Câu chuyện về gã ngốc Kimura
Akinori Kimura là một người nông dân trồng táo ở Nhật Bản. Thế nhưng câu chuyện của cuốn sách Quả táo thần kỳ của Kimura người ta thấy ông không chỉ là một người nông dân thuần túy. Hơn thế cuộc đời ông như một triết gia, sống và làm việc, trăn trở và nghĩ suy và để lại cho tất cả chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm.
Kimura là một người nông dân bình thường. Ông lớn lên rồi lấy vợ và tiếp quản nông trại trồng táo của gia đình. Nhưng như một chữ "duyên", người vợ bị dị ứng với thuốc trừ sâu khiến ông nghĩ phải bỏ hẳn thứ độc dược này. Sau đó, duyên đưa ông đến với cuốn sách "Tự nhiên nông pháp" của cụ Masanobu Fukuoka và ông quyết tâm trồng vườn táo của mình mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Và giống như câu chuyện cuộc đời cụ Masanobu Fukuoka. Kimura đi ngược lại cách trồng táo của cộng đồng. Và không chỉ bị xem là một gã ngốc, nhiều người còn xem ông là gã có vấn đề về thần kinh. Ở quê ông thời điểm đó, không dùng thuốc trừ sâu cho cây táo là một tai họa lớn.
Và họ đúng! Việc Kimura không dùng thuốc trừ sâu đã khiến cuộc đời ông đi vào ngõ cụt. Quả táo thần kỳ của Kimura đâu chưa thấy, chỉ thấy cuộc đời ông, gia đình ông "khổ hết nước". Trong cuốn sách ông đã kể lại những chi tiết mà người đọc thấy xót xa: ông phải lên thành thị làm công, con cái ông ăn không đủ no, ông bị người dân xung quanh ghẻ lạnh, người thân xem ông là kẻ "phá gia chi tử"...
Sáu năm trôi qua, khu vườn vẫn thảm hại. Gia đình ông ngày càng khó khăn, và đỉnh điểm vì không chịu nổi áp lực, ý chí cạn kiệt, Kimura quyết định tìm đến cái chết. Đó là vào một đêm trăng sáng, ông mang theo sợi dây thừng lên núi Iwaki để tự vẫn. Nhưng khi quăng sợi dây lên buộc, dây văng ra xa. Trong khi tìm sợi dây để buộc lại,Kimura tìm thấy một thứ khác: Một cây dẻ dại xanh tốt và vươn mình mạnh mẽ!
Cây dẻ dại đã cứu ông! Cây dẻ dại đã cho ông hy vọng: Ở trên núi cây dẻ không có thuốc trừ sâu, không phân bón, không nhổ cỏ, cứ tự nhiên mà mọc thế mà nó cứ sum suê, xanh tốt. Và bí mật về quả táo thần kỳ của Kimura dần hé lộ.
Nhìn thấy cây dẻ dại, Kimura tỉnh lại. Ông lấy tay đào xuống lớp đất tơi xốp, ông đưa lên ngửi, thậm chí ôm nếm cả đất. Và ông nhận ra chính cách làm thuận tự nhiên đã giúp cây dẻ phát triển mạnh mẽ: Lớp đất mềm nhờ cỏ, và đất tơi xốp mà không cần bón phân này giúp cây phát triển mạnh, rễ ăn sâu xuống lòng đất, khỏe mạnh hơn bất kỳ cây do con người trồng nào!
Ông xuống núi! Ông về vườn táo của mình và bắt đầu lại từ đầu: Ngưng bón phân hữu cơ, ngưng làm cỏ. Ngoài ra ông còn trồng thêm đậu tương để giúp phát triển hệ vi sinh vật trong đất (vốn bị tiêu diệt do trước khi phun thuốc trừ sâu).
Sau một thời gian, vườn táo của Kimura trở thành nơi sống của hàng loạt côn trùng: sâu, bướm, ong, chuột... Đó cũng là thời điểm mà ông biết khu vườn đã sống lại. Sang năm thứ hai, lá từng cây táo ra nhiều và cứng cáp hơn, rồi một năm sâu cây táo của Kimura đã phát triển dài thêm chừng 10 cm. Rồi nếu một cây táo bình thường, bộ rễ cũng chỉ sâu 2 - 3 m, thì rễ cây táo của Kimura có thể sâu đến 20 m. Nhờ rễ sâu, cành và lá của cây táo rất chắc. Mùa bão, các vườn táo khác bị rơi quả thì riêng quả táo của Kimura vẫn nguyên trên cành (xem thêm video).
Nhưng điều mừng nhất với Kimura lúc này: Ở lối vào vườn, một cây táo đã nở hoa. Chỉ một cây trong số 400 cây táo (lúc ban đầu khu vườn có 800 cây táo) nở 7 bông hoa và cuối cùng chỉ có 2 hoa đậu trái. Và 2 trái táo thần kỳ của Kimura lúc này ngon đến mức kinh ngạc!
Năm thứ 9 những hoa táo nở trắng vườn. Và sau đó cả gia đình Kimura có những mùa bội thu. Dù công đoạn ông đi quảng bá táo còn khá nhiều khó khăn, vì táo sạch của ông không đẹp như táo phun hóa chất. Nhưng dần dà, chỉ cần một người biết, rồi hai người và nhân lên, quả táo của Kimura trở nên nổi tiếng đến nỗi muốn mua cũng khó. Thậm chí một nhà hàng ở Tokyo chỉ bán một món duy nhất là “Súp táo Kimura” mà muốn ăn khách phải đặt trước ít nhất nửa năm. Những quả táo của Kimura ngon đến mức người Nhật Bản đều muốn thưởng thức một lần trong đời là mãn nguyện.
>>>Xem thêm: Nào tối nay ăn gì - những bất ngờ choáng váng về thực phẩm
Kimura cả đời chỉ làm một việc, đó là trồng táo. Điều mà trong sách ông bảo rằng hãy thử ngốc một lần trong đời (nhưng thật ra ông "ngốc" cả đời bên cây táo). Với ông có hai điều mà thiên hạ thời đó đến bây giờ vẫn xem là "dại": (1) Trồng táo mà không thuốc, không phân, không diệt cỏ; (2) Luôn mang ơn cây táo, luôn tâm sự, cảm ơn và xin lỗi cây táo.
“Tôi là dựa vào trồng táo mà sống, tôi sở dĩ khốn cùng như vậy là vì tôi đã để táo thống khổ, là tôi đã ức hiếp những cây táo này”. Vì vậy, Kimura thường xuyên trò chuyện với cây táo: “Khiến các ngươi vất vả như vậy, ta thật sự xin lỗi. Cho dù không nở hoa cũng không vấn đề gì, không kết quả cũng không sao cả, nhưng các người ngàn vạn lần đừng chết nhé!”.
Những mùa đầu cây táo không ra quả, ông luôn nhận lỗi về mình. Từ đó đến nay không biết Kimura đã xin lỗi cây táo biết bao nhiêu lần. Điều mà chúng ta dường như thấy "có gì đó sai sai", ai lại đi trò chuyện, xin lỗi, khích lệ cây cối bao giờ! Nhưng đừng vội cười Kimura, chính những lời tâm sự với cây đó đã giúp ông làm nên những quả táo thần kỳ đích thực.
Vậy bí quyết trồng nên những quả táo thần kỳ của Kimura là gì? Có lẽ bí quyết nằm ở việc ông xem cây táo như một sinh mệnh. Cây táo không còn là cây mà là con cái, bằng hữu, người thần của ông. Chính vì thế năm đầu tiên cây táo ra hoa, ông mang rượu đến đối ẩm với cây táo. Rồi ông tự giễu: “Có thể vì tôi quá ngu ngốc, cây táo cũng không chịu nổi, đành kết quả rồi. Quả táo là nhân vật chính, tôi chỉ là trợ giúp nó lớn lên, vì con người dẫu cố gắng thế nào cũng không cách nào chỉ dựa vào bản thân mà khiến quả táo ra hoa kết quả”.
“Không có bất kỳ sinh mệnh nào là cô lập”, Kimura nói, “Cây táo không thể, con người cũng không thể” - đó là cách làm vườn của ông. Theo đó hãy để mọi thứ tự nhiên, và cây táo chỉ khỏe mạnh khi chính nó tự chống chọi.
"Hãy ít nhất trở nên ngốc một lần trong đời", lời khuyên này của Kimura không chỉ dừng lại ở việc trồng táo. Mà trong mọi việc hãy làm thật tốt, thật tử tế, thật đam mê rồi sẽ có ngày nhận được những quả táo thần kỳ như Kimura đã làm.
Tác giả bài viết: Farmer
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024