Hướng dẫn cách làm bếp củi không khói khi về vườn sống

Thứ hai - 24/10/2022 02:54

Bạn chuyển từ phố về quê? Bạn muốn làm một căn bếp củi ấm cúng trong gia đình nhỏ của mình? Hãy tham khảo hướng dẫn cách làm bếp củi không khói chi tiết từ anh Hoang ĐN - một người từ phố về quê với rất nhiều kinh nghiệm quý báu sau nhé!

bep cui khong khoi
Bếp củi không khói của tác giả Hoang ĐN.

 

1. Khi nào nên bắt tay làm bếp củi?


Ở vườn có khá nhiều việc cần ưu tiên hơn. Làm bếp củi thì cần chậm, tỉ mỉ và thư thái vì vậy không nên làm ngay khi vừa về vườn. Mặt khác sau hơn 1 năm ở vườn, mình có thể biết chắc chắn vị trí đặt bếp ở đâu thì phù hợp.

Mình có cơ hội đi nhiều vùng miền trong nước và nhiều nước trên thế giới nên được tiếp cận với khá nhiều mẫu bếp củi và học được một vài ưu điểm, nhược điểm của các mẫu bếp. Thực ra, không có bếp nào hoàn hảo bởi nó phụ thuộc vào điều kiện và mục đích sử dụng của từng người vì bếp thường gắn liền với người dùng. 

Lần trước mình có viết bài để phân biệt 4 loại bếp củi. Lần này làm bếp, mình kết hợp làm loại số 2 và 3 bằng vật liệu có sẵn, tận dụng trong vườn. Có 2 buồng đun chính loại số 2, một buồng đun chính là loại số 3. Mỗi ngăn đun chính đi kèm với một ngăn hâm nóng để tiết kiệm nhiệt và tăng hiệu quả, giảm thời gian đun nấu. Mẫu bếp lần này mình làm dựa cơ bản theo mẫu bếp của các bạn Italy, tất nhiên mình có thay đổi vài cái để tăng hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của vườn.

Lần này làm bếp không có sếp ở nhà nên không có người quay lại các công đoạn làm. Vì vậy mình sẽ ghi một số lưu ý chính để bạn nào muốn tự làm bếp có thể tham khảo.

 

2. Hướng dẫn cách làm bếp củi không khói chi tiết


Dưới đây là hướng dẫn cách làm bếp củi không khói chi tiết từ thực tế của anh Hoang ĐN:
 

2.1. Kết hợp loại bếp củi 2 và 3


Loại 2 thường dùng để đun nấu hàng ngày. Nó sử dụng được nhiều kích cỡ xoong nồi.

 
bep cui 1

Loại 3 tối ưu hơn loại 2 ở thời gian đun. Xoong được đun cả từ đáy và bên hông nên thời gian đun sẽ rất nhanh. Nhược điểm của loại 3 là chỉ dùng được một kích cỡ xoong. Mình làm loại 3 cho cỡ xoong to dùng khi cần đun bánh chưng, bánh tét, đun nước tắm, nấu cao ... mình chỉ vẽ sơ đồ bếp chứ không ghi kích cỡ vì kích cỡ phụ thuộc vào người dùng. Nó phụ thuộc vào cỡ xoong nồi và mục đích của bếp. Mỗi người sẽ thiết kế khác nhau.
 

bep cui 2

 

2.2. Cách làm cửa đút củi của bếp không khói


Cửa đút củi giữ vai trò quan trọng trong việc tăng hiệu quả của bếp. Thiết kế đúng phần cửa đút củi sẽ giúp vận hành bếp dễ dàng và giảm tối đa khói ra ngoài. Bạn nên làm cửa đút củi như hình A thay vì hình B.

  • Nên làm cửa đút củi dài tầm 25cm đến 30 cm. Cửa đút củi quá ngắn là nguyên nhân cho khói bay ngược ra ngoài. Mặt khác cửa đút củi quá ngắn sẽ gây khó khăn trong lúc sử dụng nếu thanh củi cho vào hơi dài.

  • Mặt trên của cửa đút củi nên làm chếch một góc khoảng 5 độ tới 10 độ thay vì làm bằng như hình B. Điều này gần như giảm hoàn toàn khói bay ra ngoài.

Bạn cũng không nên làm cửa đút củi quá hẹp. Nếu làm hẹp quá thì sẽ khó khăn cho người sử dụng nếu thanh củi to.
 

bep cui 3

 

 

2.3. Cách làm buồng đun chính


Buồng đun chính: Thường thì chúng ta hay làm theo hình B nhưng nếu có thể bạn hãy đắp buồng đun như hình A. Lòng bếp nên đắp hình cầu thay vì đắp hình trụ tròn. Việc đắp hình cầu đòi hỏi chút khéo léo nhưng nó xứng đáng vì sẽ tăng hiệu quả cho bếp, giúp tiết kiệm củi và đốt cháy khói nhiều lần.

Việc để lòng bếp hình cầu cũng giúp tro nóng luôn có xu hướng tập trung vào giữa bếp, đảm bảo ngọn lửa luôn tập trung mạnh nhất ở phần giữa xoong. Việc làm lòng bếp hình cầu cũng giúp cho việc lấy tro bếp ra ngoài sạch và nhanh chóng hơn.

 

bep cui 4

 

2.4. Cách xử lý ống khói chi tiết


Vì một số lý do mà một số bếp thiết kế đường ra của khói và đường vào của củi theo phương vuông góc với nhau như hình B. Để tận dụng tối đa hiệu suất của bếp thì bạn nên thiết kế như hình A, nghĩa là đường vào củi và đường ra khói đối xứng nhau. Điều này sẽ giúp oxy đi đều trong buồng đốt giúp củi cháy đều. Nếu thiết kế như hình B thì phần có dấu “?” thường thiếu oxy dẫn tới củi ở phần đó khó cháy hơn, nhiệt phần đó cũng kém hơn các phần khác.
 

bep cui 5


Vì khói và nhiệt luôn có xu hướng đi từ thấp lên cao nên khi thiết kế bạn cũng nên thiết kế cho nó có xu hướng chếch lên trên. Độ dài đường nối giữa buồng đốt chính và buồng hâm cũng không nên dài hơn 10 cm để đảm bảo tận dụng nhiệt tốt và dễ dàng vệ sinh muội than.
 

bep cui 6


Ống khói: Ống khói nên làm rộng để đảm bảo khói ra không bị nghẽn. Nhiều bếp thiết kế ống khói quá nhỏ, khói thoát không kịp nên dễ làm tắt bếp hoặc đẩy khói quay ngược trở lại. Ống khói cũng nên làm cao vượt mái nhà để đảm bảo khói được phân tán. Ống khói nên có cửa ở phần đáy để lấy muội than ra. Cửa này có thể tận dụng để cho đồ nướng vào.
 

bep cui 7

 

 

2.5. Hoàn thành bếp củi không khói

 
bep cui khong co khoi
Tác giả và bếp củi không khói sau khi hoàn thành.

 

 

3. Một vài lưu ý trong hướng dẫn cách làm bếp củi không khói tại nhà

Trong hướng dẫn cách làm bếp củi không khói tác giả Hoàng ĐN cũng lưu ý bạn đọc một số điều như sau:

1. Làm xong bếp thì bạn nhớ đừng dùng ngay

Dùng ngay là bếp sẽ bị nứt. Hãy kiên nhẫn chờ 1,2 tuần cho bếp thật khô. Khi bếp khô hãy cho trấu vào và hun nguyên một ngày. Mục đích là để bếp nóng từ từ và đều. Đây là bước rất quan trọng trước khi dùng bếp chính thức.

 

lam bep cui


2. Học kỹ năng dùng bếp

Bếp có hiệu quả hay không thực ra phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng của người dùng. Một cái bếp dù rất hoàn hảo nhưng người dùng thiếu kỹ năng thì vẫn khó dùng và thậm chí khói mù. Ngược lại, bếp có nhiều nhược điểm nhưng người dùng khéo léo thì vẫn rất ổn. Để có những kỹ năng này, bạn cần phải trao đổi học hỏi, nhiều lúc phải tự rút kinh nghiệm để việc sử dụng bếp ngày càng hiệu quả hơn.

Nếu khi đun mà bạn không để xoong nồi vào buồng đun chính hoặc buồng hâm nóng thì tất nhiên là khói sẽ theo đó ra ngoài. Vì vậy hãy luôn đảm bảo chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng trước khi đốt bếp.

Tiết kiệm củi: kỹ năng này trông thì dễ nhưng không phải ai cũng nắm bắt được. Mình thấy rất nhiều bạn mặc dù đã dùng bếp củi nhiều năm nhưng cũng chưa biết cách tiết kiệm củi khi đun.

Lỗi đầu tiên của việc lãng phí củi là việc bếp cháy rồi mà chưa có gì đặt lên bếp. Nhiều bạn có thói quen là nhóm bếp xong mới chuẩn bị xoong nồi đặt lên bếp. Việc này vừa gây khói vừa lãng phí nhiệt. Hãy đảm bảo chuẩn bị xong hết rồi hãy nhóm bếp.

Không tính toán thứ tự đun. Một cách tương đối thì phần bếp đun chính sẽ nóng hơn phần hâm, nhiệt của bếp khi bắt đầu đun sẽ yếu hơn khi bếp đã cháy ổn định. Nhiệt của bếp khi lửa tàn cũng yếu hơn lúc bếp ổn định. Vì vậy bạn cần suy nghĩ đun nồi nào trước, đun nồi nào sau, khi nào bỏ bên đun, khi nào bỏ bên hâm. Nó không hề có công thức chung nào cho việc này nhưng nếu bạn để tâm và thấu đạt thì bạn sẽ thấy nó rất thú vị và đầy nghệ thuật. Chỉ cần thay đổi một chút thì có khi bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều củi. Nếu xem việc sử dụng bếp là nghệ thuật thì bạn sẽ nâng tầm người dùng bếp củi thành một nghệ sĩ. Vì vậy, hãy luôn quan sát và rút kinh nghiệm, từ từ bạn sẽ tìm được sự hợp lý tương đối khi dùng bếp củi.

Hy vọng rằng với hướng dẫn cách làm bếp củi không khói chi tiết ở trên từ anh Hoàng ĐN sẽ giúp bạn đọc tự làm nên căn bếp ấm cũng cho gia đình nhỏ của mình nhé. Mọi chi tiết xin liên hệ qua email nhaladeve@gmail.com! Trân trọng!


 

Tác giả bài viết: HOÀNG ĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 45 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây