Bỏ lại gì, mang theo gì khi bàn chuyện bỏ phố về rừng?

Thứ bảy - 25/09/2021 21:59
Chủ đề này được đề cập trong bài đăng thảo luận của một vị trong nhóm, tôi không nhớ rõ, nhưng đây là điều mà tôi lưu tâm từ khi về quê sống. Góc độ cá nhân, tôi không thích dùng cụm từ này. Bản thân nó không có vấn đề, nhưng nó lại thành tiền đề dễ khiến nhiều người hiểu lệch lạc.
ve que song tot
Phố chưa từng thuộc về chúng ta và rừng cũng thế!


Chúng ta không bỏ phố, mà cũng chẳng về rừng


Phố chưa từng thuộc về chúng ta để mà từ bỏ, chúng ta vốn chỉ là kẻ nương tựa và rời đi khi cần. Rừng cũng không còn bạt ngàn đấy để chúng ta muốn thì về tung tăng hưởng thụ. Nếu có về, cũng không phải để với rừng mà là về để gây rừng.

Nếu để ý bạn sẽ thấy mọi người hay nói lên phố, đi lên phố, đi lên thành phố. Xét trên phương diện địa lý cách nói này khá ngược, thành thị phần đa nằm ở vùng bằng phẳng, thấp hơn so với nông thôn, núi đồi. vậy tại sao lại luôn nói đi lên? 

Bởi trong ý niệm của phần đông con người, cuộc sống phố thị là nơi nào đó cao xa, cao cấp, phát triển, tốt đẹp hơn so với nông thôn theo hướng hiện đại hoá. Từ ý niệm đó, dần dà người ta phát sinh tâm lý sính đô thị, chê cuộc sống nông thôn (sau này thêm sính ngoại chê nội) bởi cho đó là thái độ của kẻ tiến bộ, thức thời. Cho đến một giai đoạn, cũng bởi tâm lý này người ta chê bai, kỳ thị những người có ý muốn rời thị về thôn. Bản thân người muốn rời thị về thôn cũng băn khoăn có vẻ như mình đang từ bỏ thứ gì tốt, để đổi lấy thứ gì không đủ tốt.

Hoàn toàn không. Chúng ta chỉ là những cư dân trên trái đất, như bao loài khác. Tìm kiếm và lựa chọn nơi phù hợp để sinh sống. Cũng như lũ cá thì không lên bờ bụi, chim chóc thì không xuống sông ở, đám khỉ cũng không đào hang… Vốn dĩ là sự phù hợp với từng cá thể một cách rất cá nhân và bình đẳng. không có sự hơn, kém trong sự lựa chọn. Chỉ là con người tự huyễn hoặc mình.


 

ve que hay khong
Dù sống ở quê hay phố chúng ta vẫn là chính mình. Ảnh: Mộc Miên


 

Từ phố về quê là quy luật


Bất kỳ trạng thái nào khi đạt đến đỉnh điểm đều sẽ bão hoà và chuyển tiếp. Lối sống và sự lựa chọn của con người cũng vậy. Dòng người từ nông thôn vì hy vọng tương lai, sinh kế mà lũ lượt đưa nhau đến thành phố. Thì cũng có một cơ số người cảm thấy chán ngán hoặc bởi hiểu được sự căng phồng của vấn đề khi có quá nhiều người dồn đến, mà lựa chọn làm kẻ rời đi.

Sự phân bổ hai chiều này chưa dám nói sẽ tốt cho nông thôn, nhưng ít nhiều có thể tiết giảm áp lực cho thành thị. Một vòng tuần hoàn, có quy luật chung - riêng, không thiếu cũng chẳng thừa, không xấu cũng không tốt. mà vốn dĩ như vậy.

Chế độ phong kiến và xã hội bao cấp đưa phần đa con người vào cảnh bần nông cơ cực, phục vụ cho một nhóm người còn bản thân làm mãi không thấy dư ăn. Nỗi ám ảnh đói kém, thiếu thốn còn hơn con ma, nó bám riết. Để rồi rất nhiều lớp người dụng nỗ lực cả đời để đưa thế hệ tiếp theo của mình rời khỏi. Rời khỏi nông thôn là bỏ lại bần hàn, cơ cực. đó là lý do vì sao khi nói tới trở về nông thôn, người ta hãi hùng, kinh sợ bởi những nỗi ám ảnh đã xưa cũ.

Nhưng nhiều người cũng không đủ hiểu, thời cuộc lúc này đã khác. Ở nông thôn không phải luôn lam lũ, khổ cực. Người làm nông nghiệp cũng không là nô dịch, dốt nát, quê mùa. Sự khác biệt về tư tưởng và tuổi tác - gắn liền với những thay đổi bối cảnh lịch sử, xã hội tạo nên những lỗ hổng trong hiểu biết của mỗi cá nhân và giữa các thế hệ với nhau. Từ đó khởi sinh những ám thị mơ hồ, kỳ thị phiến diện, cực đoan.

Trong một lần tranh luận căng thẳng, tôi đã hỏi phụ huynh, hơn hai mươi năm sống tôi chưa từng hổ thẹn vì cha mẹ mình làm nông. Vậy tại sao hôm nay họ lại phải cảm thấy xấu hổ về khát vọng của con mình khi nó muốn tự chủ trên mảnh đất gia đình đã bao năm gầy dựng?

Cũng trong một lần bạn ghé chơi nhà, lần đầu tiên tôi nghe mẹ nói, bà vốn tưởng sống ở thành phố, làm việc văn phòng rất nhàn hạ, sung sướng, đâu có biết lại cũng vất vả, căng thẳng, áp lực. Thành thử khi con nó muốn làm nông nghiệp mới hết mực can ngăn, phản đối. Tôi thành thực, bởi trước nay đã lựa chọn im lặng về những khó nhọc đã đi qua trong suốt những năm xa nhà. Bởi khác biệt về lối sống và khoảng cách địa lý mà không muốn lan truyền sự lo lắng. Chỉ là chấp nhận dấn thân để trưởng thành.

Nhưng có lẽ, cũng đã góp một phần vào việc khiến họ nhìn sự đời một mặt, để họ nghĩ rằng, người sống ở thành phố toàn hoa chứ không có lệ.


 

ve que
Chúng ta không hổ thẹn vì cha mẹ làm nông dân, tại sao họ hổ thẹn khi con cái về quê?


 

Mọi thứ là sự lựa chọn


Không ai có thể chọn một vài và có tất cả. Sự cân đo đong đếm chỉ nên được áp dụng trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng. Một khi đã quyết, chúng ta nên tận cùng với nó. không phải nhắm mắt lao đầu phó mặc mọi thứ. Mà là không nuôi dưỡng thái độ nửa vời hoặc bị ảnh hưởng bởi sự so đo, hơn thua với những lựa chọn đã được loại bỏ trước đó của người khác. Cần tận tâm tận lực với sự lựa chọn của mình để đạt được đích đến mong cầu. Tôi nghĩ đây là thái độ tiên quyết cần mang theo, cho dù đi bất cứ đâu.

Nếu bạn chọn một điều là để tránh né một điều, mà chưa thực sự đối mặt, giải quyết thì là bạn đang trốn chạy. Trốn chạy khỏi sự yếu kém của bản thân và bất lực trước hiện thực. Thứ bạn bỏ lại là vấn đề tồn đọng. Thứ bạn mang theo là thái độ sống thiếu đúng đắn và trách nhiệm.

Cho dù bạn đi đâu, bản chất vẫn sẽ không khác đi. Cái khác đi chỉ là không gian, bối cảnh, con người. Còn cốt lõi lại nằm ở nơi bạn. Điều này cũng giống như việc bạn vì bất mãn với đồng nghiệp/cấp trên hoặc tình trạng tiêu cực nào đó mà thôi việc ở công ty và mang theo cục ấm ức trong mình.

Nhưng bạn chưa từng thực sự tìm mọi cách có thể để đưa vấn đề ra ánh sáng, giải quyết và cải thiện tình hình. Bạn cho rằng mình không thể làm gì được trong khi bạn chỉ vừa mới đem chuyện này ra nói với đứa đồng nghiệp trong nhà ăn, thì bị nó nhét cho mấy hậu quả nếu bạn lên tiếng, bạn đã co rụt lại và nuôi dưỡng sự ức chế trong mình. Cho đến một ngày bạn quyết định bỏ chạy và nhìn lại với những chê bai, hờn trách. 


Chúng ta có phải cứ nên là người vui vẻ với phố thị của người, tôi hạnh phúc với núi rừng của tôi. Quan trọng là, với những gì được ban tặng, mỗi người làm gì để khiến cho cuộc đời mình có ý nghĩa và nhiều niềm vui. Để dù sau cùng thế nào, có không thành công thì cũng là bằng lòng.

Xem thêmRời phố về quê khi còn trẻ, nên hay không nên?

 

Tác giả bài viết: Kim Phùng Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây