Mình chỉ nói lên những gì từng biết, từng trải qua và gần với số đông những người vừa bỏ phố về rừng. Điều này không phù hợp với các bạn dư giả, hiểu biết, giỏi tính toán và biết chọn lựa lối sống phù hợp.
Theo mình, để bám trụ được ở quê điều cần thiết phải có đất, ruộng, một ít vốn liếng và nhất là, khả năng tính toán, tính chịu khó, chịu gian khổ.
Đa phần những người di cư vào các tỉnh miền Đông Nam bộ đều thiếu một/nhiều trong các điều kiện này. Nhiều nơi ruộng đất ít, mỗi hộ chỉ được vài ba sào, vốn liếng ban đầu không phải ai cũng có được trong khi chi phí sinh hoạt tăng nhanh chóng khi con cái lớn lên. Và gần như lối thoát duy nhất để tồn tại trong xã hội này là chấp nhận bán rẻ sức lao động để đổi lấy đồng lương ít ỏi trong các nhà máy, khu công nghiệp. Một số khác chọn nghề linh hoạt hơn: thợ hồ, giúp việc nhà, bán hàng rong, vé số, buôn bán nhỏ...
Dù bán sức lao động rẻ mạt thì họ cũng kiếm được đồng tiền, ít nhất nuôi sống bản thân, và gởi về giúp gia đình, người thân ở quê ăn học, chữa bệnh, sửa sang ngôi nhà. Chắc hẳn nhiều bạn trẻ thành đạt ở Sài Gòn như kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân... xuất thân từ quê nghèo cũng từng nhờ những đồng tiền mồ hôi nước mắt ma ba mẹ, anh chị kiếm được ở xứ người gởi về.
Quê chồng mình ở Quảng Nam, đất rộng chừng 3 - 4 mẫu nhưng ruộng giờ để người khác làm miễn phí mà cũng có khi chẳng được. Bởi giá lúa quá thấp, cỡ trên dưới 6 ngàn/kg cả gần hai chục năm nay. Trong khi đó, giá phân bón, cây giống, tiền công... đã tăng cả 5 - 7 lần. Càng làm nhiều thì nguy cơ càng lỗ nhiều mà thôi.
Còn chăn nuôi thì cũng bấp bênh không kém. Thời điểm mình về lập vườn ở Phú Thạnh, Nhơn Trạch, Đồng Nai chục năm trước, nhiều nông dân trong xóm nuôi vịt đàn đông cả mấy ngàn con. Nhưng chỉ được vài ba mùa thì cũng dẹp bỏ vì thua lỗ nặng khi giá cắm đầu đi xuống. Bài toán tỷ suất lợi nhuận/ rủi ro nếu ai tính được sẽ thấy nuôi vịt đàn sẽ còn thua xa đánh bạc nữa.
Đơn cử, giá vốn không tính công là 35k/kg và ở điểm 2014 giá vịt thương lái mua chừng 42-45k/kg. Bù qua sớt lại số vịt hao hụt, thì trung bình nông dân lãi chừng 3-5k/kg, tỷ suất lợi nhuận chỉ chừng 10%. Nhưng sau đó thì giá xuống dốc, có lúc chỉ còn 25-28k/kg. Và chỉ qua ba vụ liên tiếp thì người nuôi sẽ mất sạch vốn. Thực tế gần nhà mình có cả chục hộ thua lỗ cả năm bảy chục triệu.
Một số hộ khác nuôi heo cũng không khá hơn nuôi vịt bao nhiêu, vì gần như nguồn thức ăn phải mua và giá đầu ra bấp bênh. Còn nuôi bò thì khá hơn một tý, nếu chịu khó kiểu lấy công làm lời. Siêng cắt cỏ, tích trữ rơm, chăn thả kỹ... để kiếm lời chút đỉnh nhờ nghé con hay chênh lệch trọng lượng ở bò lớn.
Kết cục chung nhất mình thấy được sau nhiều năm sống ở nông thôn là phần lớn những người nông dân bám trụ sau cùng cũng rời bỏ ruộng đồng. Một số xin làm bảo vệ công ty, một số làm phụ hồ và phần còn lại là ngồi nhà và... nhậu lai rai cho hết ngày tháng.
Chỉ rất ít những người biết tính toán linh hoạt và chịu khó, siêng năng thì vẫn trụ được. Chẳng hạn ngoài quê Trung, vào những ngày mùa (rất ngắn) người chồng ở nhà lo xuống giống, thu hoạch. Thời gian nhiều còn lại có thể ra Hội An, Đà Nẵng, thậm chí vào tận Tây nguyên, Đông Nam bộ để làm thợ xây, phụ hồ, bảo vệ để có thu nhập. Vợ ở nhà tranh thủ trồng thêm rau, nuôi ít heo, gà vịt, hay trồng keo lai trên các thửa đất gò đồi...
Hay ở Nhơn Trạch, có anh Cu Nhỏ vẫn bám trụ lại với mấy mẫu ruộng thuê để trồng sen và lúa. Trồng lúa để có gạo ăn, một phần dùng nuôi chục vịt đẻ lấy trứng. Anh chịu khó chăm kỹ chừng 3 - 5 bò mẹ, mỗi năm bán được vài ba nghé con có thêm vài ba chục triệu. Thỉnh thoảng tát đìa kiếm tạ cá tôm đồng. Bên cạnh, chịu khó hái ngó, trái sen vào ngày cuối tuần để vợ mang ra chợ bán. Còn ngày thường chị đi làm công ty điện tử mỗi tháng được trên dưới 7 triệu. Hai vợ chồng quần quật như vậy cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống và lo hai con ăn học.
Một điều mình khá bất ngờ là dù ở quê nhưng chi phí "phải không" lại không hề nhỏ: ma chay, hiếu hỉ, giỗ chạp, nhà mới... liên tục, bởi gần như trong ấp mọi người đều có quan hệ bà con họ hàng với nhau.
Nói chung, làm gì và làm như thế nào trong cuộc sống là điều không thể áp dụng phù hợp cho tất cả các trường hợp. Chỉ là phải lựa chọn phương án tối ưu cho từng hoàn cảnh và sự lựa chọn, phù hợp với mỗi cá nhân.
Tự thân mình không có thói quen phán xét bất cứ ai có cách làm khác, sống khác - miễn không hại người. Bởi cuộc sống, cũng như vạn vật trong vũ trụ, là đa dạng, đa chiều nên mình cũng cần cái nhìn toàn cảnh tương ứng.
Tóm lại mình thấy, sống ở quê không lo đói, nhưng để làm giàu thì thật sự nan giải, đòi hỏi rất nhiều yếu tố đi kèm như mình đã từng chia sẻ.
Tác giả Elisa Nguyen - Veque.com.vn lược đăng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
05.09.2024
30.08.2024
30.08.2024
23.08.2024
22.08.2024