Rời phố về rừng: Đừng tin nhiều quá vào những giấc mơ...

Thứ ba - 20/07/2021 03:31
Chồng mình yêu Đà Lạt, thứ tình yêu của kẻ si tình đã bỏ lại nơi đây vài ba mối tình đầu thơ mộng của thời sinh viên. Vì thế, anh rất hăm hở cho lần di cư này.
ve rung
Về rừng giấc mơ của nhiều người. Ảnh: Nhóm Bỏ phố về rừng

Chưa kể, rất nhiều những cuốn sách đã truyền cảm hứng cho bọn mình thời điểm ấy là Cách mạng một cọng rơm, Gieo mầm trên sa mạc, Nhà Giả Kim, Lối sống tối giản của người Nhật. Cộng với rất nhiều những kiến thức về tâm linh, thiền định. Nó khiến cho bọn mình ôm ấp khá nhiều những giấc mơ về một vùng đất mới. Dĩ nhiên, mình thực tế hơn kẽ lãng du kia. Mình quan sát Đà Lạt nhiều thứ bằng con mắt của kẽ không yêu, không say. Còn chồng mình như người say, nhìn mọi thứ, quyết mọi thứ ở dưới đất, chỉ bằng cách là nhìn lên bầu trời.
 

Muốn sống thuận tự nhiên, dễ không?


Đầu tiên, anh ấy muốn dùng năng lượng mặt trời cho tất cả nguồn điện trong ngôi nhà mới của mình. Mình tính toán và hỏi mọi người đủ biết là không hề dễ dàng. Chi phí để vận hành điện mà không qua lưới điện nhà nước lên đến hơn cả 150 triệu. Số liệu đưa ra rất rõ ràng, nhưng anh ấy vẫn nói là, có thể sẽ có rẻ hơn, để anh tìm. Mình kiên nhẫn đợi trong gần 1 tháng, không hề làm gì? Nếu thời điểm đó mình phản đối gay gắt thì cũng được, nhưng mình thấy không cần thiết, cứ đợi cho anh ấy thỏa mãn với những điều anh ấy mong muốn. (Khổ thân mình, cũng chi 30tr cho dàn năng lượng mặt trời nào đó của ban anh mà 5 tháng rồi không thấy đâu).

Rồi, anh ấy nhìn lên bầu trời và muốn rằng, nhà mình sẽ sống bằng nguồn nước mưa của trời. Thiên nhiên luôn nồng nhiệt và ưu đãi. Mình cũng nhìn lên bầu trời và thấy rằng, có những hôm 3 ngày không có mưa, rồi đến mùa nắng hạn, cả tháng không mưa thì sao. Mình nói, nhưng anh ấy vẫn khẳng định, làm được tất. Thế là anh ấy cũng chẳng tìm hiểu để khoan giếng hay kéo nguồn nước sạch về trong một tháng bọn mình ở không đợi nhà hoàn thiện. Mình thực ra cũng có thể tự làm được, nhưng, mình cũng đợi cho anh ấy thỏa mãn với những điều anh ấy nghĩ.

Thời điểm đó, bọn mình đang ở trọ dưới một farmstay của anh bạn. Thợ hẹn bọn mình tháng 6 giao nhà, nhưng qua đến thàng 7 công trình vẫn đứng im tại chỗ, vì chẳng có ai đi làm cả. Thợ mình kêu là thợ vườn nên ngoài sự thật thà dễ thương và nhiệt huyết với công việc, thì họ vẫn có đầy tố chất của người làm vướn là không quá vội vàng để xong công trình này vầ chạy đua với công trình khác... Họ thong thả nhấm nháp còn bọn mình thì khốn khổ đợi.

Cứ thế bọn mình cứ ngồi chơi xơi nước, tiếp bạn bè ròng rã nhìn căn nhà gần xong mà không thể vào ở vì thiếu những tiện nghi cần thiết mà xót cả ruột. Đến thời điểm, cửa nhà được lắp xong, cầu thang có sẵn, mình lao vào ở luôn, dù vẫn còn thuê 1 căn nhỏ dưới farm. Kiểu như nóng lòng muốn ở nhà mới, hoặc kiểu như đã quá chán cái cảnh ở không dưới kia nhìn lên căn nhà của mình trên này.
vuon rung
Mô hình vườn rừng thuận tự nhiên.

Về rừng khi chưa có gì


Mình về nhà mới khi nó chưa có gì. Gạch chưa lát, toilet chưa xong, điện chưa, nước chưa. Lúc này, mới thấm thía cảnh sống khốn khó mà bọn mình từng ước mơ như trong cuốn sách về rừng nào đó nè. 

Ông xã mình bắt đầu đi chở từng can nước về cho sinh hoạt gia đình. Nấu cơm bằng bếp củi kê vài hòn gạch hẵn hoi nhé! Phòng dưới farm vẫn chưa trả nên tắm gội vệ sinh vẫn có thể tràn xuống dưới. Nhưng, những thời điểm buổi tối mà lỡ đau bụng thì chỉ còn cách là mang xẻng ra phía sau vườn... Chưa kể trời còn mưa vì đang là mùa mưa nên phải mang theo cây dù.

Chồng bắt đầu nhận ra những giấc mơ của anh là hoang dã và lãng du của một kẽ yêu nồng cháy. Anh bắt đầu tìm hiểu về điện và gọi thợ khoan giếng. Thi thoảng, khi mình ngồi giữa một đống hỗn độn trong căn nhà mới mình nói, "nếu anh tìm hiểu trước những cái này trong một tháng ăn chơi thì giờ đã ổn lắm rồi"... Chỉ vậy thôi chứ thực ra mình cũng không muốn kéo anh về với mặt đất.

Ngày điện kéo về nhà niềm vui khôn tả, dù trước đó vẫn được dùng điện ké từ hàng xóm nhé. Thôi, cũng được. Nhờ những ngày chật vật đó mới có niềm vui như thế. Chứ mọi thứ cứ sẵn sàng chắc mình cũng chẳng biết quý đâu.

Rồi nước. Toilet làm xong rồi mà không có nước cũng như không. Gọi thợ khoan giếng thì hẹn năm lần bảy lượt. Rồi đường quá nhỏ quá dốc xe khoan giếng không vào được. Chồng phải cho xe bán tải chở thiết bị qua, bao nhiêu người kéo đến hò reo cùng đẩy xe khoan giếng vào. Thợ khoan giếng thì nhận nhiều công trình, cứ khoan được vài tiếng lại đi chỗ khác. Nhà thì cần nước mà 4,5 ngày khoan chưa xong... Lòng buồn rười rượi. Có những thời điểm, người tâm niệm sống luôn vui vẻ mà cũng phải căng lên với bác thợ khoan giếng, họ mới thắp đèn, đốt lửa khoan đêm để nó nhanh chóng hoàn thành.
song o rung
Mọi chuyện rồi sẽ ổn!

Cuối cùng mọi chuyện đều ổn


Ngày nước về, cảm giác còn vui hơn nữa... Hạnh phúc mênh mang cứ như là cái gì đó cao sang lắm, như kiểu có hợp đồng lớn hay tiền nhiều lắm cũng không vui như vậy. Đôi khi ngẫm lại lại thấy cảm ơn những giây phút lãng du của chồng để mình biết trân trọng cái vốn dĩ rất bình thường ở cuộc sống hiện nay của tất cả mọi người...

Chưa hết nhé. Ở đâu cũng vậy. Ma cũ sẽ luôn có chuyện với ma mới. Những cuộc đụng độ to nhỏ với hàng xóm láng giềng vẫn luôn có. Kiểu như tranh nhau chút đất, rồi khó chịu với nhau cái này cái nọ. Chuyện dài kì nhất có lẽ là con đường bị chặn. Chuyện này cả thế giới đều biết nên mình sẽ không kể nữa. Nhưng, may mắn là sau tất cả mọi cái đều ổn. Giờ gia đình từng chặn đường và nhà mình như người thân. Thi thoảng bà gọi điện nhờ động viên cô con gái, thi thoảng lại cho ít trứng ít quà...

Thế đấy, sau những cơn mưa mùa hạ là bầu trời trong veo  của những ngày cuối năm. Mới đó mà mình cũng đã gắn bó được ở đây 6,7 tháng, 6,7 tháng mà cứ ngỡ như lâu lắm rồi, vì những kí ức về một thời máu lửa ở SG dường như đã quên sạch. 

Núi bắt hơi người và người bắt hơi núi. Lên đến đây, dường như mình cũng đã bắt đâu lây bệnh lãng tử, hay nhìn trời để phán mặt đất của chồng.

Tác giả bài viết: Khánh Mai (Nhóm Bỏ phố về rừng)

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây