Sứ mệnh của cây chết

Thứ tư - 19/05/2021 23:17
Khi trồng cây chúng ta thường muốn cây sống và thường tìm tất cả mọi cách để làm cây sống. Nhưng ít ai biết rằng cây chết trong vườn cũng có sứ mệnh của nó.
su menh cua cay chet min
Trong tự nhiên cây chết để tái sinh cây sống.

Trồng cây bằng tâm trí trọn vẹn

Khi trồng cây chúng ta thường muốn cây sống và thường tìm tất cả mọi cách để làm cây sống. Với quan điểm của rất nhiều người thì "trình" làm vườn của ai đó liên quan đến tỷ lệ sống khi trồng và chăm cây. Có nghĩa là nếu anh trồng cây mà cây chết thì đồng nghĩa với việc "trình" của anh ta yếu và cần học hỏi thêm.

Tôi cũng từng nghĩ vậy cho đến một lần đến Nam Mỹ có cơ hội gặp những người thổ dân ở rừng Amazon. Khi họ nói là "bạn chỉ cần trồng cây với một tâm trí trọn vẹn và chăm cây bằng tình yêu thương, sau đó việc cây sống hay chết hãy đừng là người quyết định". Lúc đó tôi nghe mà không thực sự hiểu lắm nên sau đó họ có nói rõ ràng hơn. Và đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy cụm từ "sứ mệnh của cây chết".

Với họ, không có sự phân biệt rõ ràng nào giữa cây sống và cây chết. Giống như con người, khi một cái cây nảy mầm là sẽ có một ngày nào đó nó chết. Khi sứ mệnh nó hoàn thành thì đồng thời sẽ xác lập thời điểm nó chết. Và cái chết đó là sự khởi đầu một sự sống mới.

Lang thang trong rừng mưa Amazon, tôi càng nhận ra một sự thật hiển nhiên trước mắt. Các cây chết héo khá nhiều, theo thời gian dưới tác động của gió, mưa, nắng các cây này sẽ đổ xuống và bắt đầu phân hủy và tạo tiền đề cho một sự tái sinh. Quá trình đó diễn ra liên tục và lặp lại nên khoảng cách giữa sống và chết trong một khu rừng thực ra nó rất mờ nhạt.

Khi chúng ta bắt đầu trồng cây ở một vùng đất mới, nhất là những vùng mà đất đã bị đầu độc và tàn phá. Nếu bạn thấy "9 cây chết đứng một cây gật gù' thì bạn đừng vội buồn nhé. Nó là khởi đầu cho một sự tái sinh đó. Bạn thử nhìn mà xem, đất cằn cỗi, nhiễm độc và cứng ngắc.

Những cái cây ban đầu nhiều khi chỉ mang một sứ mệnh là chết sớm. Cái cây đó chết đi sẽ tạo ra một lượng sinh khối đầu tiên trả lại cho đất. Chưa hết, trước khi chết, bộ rễ của cây đã gắng gượng hết sức để đâm xuyên vào lớp đất khô cứng, lùng tìm dinh dưỡng và nước ít ỏi trong đó. Bộ rễ đó sẽ làm việc cật lực cho đến những giây cuối cùng. Vì thế khi cây chết nó sẽ phân hủy rất nhanh. Các rễ cây phân hủy sẽ tạo thành một lượng mùn ở sâu trong đất, đồng thời tạo thành một hệ thống đường hầm để dẫn nước và không khí trong lòng đất. Và nếu chúng ta trồng một cây khác ngay cạnh một cây vừa chết thì tỷ lệ sống của cây mới là cao hơn. Cứ như vậy đất sẽ từ từ được thay đổi.

Vì vậy khi trồng cây bạn hãy trồng bằng toàn bộ khả năng của mình. Nếu sau đó có một vài cây chết thì bạn cũng đừng buồn nhé. Hãy kiên nhẫn và bắt đầu lại.

Khi đến thăm vườn của bạn bè, tôi thường mang theo một ít hạt giống hoặc cây con lấy từ vườn của tôi để làm quà tặng. Đôi khi bạn chủ vườn phản ứng rất nhanh "loại cây này không hợp với đất này đâu anh ạ". Tôi tò mò hỏi vì sao bạn biết cây này không phù hợp với đất này thì câu trả lời là "ngày đầu về đây em mua 50 cây về trồng thì nó chết gần hết". Vấn đề là ở chỗ đó các bạn ạ. Nếu bạn trồng loại cây nào đó mà nó chết thì cũng không nên quy ngay là nó không phù hợp. Tôi thường sẽ trồng lại khoảng 5, 6 lần. Nếu đến lần thứ 6 mà cây vẫn chết thì khi đó tôi sẽ tạm hài lòng với kết luận "cây không phù hợp". Cũng chính vì thế mà tôi thấy có rất nhiều loại cây vẫn sống ầm ầm ở nhiều khu vườn mà trước đó nó đã bị quy là "không hợp đất".
trong vuon min
Nếu quan sát sẽ thấy cây sống và cây chết luôn có trong mỗi khu vườn, không tách biệt nhau.

Có nên chữa trị cho cây?

Khi bạn ra vườn và bắt đầu nhận ra cái cây nào đó đang có dấu hiệu khô héo hoặc bị bệnh. Thường là đa số các bạn sẽ tìm mọi cách để "cứu" + "chữa" cho cây.

Bạn có thể điên cuồng tưới nước, có thể mang tất cả phân ra bón cho cây đó, thậm chí bạn có thể chạy đi mua thuốc để bón hoặc truyền dịch vào cây. Chúng ta thường làm vậy y như làm với một con người. Nghĩa là "còn nước còn tát" mà không cần biết sự sống cố níu kéo sau đó có tác dụng gì hay không? Đa số nỗ lực của các bạn sẽ thất bại. Dù bạn có tưới thêm bao nước, bón bao nhiêu phân thuốc thì cây vẫn chết. Một số cây gắng gượng sống được thì nó cũng lay lắt một cách tội nghiệp, nếu nó có ra quả tiếp tục thì quả của nó cũng không còn ăn được.

Nhìn vào đó, chúng ta có thể hiểu sự chết là sự lựa chọn và chọn lọc của mẹ thiên nhiên. Sự lựa chọn và chọn lọc đó có thể tạo ra những đặc tính phù hợp nhất cho cái cây ở môi trường mới. Nếu có dịp đi nhiều nơi bạn sẽ thấy cùng một loại cây nhưng ở những môi trường khác nhau sẽ phát triển khác nhau.

Cây giáng hương chẳng hạn, bình thường cây sẽ vươn cao và thẳng, thân nhỏ. Nhưng nếu bạn trồng giáng hương ở những nơi gió rất mạnh thì những cây cao và thân nhỏ đó sẽ bị gió thổi ngã rất nhanh, cuối cùng chỉ còn lại những cây giáng hương thân to và thấp hơn. Nếu trồng giáng hương ở những vùng thường xuyên ngập nước thì các cây này có tán rất rộng và nhiều lá, có lẽ là để thoát bớt hơi nước.

Vì vậy hãy vui vẻ với sự chọn lọc này và hãy nhìn sự sót lại và hình dạng mới của cây với một trạng thái tò mò và ngưỡng vọng.

Nếu bạn trồng cây mà không biết tên của cây đó thì cũng không có vấn đề gì lắm. Tên của một loài cây chỉ có tính tương đối vì suy cho cùng cây lim xanh ở Quảng Nam nó rất khác với cây lim xanh ở Lâm Đồng.

Vì vậy các bạn nên suy nghĩ kỹ khi thấy một cái cây sắp chết để khỏi nhọc lòng, tốn công vô ích nhé. Bởi suy cho cùng "cây chết cũng có sứ mệnh của nó".


Xem thêm: Kinh nghiệm làm vườn "xới đất chỉ là bất đắc dĩ"
 

Tác giả bài viết: HOANG ĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây