Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Thứ hai - 04/01/2021 02:19
Nào tối nay ăn gì? Thế lưỡng nan của loài ăn tạp là cuốn sách đầy công phu của Michael Pollan bắt đầu từ một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng dần hé lộ những bí mật đầy choáng váng. Tìm hiểu chi tiết cùng chuyên mục Sách xanh nhé!
Với cách tiếp cận chân thực, cuốn sách cung cấp đầy đủ những thông tin về đường đi của thực phẩm công nghiệp ngày nay, từ đó khiến người đọc ngộ ra nhiều điều và có thể thay đổi hoàn toàn lối sống sau khi đặt cuốn sách xuống.
Bắt đầu với câu hỏi nào tối nay ăn gì đầy giản dị, Michael Pollan dần truy tìm nguồn gốc thực phẩm và cho ra đời một công trình nghiên cứu đồ sộ. Điều thú vị, dù công trình nghiên cứu này hơn 500 trang với các thông tin khoa học nhưng Michael Pollan lại viết đầy dễ hiểu, pha lẫn chút hóm hỉnh khiến hành trình truy dấu chuỗi thức ăn trở nên đầy thú vị.
Nào tối nay ăn gì mô tả chi tiết ba chuỗi thức ăn chính giúp loài ăn tạp (là chúng ta) sống đến hiện tại. Cụ thể gồm: (1) Chuỗi thức ăn công nghiệp; (2) Chuỗi thức ăn hữu cơ; (3) Chuỗi thức ăn thời săn bắn - hái lượm. Theo Michael Pollan dù những chuỗi này khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến một mục đích: liên kết con người với đất đai và năng lượng từ mặt trời.
Trong hành trình khám phá của mình, Michael Pollan đã đưa ra ánh sáng một sự thật kinh hoàng: việc công nghiệp hóa nông nghiệp, việc tạo ra hàng loạt trại chăn nuôi tập trung đã làm nảy sinh hàng loạt vấn đề. Và khi cả thế giới chạy theo việc tạo ra một lượng thịt khổng lồ để đáp ứng nhu cầu ăn tạp thì không chỉ động vật bị đối xử tàn nhẫn, mà còn gây hại cho chính con người thông qua dịch bệnh.
Michael Pollan đi tìm hiểu từng trại tập trung gia súc, từng cánh đồng ngô, và nhận thấy việc công nghiệp hóa khiến thực phẩm rẻ và nhiều hơn. Nhưng môi trường, sức khỏe, lẫn đạo đức của loài ăn tạp chúng ta đi xuống. Có thể bạn không để ý nhưng bây giờ chúng ta hầu như có thể ăn bất kỳ loại rau, trái nào quanh năm, những bữa tối lúc nào cũng đầy ắp thịt. Và phía sau sự hào nhoáng đó là ô nhiễm không khí lẫn nguồn nước, là dịch bệnh, là hàng triệu động vật bị đối xử tệ bạc.
Với Michael Pollan, cuốn sách này như nhật ký, ở đó ông đã đi, đã sống, đã lao động để trực tiếp trải nghiệm để có những nhận định chính xác nhất. Qua cuốn sách này, ông đề cao việc chăn thả quản lý thâm canh, mô hình trang trại địa phương với những ví dụ cụ thể, điển hình giúp con người phát triển bền vững về mặt môi trường lẫn đạo đức.
Sách Nào tối nay ăn gì? Thế lưỡng nan của loài ăn tạp lọt vào top năm cuốn sách phi hư cấu hay nhất năm 2006 do tạp chí New York Times bình chọn. Đây cũng là cuốn sách hay nhất viết về đề tài thực phẩm năm 2007 do Quỹ James Beard bình chọn.
Tóm tắt sách Nào tối nay ăn gì?
Nào tối nay ăn gì là một cuốn sách dày hơn 500 trang nhưng khá dễ đọc nhờ cách tác giả phân chia từng chương mục rõ ràng. Đồng thời cách viết của Michael Pollan với ngôn từ dễ hiểu, dễ cảm với bạn đọc. Dưới đây là tóm tắt những nội dung chính của cuốn sách này của Về quê!
Phần 1: Vì sao loài ăn tạp lại rơi vào thế lưỡng nan?
Là một loài ăn tạp nên con người dùng cả động lẫn thực vật làm thức ăn. Nhưng cũng chính vì ăn tạp đã tạo nên một thế lưỡng nan cho con người: giữa đầy rẫy thức ăn chúng ta không biết nên ăn thứ gì?
Quay về thời kỳ săn bắn, hái lượm, loài ăn tạp chúng ta đơn giản hơn. Thời điểm này chúng ta ăn theo mùa kiểu “thu ăn măng trúc, đông ăn giá”, việc săn bắn hái lượm mùa nào thức nấy nên việc chọn lựa khá dễ dàng.
Nhưng càng về sau, sự “văn minh” đã khiến loài ăn tạp rơi vào thế lưỡng nan. Đơn cử, khi đi vào siêu thị bạn dễ bị choáng ngợp trước hàng trăm kệ thực phẩm. Chính thực tế này khiến chúng ta lưỡng lự, và về cơ bản chúng ta có thể mua tất cả những gì chúng ta muốn, dù ở đâu và thời gian nào.
Thế lưỡng nan càng ngày càng trầm trọng. Lúc đó nào, tối nay ăn gì trở thành câu hỏi khó. Bởi ăn sao cho khỏe, ăn sao cho ngon, ăn món này tốt hay không, có bảo vệ môi trường hay chưa… sẽ đè nặng lên suy nghĩ chúng ta mỗi ngày.
Phần 2: Mặt trái của công nghiệp hóa nông nghiệp
Hãy quay về thời kỳ đầu tiên của nông nghiệp, ở đó người nông dân chăn nuôi, trồng trọt bằng hai nguyên liệu chính: mặt trời và đất đai. Lúc này sản lượng chỉ vừa đủ phục vụ trong phạm vi nhỏ và theo đúng từng mùa.
Sau đó đến giai đoạn nông dân áp dụng công nghệ và máy móc vào nông nghiệp với mục đích: cho nhiều thực phẩm hơn. Với nhiều người đây chính là sự khai sáng văn minh, là điều tốt. Ví dụ nếu nuôi heo theo truyền thống thì thịt sẽ rất ít, nhưng bây giờ heo được nuôi tập trung, cho thịt nhiều và rẻ khủng khiếp? Hay ở thực vật, bây giờ không cần mùa nào mới có thức nấy nữa, bạn có thể ăn quanh năm với bất kỳ rau màu nào bạn muốn.
Vậy đó là điều tốt?
Câu trả lời là không. Việc ăn thịt nhiều và rẻ, ăn rau quanh năm không phải chờ mùa vụ khiến chúng ta phải trả giá bằng: ô nhiễm nước, không khí, hàm lượng hóa chất tiềm ẩn trong thực phẩm và ngoài ra còn giúp chúng ta bớt đạo đức đi khi đối xử tàn tệ với động vật.
Phần 3: Ở Mỹ, ngô là cây trồng quan trọng bậc nhất
Khi người châu Âu khám phá và xâm lược châu Mỹ ở thế kỷ XVI, họ đem ngô vào trồng. Và từ đó ngô trở thành cây trồng chính ở vùng đất này.
Sau đó, nhờ tiến bộ về công nghệ, ngô ngày càng được lai tạo ra giống mới, cho năng suất cao hơn nữa. Bằng chứng, vào năm 1920, nông dân sản xuất được 20 giạ ngô trên mỗi mẫu Anh; bây giờ là đã lên tới con số 180. Hậu quả, năm 2005, nông dân mất 2,5 USD để sản xuất ra một giạ ngô nhưng người mua chỉ mua ở mức 1,45 USD - do sản lượng dồi dào. Và lúc này chính phủ Mỹ vào cuộc bằng cách trợ cấp số tiền chênh lệch cho nông dân. Từ đây, vì sự tác động này hệ thống cung - cầu trở nên bất thường. Nông dân đơn giản là đưa vào thị trường một số lượng lớn ngô mà vẫn có lãi (toàn bộ là lãi giả) trên mỗi giạ ngô. Và trên thực tế, giá ngô tiếp tục giảm, nhưng nước Mỹ tiếp tục sản xuất nhiều ngô hơn.
Phần 4: Trang trại chăn nuôi tập trung ra đời khiến giá thịt rẻ hơn nhưng nguy hiểm hơn
Ngô không chỉ dùng làm thực phẩm, mà còn dùng để chăn nuôi động vật lấy thịt cho loài người. Ở đó, bò thay vì nhởn nhơ gặm cỏ sẽ được đưa vào trại và ăn ngô, biến ngô thành thịt và bị đối xử rất tàn tệ.
Ở trại chăn nuôi tập trung, động vật được nuôi nhốt không giống với bất cứ hoạt động nông nghiệp nào. Ở đó chỉ có lợi nhuận và lợi nhuận. Và động vật bị nhốt, làm mất đi bản năng vốn có. Hậu quả bắt đầu từ đây.
Theo tác giả Nào tối nay ăn gì, việ trại chăn nuôi tập trung ra đời có vẻ rất tốt đẹp. Vì bây giờ ai cũng có thể ăn thịt. Nhưng không hẳn như thế, thịt chăn nuôi tập trung vừa làm tổn hại đến phúc lợi động vật, vừa làm giảm tính bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe loài ăn tạp.
Và sự thật kinh hoàng như thế này: Ở trang trại tập trung, động vật bị nhồi nhét không thể đi lại và ăn ngô mỗi ngày. Nhưng chúng ta cần biết động vật như bò chưa tiến hóa để ăn ngô. Từ đó chúng phải trải qua đau đớn và phát sinh dịch bệnh. Và giải pháp của các trại tập trung là: Bơm kháng sinh! Hậu quả thì khá rõ, việc dùng thuốc kháng sinh quá liều để cứu những động vật nuôi tập trung sẽ giúp siêu vi khuẩn kháng kháng sinh hình thành. Và loại siêu vi khuẩn này sẽ giết chết loài ăn tạp chúng ta trong tích tắc!
Hơn thế, ở trại chăn nuôi tập trung còn hàng loạt điều tệ hại: Gây ô nhiễm nguồn nước bằng việc sử dụng hormone và kim loại nặng.
Phần 5: Thực phẩm hữu cơ - một câu chuyện còn dang dở
Ngày nay chúng ta đều biết thực phẩm hữu cơ sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Nhưng trên thực tế việc sản xuất thực phẩm hữu cơ như thế nào? Trong Nào tối nay ăn gì tác giả đã phơi bày một thực tế kinh hoàng: Hữu cơ chỉ là vỏ bọc hoàn hảo cho các công ty thực phẩm, và nó chỉ có trên hình ảnh bao bì quảng cáo.
Do nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng, con người có đủ mánh lưới để thu nhỏ khái niệm này. Ở Mỹ, Bộ Nông Nghiệp đã phát triển những chuẩn mực lỏng lẻo và nhờ đó mà những công ty thực phẩm lợi dụng điều này để lách luật để nhận lấy những loại giấy chứng nhận như “hữu cơ” hoặc “chăn thả động vật tự do”.
Cụ thể, chăn thả hữu cơ nuôi gà ở Mỹ là nhồi nhét 20.000 con gà trong một chuồng, và có một khoảng sân nhỏ trước chuồng để hợp pháp hóa. Thực tế này cho thấy khái niệm hữu cơ quá dễ dãi.
Theo Michael Pollan, cách tốt nhất để tối ưu việc sản xuất một cách bền vững là trồng cỏ thay vì ngô. Đồng thời con người cần sử dụng phương pháp chăn thả quản lý thâm canh (di chuyển động vật từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác để cỏ có thể phát triển đúng vòng đời). Phương pháp này ông đã trải nghiệm và thấy đem lại lợi ích cho 3 bên: cỏ có thể phát triển tốt, nuôi bò cho sức khỏe tốt và bò khỏe sẽ cho thịt chất lượng thực sự cho loài ăn tạp như chúng ta. Hơn thế, theo Michael Pollan việc chăn thả quản lý thâm canh cũng tốt cho môi trường hơn.
Phần 6: Các trang trại địa phương sẽ là giải pháp bền vững về đạo đức, kinh tế và môi trường
Nhìn tổng thể, Nào tối nay ăn gì đã cho chúng ta thấy rằng hệ thống sản xuất thực phẩm hiện tại đang đặt lợi nhuận lên trên đạo đức, môi trường và sức khỏe.
Vậy loài ăn tạp cần làm gì để bảo vệ chính mình lẫn môi trường và phúc lợi động vật? Theo Michael Pollan chúng ta nên mua thực phẩm từ các trang trại địa phương quy mô nhỏ thay vì từ các trang trại công nghiệp quy mô lớn. Vì các lý do sau:
Thứ nhất, mua thực phẩm tại địa phương sẽ giúp giảm nhiên liệu hóa thạch.
Thứ hai, mua thực phẩm địa phương sẽ giúp trang trại nhỏ và người nông dân có kế sinh nhai. Thay vì mua và làm giàu cho những ông chủ vốn rất giàu.
Thứ ba, các trang trại nhỏ không dùng hóa chất để chăn nuôi, trồng trọt. Việc tạo thực phẩm theo mùa sẽ rất tốt cho tự nhiên, môi trường và sức khỏe.
Cuối cùng, việc mua thực phẩm tại địa phương sẽ là lời giải đáp về mặt đạo đức. Bạn muốn những con gà thực sự được bới đất tìm thóc (sau đó giết thịt), hay những con gà nuôi nhốt tập trung không thể vỗ cánh (và cũng giết thịt)?
Nào tối nay ăn gì đã cho chúng ta thấy được mặt trái của những dây chuyền sản xuất thực phẩm công nghiệp hiện nay. Dù được quảng cáo mỹ miều, nhưng trên thực tế các thực phẩm được sản xuất đó đều gây hại rất nhiều mặt từ môi trường đến đạo đức và kể cả sức khỏe người dùng.