Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Thứ năm - 11/02/2021 13:01
Khi làm cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh thường thốt ra nhiều lời nói có thể gây tổn thương con trẻ. Ví dụ chê con không đẹp, nói với con rằng con vô ơn, hay bảo con tránh xa khi người lớn nói chuyện...
1. Trong nhà này chẳng có gì là của con
Khi con trẻ còn nhỏ tất nhiên việc kiếm ra tiền của chúng là hoàn toàn xa vời. Điều này các bậc làm cha mẹ cần biết để tránh nói với con rằng trong nhà này chẳng có gì là của con, qua đó phớt lờ ý kiến, cảm xúc và nhu cầu của trẻ.
Theo các chuyên gia, những đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ áp đặt từ cha mẹ không có gì trong nhà sẽ thường thiếu cảm giác an toàn. Từ đó dễ dẫn đến các bệnh trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng, thậm chỉ là tội lỗi, xấu hổ và lòng tự trọng bị tổn thương.
Khi trưởng thành, những đứa trẻ này sẽ nhanh chóng muốn kiếm tiền và dễ lâm vào tình trạng nghiện việc. Chúng sẽ chọn cách rời xa gia đình, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn để đánh đổi cảm giác của riêng. Và dần dà, những đứa trẻ có suy nghĩ rằng chỉ kiếm tiền mới mang lại niềm vui.
2. Người lớn nói chuyện, con nít biết gì
Có bao giờ chúng ta gặp phải tình trạng này, khi người lớn nói chuyện con cái ngồi lắng nghe chăm chú, thậm chí có ý kiến riêng. Và lúc đó chúng ta thốt ra kiểu “người lớn nói chuyện con nít biết gì mà nói”?
Đây là một sai lầm của các bậc làm cha mẹ. Với suy nghĩ con không thể trò chuyện nghiêm túc hay bày tỏ quan điểm cá nhân khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Cụ thể, khi bị gạt ra ngoài lề, những đứa trẻ tưởng “không biết gì” nhưng thực chất chúng cảm nhận được tất cả.
Và điều nguy hại, những cảm xúc đó sẽ bám theo con trẻ suốt nhiều năm. Khiến chúng khi lớn lên sẽ trở nên ngại ngùng về bày tỏ quan điểm của mình với người lớn hơn. Hoặc tiêu cực hơn, chúng sẽ trở nên tự tin, xem mình tầm thường, không có ai quan tâm. Và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của trẻ.
3. Con không được làm mất lòng phái đẹp
Đây là một lời khuyên đúng đắn vì mỗi đứa trẻ là phái mạnh cần chiều lòng phái yếu? Không hề, mà ngược lại cần phân tích rõ hai mặt lợi lẫn hại của câu nói này. Chúng ta cần biết rằng, dạy con bảo vệ phụ nữ, giúp đỡ phụ nữ là điều tốt. Nhưng mọi thứ cần có giới hạn. Hay nói cách khác phải tùy từng trường hợp cụ thể để “chiều lòng phái đẹp”.
Để làm được điều này chúng ta cần cho con trai mình biết rằng, không nên chỉ biết đứng nhìn khi các cô bạn gái trêu chọc. Thay vào đó cần dạy con biết cách từ chối, hoặc thẳng tay “bo xì” nếu đối phương đi quá giới hạn. Chính cách cư xử này sẽ giúp con trai bạn mạnh mẽ, tự tin và tử tế đúng nghĩa hơn.
4. Con đang làm hỏng tất cả mọi thứ
Khi thấy con làm một việc gì đó không thành công, cha mẹ thường gắt lên rằng: “con đang làm hỏng mọi thứ”! Và đây là một câu nói làm tổn thương con trẻ nhất.
Cha mẹ nên hiểu rằng, rất ít người có thể thành công khi bắt tay làm một việc gì đó lần đầu tiên. Việc mắc lỗi, nhất là với trẻ con là chuyện hết sức dễ hiểu. Vì thế, việc nói với con rằng đang làm hỏng mọi thứ là một sai lầm của cha mẹ. Xét cho cùng, việc con làm không đúng, làm hỏng là lỗi của chính cha mẹ, khi không dạy con mình đến nơi đến chốn.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc mỗi ngày nghe cha mẹ mắng câu nói đó sẽ khiến con trở nên tự ti, ngừng phấn đấu. Thậm chí những đứa trẻ sẽ có thêm những suy nghĩ tiêu cực hơn, ví dụ chúng nghĩ “cha mẹ mắng mình vì mình không đủ tốt”, “mình không xứng đáng được thương yêu”...
5. Con đang đòi hỏi quá nhiều đấy
“Con đang đòi hỏi quá nhiều” là câu mà nhiều bậc cha mẹ thường nói khi con cái xin một món đồ nào đó. Trên thực tế, cách nói này khiến trẻ rơi vào thất vọng. Đặc biệt khi trẻ có một kế hoạch nào đó và muốn bố mẹ “thưởng” bằng một món quà mà nhận lại “gáo nước lạnh” như trên quá là không tốt. Vì sau khi nghe, trẻ sẽ quên đi mong cầu của chính bản thân - vì chúng nghĩ, cái đó cha mẹ sẽ không đáp ứng.
Dần dà, theo thời gian nếu nghe đi nghe lại những câu nói tương tự, đứa trẻ sẽ ngừng hẳn việc ước mơ. Đây là một điều khá đau lòng, sẽ thế nào nếu con luôn nghĩ ước mơ là sai trái? Theo các chuyên gia tâm lý, con trẻ luôn đòi hỏi, vòi vĩnh. Lúc này cha mẹ cần lựa lời phân tích cho con nghe. Ví dụ, nếu không có tiền để thưởng hãy nói cho con biết, hãy đưa ra những lựa chọn về các món quà khác để bù đắp và khích lệ con cái mình.
Và nhớ, đừng bao giờ nói: “Vì cha mẹ quyết định như thế”!
Các bậc cha mẹ đã bao giờ thốt lên rằng “không bao giờ có chuyện đó đâu” với con cái mình chưa? Nếu đó thì cần ngừng ngay lại.
Vì việc phủ nhận sạch trơn những điều có thật trong quá khứ theo trí nhớ con cái sẽ khiến con bị bạo lực tâm lý. Bản thân cha mẹ thường tìm cách chối bỏ các sai lầm trong quá khứ, xem con trẻ không biết gì, nên luôn phủ nhận và khẳng định mọi câu chuyện đều do con tưởng tượng.
Chính cách chối bỏ này khiến trẻ nhỏ nghi ngờ về trí nhớ của chính mình. Về lâu dài, theo các chuyên gia tâm lý nó sẽ khiến trẻ mất khả năng tin vào bản thân và thế giới. Vì ngay cả cha mẹ cũng chối bỏ cơ mà?
7. Con lớn hơn em rồi!
Trên báo chí gần đầu tháng 11/2020 phản ánh nhiều câu chuyện trẻ em uống thuốc ngủ, thậm chí thuốc sâu vì nghĩ… cha mẹ thương em nhiều hơn mình. Đó là những câu chuyện có thật, đau lòng mà xuất phát điểm từ những lời nói kiểu “con lớn hơn em rồi, con phải nhường em” của cha mẹ.
Trong mắt nhiều phụ huynh, khi có thêm một đứa trẻ thì đứa lớn hơn sẽ mất quyền nũng nịu, làm con nít. Đây là một suy nghĩ sai lầm, và sự thiên vị tình thương (dù chỉ trong lời nói, mặc dù cha mẹ vẫn thương con cái như nhau) sẽ làm ảnh hưởng đến con cái rất nhiều.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc ép trẻ trường thành, độc lập sớm có thể mang đến nhiều thành tích, sự thích nghi. Nhưng cái giá của nó đi kèm không hề kém: một tuổi thơ mất mát, giận giữ, tổn thương. Và sau này sẽ là một trở ngại trong việc xây dựng gia đình riêng.
Hãy nhớ, với những đứa trẻ nhỏ, luôn sợ cha mẹ thương em hơn mình.
8. Con sẽ chẳng làm ra cơm ra cháo gì
Trẻ con thích khen hơn thích chê, và nếu bố mẹ lặp đi lặp lại lời chê, tỏ ra không tin tưởng con cái thì sẽ làm tổn thương lòng tự trọng. Sự việc này sẽ khiến những đứa trẻ đặt ra các câu hỏi “đến cha mẹ mà cũng không tin vào khả năng của mình thì ai tin mình đây?”
Thực tế, trên thế giới có rất nhiều đứa trẻ lớn lên với cảm giác “mình có điều gì đó không ổn”. Và khi trưởng thành, những đứa trẻ này phải vật lộn với nhiều phương pháp điều trị để vượt qua trở ngại này.
9. Con không đẹp lắm
Làm cha mẹ chúng ta ai cũng muốn con cái mình xinh đẹp. Nhưng trong mỗi đứa trẻ đều có những điểm chưa ổn. Đó có thể là mũi không được thẳng, mắt hơi lệch, tóc quá thưa… Và những khiếm khuyết này là điều rất bình thường, cha mẹ cần hiểu rõ điều đó.
Hơn thế, cha mẹ là chiếc gương để con cái mình nhìn vào. Nếu cha mẹ cứ chê nhan sắc con, liên tục đề cập điểm yếu của con cái mình thì trẻ sẽ tin như thế (cha mẹ nói thế mà). Điều này sẽ làm trẻ lớn lên trong sự tự ti, dè dặt.
Chúng ta không nhất thiết phải nói dối con cái về ngoại hình. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, hãy chọn điểm tốt để khen con hơn là tập trung vào khuyết điểm để chế. Hãy giúp con tự tin về bản thân mình, đó mới là điều cần thiết.
10. Cha mẹ vất vả vì con
Việc sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng lớn lên không bao giờ là dễ dàng. Chúng ta vất vả, và chấp nhận sự thật đó như một điều hiển nhiên. Có như thế chúng ta mới thôi nói với con kiểu “cha mẹ vất vả vì con…”
Vì câu nói trên sẽ vô tình làm trẻ cảm thấy mình trở thành gánh nặng của cha mẹ. Từ đó sinh ra áp lực, thậm chí những suy nghĩ nguy hiểm đối với trẻ.