Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Chủ nhật - 04/04/2021 14:01
Ở các quốc gia trên thế giới sự gia tăng dân số luôn gây hại cho môi trường. Nhưng ở một ngôi làng của Ấn Độ, họ đã nghĩ ra một cách làm ngược lại: Mỗi khi một bé gái trong làng chào đời họ tổ chức trồng 111 cây xanh.
Truyền thống tốt đẹp này ra đời từ năm 2006 để chống lại định kiến đối với phụ nữ. Đến nay ngôi làng này đã có một khu rừng và hơn thế câu chuyện cảm động này còn đáng được nhân rộng trên toàn thế giới!
Trồng 111 cây xanh khi mỗi bé gái chào đời
Ngôi làng mang tên Piplantri bắt đầu truyền thống trồng 111 cây xanh khi mỗi bé gái chào đời vào năm 2006. Lúc này, cựu lãnh đạo của làng, ông Shyam Sundar Paliwal, chia sẻ rằng khi con gái của ông qua đời dân làng đã trồng một cây xanh để đánh dấu. Sau đó, ông Paliwal vì muốn bảo vệ tương lai của trẻ em gái trong làng, vì vậy ông đã phát động một chương trình không chỉ hồi phục thiên nhiên mà còn gây quỹ cho phụ nữ và trẻ em gái nói chung.
Theo ông Paliwal, có khoảng 60 bé gái được sinh ra ở làng Piplantri mỗi năm. Trong văn hóa Ấn Độ, con số 111 được cho là con số may mắn và mang lại thành công. Vì vậy, mỗi khi một bé gái chào đời trong làng, 111 cây xanh đã được trồng để tôn vinh cô bé.
Kể từ khi bé gái đầu tiên chào đời, đến nay đã đã có 350.000 cây xanh trồng xung quanh Piplantri. Và kết quả, hiện nay ngôi làng đã trở thành một khu rừng xanh mướt. Không chỉ cải thiện không gian sống thoáng đãng, trong lành, cây cối còn góp phần làm cho mực nước ngầm trở lại và động vật hoang dã phong phú hơn. Ngoài ra rừng cây được trồng còn cung cấp thực phẩm và thu nhập cho 8.000 cư dân của Piplantri. Hơn hết, cách trồng cây này còn giúp người dân trong làng hiểu về sự bền vững lâu dài của kinh tế và môi trường.
Không chỉ là câu chuyện trồng cây gây rừng
Không chỉ là câu chuyện về trồng cây xanh, hành động đẹp này còn giúp rất nhiều trong tương lai của mỗi bé gái. Cụ thể, ở Ấn Độ hiện nay vẫn còn định kiến "sinh con gái là gánh nặng tài chính với cha mẹ". Vì thế, mỗi khi trồng cây ngôi làng này sẽ thu "tiền đặt cọc" 31.000 rupee (tương đương 400 USD) từ cha mẹ để đến khi bé gái đạt 20 tuổi sẽ trao lại cho cô bé.
Qua hành động họ muốn gửi đi một thông điệp: "một cô gái không thể kết hôn cho đến khi cô ấy được học hành xong". Ngoài ra, cha mẹ cũng ký vào một lời tuyên thệ nói rằng con gái của họ sẽ chỉ kết hôn sau khi cô ấy đã được học và đủ tuổi hợp pháp. Phong tục cao quý này được thực hiện đến nay đã gần 15 năm.
Sau 10 năm, ngôi làng Piplantri trở nên nổi tiếng thế giới với truyền thống “nữ quyền sinh thái”. Dân làng đã trồng các loại cây khác nhau bắt đầu mang lại thu nhập cho họ.
Hằng năm, khi người dân Ấn Độ tổ chức lễ hội Raksha Bandhan, một lễ hội truyền thống mà tất cả các chị em gái đều buộc một chiếc vòng vào tay của họ. Còn phụ nữ làng Piplantri thực hiện truyền thống này một bước xa hơn - họ buộc những chiếc vòng tay lên cây cũng như một biểu tượng của sự bảo vệ.
Ngoài ra, người dân Piplantri bắt đầu trồng cây nha đam bên cạnh cây xanh vì nó có tác dụng như một loại thuốc trừ sâu tự nhiên. Ngôi làng cũng bắt đầu bán các sản phẩm làm từ cây nha đam cùng nhiều loại cây trái khác.