Làm gì để dụ thiên địch về vườn?

Thứ tư - 26/05/2021 22:09
Phải tìm thiên địch ở đâu? Phải thiết kế vườn thế nào để thu hút thiên địch? Nên trồng cây gì để dẫn dụ thiên địch?
thien dich min
Có thể nói chuồn chuồn là một trong những loài thiên địch phổ biến nhất mà mọi người có thể gặp ở vườn. Chuồn chuồn ăn nhiều loài côn trùng gây hại như: châu chấu, dế, bướm, ngài... Đặc biệt những loài chuồn chuồn kim như loài ở đây còn ăn cả rệp. Mọi người đừng bỏ qua loài kiểm soát rệp quan trọng này nhé.

Mình thì trả lời rằng: Đừng mất công làm gì cả, cứ giữ vườn đa loài đa tầng như trước giờ là được rồi. Còn thiên địch, chúng ở ngay vườn chứ ở đâu mà phải dẫn về.

Mình nói thật, nhưng mọi người lại bảo là đùa, bởi đọc tài liệu dạy rằng phải trồng hoa nhiều màu sắc, hương thơm, mật ngọt… thì mới có thiên địch. Ở nước ngoài người ta còn phải mua thiên địch về thả vườn chứ đâu mà có sẵn.

Nói chung khi nhắc đến thiên địch mọi người có vẻ thích “phải dẫn dụ về”, nhưng cái gì sẽ xảy ra tiếp theo? Theo mình có 2 khả năng:

 
  • Nếu gia tăng số lượng thiên địch quá nhanh bằng cách mua về thả vườn, các quần xã sinh vật chưa hình thành, mồi săn ko ổn định, chắc chắn chúng sẽ tàn sát lẫn nhau.
  • Còn nếu gia tăng bằng cách thu hút thiên địch ở các vườn xung quanh, do thiên địch rời đi, sâu hại ở những vườn này sẽ phát triển trở lại, thiên địch có đến rồi cũng bỏ vườn chúng ta để quay về nhà cũ.

Bởi vậy mình nghĩ phải làm sao để vườn chúng ta thành trung tâm phát tán thiên địch ra ngoài, chứ đừng thành lỗ đen hút thiên địch về thì hơn. Việc nên làm là phát triển số lượng thiên địch vườn đang có. 

Mà muốn phát triển thiên địch theo mình cách đơn giản nhất là đừng làm gì cả, bởi bất kỳ loài gì cũng cần không gian sống riêng, càng ít tác động thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng xây dựng quần xã, tự cân bằng cán cân loài.

Có thể mọi người sẽ bảo: Vườn vốn không có thiên địch thì sao phát triển được. Mình không nghĩ thế, mình thường quan sát các khu vườn và thấy rằng vườn nào cũng có vài loài thiên địch; mình cũng trò chuyện với nhiều người bảo vườn họ ko có thiên địch, nhưng họ biết quá ít loài thiên địch thì đúng hơn.

Những tấm ảnh sau đây là những loài thiên địch mà mình tình cờ bắt gặp. Mình ko nghĩ rằng vườn này nhiều thiên địch hơn vườn khác, nhưng mọi người thử xem trong 1h mình đã có thể gặp bao nhiêu loài thiên địch.

 

1. Bọ ngựa hoa

 Bọ ngựa hoa là loài săn mồi ngụy trang, thích sống cố định tại một nơi, miễn nơi ấy vẫn phù hợp cho chúng ẩn thân.
bo ngua min
Bọ ngựa hoa.
 

2. Nhện

Bên cạnh chuồn chuồn, nhện cũng là loài thiên địch hết sức phổ biến. Tuy nhiên đây cũng là loài thiên địch bị thua thiệt, bởi quá nhiều tiếng xấu. Hầu như trông thấy nhện mọi người đều nghĩ ngay chúng có độc hay không. Thực ra nhện hầu hết các loài nhện đều có độc, nhưng mọi người cũng khỏi lo, bởi lượng độc của chúng rất thấp, chỉ đủ để giết chết con mồi của chúng mà thôi. Những loài có độc đủ giết người ko nhiều, hơn nữa đây cũng là loài sinh vật chậm chạp, nên trường hợp bị chúng cắn thường là do chạm phải chúng.
nhenh min
Nhện là thiên địch cần có trong vườn.
 

3. Ruồi ăn rệp

ruoi an rep min
Ruồi ăn rệp Dideopsis aegrotus.


4. Mòng ăn sâu

Mòng ăn sâu Clephydroneura sp - một loài khá hung dữ, có thực đơn phong phú, do đó rất nên có chúng trong vườn để cân bằng các loài sinh vật.
mong an sau min
Mòng ăn sâu Clephydroneura sp.

5. Kiến vàng

Kiến vàng Oecophylla smaragdina. Kiến vàng có nuôi rệp, thường chúng cũng hay làm tổ bao phủ lấy rệp để bảo vệ “đàn gia súc” của chúng, nhưng nếu vườn chúng ta đã đa dạng loài thiên địch, chúng ta cũng ko phải e ngại hành động này của kiến vàng lắm. Hơn nữa kiến có xu hướng đuổi rệp trưởng thành, khiến chúng ko đẻ trứng được. Thường kiến vàng chỉ sống trên cây, đôi khi chúng phải xuống đất để tìm mồi hoặc vì các cành trên cây không liên kết các tổ của chúng với nhau, như ở hình này: Nàng công chúa kiến đang di chuyển đến tổ mới với sự hộ tống của đàn kiến thợ
kien vang min
Kiến vàng.

6. Bọ xít ăn thịt

Bọ xít ăn thịt Eocanthecona sp. Tuy nhiên có lẽ đây vẫn là loài thiên địch dễ bị ngộ nhận là loài gây hại nhất. Thực tế phân biệt giữa các loài bọ xít ăn thịt và bọ xít ăn thực vật cực kỳ khó, đôi loài còn mắc chứng vừa khoái thịt vừa khoái thực vật. Theo mình cách tốt nhất để phân biệt loài này là quan sát & chờ. Nếu thấy bọ xít trong khu vườn chúng ta hãy khoan giết chúng, hãy cứ quan sát chúng lấy 1 vài ngày (nếu lúc đó biết chúng là loài phá hoại thì giết vẫn chưa muộn, còn nếu là loài ăn thịt, chúng ta đã bảo vệ được 1 thiên địch).
 
bo xit min
Bọ xít ăn thịt.
 

7. Bọ xít cổ ngỗng

Bọ xít cổ ngỗng….( Họ Reduviidae). Nếu như gặp loài bọ xít ở trên chúng ta còn ngộ nhận thì gặp loài này chúng ta cứ chắc chắn 100% là loài ăn thịt nghen mọi người. Đặc điểm nhận dạng của chúng là phần đầu sau mắt kéo dài trông như cái cổ ngỗng (bởi vậy thành tên bọ xít cổ ngỗng). Tất cả loài bọ xít thuộc họ Reduviidae này đều là loài ăn thịt.
 
bo xit co ngong min
Bọ xít cổ ngỗng.

8. Ếch, nhái

Ếch-Nhái (ko rõ phân loại). Đây cũng là loài thiên địch đa thực rất phàm ăn, theo một số tài liệu một chú ếch nhái một ngày có thể tiêu diệt hơn 30 con mồi. Ban ngày chúng thích ẩn trong vườn ẩm, dưới lớp lá mục, gạch đá, đôi khi cũng gặp chúng trên cành cây hoặc bám trên mặt lá như hình này. Ếch nhái thường bắt đầu giờ săn của mình khi nhiệt độ trong ngày đã giảm.

 
ech min
Nhái trong vườn.
 

9. Bọ rùa đỏ

Bọ rùa đỏ Micraspis sp. Loài này chắc mọi người quá rành rồi. Có vẻ trong số loài thiên địch ăn rệp, bọ rùa là loài nổi tiếng nhất, nhưng mình nghĩ điều này cũng không công bằng lắm vì ngoài bọ rùa ra còn rất nhiều loài cũng ăn rệp, như: chuồn chuồn cỏ (bọ cánh lưới), hay vài loài mà mình đã nhắc ở trên: bọ ngựa hoa, chuồn chuồn kim, nhện linh miêu & loài ruồi ăn rệp ở sau đây cũng là một thiên địch kiểm soát rệp rất cần lưu ý.
 

bo rua do min
Bọ rùa đỏ Micraspis sp.

 

10. Nhông rào

Kết thúc những loài thiên địch côn trùng, và đây là về loài thiên địch bò sát. Nhông rào là loài rất phổ biến ở vn, chúng ta có thể gặp chúng ở khắp nơi, thậm chí ngay tại thành phố.

Cùng với nhông xám, và nhông bách, đây là 3 loài nhông rất phổ biến và cũng là 3 loài thiên địch đáng kể. Nhông thường ăn châu chấu, dế, và nhiều loài côn trùng khác. Loài này có đặc tính sống khá cố định tại một nơi, nếu bạn đã gặp chúng ở nơi nào đó, lần sau bạn có thể vẫn gặp lại chúng tại đó. Nhông rào thường hay ngụy trang cơ thể thành màu của không gian xung quanh, như loài ở hình này đang tiệp với màu của cây khô.
nhong min
Nhông rào.

 

Đây là tất cả những loài thiên địch mà mình đã gặp chỉ sau hơn 1h thăm vườn. Ko rõ đó là ít hay nhiều, nhưng cũng đủ để mình khẳng định rằng: Thiên địch đang ở ngay vườn chúng ta, chẳng cần đi đâu dẫn dụ chúng về cả.

Nếu như ai đó nói rằng trong vườn ko có thiên địch, chỉ có thể là họ chưa nhận thức được thiên địch trong vườn họ là loài gì. Còn nếu đã biết được loài thiên địch rồi, cái chúng ta cần là phát triển số lượng của chúng sao cho đủ sức kiểm soát loài gây hại hiệu quả.


Xem thêm: 5 điều cần làm để chim về vườn sống?

Tác giả bài viết: TRI VÔ

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây