Chị Mai Đỗ là một trong những người rời phố về quê gần một năm nay. Và khi nhìn lại quyết định này, chị cho biết mình nhận được nhiều thứ quý giá trong cuộc sống. Dưới đây là câu chuyện của chị Veque trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Không khói bụi, không tắc đường, không xô bồ và ồn ã.
Nhà tôi chuyển về quê được 4 tháng rồi. Căn nhà này đến với gia đình mình sớm hơn dự định, tuy rằng trong nhật ký mình đã vẽ ra nó từ lâu (một ngôi nhà tràn đầy hoa cỏ, ánh nắng, tiếng trẻ thơ, thơm mùi hoa hồng và hương sen, nhà có sỏi, có đá, có màu vàng của ánh sáng bình an và màu xanh của lá ).
Mình nghĩ thì cứ mơ vậy thôi nhưng chắc còn lâu nữa để về vườn sống. Tuy nhiên dịch Covid đã cho mình cơ hội để chuyển toàn bộ công việc của mình sang làm việc trực tuyến, mình trở nên ít phải ra đường và di chuyển, và không quá cần thiết phải ở thành phố đông đúc và đầy năng lượng căng thẳng.
Mình không biết có nhóm Bỏ phố về quê đông tới vậy, cho đến khi một chị bạn bảo có nhóm như vậy, đông rần rần. Năm ngoái, mình có hỏi cậu cháu tìm cho mợ một mảnh đất ở ngoại thành, vào tháng 10/2020, chưa biết sẽ ở đâu nhưng mình có quyết định và nói với anh xã “mình cần chuyển nhà chồng ạ”. Lúc đó mình nghĩ sẽ chuyển lên khi Tây Hồ hay khu nào đó thoáng hơn, nhưng như luật hấp dẫn vậy, căn nhà này đến với vợ chồng mình. Nhà mình mất 3 tháng để sửa nhà và về ở vào dịp tết. Từ Hà Nội về đây là 70 km, khoảng 2 h đi xe.
Lý do năm 2020 là một năm có nhiều vấn đề về môi trường tại Hà Nội khiến bản thân mình phải suy nghĩ cho sức khoẻ của người thân (gia đình có em bé và người già): Bụi mịn, cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông mình vẫn nhớ tối đó em bé (1 tuổi) khóc ré cả đêm (con mình trước đó không bao giờ khóc đêm), hôm sau biết tin cả nhà phải sơ tán về quê, sau đó là vụ nước sạch Hà Nội ( đến lúc người Hà Nội mới tá hoả trước nay toàn dùng nước bẩn, bụi mịn thì đến cái mức đo nồng độ bụi trong phòng cũng ở ngưỡng nguy hiểm, dân Hà Nội thôi thì sống chung với bụi mịn, một số phớt lờ, không thèm quan tâm, kết quả thì khỏi nói: các khoa hô hấp thì đông nghịt bệnh nhân...
Và một vấn đề nữa là đến một ngày tôi tá hoả nhận ra bà đưa em bé đi chơi nhưng chỉ là ra hàng xóm chơi, nhưng hàng xóm này trông con bằng tivi, sáng tivi, chiều tivi. Vì ở thành phố bà chẳng muốn đi đâu cả, ở nhà bà luôn chân luôn tay nhưng ra thành phố bảo bà đi thể dục quá là khó khăn. Tôi khá suy nghĩ vì sức khoẻ của bà cần vận động (bà bị mỡ máu cao và dư cân). Nếu để tiếp diễn như vậy, cả sức khoẻ và tinh thần hỏng cả cháu cả bà. Con trẻ thiếu không gian chơi.
Ban đầu tôi nghĩ ở thành phố sẽ tốt cho việc học tập của con. Tôi tìm hiểu các phương pháp về giáo dục sớm cho con. Tuy nhiên trong một trương chình đào tạo, tôi may mắn gặp một bà mẹ có 2 em bé, hai vợ chồng rất giỏi giang (mẹ thông thạo tiếng Pháp, anh Tiếng Đức), bé đầu anh chị giáo dục sớm và áp dụng nhiều phương pháp cũng như đóng cả bộn tiền giáo dục cho con rất cẩn thận, tuy nhiên đến một ngày anh chị chấp nhận bỏ hết (cả công sức anh chị dạy cho con) để chữa lành những tổn thương về tâm lý cho con thông qua phương pháp mầm non Steiner (với phương pháp này việc dạy sớm cho trẻ như cà chua xanh chín ép, không nên chạy theo trào lưu ngôn ngữ hay toán học cho trẻ mà cần cho trẻ chơi và tập trung phát triển tâm hồn và vận động của con).
Tôi sực tỉnh ngộ vì trước đó tôi đang bắt đầu tìm hiểu các phương pháp giáo dục sớm cho con: dạy con đa ngôn ngữ, dạy con đọc sớm... và bên cạnh đó là một cuộc đua vô hình dành cho các em bé thành phố đã mở sẵn. Tôi ngẫm lại chính bản thân mình. Tôi không nói tôi thành công nhưng tôi đã tạo lập cuộc sống như mình mơ ước, tôi có công việc mình đam mê, giúp đỡ được nhiều người, tự do và độc lập, có được chìa khoá của hạnh phúc, sức khoẻ và bình an, vậy mà nguy hiểm thật, tôi suýt cuốn theo dòng xoáy của số đông thay bằng cây hỏi: Tôi muốn cho con tuổi thơ như thế nào?
Con không cần trở thành thiên tài để thành công, đó không phải con đường hạnh dẫn tới hạnh phúc. Tôi ngẫm lại tuổi thơ của mình, tôi có thể ngồi ngày này qua ngày khác để kể về tuổi thơ của mình. Tôi muốn con cũng có tuổi thơ xanh mát và trong trẻo, vô tư như tuổi thơ của mẹ.
Sẽ không phải là sáng chen thang máy, chen chân vì tắc đường để đến trường, mẹ con hít đủ thứ khí ô nhiễm độc hại, nhiễm thêm cả cái sự bon chen, căng thẳng (Hà Nội ô nhiễm bậc nhất thế giới - theo Air Visual luôn ngưỡng đỏ và tím - cực kỳ nguy hiểm).
Bây giờ mỗi sáng tôi đưa con đi học băng qua cánh đồng đẹp như tranh vẽ. Tôi đi du lịch nhiều nơi nhưng cảnh đồng quê Bắc bộ luôn cho tôi cảm giác bình yên và thân thuộc, những chú chim tíu tít truyền cành như đuổi theo 2 mẹ con.
Về quê cảm giác thế nào? Sung sướng như chuột sa chĩnh gạo nếu bạn theo trường phái thích cỏ cây hoa lá, rau sạch tự trồng, vài ngàn mét vuông nhà ở cả sân vườn ao, vườn rau, cây ăn quả, mình vừa về đã có sẵn mít xoài đang ra trái.
Về quê có buồn không? Cái này tuỳ tính cách bạn nhé. Mình thì không vì ngày nào chả tiêp xúc học viên qua mạng.
Việc học của con ở quê ra sao? Chưa bao giờ giáo dục lại thế giới phẳng như bây giờ, mình đi theo hướng đào tạo trải nghiệm thực tế cho con hơn là lý thuyết sách vở. Trẻ con bây giờ học nhiều quá, cặp sách đeo vẹo cả cột sống, phân tích đúng ra chính việc dành quá nhiều thời gian học làm hạn chế phát triển thể chất và cảm nhận của con, nhưng có khi hỏi cái cây mồng tơi trông ra sao có khi còn không biết.
Bây giờ gọi là quê nhưng cũng có thiếu gì các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng mềm, võ thuật, âm nhạc... Nhưng mình thấy quan trọng hơn đó là nghề làm cha mẹ, người mẹ tốt hơn người thầy tốt mà.
Mẹ nó (mình) sinh từ quê ra, bằng cấp không thiếu, cũng học sinh giỏi tỉnh, quốc gia, học đủ Nam Bắc, nước trong, nước ngoài, giấy khen treo kín tường, nhưng bây giờ hỏi sóng điện từ với mấy cái ký hiệu tích phân mình cũng chịu chết.
Có lẽ thứ khiến mình hạnh phúc nhất là niềm hạnh phúc của bố khi mỗi năm ông đều được tự hào và treo cái gì đó lên tường. Nên kiến thức chỉ là một phần và rồi ai cũng sẽ quên, thứ còn lại là cảm xúc, trải nghiệm sống, nghị lực và tình yêu thương.
Xem thêm: Rời phố về quê khi còn trẻ, nên hay không nên?
Tác giả bài viết: Mai Đỗ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024