Trong phạm vi 1 bài viết dưới 2.000 chữ, mình chỉ nói về khởi đầu của buôn bán nhỏ ở quy mô gia đình mà thôi. Để hình thành một doanh nghiệp thì phải cần nhiều yếu tố khác. Tuy vậy, nếu "kinh qua" được bước này, thì sẽ có nền móng bền vững cho doanh nghiệp (nếu muốn).
Muốn có đầu ra tốt, nếu sản phẩm có thể để được lâu (như đã gợi ý từ các bài trước), thì dễ nhất là bán lẻ.
Việc bán lẻ tốt nhất được bắt đầu bằng cách bán cho... người thân và bạn bè. Tất nhiên, hãy chọn lọc những người có thể thích sản phẩm của bạn. Một người bà con trung lưu có ý thức về đồ sạch ở thành phố chắc chắn sẽ hoan hỷ khi được tặng một chai nước trái cây hơn một người giàu có ở quê, vườn đất ê hề, trái cây mùa nào thức nấy. Một người bạn văn phòng sẽ dễ dàng chi ra vài trăm ngàn cho một món đồ sạch, hơn là một người làm công nhân. Một người phụ nữ có gia đình sẽ để ý đến đồ sạch hơn là một người đàn ông độc thân.
Bằng cách này bạn sẽ có một "data" khoảng vài chục khách có sẵn. Ít cũng được, nhưng phải là khách hàng giàu tiềm năng. Và bạn sẽ... bay vèo đợt hàng đầu tiên cho việc... tặng. Đừng tiếc. Bạn chẳng mất gì nhiều: từ gieo trồng đến thu hoạch, chẳng phải các bài trước đã gợi ý cách làm ra sản phẩm với chi phí tối thiểu sao?
Và việc buôn bán thực sự bắt đầu khi bạn làm đợt hàng thứ 2. Nếu đợt hàng đầu tốt, giá cả hợp lý, bạn sẽ có được sự ủng hộ vào đợt này.
Cứ thế, mỗi khách hàng được chăm sóc tốt. Họ sẽ mang lại cho bạn vài ba khách. Và đừng bao giờ để mất lượng khách hàng ban đầu này. Bạn sẽ phải dùng đủ mọi "chiêu" để "dụ" bạn bè của họ để nâng lượng khách hàng lên con số vài trăm.
>>>Xem thêm các bài viết Về quê làm gì TẠI ĐÂY
Bạn nên liên kết với vài người bạn cùng chí hướng. Điều tiên quyết là đừng "đạp chân" lên nhau. Chẳng hạn như mình làm mặt hàng xà bông, thường liên kết với anh bạn làm tỏi đen và cô em làm bột nêm nấm (hình minh hoạ).
Vấn đề là phải "chọn mặt gởi vàng" cho được, vì sản phẩm của bạn tốt, thì không lý gì lại bị mặt hàng kém chất lượng của đối tác làm cho mang tiếng. Cho nên ngoài việc góp ý, nhận xét, đánh giá... về sản phẩm; những "bí quyết" về bao bì, đóng gói sản phẩm, và cách quản lý sao cho tối ưu hoá được lợi nhuận từ đó có điều kiện nâng cao được chất lượng sản phẩm - là điều nên san sẻ.
Và cũng nên thay mặt khách hàng để giám sát đối tác về chất lượng sản phẩm. Đối tác mà làm ăn gian dối, khuất tất... thì sẽ dẫn cả nhóm xuống hố.
Vì vậy, việc phân công về mặt hàng có thể được làm từ sớm. Người thì làm nước loại này, người là nước loại kia, người thì làm nước lên men, người thì làm kompot, người thì làm puree. Với vài chục, thậm chí hơn trăm món đã được gợi ý từ bài trước; nhóm bạn nên có sự phân công rạch ròi.
Và sau khi cùng thẩm định, và góp ý cho nhau về chất lượng, nên tách ra để mỗi cá nhân tự làm theo bước 1 để phát triển độc lập. Hãy quy ước với nhau về số lượng khách hàng mà mỗi cá nhân cần phải đạt, trước khi "gộp" lại để chia sẻ lượng khách. Ví dụ như nhóm có 4 người. Sau 1 năm mỗi người được 500 khách, thì tiến hành chia sẻ. Như vậy đến năm thứ 2, sẽ có 2.000 khách hàng "dùng chung". Vì không "giẫm chân" lên nhau, điều này tương đương với mỗi cơ sở sẽ có 2.000 khách. Số khách ban đầu của mỗi người càng lớn, thì sau khi chia sẻ, sẽ được con số càng lớn theo cấp số nhân.
(Sẽ có bạn hỏi, "chia sẻ khách hàng" là như thế nào? Đó đơn giản là giới thiệu sản phẩm hoặc bán sản phẩm của nhau. Ví dụ mình bán xà bông, nhập thêm hàng tỏi đen và bột nêm nấm để bán giùm bạn (chỉ lấy chi phí giao dịch cho mỗi sản phẩm). Khách hàng sẽ rất vui khi có thể mua kèm để đỡ tiền ship. Và bạn biết không, sẵn tiện họ sẽ mua nhiều hơn, vì thế doanh thu các món đều tăng mạnh).
Như đã đề cập, tránh "đạp chân" lên nhau là điều cần thiết để duy trì nhóm. Nhưng cũng không nên kết hợp các mặt hàng (/ ngành nghề) xa nhau quá. Ví dụ như nước lên men và... may mặc (hehe). Chúng có rất ít đặc điểm chung để đảm bảo khách hàng thích món này và đồng thời thích thứ kia. Vì vậy sẽ không hiệu quả khi kết hợp kiểu như vậy.
Làm theo cách chia sẻ khách nói trên, nếu đạt 2.000 khách, thì có thể xem như đạt trạng thái bão hoà.
Khi khách bão hoà, việc kết hợp "đổi khẩu vị" cho khách bằng cách thêm các mặt hàng ngoài nước trái cây (lên men, kompot, puree) như làm mứt, sấy khô... là một giải pháp cần thiết. Nó giúp hộ gia đình (thậm chí là cơ sở nhỏ) "sống sót" qua giai đoạn ban đầu.
Các bước trên, tuy lượng khách hàng "lên chậm", song bền vững so với nhiều cách khác. Với số lượng khách ban đầu khoảng 2000, theo thời gian, các kênh facebook, youtube, v.v. sẽ giúp lan toả hiệu quả, miễn là sản phẩm tốt và dịch vụ chu đáo.
Và khi lượng khách tăng đến khoảng 3.000, sẽ xuất hiện nhiều cơ hội bán sỉ và lập đại lý. Cần tận dụng điều này để tăng khả năng phát triển cho cơ sở.
Đây là tất cả những kinh nghiệm "thực chiến" của mình trong suốt 5 năm qua. Hy vọng sẽ mang đến cho mọi người những điều bổ ích.
Xin cảm ơn đã theo dõi và chúc mọi người thành công.
Xem thêm: Về quê nên trồng cây gì? Trong bao lâu?
Tác giả bài viết: HÀ NHẬT TÂN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024