Rời phố về quê khi còn trẻ, nên hay không nên?

Thứ ba - 07/09/2021 22:33

Bạn muốn rời thị thành về nông thôn khi vẫn còn đang trẻ tuổi, nhưng mơ hồ về mong muốn, khát khao của đời mình, hay thậm chí là không tường minh mục đích của việc về thôn là gì? Hãy lắng nghe câu chuyện và những lời khuyên chân thành từ tác giả Kim Phùng Thủy.

song o que nen khong
Có nên về quê khi còn trẻ? Ảnh: Tâm An



Chỉ là cảm thấy quá mệt mỏi, chán chường với lối sống thành thị, môi trường ô nhiễm, chật chội. Mức sống đắt đỏ, chật vật, thu nhập không đủ cao, nhiều áp lực và lòng người thì quá phức tạp. Cho nên cần sự thay đổi lớn lao nào đó và rời thành phố để đến một nơi nhiều bình lặng, trong lành có vẻ là một lựa chọn không tồi? Không sao cả, sự thay đổi trong đời sống mang tính tất yếu. Quan trọng là đời thay đổi bạn hay bạn thay đổi đời.

Bao nhiêu là trẻ? Mặc dù tuổi tác không làm nên giá trị con người, nhưng xét trên góc độ trải nghiệm và quá trình tiến hoá gắn liền với thời gian, thì chưa đến 30 năm sống có thể được xem là trẻ tuổi đời, trong ý niệm của tôi.

Người đã có gia đình và nền tảng nghề nghiệp chuyên môn khi muốn đưa gia đình chuyển cư là một phạm trù khác nhiều so với một bạn trẻ muốn thay đổi môi trường sống, kiếm tìm điều mới mẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn thấy lối đi và biết điểm đến. Nếu bạn bởi niềm đam mê mãnh liệt với thiên nhiên và yêu thích nông nghiệp mà chốt chèo rời thị về thôn để hiện thực hoá khát khao, bài viết này không đang nói đến bạn. 

Một số điều tôi muốn đề cập với hy vọng ai đó sẽ có thêm góc nhìn và nguyên liệu để suy xét trong khi đang băn khoăn với ý định rời thị về thôn, mà cảm thấy như mình chẳng biết thế nào để đưa ra quyết định tiến hay lùi. Rồi ý muốn cứ bỏ ngỏ, theo thời gian trôi đi.

 

1. Nghĩ quá nhiều và làm quá ít


Tôi biết một người bạn, có rất nhiều những ý tưởng hay ho và thậm chí hiểu khá tường tận về phạm trù đó. Tuy nhiên, chưa từng thành công trong việc hiện thực hoá bất kỳ ý tưởng nào. Bạn ấy vẫn đang ngày qua tháng lại làm một giáo viên người Mỹ dạy tiếng Anh ở Việt Nam.

Chúng tôi thi thoảng nói chuyện, mỗi cuộc kéo dài 2h - 3h bởi những chủ đề như kinh doanh quán cà phê, hình thái nông nghiệp, làm nông trại dế để sản xuất bột protein hay thậm chí khai thác bitcoin…

Một người luôn hiếu kỳ và biết cách đặt câu hỏi nhưng có lẽ đã hành động quá ít cho những ý tưởng của mình. Bạn ấy vẫn hay dùng thái độ tự mỉa khi thú nhận về việc mình nghĩ rất nhiều, nhưng chẳng xúc được thứ gì tiến. Tôi vẫn luôn yêu quý bạn ấy, bởi sự thành thực và hiểu biết. 


 

ve que hay khong
Cần nói và làm mới mong có kết quả tốt. Ảnh: Tâm An


 

2. Lãng phí thời giờ và cơ hội


Năm tháng trẻ tuổi dồi dào sinh lực là để lao động cật lực trui rèn bản thân, dắt túi cho mình đôi ba kỹ năng xài được, mài ra tiền được để nuôi thân. Và đặt biệt, để không quá phụ thuộc vào duy nhất một loại hình công việc. Còn gọi là đa-kỹ-năng. Và cũng nhờ quá trình phấn đấu đó bạn có cơ hội khám phá, nhận ra điều mình thực sự yêu thích, đam mê, hay thậm chí là tích luỹ được một số vốn không tồi.

Bởi có quá ít kỹ năng, bạn thiếu chủ động và năng lực nắm lấy cơ hội phát triển bản thân vượt trội. Đến một giai đoạn sự hoang mang, bối rối ập đến cùng những mơ hồ, bất mãn. Thực ra không phải với cuộc đời, mà là với chính mình. 

Những điều này có ý nghĩa gì? Chúng khiến bạn thiếu tự tin và nền tảng (kỹ năng sống và tài chính tích luỹ) để khi đứng trước những lựa chọn, không đủ mạnh dạn đưa ra quyết định một cách rõ ràng, kiên quyết và dám chịu trách nhiệm với tất cả mọi thứ xảy tới sau đó. Đó có thể là lý do dù bạn nghĩ là mình muốn rời thị về thôn, nhưng cái ý muốn đó cứ lưng chưng, mờ ảo như một bóng ma ám ảnh bạn vào buổi đêm.


 

ve que song hay khong
Đừng lãng phí thời gian cơ hội. Ảnh: Tâm An


 

3. Không có lập trường


Một vài quan điểm ít màu hồng lập tức có thể khiến bạn ý định lung lạc, tư tưởng còn có phần loạn cào cào. những chuyện lông gà vỏ tỏi có thể lấy đi của bạn bao nhiêu năng lượng.

Bạn hiểu biết quá ít về mong muốn và ý định của bản thân. Đó là lý do bạn dễ bị tác động, dễ bị tổn thương và thậm chí ý chí có thể bị quật ngã bất kỳ lúc nào.

 

4. Không biết trân trọng những gì mình đang có


Đây là thái độ rất phổ biến của phần đông con người. Bất mãn với hàng tỷ thứ một cách bền bỉ. Trạng thái hài lòng lại vô cùng chóng vánh, dễ dàng bay biến trong tích tắc. con người nhiều khi cũng là sinh vật bội bạc.

Cái thành phố dung dưỡng, chứa chấp mình nhưng mình lại ít khi nghĩ tới việc cống hiến, vun đắp khiến nó trở nên đẹp đẽ. Người ở đây, còn tâm trí mơ hồ về chốn bình yên đẹp đẽ nào đó, mà cũng không thực sự biết mình cụ thể hướng về cái gì, nơi nào. Chỉ là cảm thấy cái hiện tại này sao mà chịu đựng, sao mà chết tiệt, phải chi có thể chạy thoát khỏi nó để tới nơi nào đó khác. Chứ không phải là đối diện, thành thực, và tìm giải pháp để đạt được trạng thái đáng hài lòng hơn.

Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy tình trạng này hệt như một anh chồng/cô vợ chán chê bạn đời mình sau chừng đó năm chung sống. Cứ về nhà là tụt hết cảm xúc, đầu óc chạy ong ong dáng hình người đồng nghiệp nóng bỏng hay cô vợ/anh chồng nhà hàng xóm. Hễ có dịp nói tới, kiểu gì cũng xả phanh so sánh, hơn thua, hằn học tới nóc. Nhưng không có hành động nào cho thấy đang nỗ lực cải thiện tình hình. 


 

song o que
Hãy trân trọng những gì mình đang có.


 

5. Điều cốt lõi là ở bản thân mình


Tôi muốn lặp lại góc nhìn đã đề cập ở bài chia sẻ trước. Nếu bạn còn tương đối trẻ, tài sản, kỹ năng tích luỹ chưa nhiều, đừng nên nhìn nhận về nông thôn theo góc độ là chán chường, mệt mỏi mà xa lánh thế nhân, bình yên nhàn hạ sống rồi biết đâu sẽ đắc đạo như cao nhân trung cổ.

Ai cũng ngoài hít thở đều cần ăn uống tiêu xài. ai cũng mấy phần sân si, hỷ nộ ái ố. Ai cũng mong cầu một môi trường sống tốt đẹp, lành hoà, đáng quý. Điểm mấu chốt ở chỗ bản thân mỗi người làm gì để biến nơi mình sống trở nên đẹp đẽ, đáng giá. Chứ không phải chạy khắp nơi tìm kiếm một nơi đẹp đẽ, đáng quý sẵn để sống rồi tàn phá nó từng ngày, bằng sự thiếu hiểu biết của mình.

 

6. Nếu mệt quá, thì tạm ngưng lại


nghỉ ngơi, xách gói lang bạt ít ngày, ít tháng cũng được. Về vùng nông thôn càng tốt. Tìm một nơi nào bạn có thể sống như một công dân của thôn, chứ không phải một hành khách du lịch.

Biết đâu sẽ cho bạn thêm nguyên liệu và sự hiểu biết thực tế hơn về đời sống ở nông thôn. Biết đâu khi đó bạn lại đủ can đảm quyết tâm tiến hoặc lùi, và dụng một tâm thái đúng đắn với nơi mình đang sống.

 

Tác giả bài viết: Kim Phùng Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây