Sống tự cung tự cấp ở quê: Tình làng nghĩa xóm (P4)

Thứ sáu - 26/05/2023 21:00

Khác với cuộc sống ở phố, khi về quê tình làng nghĩa xóm là vô cùng quan trọng. Với những ai hướng đến lối sống tự cung tự cấp thì càng nên gắn kết xóm làng để trao đổi, chia sẻ nông sản, thực phẩm hằng ngày! Dưới đây là câu chuyện của tác giả Tô Tiểu Tường!

song tu cung tu cap
Tình làng nghĩa xóm.

 

Tình làng nghĩa xóm


Mùa thu năm đầu tiên ở quê mình chụp được cảnh mẹ cho bà hàng xóm miếng mít. Trái dù rất nhỏ nhưng ngon, mẹ nhớ tới bà ấy đầu tiên. Mấy ngày bắt được mớ ốc ngon, mẹ hay qua xin chuối xanh nhà bà. Lúc đó mình mới hiểu được tầm quan trọng của bang giao xóm ngõ.

Nhà mình có nhiều nhãn, bầu, và vườn rau to hơn. Những lúc trồng nhiều ăn không hết, mình thường hái để ở bờ dậu xung quanh vườn. Mấy cô hàng xóm khi nhìn thấy sẽ tự lấy về dùng. Có lúc mấy quả cà tím giống mới mình trồng được, có khi là cây cải bắp, ít rau cải cúc, lá má... Mình gọi "chính sách" này là trao đổi xóm thôn. 

Không phải nhà mình lúc nào cũng có rau củ quả như ý. Như cách mình đã đổi mấy quả mướp lấy một quả đu đủ, vài giỏ hồng lấy mấy quả chanh, mấy giỏ hoa thiên lý, đậu rồng lấy mấy nắm trà xanh...

Mình may mắn có được hàng xóm tốt bụng và dễ chịu. Mùa xuân năm trước, ai xem yt sẽ thấy giàn bầu nhà mình ra quả ăn không xuể. Mình hái cho tứ phương. Năm nay nhà mình không trồng bầu, thèm quá trời thèm, thế là cô T nhà hàng xóm đem cho lại một quả. Có những chuyện năm trước mình làm mà năm nay người ta vẫn nhớ được luôn.

Trao đổi, nghe có vẻ công bằng, nhưng tin mình đi, cứ vô tư không tính toán, rồi năm tháng sẽ chan hòa.

>>>Xem thêm: Chuyện sống ở quê: Về một người hàng xóm lạ lùng

 

song tu cung tu cap khi ve que
Trao đổi ngang giá ở quê.

 

Trao đổi ngang giá ở quê 


Ở quê, rau củ có thể xin được nhưng bán thì vẫn có người mua, chỉ là nó rẻ và có phần không đáng giá. Thi thoảng nhà mình trồng vài loại rau sớm mùa hoặc lạ lẫm ở quê. Những lúc rau nhiều như vậy, mình thường nhổ rau cho mẹ đem ra sạp rau để ký gửi.

Cả xã mình có một cái chợ. Chợ họp sáng sớm và tan sớm để bà con tranh thủ đi làm. Thế nên đầu mỗi thôn sẽ có một sạp rau lưu động bán tới trưa phục vụ bà con mua trễ.

Sạp sẽ nhận rau ký gửi của tất cả các nhà có dư. Nhà ai có rau gì thì đem tới, tự nhiên thành cái sạp rau xôm tụ. Bà chủ sạp sẽ lấy một ít tiền lời và bán các rau củ từ vùng khác. Nhà mình thi thoảng sẽ ký gửi mướp và mấy quả trứng vịt, ít rau xà lách... Mà ký gửi vậy chứ ít khi nhận về tiền mặt.

Mình thường lấy về rau củ quả khác như giá đỗ, hành tây với dứa vì ba thứ đó nhà không trồng được. Phương pháp này giảm bớt đi rất nhiều chi phí sinh hoạt, mình gọi là trao đổi ngang giá.

Chuyện đổi chác cứ vậy mà trôi qua ngày. Không ai mất tiền, cả làng cùng vui.

>>>Xem thêm: Hành trình hướng tới tự cung tự cấp: Tận dụng thiên nhiên (P3)

 

Tác giả bài viết: Tô Tiểu Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây