Dạy con đúng cách và 4 điều cha mẹ cần nhớ

Thứ ba - 02/02/2021 13:01
Dạy con đúng cách luôn là một trong những điều gây tranh cãi nhất trên các diễn đàn. Lý do ở khái niệm “đúng cách” mỗi ông bố bà mẹ luôn có một quan điểm khác nhau. Hơn thế do điều kiện sống, nơi sống lẫn tính cách của từng đứa trẻ mà cách dạy con cũng khá khác nhau, khó lòng đồng nhất được.
Tuy nhiên đứng ở khía cạnh tâm lý học, khái niệm dạy con đúng và đủ gồm 4 điều sau.
 
dạy con đúng cách
Việc dạy dỗ con cần biết cách để trẻ cảm thấy vui, hạnh phúc.

Dạy con đúng cách là không ép trẻ phải dũng cảm

Ép trẻ phải dũng cảm là điều thường thấy ở nhiều phụ huynh, đặc biệt với phụ huynh có con trai. Điều này càng trở nên nặng nề hơn ở Á Đông khi tâm lý “con trai là phái mạnh, phải dũng cảm” đè nặng lên đôi vai những đứa trẻ nhỏ.

Có một câu chuyện được chia sẻ nhiều trên diễn đàn làm cha mẹ ở Trung Quốc. Ở đó một bà mẹ chia sẻ câu chuyện của mình rằng: “Con trai tôi 6 tuổi và rất sợ ốc sên. Mỗi lần bắt gặp một con ốc sên nào đó là cậu bé rất sợ hãi, đến độ không dám nhúc nhích. Nhiều lần chứng kiến cảnh con trai mình sợ hãi như thế tôi không quát mắng, hay bắt trẻ phải dũng cảm. Ngược lại tôi giải thích cho con trai mình biết rằng con ốc sên đó đang đi dạo như mẹ con mình, và chỉ cần mình đừng quấy rầy chúng là được”.

Theo người mẹ này, điều cốt yếu là không được bắt trẻ em phải tỏ ra dũng cảm. Nhất là với những đứa trẻ dưới 8 tuổi. Vì trẻ em sợ là điều luôn thường trực, như chính người lớn chúng ta, vẫn có một nỗi sợ nào đó.

Người phụ huynh này kể tiếp: “Trên đường dẫn con đi dạo, tôi hỏi con trai mình con có biết mẹ sợ nhất con vật gì không?”. Con trai tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Mẹ cũng sợ à”, rồi sau đó đoán đủ loại con vật từ hổ, đến sư tử, cá sấu.... Nhưng khi tôi trả lời rằng mẹ sợ nhất con ếch thì cậu bé cười và bảo con không sợ. Bằng cách đó tôi đã cho con trai tôi hiểu rằng trên đời này ai cũng có một nỗi lo sợ riêng, người lớn hay trẻ em cũng đều có. Và nỗi sợ một con vật hoặc một điều gì đó là điều hết sức bình thường, không nên xấu hổ. 

Sau đó vài tháng, người con trai đã về khoe rằng cậu bé đã chạm tay vào con ốc sên và hết sợ nó!

Qua câu chuyện của người mẹ trên, chúng ta nhận thấy một điều rằng: Mọi đứa trẻ sinh ra đều không dũng cảm. Dù giới tính là gì thì những đứa trẻ vẫn là… trẻ em, và chúng được quyền sợ hãi. Điều này giống chính chúng ta hồi còn nhỏ (thậm chí đến bây giờ) vậy thôi!

Từ đó, việc dạy con đúng cách là không nên ép trẻ phải tỏ ra mạnh mẽ. Thay vào đó hãy chấp nhận điều con đang sợ, sau đó tìm cách giải thích để con vượt qua. Theo các chuyên gia tâm lý, cho phép con sợ chính là đang tôn trọng cảm xúc của trẻ. Đừng ép con dũng cảm sẽ khiến con cảm thấy mình vô dụng - điều tồi tệ gấp trăm ngàn lần.
dạy dỗ con cái
Không nên ép con cái mình phải tỏ ra dũng cảm.

Không so sánh con với người khác - một bí quyết dạy con đúng cách

“Con nhà người ta” là một trong những ác mộng của nhiều đứa trẻ. Việc nhiều bậc phụ huynh hay so sánh con mình với con nhà người khác mặc dù xuất phát từ mục đích tốt (muốn con vươn lên). Nhưng điều đó mang đến nhiều tiêu cực hơn tích cực. Theo số liệu thống kê tại Trung Quốc, câu nói “hãy nhìn con nhà người ta kìa” là câu nói đứng đầu trong top 5 câu mà trẻ vị thành niên ghét nhất. 

Các bậc phụ huynh nên biết rằng, bất kỳ đứa trẻ nào cũng mong nhận được nhiều đánh giá tích cực của cha mẹ. Trong sâu thẳm suy nghĩ của những đứa trẻ, chỉ cần được cha mẹ đồng tình, ủng hộ thôi là đủ. Và điều này thường kéo dài đến khi trẻ trưởng thành.

Việc dạy con bằng cách so sánh khuyết điểm của con với ưu điểm người khác sẽ khiến trẻ mất tự tin. Và nếu kéo dài thường xuyên trẻ sẽ tự ti, cảm thấy vô dụng, và không dám bộc lộ tài năng của chính mình. Cha mẹ cần nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và có khả năng riêng. Việc so sánh với người khác về cơ bản là sai lầm ngay từ đầu. 
nguyên tắc dạy dỗ con cái
Đừng đem khuyết điểm con mình so sánh với con nhà người ta.

Dạy con đúng là cho phép con cãi lại

Với nhiều bậc phụ huynh việc con cái cãi lại cha mẹ là sai, nhưng cũng có nhiều người cho rằng đây là việc cần làm trong công thức dạy con đúng cách.

Trong một câu chuyện khác được chia sẻ trên báo chí, một phụ huynh nói lên câu chuyện của chính mình rằng: Tôi luôn nổi cáu mỗi khi dạy con học bài, và cứ mỗi lần bắt đầu buổi làm bài tập với con là tâm trạng rất tồi tệ. Một lần tôi nói với con: “Sớm muộn gì mẹ cũng phải nhập viện vì con mất thôi”. Lúc này đứa con của tôi “bật” lại: “Vậy sớm muộn gì con cũng bị mẹ làm cho sợ chết khiếp. Mẹ không bao giờ kiên nhẫn, nói nhẹ nhàng hơn được sao?”. Nghe câu nói đó tôi chỉ biết nén cười!

Câu chuyện ngắn trên nếu đặt vào một số gia đình sẽ bị liệt vào danh sách “con hư” vì cãi tay đôi với cha mẹ. Nhưng với người phụ huynh đó, trong phạm vi đó, đứa con đang biết cách phản biện và tín hiệu cãi lại cha mẹ lúc này là một điều tốt.

Theo các chuyên gia, những đứa trẻ biết cãi là những đứa trẻ có khả năng logic và tính quyết đoán cao. Khi trưởng thành, những đứa trẻ biết cãi thường an toàn và thành công hơn, do chúng can đảm nói lên suy nghĩ, ý kiến của chính mình.

Tuy nhiên ranh giới cãi và cãi tay đôi khá mỏng manh. Để tránh trường hợp con cái cãi lộn không phép tắc hay mất lịch sự cha mẹ cần cho con biết rằng: Hãy cãi lại một cái nhỏ nhẹ, hợp lý, không lộn xộn, có thưa gửi đàng hoàng.
day con dung
Hãy cho trẻ niềm vui và sự ấm áp khi ở bên cạnh cha mẹ.

Hãy cho trẻ được phép tức giận

Ai rồi cũng có lúc nổi cơn thịnh nộ, đó là cảm xúc và điều rất bình thường. Lúc chúng ta bất bình, tức giận cũng là lúc chúng ta cần tình thương yêu nhiều nhất. Và những đứa trẻ (đặc biệt trẻ dưới 8 tuổi) cũng có nhiều lúc tức giận khi không thỏa mãn điều gì đó. Lúc này việc của cha mẹ là ngưng dùng đòn roi hay lời mắng để bắt trẻ dập tắt cơn giận!

Theo các chuyên gia, giận giữ không hẳn là điều xấu, mà là một cách giao tiếp bằng cảm xúc. Khi đứa trẻ bày tỏ sự giận dữ cảm xúc của đứa trẻ đó sẽ được giải tỏa, điều này mang đến lợi ích về tinh thần lẫn thể chất. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, bắt đầu từ 2 tuổi trẻ thông thường sẽ giận dữ nhiều, và nếu bắt trẻ không giận tức là đang giết chết bản chất thật của trẻ. Mặt khác, nhiều đứa trẻ bắt chước sự giận giữ của người lớn. Vì thế thay vì ép con trưởng thành, nhịn cơn giận hãy cho con tình thương. Bởi một đứa trẻ không dám khóc, không dám tức giận là một đứa trẻ bất hạnh.

Để giải quyết những bất lực của nhiều phụ huynh trước cơn giận của trẻ, các chuyên gia đưa ra một lời khuyên. Rằng, khi trẻ giận dữ, không chịu làm một điều gì đó (ví dụ đánh răng…) hãy đề nghị bằng việc đưa ra một phần thưởng tinh thần. Ví dụ: Sau khi con đánh răng xong mẹ sẽ kể một câu chuyện hay cho con nhé?

Dạy con đúng cách còn khá nhiều điều để bàn luận thêm. Ở trên chỉ là 4 điều nổi bật và thường gặp hơn cả mà những người bắt đầu bước vào cuộc sống gia đình riêng cần nắm bắt. Hãy luôn nhớ rằng đừng ép buộc con, đừng đặt ra mục tiêu “con ngoan” theo tiêu chí của bản thân mình để rồi con cái phải trả những cái giá rất đắt ở tương lai.

Tác giả bài viết: Farmer

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây