Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Thứ sáu - 07/05/2021 21:48
Trong bài viết Về vườn làm gì để sống trước anh Hoang ĐN đã chia sẻ kinh nghiệm khi quyết định về vườn. Cùng chủ đề này anh đã có một bài viết khá dài, đầy tâm huyết. Veque đã xin phép anh chia sẻ lại với bạn đọc.
Có 3 kiểu bỏ phố về quê sống
Qua thực tế bản thân và qua quá trình giúp nhiều bạn bè làm vườn thì tôi thấy các bạn từ phố về quê sống là nhờ một trong 3 "chiến thuật" sau.
1. Sống nhờ... viện trợ
Số lượng các bạn sống trên vườn bằng cách này không nhiều nhưng cũng đủ để hình thành một xu thế. Viện trợ ở đây có thể là từ gia đình, từ người yêu hoặc từ người quen. Hầu hết các bạn chọn cách này mà mình biết thì đều có khá nhiều chiêu để duy trì cách này. Lúc thì dùng nước mắt, lúc thì hờn dỗi, lúc thì làm mình làm mẩy, có lúc doạ chết hoặc doạ bỏ nhà ra đi và còn nhiều chiêu quái đản mà chỉ có đầu óc thiên tài của họ mới nghĩ ra được.
Mục đích cuối cùng là để người nhà hoặc người yêu hoặc người thân phải chi tiền hằng tháng để bạn ấy sống và duy trì vườn. Xu hướng này cũng nhiều nhưng quan trọng là bạn phải có kỹ năng và biết "chịu nhục". Tôi tin là hầu hết các "cọng rơm" không có khả năng này.
2. Về vườn nhưng không sống bằng nguồn tiền từ vườn
Tất nhiên là các bạn này không thuộc nhóm 1 rồi. Đến 40% các bạn về vườn mà mình biết đang sống bằng cách này. Với các bạn ấy về vườn đơn giản chỉ là có nơi yên tĩnh, trong lành để sống. Họ cũng thường chỉ duy trì một mảnh vườn nhỏ dưới 3.000 m2. Họ kiếm tiền nhờ điều hành công việc từ xa, làm việc từ xa. Họ vẫn có thể vừa ở vườn vừa điều hành hoạt động kinh doanh nào đó ở thành phố. Lâu lâu cần thì chạy về thành phố giải quyết việc trong 1 thời gian ngắn rồi lại về vườn.
Nhiều người bạn của mình ở nhóm 2 này chọn một cách thanh thản hơn là cho thuê nhà ở Sài Gòn, rồi lấy tiền tích góp mua một mảnh đất nhỏ ở quê và một chiếc xe hơi. Vậy là họ có thể sống vô tư bằng tiền cho thuê nhà ở thành phố. Nhóm 2 này thường sống ở vườn khá sung túc và thoải mái.
Một điểm nhỏ mà mình không thích nhóm 2 này là khi đến thăm vườn các bạn thì tỷ lệ bê tông trên đất là khá lớn. Khi bước vào vườn của họ bạn sẽ thường bắt gặp nhưng khung cảnh rất "chill", nhưng khóm hoa rất đẹp và rực rỡ, một vườn rau nho nhỏ và xanh mướt. Dù sao đây cũng là một xu thế tốt cho các bạn thích ở vườn và không muốn làm vườn.
3. Về vườn và sống hoàn toàn nhờ vườn
Do mình rành cách này nên mình sẽ chỉ nói về cách này. Thực ra để sống nương tựa vào vườn thì bạn cần có chiến thuật và và một sự kiên định rõ ràng.
Từ thực tế bản thân, tôi luôn tuân theo nguyên tắc là bất kể nguồn thu nào cho dù ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn thì mình đều phải đảm bảo nguyên tắc đầu tiên là "không được lỗ". Nếu bạn đảm bảo mình "không được lỗ" thì cơ hội để bạn nương tựa được vào vườn sẽ cao hơn.
Về vườn sống đừng "vung tay quá trán"
Muốn "không lỗ" thì tôi luôn giữ nguyên tắc "không đầu tư" khi về vườn. Nghĩa là không chi tiền hoặc có chi thì chi rất ít, ít đến mức có mất đi khoản đó cũng không ảnh hưởng gì. Tôi không mua cây giống, không mua phân bón cho dù là phân chuồng hay phân vi sinh, không mua các máy móc lớn để làm vườn. Vì không chi nên bất cứ cái gì nhận được từ vườn với tôi đều là "quà tặng" hay có thể coi là phần lãi. Vài bó rau, vài buồng chuối, vài bụt măng tre, vài ký hạt điều, vài cây gỗ... tất cả chúng đều được coi là lợi nhuận hay phần lãi khi về vườn.
Một thực tế với người nông dân hiện nay là họ luôn phải đầu tư rất nhiều cho vườn. Đầu tư xong là họ ngồi phân tích trên lý thuyết là cuối mùa sẽ lãi bao nhiêu nhưng thực tế đôi khi khác xa lý thuyết. Chỗ tôi đang ở, các đại lý phân bón cho mọi người mặc sức mua nợ phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích... và đến cuối mùa thu hoạch mới phải trả tiền.
Cái "bẫy tài chính" này nhìn thì rất hợp lý nhưng thực ra tỷ lệ rủi ro của nó cực cao. Nếu được mùa và được giá thì người nông dân sẽ hân hoan lắm. Ai cũng tươi cười và kết quả sau đó sẽ có nhiều ti vi mới nhiều giàn karaoke mới. Và vụ sau họ lại tiếp tục mua nợ mọi thứ từ các đại lý phân bón. Nếu mất mùa hoặc mất giá thì người nông dân sẽ bị ôm một khoản nợ và kết quả thường là họ sẽ phải bán đất đi để trả nợ vì khi đó ngoài đất ra họ không còn gì cả.
Khi tôi kể câu chuyện này cho các bạn bè của tôi, những người đang ở những bước đầu trên hành trình "về vườn" thì hầu như họ đều thấy nó không liên quan mình vì họ thấy người nông dân "mua chịu" từ người bán chứ họ có tiền họ trả ngay nên không bị rủi ro như người nông dân quê tôi. Nhưng bạn sẽ nhầm to nếu bạn nghĩ là nếu bạn trả tiền ngay thì bạn sẽ không chịu rủi ro đó. Bản chất là không có gì thay đổi khi bạn nợ hay trả ngay. Nếu mất mùa hoặc mất giá thì túi tiền của bạn sẽ vơi đi nhanh chóng. Và khi đó bạn sẽ phải chịu càm ràm từ vợ hoặc chồng của bạn suốt ngày này qua ngày khác. Nếu bạn vẫn tiếp tục lỗ thì sự càm ràm sẽ chuyển thành những trận cãi vã và cái kết thường vẫn là việc các bạn phải bán lỗ mảnh vườn và quay lại thành phố sống với một ký ức sợ hãi khi về vườn.
Nếu bạn về vườn mà dư ra vài trăm triệu. Bạn thấy một bao phân chuồng có 40 ngàn, một bao xơ dừa có 40 ngàn, một cây giống sầu riêng có 50 ngàn, một cây chuối con có 10 ngàn. Bạn thường đập tay mua mỗi thứ vài trăm đến vài ngàn và rất nhanh chóng bạn sẽ thấy vài trăm triệu đó bay hơi rất nhanh. Tôi hay đùa các bạn tôi rằng cách làm đó không khác mấy với việc sử dụng "margin" khi mua chứng khoán hoặc vay tiền ngân hàng đi kinh doanh bất động sản. Sử dụng các đòn bẩy tài chính đó nó giống như đánh bạc, hoặc là ví bạn dày lên nhanh chóng hoặc là nó sẽ xẹp lép.
Vì vậy tôi vẫn nghĩ "chậm mà chắc" vẫn phù hợp với người về vườn hơn. Vì suy cho cùng nếu muốn "ôm nhiều tiền" thì bạn nên sống ở thành phố thì dễ dàng hơn.
Về vườn là nương tựa thiên nhiên
Với hầu hết mọi người, tôi vẫn tin là việc không đầu tư mua cây giống, không đầu tư mua phân chuồng, phân vi sinh thì cơ hội để chúng ta nương tựa được vào vườn vẫn là cao nhất. Cây giống thì ta có thể ươm, chuối có thể xin và nhân dần lên. Phân chuồng và phân vi sinh có thể thay thế bằng chính sinh khối trong vườn.
Nhiều bạn hỏi tôi là làm thế nào giải quyết "bài toán" lấy tiền đâu để sống và có thu nhập ổn định khi về vườn. Tôi không thích "giải toán" và thực sự cũng thấy không cần thiết phải có thu nhập "ổn định" khi ở vườn. Càng mong cầu điều đó thì các bạn lại càng thất bại và càng thấy không khả thi.
Bạn làm sao "ổn định" thu nhập được? Bạn không thể nắm chắc cái đó được. Năm trước 1 tấn điều bạn bán được 34 triệu nhưng năm nay 1 tấn điều bạn bán được 26 triệu. Tháng trước 1 buồng chuối bán được 150 ngàn nhưng tháng này 250 ngàn. Thu nhập tùy thuộc vào ông trời và tùy vào giá cả thị trường. Vì thế thay vì tìm cách "ổn định thu nhập" thì tôi nghĩ tốt hơn bạn tập cho mình cách nương tựa thiên nhiên theo nó. Nếu sao cũng được thì bạn chả còn sợ gì nữa.
Tôi xây dựng vườn của mình như thế nào?
1. Về rau ăn hàng ngày:
Tôi không vội vã bắt vườn phải cung cấp đủ rau ăn cho mình ngay trong tháng đầu tiên khi về vườn. Thường thì sau 1 năm bạn có đủ đồ ăn là tốt rồi. Nếu bạn khởi đầu một khu đất mới với việc tạo ra một vườn rau to và xanh mướt thì bạn sẽ thấy nó lấy hết thời gian của bạn và muốn nó xanh mướt thì bạn cũng cần một lượng nước tưới cực lớn.
Một cách tương đối, tôi thường sử dụng 70% rau tự nhiên. Đây là loài rau không cần trồng, nó tự mọc và tự sống. Việc của ta chỉ là làm sao học hỏi xem loại nào ăn được, và thay đổi khẩu vị của mình sang món ăn mới. Bạn có thể tìm thấy rau trai, lạc tiên, rau đắng, càng cua... trong vườn.
Về đây tôi còn học được mọi người món canh cây dâm bụt và món chồi dương xỉ, mà dâm bụt với dương xỉ trong vườn của tôi có thể coi là bất tận. 25% rau ăn là rau lâu năm. Nghĩa là trồng một lần và ăn mãi. Có thể kể đến rau dền Nhật, rau ngót, chùm ngây, hoa chuối... ta chỉ mất công trồng lần đầu và sau đó ăn mãi. Tôi thường chỉ dành 5% cho các loại rau khó tính như cải, xà lách... những loại này nhất thiết phải trồng ở những nơi đất tốt và gần nguồn nước. Như vậy ta sẽ có đủ rau ăn thường sau 1 năm về vườn mà gần như rất ít tốn công cho nó. Hôm rồi đến thăm farm của Hùng thì Hùng còn chỉ tôi một tuyệt chiêu của bà con miền Tây là sử dụng rau trên ao. Những loại này cũng rất đa dạng và không cần chăm sóc. Tôi thấy mới mẻ và thích thú khi Hùng nói lục bình, rau nhút... đều ăn được. Tôi đang thực hiện và đây có thể coi là lợi ích to lớn khi đi thăm farm của các bạn.
2. Về thu nhập thường xuyên
Tôi chọn chuối vì nó dễ tính, dễ xin, dễ nhân. Chuối ăn được từ hoa, quả, thân và rễ. Chuối cho sinh khối khủng và là chất tấp ủ rất tốt. Nếu trồng nhiều thì việc bán chuối cũng là một nguồn thu thoải mái cho chúng ta ở vườn.
Thứ hai là điều. Tôi không hiểu sao nhiều cọng rơm rất dị ứng với cây điều. Nhiều bạn cứ thấy điều là chặt và quy cho nó đủ thứ tội. Riêng tôi thấy điều nên là một loại cây trong vườn của những bạn làm vườn rừng. Điều rất dễ tính. Bạn chỉ cần trồng thôi, còn khô hạn kiểu gì nó cũng sống được. Nếu tính về cây cho quả mà ko cần tưới thì có lẽ điều là số 1. Bạn nào trồng điều cũng biết lá nó rụng nhiều thế nào. Lá rụng nhiều có nghĩa là sinh khối lớn.
Cái tôi thích nhất ở điều có lẽ là khâu thu hoạch. Khi làm vườn tự nhiên hẳn các bạn đều biết khâu thu hoạch là khâu khổ nhất và đôi khi đòi hỏi kiến thức phức tạp. Muốn hái trái mít thì phải học cách vỗ để nghe xem đã đủ chín để vặt chưa, rồi phải leo lên. Thu hoạch măng cụt, chôm chôm... rất là mệt. Nhưng với điều thì bạn hoàn toàn có thể vừa thu hoạch vừa làm thơ được. Đơn giản vì nó tự rụng, bạn chỉ việc ra gốc cây nhặt trên mặt đất. Người già hay trẻ nhỏ đều có thể làm được. May là giờ người ta mới chỉ mua hạt điều còn trái điều hầu như bỏ.
Nếu bạn có một đống lá khô, hoặc cỏ khô, hãy thử vất nó quanh gốc chuối chẳng hạn, sau đó đổ phần quả điều vào cỏ sẽ phân hủy rất nhanh. Điều khác với hầu hết các loại trái cây khác, các trái cây khác nếu chín mà bạn ko thu hoạch là nó sẽ hỏng. Còn với điều, nếu bạn bận rộn thì bạn cứ kệ nó trên mặt đất 1 tuần cũng không sao. Cái cuối cùng tôi thực sự thích điều là thời gian thu hoạch vào mùa khô. Các bạn làm nông thuận tự nhiên đều biết mùa khô là mùa chả có gì làm, còn mùa mưa là mùa đi trồng cây. Vì vậy trong mùa khô cứ chiều mát hoặc sáng sớm đi nhặt điều bán kiếm xiền cũng là việc rất thú. Vì vậy các bạn đừng vội chặt điều đi nhé. Nếu vườn có khoảng dưới 50 cây thì rất nhàn.
3. Trồng tràm (keo)
Giống như điều, nhiều bạn có mối thâm thù với tràm và keo. Cứ nhìn thấy tụi này là các bạn chặt. Mà đen là hầu hết các vườn rộng khi mua lại toàn tràm và keo. Tôi về chỗ này cũng có một quả đồi toàn tràm. Tất nhiên là tôi không chặt đi rồi. Vì chặt đi sẽ nắng nóng lắm. Tôi sẽ chỉ tỉa cành và tỉa thưa những chỗ rất dày. Tự nhiên đất sẽ nhận được một lượng sinh khối lớn.
Sau đó đến mùa mưa tôi sẽ bắt đầu trồng xen các cây khác vào giữa những cây tràm. Tràm lúc này vừa là cây che bóng, vừa là cây chắn gió. Sau khoảng 4 năm khi những cây trồng xen như gỗ đỏ, lim, tếch, giáng hương đã cứng cáp và cần vươn cao thì khi đó ta sẽ chặt tràm đi bán. Vừa có thêm một khoản thu mà lại vừa trả lại được không gian cho các cây khác đang cần.