình trên bụi cỏ gần tổ kiến, hàng ngày kiến qua lại mà không tấn công sâu. Nhưng nếu mọi người nhổ bụi cỏ đi hoặc làm gì kích động con sâu, bọn kiến sẽ giết sâu.

Ở đây hình như có một sự cố xảy ra mà không hiểu sao cái chất phe phiếc gì đó không hoạt động nữa.

Một tổ chim khác mà mình biết cũng sống bên tổ kiến một thời gian dài. Nhưng một tối có giông, một cành cây gãy, hôm sau mình thấy chim đã bị kiến ăn sạch.

Mình thích nghĩ rằng những trường hợp này xảy ra khi có khủng hoảng, nên sự cân bằng sụp đổ.
Trong cơn hoảng loạn kiến đã tấn công luôn hàng xóm của mình.

Khó có thể giải thích rõ gốc của khủng hoảng, nhưng mình nghĩ có thể có 3 nguyên nhân chính sau đây:
  • Tác động từ bên ngoài. Như với tổ chim gặp giông vừa nói ở trên.
  • Khủng hoảng nội tại của nhà kiến. Chúng ta dễ đọc được những chuyện ở châu Phi, Nam Mỹ, nơi có những đàn kiến hàng triệu con, mỗi lần càn qua một vùng là tất cả sinh vật sống chết sạch. Người ta gọi là kiến di cư, hay kiến động tổ. Đây rõ ràng là tổ kiến trong cơn khủng hoảng. Có thể xảy ra điều này vì dân số kiến quá đông, thiếu chỗ ở, đặc biệt là thiếu thức ăn.
  • Còn trường hợp mình nghĩ cũng thường gặp là sự khủng hoảng xảy ra ở phía đối phương. Quả thật nếu chỉ trông vào 2 kiểu khủng hoảng trên thì một là kiến phải chuyển sang chế độ thuần chay hai là chịu chết đói. Nhưng kiến còn sáng tạo hơn, chúng biết đánh giá con mồi. Nếu thấy con mồi suy yếu chúng sẽ không ngại tấn công.
Có thể thấy trường hợp này qua những con côn trùng bay vào nhà hàng đêm, khi mới vào chúng rất khoẻ mạnh, nhưng qua một đêm nhảy nhót với đèn hầu hết chúng đều suy yếu, bị thương tích, bọn kiến khi nhận ra cơn khủng hoảng này sẽ tìm đến ngay.

Thông thường 3 điều này xảy ra cùng lúc.

Nhiều người có thể cho côn trùng rắn rít bò khắp người vẫn an toàn có lẽ vì họ đã giữ được sự cân bằng này. Còn chúng ta, tại sao ra vườn cũng bị kiến cắn, bởi chúng ta đã vô tình kích động chúng.

Vậy đừng nên đổ tội cho kiến hiếu chiến.

 
loai kien 6 min
Vậy đừng nên đổ tội cho kiến hiếu chiến.

Xem thêm: Làm gì để dụ thiên địch về vườn
 

Tác giả bài viết: TRI VÔ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây