Về Quê - Nhà là nơi để vềhttps://veque.com.vn/uploads/logo-copy_500_208.png
Thứ bảy - 17/07/2021 10:40
Tác giả Trương Nam Thuận đưa ra 5 điều đáng suy nghĩ khi bàn tới trào lưu bỏ phố về rừng. Những suy nghĩ này đáng được xem xét với những ai đã rời phố và những ai mong muốn rời phố.
Bỏ phố về rừng cần suy nghĩ chín chắn
Chủ đề "bỏ phố về rừng" là một chủ đề có sức hấp dẫn, sớm hay muộn cũng sẽ trở thành xu hướng thật sự trong vấn đề phát triển nông thôn - đô thị ở tương lai.
Tuy được manh nha cách đây vài năm, nhưng chỉ ở dạng phong trào và tự phát, bởi nó thể hiện nhiều cảm xúc của một số cộng đồng hơn là sự suy nghĩ chín chắn về một giải pháp cho cuộc sống gắn liền với đô thị.
Đa phần, chúng ta có khuynh hướng hơi cực đoan trong giai đoạn sơ khai của quá trình này, đùng một phát là bỏ ngay phố, về luôn rừng mà chưa có sự suy nghĩ kỹ lưỡng về lâu dài. Thật ra, ở Việt Nam, khoảng cách giữa thành phố - nông thôn và các vùng rừng không quá xa, chỉ cái chục - trăm km, nên việc di chuyển không quá khó khăn.
Vì thế, ở khoảng cách như vậy, thì thành phố và các vùng miền quê chỉ là giải pháp "bổ sung" cho nhau, chứ không thể thay thế hoàn toàn cho nhau được. Các vùng thôn quê, nông nghiệp chỉ được xem là các giải pháp bổ khuyết cho lối sống của đô thị. Sự biến chuyển thật sự diễn ra khi vùng miền quê - thành thị có sự tương đồng nhất định về điều kiện hạ tầng tối thiểu. Hiện nay, chúng ta chưa có được điều đó.
Cần thời gian chuyển tiếp
À, nhưng thật ra chúng ta không bỏ phố về rừng. Chúng ta chỉ đem cái thói quen, sinh hoạt và nếp sống ở phố xá về nơi thôn quê mà thôi. Chúng ta có thể chán ngấy sự căng thẳng, áp lực và không lối thoát của cuộc sống chốn phồn hoa, mà nhất thời muốn rời bỏ nó, đừng tự ti, giới trẻ Trung Quốc hàng trăm triệu người cũng đang bị vấn đề này, họ bế tắc gấp chúng ta nhiều lần.
Thật ra, cuộc sống ở thành thị vốn không phải dành cho số đông, nơi có sự cạnh tranh và loại bỏ liên tục sự không phù hợp. Và đương nhiên, cuộc sống nơi chốn thôn quê, rừng xanh với hoạt động nông nghiệp cũng không dễ dàng gì cho lắm. Mọi việc cần sự chuyển tiếp, cần sự thích nghi từ từ và mọi việc cần một lộ trình.
Đời sống ở vùng nông thôn, ngoại thành hay nơi rừng xanh vốn dĩ là những trải nghiệm. Đời sống cần phải biết "tri túc", nghĩa là biết đủ và hướng đến các giá trị tinh thần bền vững. Xin nhắc lại ở chỗ này, đời sống tinh thần bền vững nghĩa là có chí hướng thật sự cần môi trường ở miền quê để phát triển một khía cạnh nào đó của tính cách, tâm linh chứ không nên trốn tránh thành phố mà về đây.
Bởi sự thiếu thốn, khó khăn, buồn tẻ có thể là liều thuốc độc cho những tâm hồn đã quen với sự náo nhiệt, sôi động của thành phố. Sự thay đổi đột ngột này, tự nhiên sẽ tạo cho chúng ta thêm chán chường và ngán ngẩm miền quê cảnh đẹp, rừng xanh yên tĩnh sau một thời gian "ngộ nhận" cả.
Sống thì được rồi, từ từ sẽ thích nghi
Vùng thôn quê bây giờ, thường là nơi của những người già lớn tuổi, hoặc các bậc trung niên không hợp với lối sống đô thành. Xu hướng già cỗi hóa nông thôn thật đáng lo ngại và việc kéo dãn một tầng lớp trẻ về đây để sinh sống, phát triển kinh tế địa phương là điều chắc chẵn sẽ được bàn tới.
Sống thì được rồi, từ từ sẽ thích nghi. Nhưng sống ở đó làm gì để có chi phí trang trải thì lại là một vấn đề. Đó không chỉ là vấn đề kinh tế nông thôn, mà nó còn là môi trường và văn hóa, giáo dục nữa.
Đó là lý do, vì sao phải phát triển có nền tảng "cộng đồng" là như vậy. Một hộ phát triển một sản phẩm nông nghiệp, một dịch vụ du lịch thì không ăn nhằm gì cả, nhưng nếu đó là cả một cộng đồng vài trăm người, cả ấp, cả làng hay cả xã thì đó lại là câu chuyện khác.
Bỏ phố về rừng là câu chuyện hòa quyện, thích nghi và cải tạo, nâng cấp cộng đồng nông thôn hiện hữu và tạo điều kiện cho nó tái thiết, mở rộng thêm việc chào đón các thành viên mới. Điều đó có thể bắt đầu với vài cá nhân, vài nhóm người mang tính "động lực" khai phá, nhưng nhất thiết mục tiêu cuối cùng vẫn là sự phát triển "cộng đồng".
Cần phát triển nông thôn
Những nhóm động lực này ở đâu ra, nếu không phải xuất phát từ những "cộng đồng" những người cùng quê hương, những người chung sở thích, những người có cùng chí hướng, kiên định cho một vùng đất, những người nặng tình, sâu nghĩa với miền quê nào đó, văn hóa nào đó.
Họ đều là những người có tri thức, có tổ chức, có tiềm lực và đều là đang ở "đô thị" cả. Xuất phát điểm là ở đó. Muốn phát triển nông thôn, cần nguồn lực là đô thị.Tại sao tôi lại đặt vấn đề này vào thời điểm này?
Bởi vì, việc phát triển nông thôn thực ra là trách nhiệm của các nguồn lực trẻ từ đô thị, đừng nhầm lẫn những việc phát triển nông thôn chỉ là đô thị hóa theo kiểu bê tông xóm làng hiện nay, mà việc phát triển nông thôn mới là tạo điều kiện tái thiết lại một nền kinh tế, du lịch, môi trường nông nghiệp với nòng cốt là lực lượng trẻ.
Chỉ bằng cách thay đổi tư duy, hướng đến đối tượng phục vụ và thực thi trọng tâm là tầng lớp tri thức trẻ, nhiều hoài bão và ước mơ, năng lượng như hiện nay. Bỏ phố về rừng nó không phải là khẩu hiệu chứa nhiều cảm xúc, ước mơ mà nếu được xem xét nghiên cứu đầy đủ, nó tạo ra một nền kinh tế nông nghiệp trẻ với giá trị hàng tỷ đô la trong tương lai. Nông thôn không cần quá nhiều thứ, nhưng cộng đồng mà nó sanh ra lại là những nhóm người cố kết và có nhiều điểm tương đồng.
Về rừng, có phải xu hướng hợp thời?
Liệu rằng đây có phải là xu hướng hợp thời? Câu trả lời là đúng như vậy. Khi phần lớn các công việc liên quan đến văn phòng, giấy tờ và điện tử không nhất thiết phải đến văn phòng, khi mọi thứ mua sắm cũng không thiết đến siêu thị, và giáo dục cũng được học trực tuyến thay vì đến trường. Thì việc sở hữu một căn hộ chật chội, đông đúc ở khu đông dân cư không thể so sánh với cuộc sống về vườn có những ngôi nhà nông thôn với mảnh vườn xanh mát và yên tĩnh.
Đây cũng có thể sớm là một xu thế chung không chỉ của việt nam, mà có thể là của Đông Nam Á và toàn cầu. Khi nền kinh tế được tự động hóa, số hóa và các quy trình vận hành của xã hội không quá phụ thuộc vào sự có mặt bắt buộc của con người, thì sự lựa chọn giữa các môi trường sống và chất lượng sống được xem là tiêu chí quan trọng.
Và không phải ngẫu nhiên, hàng loạt các chiến lược lớn toàn cầu của các quốc gia phát triển đều đang hướng đến các chiến lược phát triển kinh tế bền vững với môi trường, lấy sức khỏe của môi trường làm tiêu chí phát triển.
Hiện nay, chúng ta mới chỉ chớm nở ở bước đầu của quá trình này, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trọng trách được chuyển giao cho thế hệ trẻ năng động và có tầm nhìn, trách nhiệm với xã hội, môi trường.